Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ là bản sao của tàu Xô Viết
Putin thông qua chiến lược an ninh mới, coi NATO là mối đe dọa
Iran sẽ phát triển tên lửa tầm xa 5.000 km nếu bị Mỹ trừng phạt
Khủng bố tấn công căn cứ không quân Ấn Độ
Mỹ xuất hiện virus Zika cực kỳ nguy hiểm
Tin thế giới đọc nhanh 18-02-2016
- Cập nhật : 18/02/2016
Trung Quốc chối việc triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17-2 nói rằng thông tin nước này triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là do truyền thông phương Tây sáng tác ra.
Hình ảnh vệ tinh chụp các vị trí đặt tên lửa HQ-9 mà Trung Quốc triển khai trên bãi biển ở đảo Phú Lâm ngày 14-2 - Ảnh: ImageSat International
Trả lời báo chí ở Bắc Kinh, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng một số hãng truyền thông lớn của nước ngoài đã thêu dệt thông tin trên.
Dù trước đó hình ảnh vệ tinh do công ty ImageSat International cung cấp cho thấy rất rõ vị trí của hệ thống tên lửa và radar được đặt trên một bãi biển ở đảo Phú Lâm từ ngày 14-2. Thêm vào đó là sự xác nhận thông tin của giới chức Mỹ và lãnh thổ Đài Loan.
Ông Vương còn nói với phóng viên rằng ông ta mong truyền thông phương Tây nên chuyển sự chú ý đến những ngọn hải đăng mà Trung Quốc đang xây dựng trong khu vực. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc cho rằng những công trình này Bắc Kinh xây dựng là để “cải thiện an toàn cho tàu bè di chuyển trong khu vực?" .
“Về phần các cơ sở phòng vệ cần thiết và đã được hạn định mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo cũng như bãi đá có người của chúng tôi trú ngụ, thì đây là hành động phù hợp với quyền tự vệ mà Trung Quốc có được theo luật pháp quốc tế. Vì thế, mọi người đừng nên hỏi về nó”- ông Vương Nghị trả lời chung chung.
Trong khi đó, giới phân tích quốc tế nhận định việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở các vùng biển tranh chấp có thể sẽ dẫn đến việc nước này lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) do Bắc Kinh kiểm soát.
“Việc triển khai tên lửa lần này đang củng cố quan điểm rằng Bắc Kinh đang có khuynh hướng bành trướng kiểm soát ở các vùng biển này, kể cả khả năng tuyên bố vùng ADIZ ở đây”- hiệu trưởng trường an ninh thuộc trường Đại học quốc gia Úc, ông Rory Medcalf nói
Ông Obama tin Donald Trump không thể trở thành tổng thống
Tỷ phú Donald Trump đang là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa, nhưng ông Obama tin rằng ông Trump sẽ thất bại - Ảnh: Reuters
Ngày 17-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông tin rằng tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa, sẽ không thể trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng.
Theo AFP, trao đổi với các phóng viên ở California bên lề hội nghị Mỹ - ASEAN, ông Obama nói: “Tôi tin rằng ông Trump không thể trở thành tổng thống. Lý do là tôi có niềm tin vào người dân Mỹ. Tôi nghĩ họ hiểu rằng chức vụ tổng thống là một công việc nghiêm túc”.
“Công việc đó không giống như tổ chức một chương trình truyền hình thực tế hay thảo luận trên truyền hình. Đó không phải là việc tiếp thị hay quảng bá. Đó là công việc rất khó khăn” - ông Obama nhấn mạnh.
“Làm tổng thống không phải là chuyện nói nhăng nói cuội, làm tất cả những gì có thể để xuất hiện trên báo chí. Công việc đó đôi lúc đòi hỏi bạn phải đưa ra những quyết định rất khó khăn, kể cả khi nhiều người không thích” - ông Obama “đá xoáy” ông Trump.
Tổng thống Mỹ cho rằng người dân Mỹ rất nhạy cảm. “Tôi nghĩ cuối cùng họ sẽ đưa ra sự lựa chọn hợp lý” - ông Obama tin tưởng. Ngoài ông Trump, ông Obama cũng thằng thừng chỉ trích cả các ứng cử viên Cộng hòa khác.
“Trump thổi bùng tâm lý chống đạo Hồi, nhưng những gì các ứng cử viên Cộng hòa khác tuyên bố cũng rất đáng lo ngại. Tất cả bọn họ đều cho rằng biến đổi khí hậu không có thật. Đối với cộng đồng quốc tế, đó là điều rất đáng lo” - ông Obama cảnh báo.
