Pháp cảnh báo nguy cơ chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ chi 28 tỷ USD tăng cường khả năng răn đe hạt nhân
Châu Âu đối mặt nguy cơ khủng bố lớn nhất trong một thập kỷ
Giáo sư Mỹ cảnh báo sự nguy hiểm của robot giết người
Bảy luận điểm ngụy biện của báo Trung Quốc
Tin thế giới đọc nhanh chiều 20-02-2016
- Cập nhật : 20/02/2016
Mỹ lên án Trung Quốc gây căng thẳng khi đưa tên lửa đến Hoàng Sa
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho hay hình ảnh từ vệ tinh thương mại cho thấy việc triển khai các tên lửa "rất gần đây", trái với cam kết của Trung Quốc rằng không quân sự hóa Biển Đông.
"Trung Quốc nói một đằng nhưng dường như đang làm một nẻo", Reutersdẫn lời ông Kirby nói. "Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào là nỗ lực quân sự hóa này đã dừng lại. Điều đó không khiến cho tình hình ổn định và an toàn hơn. Thực tế, nó đang gây ra tác động trái ngược".
Hôm 17/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho hay Mỹ sẽ có cuộc trao đổi "rất nghiêm túc" với Trung Quốc về vấn đề quân sự hóa Biển Đông.
Trước đó, Fox News dẫn ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã điều các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar được triển khai trong tuần trước. Hệ thống này có tầm bắn 200 km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định theo hình ảnh từ vệ tinh thương mại, Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không đến Hoàng Sa.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các thiết bị phòng vệ đã được lập ra ở "những đảo và đá liên quan" trong nhiều năm và cho rằng thông tin của một số phương tiện truyền thông phương Tây là "phóng đại".
Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin trên nhưng lặp lại rằng Bắc Kinh đã có các hệ thống phòng thủ trên các đảo trong nhiều thập kỷ.
Trong một bài viết cùng ngày, Global Times, một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, kích động rằng Bắc Kinh cần tăng cường "tự vệ" ở Biển Đông trước "những khiêu khích thường xuyên từ quân đội Mỹ".
Mỹ không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về những hành động áp đặt chủ quyền ngày càng cứng rắn của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến tuyến đường giao thương quan trọng toàn cầu.
Bắc Kinh đã bày tỏ sự tức giận khi Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông, trong đó có chuyến bay của hai máy bay ném bom chiến lược B-52 hồi tháng 11 và một khu trục hạm đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hồi tháng trước.
Indonesia tính mua 12 Su-35 từ Nga
Reuters dẫn lời hai nguồn tin hiểu rõ vấn đề cho biết Indonesia đang đặt hàng 12 chiến đấu cơ Su-35 của Nga. Chúng sẽ thay thế cho các chiến đấu cơ F-5 Northrop đã cũ, bổ sung vào phi đội gồm 16 chiến đấu cơ Su-27 và Su-30, hình thành xương sống không quân Indonesia.
Hợp đồng có thể được ký trong một tháng tới, hai nguồn tin nói. Các công ty Indonesia sẽ nhận hợp đồng sản xuất một số bộ phận cho Su-35 và Nga dự kiến lập một trung tâm bảo dưỡng cho loại máy bay này ở Indonesia.
Quan chức từ United Aircraft Corporation (UAC), nhà sản xuất Su-35, từ chối bình luận về vấn đề tại triển lãm hàng không Singapore Airshow. Người phát ngôn không quân Indonesia không bình luận về thương vụ và đề nghị chuyển câu hỏi đến Bộ Quốc phòng.
Các công ty phương Tây như Eurofighter, Lockheed Martin, Saab và Dassault cũng đã đàm phán với Indonesia về việc bán chiến đấu cơ của họ. Tuy nhiên, Indonesia thông báo họ muốn mua thêm máy bay Nga.
Đây là hợp đồng xuất khẩu Su-35 thứ hai của Nga. Trung Quốc ký hợp đồng mua 24 phi cơ trị giá hơn 2 tỷ USD hồi tháng 11/2015.
Indonesia có khoảng 12 máy bay F-16 đời đầu và đang tiếp nhận thêm 24 F-16 đã tân trang từ Mỹ theo một thỏa thuận giữa hai chính phủ năm 2011.
Nước này còn đồng ý tài trợ cho chương trình chiến đấu cơ KF-X của Hàn Quốc, dự kiến phát triển thành công loại máy bay chiến đấu đa nhiệm trong những năm 2020. Jakarta sẽ tiếp nhận khoảng 80 chiến đấu cơ mới thông qua chương trình.
Giới phân tích nhận định Indonesia muốn tăng cường năng lực cho không quân, đuổi kịp các quốc gia láng giềng. Singapore hiện sở hữu lực lượng không quân được đào tạo tốt nhất và hiện đại nhất trong khu vực với phi đội gồm hơn 100 chiến đấu cơ các loại F-5, F-16 và F-15.