Ông Trump tỏ ra rất cáu tiết với những lời chê bai của ông Obama. “Ông ta thực hiện công việc của mình đầy tệ hại và kéo đất nước tụt hậu” - tỷ phú New York phản công. Ông huênh hoang rằng ông Obama đã “may mắn” vì ông không tranh cử hồi năm 2012. “Nếu tôi làm thế thì có lẽ ông ta sẽ trở thành tổng thống một nhiệm kỳ” - ông Trump hùng hổ.
Trong cuộc chạy đua của các ứng cử viên Đảng Cộng hòa , ông Trump thất bại trước Thượng nghị sĩ Ted Cruz ở cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa, nhưng đã giành chiến thắng ở New Hampshire. Khảo sát mới nhất của CNN cho thấy ông Trump đạt tỷ lệ ủng hộ vượt ông Cruz tới 16% tại bang South Carolina, “chiến trường” kế tiếp.
Tướng Mỹ: Quân đội Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách công nghệ
"Khoảng cách công nghệ chắc chắn đang thu hẹp, không thể bác bỏ điều đó", Bloomberg dẫn lời Đại tướng không quân Mỹ Lori Robinson hôm nay trả lời phỏng vấn.
"Sự khác biệt trong khoảng cách công nghệ chính là hoạt động huấn luyện của phi công Mỹ. Cách huấn luyện và làm việc mỗi ngày của phi công chúng tôi, dù dựa trên nền tảng nào, và tất cả những người hỗ trợ các phi công thực hiện công việc đó, là một lợi thế khổng lồ đến kinh ngạc", bà cho biết. Bà Robinson nói khi đang ở Singapore dự buổi trình diễn không quân tại nước này.
Các phi công Mỹ bay gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông nhiều lần bị binh sĩ Trung Quốc cảnh báo qua sóng radio, yêu cầu họ rời đi. Trong khi đó, các máy bay Nhật cũng đang bị thách thức ở vùng biển Hoa Đông.
Nữ đại tướng cho hay bà được đảm bảo rằng các phi công Trung Quốc sẽ hành động một cách chuyên nghiệp khi tương tác với Mỹ, dựa vào thỏa thuận hồi tháng 9 năm ngoái về quy tắc ứng xử.
Bà Robinson nói Mỹ sẽ tiếp tục bay ở vùng biển quốc tế khi cần. "Bất cứ máy bay nào chúng tôi cần để đi từ điểm A đến điểm B ở không phận quốc tế sẽ làm điều đó. Không có gì bất thường khi chúng tôi bay qua khu vực và ở không phận quốc tế". Bà Robinson, gia nhập không quân Mỹ năm 1982, là nữ đại tướng đầu tiên chỉ huy lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Mỹ triển khai thêm tàu chiến đến Thái Bình Dương
Washington sẽ tái bố trí khoảng 60% tàu chiến của hải quân nước này trong vòng 3 năm tới, trong đó sẽ triển khai thêm 21 tàu chiến đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phó đô đốc hải quân Mỹ Joseph Aucoin hôm 16-2 cho biết thông tin trên. Báo Defense News dẫn lời ông Aucoin nhấn mạnh chính sách tái cân bằng châu Á của Lầu Năm Góc đang đi đúng hướng với động thái này.
Số tàu chiến này sẽ đồn trú dọc bờ Tây nước Mỹ và ở các vùng biển thuộc Thái Bình Dương, thực hiện các cuộc tuần tra trong khu vực, kể cả biển Đông nơi Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự, gây căng thẳng leo thang với các nước xung quanh.
Vị tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ còn nhấn mạnh ông đã yêu cầu các tàu tuần duyên Mỹ tăng cường tuần tra vì Trung Quốc cũng đang triển khai thêm nhiều tàu tuần tra biển hiện đại của họ đến các vùng biển này.
Hiện Hạm đội 7 do ông Aucoin chỉ huy có từ 80 đến 100 tàu chiến và một số tàu ngầm. Trong đó, có tàu sân bay USS Ronald Reagan đang hoạt động ở vùng biển trải dài từ Nhật Bản đến Ấn Độ .
Trong khi đó, Hạm đội biển của Trung Quốc đang điều hành 116 tàu hải quân và hơn 200 tàu tuần duyên.
Phó đô dốc Aucoin cảnh báo Trung Quốc đang gây hấn và làm căng thẳng leo thang trong khu vực bằng việc xây dựng bồi đắp đảo trái phép ở biển Đông. Tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ nhấn mạnh hải quân nước này sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
“Chúng tôi muốn chắc chắn rằng tất cả các nước đều được sử dụng thông lệ quốc tế. Chúng tôi muốn Trung Quốc minh bạch hơn về các khuynh hướng mà họ đang thực hiện” - báo Defense News dẫn lời ông Aucoin nói.