Mỹ cảnh báo Nga chớ bán Su-30 cho Iran
AP dẫn lời Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng việc chuyển giao các chiến đấu cơ Su-30, loại tương đương với F-15E của Mỹ, cần được sự thông qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mỹ sẽ nêu vấn đề với Nga, ông Toner nói, thêm rằng tất cả 6 nước tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân mang tính cột mốc hồi tháng 7 năm ngoái với Iran "cần nhận thức đầy đủ về những hạn chế này". Thỏa thuận yêu cầu giữ lệnh cấm vận vũ khí với Iran thêm 5 năm nữa.
Hossein Dehqan, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, tuần trước nói nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ mua một số máy bay Nga. Ông không cung cấp thông tin về thời gian chuyển giao, nhưng nói Iran sẽ tham gia sản xuất máy bay.
Mỹ cũng đang quan ngại về việc Nga chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tân tiến S-300 cho Iran. Thỏa thuận này bị đóng băng năm 2010, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua việc chuyển giao này tháng 4 năm ngoái. Khác với các chiến đấu cơ, S-300 mang tính phòng vệ và không chịu sự điểu chỉnh của bất cứ lệnh cấm nào của Liên Hợp Quốc.
Đàm phán hạt nhân Iran và các cường quốc kết thúc bằng thỏa thuận giới hạn lâu dài chương trình uranium và plutonium của Iran để đổi nới lỏng lệnh trừng phạt, mà nhờ đó Tehran có thể hưởng lợi hàng nghìn tỷ USD
Mỹ phá hủy hơn 500 triệu USD tiền mặt và 20 kg vàng của IS
Mỹ tiến hành các cuộc không kích vào trung tâm tài chính của IS. Ảnh minh họa: intelligencebriefs.com
"Chúng tôi tin rằng IS đã lưu trữ số lượng lớn tiền mặt đó trong các cơ sở bị chúng tôi không kích", ABC News dẫn lời Steve Warren, phát ngôn viên của quân đội Mỹ tại Baghdad, hôm 17/2 nói về ước tính hàng trăm triệu USD của IS đã bị phá hủy. Ngoài ra, 20 kg vàng cũng được tin là đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công.
Trong nỗ lực làm suy yếu nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), quân đội Mỹ đã tập trung tấn công vào mặt tài chính, đặc biệt là "đế chế" buôn lậu dầu của nhóm ở Syria. Từ mùa thu năm ngoái, Mỹ nhắm mục tiêu vào các "trung tâm phân phối tiền mặt".
Mỹ kể từ đó tiến hành 10 cuộc không kích, với hai đợt tấn công đáng chú ý nhất là ở Mosul, bắc Iraq, vào các cơ sở Washington mô tả là "ngân hàng" của IS. Quan chức Mỹ tin rằng các cuộc không kích có tác động đáng kể đến hoạt động của IS, trích dẫn các thông tin nói rằng chiến binh IS đã bị cắt một nửa lương.
Xem thêm: IS thả con tin giá rẻ vì túng tiền
Ông Warren cho biết 5 cuộc không kích gần Mosul cuối tuần này nhắm mục tiêu vào hai trung tâm phân phối tài chính và hai trung tâm dự trữ tài chính của IS.
"Rõ ràng không thể nào đốt từng tờ tiền một", ông Warren nói. "Vì vậy, chắc chắn chúng sẽ kiếm được tiền trở lại. Nhưng chúng tôi tin rằng một loạt cuộc không kích mạnh đó đã khiến ví của chúng xẹp đi rất nhiều".
Toan tính chính trị kiểu thực dụng của Nga ở Syria
Tháng 10 năm ngoái, khi Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, tổng thống Mỹ đã bác bỏ ý kiến cho rằng Nga có thể thách thức sự lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông. Tổng thống Obama từng tuyên bố Nga "đang sử dụng hết nhân lực và quân đội chỉ để cố gắng cứu lấy đồng minh duy nhất đang nguy ngập ở Syria".
Hai tháng sau, khi Nga can dự quân sự sâu hơn ở Syria, ông Obama vẫn không tin chiến lược của ông Putin phát huy hiệu quả và nhấn mạnh rằng "như những gì từng xảy ra ở Afghanistan, ông Putin sẽ tiếp tục bị sa lầy vào một cuộc nội chiến không có hồi kết và không mang lại kết quả nào", theo Stratfor.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng có vẻ như ông Obama đã đánh giá thấp chiến lược của Nga ở Syria, đặc biệt là những toan tính chính trị đậm chất thực dụng của Moscow ở khu vực này. Đối với Nga, chiến trường Syria là mảnh đất để họ tìm kiếm cơ hội, nơi sự tự chủ, lòng kiên nhẫn, và khả năng đánh giá đối thủ cho phép Nga trở lại cạnh tranh ngang ngửa với phương Tây.