Phó đô đốc Aucoin cho biết ông quan ngại về “tính chuyên nghiệp” của các tàu tuần tra biển Trung Quốc khiến nguy cơ đối đầu trên biển giữa tàu hải quân Mỹ, Trung Quốc và các nước có thể gia tăng.
Ông nhấn mạnh cần có sự hợp tác giữa Mỹ, Trung Quốc và các nước khác để thành lập bộ qui tắc chung cho những cuộc đối đầu như thế. Dù hải quân Mỹ và Trung Quốc đã ký kết Bộ qui tắc các cuộc đối đầu không biết trước nhưng nguy cơ đụng độ vẫn có thể xảy ra.
Giải thích nguyên nhân, phó đô đốc Aucoin nói rằng Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu tuần duyên mới và lớn hơn đến các vùng biển ở Thái Bình Dương. Song, các tàu này lại sơn màu trắng thay vì màu xám mà hải quân Trung Quốc thường dùng để thực hiện các hành vi gây hấn.
Thêm vào đó, Bắc Kinh còn triển khai vô số tàu nhỏ hơn, dưới vỏ bọc tàu cá địa phương hoặc tàu chở hàng nhưng kỳ thực là chúng đều do các tổ chức dân quân thuộc chính phủ Trung Quốc điều hành. Các tàu này thường sử dụng chiến thuật khiêu khích nhằm đe dọa hoặc gây hư hại cho các tàu của nước khác.
"Tôi đã yêu cầu lực lượng tuần duyên Mỹ tăng cường hỗ trợ chúng tôi đối phó với những kiểu hoạt động này của Trung Quốc” - phó đô đốc Aucoin nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia kêu gọi đưa bộ binh vào Syria
Ngày 17-2, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này, Saudi Arabia và một số đồng minh châu Âu muốn triển khai bộ binh tại Syria để khôi phục hòa bình.
Người Syria tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ không kích phá hủy một bệnh viện của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ở Marat Numan, tỉnh Idlib - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, sáng cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố: “Một số quốc gia như chúng tôi, Saudi và vài quốc gia đồng minh Tây Âu cho rằng việc triển khai bộ binh đến Syria là hết sức cần thiết”.
Tuy nhiên ông Cavusoglu cho rằng chiến dịch này đòi hỏi sự phối hợp của cộng đồng quốc tế.
“Trông đợi chỉ Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar là không thực tế. Một chiến dịch như vậy cần phải được tổ chức và thực hiện tương tự như chiến dịch không kích (của liên quân chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo do Mỹ lãnh đạo)” - ông Cavusoglu nhấn mạnh.
Trước đó Saudi tuyên bố đã sẵn sàng điều bộ binh tới Syria để chống IS. Phản ứng lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif cảnh báo Saudi không được phép đưa quân vào Syria mà không có sự đồng ý của chính quyền Damascus, bởi đó là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Ở thời điểm hiện tại, quân đội Syria với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu Nga và lực lượng Iran đang tấn công dữ dội các nhóm nổi dậy và hiện đã tiến đến khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 25km. Trong khi đó, lực lượng người Kurd cũng đang tăng cường hoạt động ở biên giới.
Các nguồn tin từ Syria cho biết quân đội chính phủ đang bao vây các nhóm nổi dậy ở thành phố Aleppo, và đẩy phần lớn lực lượng nổi dậy ra khỏi các thành phố và thị trấn trọng yếu ở miền bắc đất nước.
Mới đây lãnh đạo tổ chức Hezbollah đang hỗ trợ quân đội Syria khẳng định “chiến thắng” đã đến rất gần.
Chính quyền Ankara chủ trương lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và coi lực lượng người Kurd ở Syria là đồng minh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đòi ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara lo ngại người Kurd sẽ lập một vùng tự trị ở phía bắc Syria sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, giấc mơ ly khai của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng bùng cháy. Do đó, hôm qua quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nã pháo vào các vị trí của người Kurd ở Syria.
Ngược lại, Mỹ coi lực lượng người Kurd là một trong những tổ chức chống IS hiệu quả, nên vẫn đang hỗ trợ họ.
Sự hỗn loạn ở Syria khiến thỏa thuận ngừng bắn mà các cường quốc đạt được hoàn toàn trở nên vô hiệu. Mới đây, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã lên tiếng chỉ trích Mỹ không có chiến lược cụ thể nào nhằm giải quyết khủng hoảng Syria.
“Tổng thống Obama từng nói nếu Assad sử dụng vũ khí hóa học thì ông ta xâm phạm lằn ranh đỏ. Nhưng lằn ranh đỏ đó đã bị xâm phạm mà Mỹ không có phản ứng gì” - ông Fabius bức xúc. Ông mô tả bản thân rất tiếc nuối vì Mỹ không có hành động mạnh mẽ và cụ thể nào về vấn đề Syria.