Theo bà Reva Bhalla, chuyên gia phân tích chiến lược quốc tế hàng đầu của Stratfor, nền kinh tế lao đao vì giá dầu lao dốc, bất ổn xã hội gia tăng trong nước và việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu là những thách thức lớn với lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, ông Putin đã tỏ ra là một chính trị gia thực dụng lão luyện, với sự tỉnh táo và tài xoay trở khéo léo giúp Nga đối phó được những mối đe dọa lớn.
Trong cuốn "Lịch sử chủ nghĩa thực dụng trong chính trị", sử gia John Bew định nghĩa chủ nghĩa chính trị thực dụng là "đạt được mục tiêu cụ thể bằng mọi phương cách, biết hài lòng với một phần đạt được nếu kết quả hoàn hảo là không thể".Điều này đã được Tổng thống Putin áp dụng triệt để ở Syria. Khi chiến dịch can thiệp quân sự không thể giúp được quân đội Syria giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất và khó có khả năng ngăn chặn sự mở rộng của phương Tây, Nga đã nhanh chóng thích nghi với những thực tế bất lợi và áp dụng chiến lược hợp lý để đạt được kết quả có lợi khi cơ hội đến.
Bằng các cuộc không kích dữ dội, tạo điều kiện cho quân đội chính phủ Syria và đồng minh bao vây thành phố chiến lược Aleppo của quân nổi dậy, Nga đã tung một đòn khiến cả Mỹ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ phải lao đao.
Trong khi Mỹ lo sợ các nhóm nổi dậy do họ hậu thuẫn sẽ bị xóa sổ ở Aleppo, Thổ Nhĩ Kỳ lại phải đau đầu đối phó với sự trỗi dậy của lực lượng dân quân người Kurd ở phía bắc thành phố này. Sự suy yếu của quân nổi dậy và các nhóm Hồi giáo tạo điều kiện cho dân quân người Kurd có cơ hội kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cuộc tấn công ác liệt vào Aleppo cũng khiến khoảng 100.000 dân Syria tháo chạy đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong hai tuần qua, và con số này có thể gia tăng nhanh chóng theo cấp số nhân nếu thành phố này bị bao vây.
Với thủ tướng Đức Angela Merkel, điều này đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư nữa sẽ đẩy châu Âu lún sâu hơn vào khủng hoảng tị nạn. Các thế lực chính trị theo đương lối chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng để công kích Berlin, gây bất lợi cho đảng của bà Merkel trong cuộc bầu cử sắp tới.Theo bà Bhalla, với những động thái quân sự quyết liệt ở Syria, ông Putin đang gián tiếp giáng một đòn đau vào châu Âu trong khi Nga không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng di cư. Với đòn đánh này, Nga sẽ khiến EU lún sâu vào chia rẽ, khó có thể đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề như duy trì các biện pháp trừng phạt Nga hoặc triển khai các căn cứ quân sự lâu dài ở các nước giáp biên giới với Nga.
Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, chiến dịch bao vây Aleppo là một đòn tấn công từ nhiều hướng. Cuộc khủng hoảng ở châu Âu không ảnh hưởng đến Nga, nhưng sẽ tác động sâu sắc đến đồng minh Mỹ.
Trong Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận "Mỹ không ở trong cuộc khủng hoảng nhưng không hề nghĩ rằng mình không bị ảnh hưởng… Mỹ hiểu bản chất của mối đe dọa này sắp xảy ra đối với nền chính trị và hệ thống an sinh xã hội ở châu Âu".
Trên chiến trường Syria, Nga đã và đang dội bom nhiều nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn. Trên mặt trận ngoại giao, thỏa thuận ngừng bắn được các cường quốc thông qua ở Munich ẩn chứa nhiều lỗ hổng lớn mà Nga có thể khai thác. Thỏa thuận này không thể ngăn cản Nga tiếp tục ném bom quân nổi dậy dưới danh nghĩa "không kích IS", khiến tiếng nói và ảnh hưởng của Mỹ ở Syria ngày càng sa sút.
Bà Bhalla cho rằng khi tính toán các bước hành động tiếp theo, Mỹ không được phép lặp lại sai lầm và đánh giá đơn giản về chiến lược của Nga. "Mỹ từng chế giễu rằng Nga không rút ra được bài học lịch sử sa lầy ở Afghanistan, nhưng có lẽ trên chiến trường Syria, Mỹ và đồng minh phương Tây mới là bên cần phải rút ra bài học", bà Bhalla nhấn mạnh.