Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với đồng cấp Úc Julie Bishop ngày 17/2, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố việc Bắc Kinh không chấp nhận Tòa trọng tài quốc tế xét xử vụ kiện về Biển Đông của Philippines là tuân thủ đúng luật.
Tin thế giới đọc nhanh tối 17-02-2016
- Cập nhật : 17/02/2016
Trung Quốc khó chịu vì Australia ủng hộ vụ kiện của Philippines
Philippines đệ đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan, từ tháng 1/2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Bắc Kinh từng nhiều lần tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết từ tòa.
"Chúng tôi công nhận quyền của Philippines khi tìm cách giải quyết vấn đề thông qua tòa trọng tài. Chúng tôi kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không bị ép buộc hay đe dọa", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Australia Julie Bishop hôm nay phát biểu tại Tokyo, Nhật Bản.
Theo bà Bishop, Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng cũng đang chờ phán quyết từ tòa.
Khi được hỏi về phát biểu trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói ông tin Australia "hiểu" lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Ông nhắc lại quan điểm vụ kiện đi ngược lại luật pháp quốc tế và sự đồng thuận mà Bắc Kinh và Manila đã đạt được về vấn đề.
"Trung Quốc chắc chắn sẽ không chấp nhận điều này. Australia không nên tìm cách né tránh thực tế đó", ông Hồng nói.
Ngoại trưởng Bishop còn cho biết sẽ yêu cầu Trung Quốc làm rõ ý định sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông. "Chúng tôi sẽ xem xét tình hình tùy vào câu trả lời", bà nói.
Ông Hồng cho biết hoạt động xây dựng trên đảo nhân tạo là để phục vụ mục đích phòng thủ của Trung Quốc, đồng thời cung cấp cơ sở để cộng động quốc tế triển khai các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. Nó sẽ không ảnh hưởng đến tự do đi lại.
Ngoại trưởng Australia dự kiến tới Bắc Kinh vào cuối ngày hôm nay để hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cùng các quan chức khác.
Mỹ mở nhà máy đầu tiên ở Cuba sau hơn nửa thế kỷ
Bộ Tài chính Mỹ vừa cho phép một công ty sản xuất máy kéo Mỹ đầu tư xây dựng một nhà máy lắp ráp máy kéo tại Cuba, theo hãng tin ABC News (Mỹ).
Nhà máy này có tên Oggun, sẽ được xây dựng với chi phí từ 5-10 triệu USD tại một khu công nghiệp đặc biệt cách thủ đô Havana chừng 50 km do chính phủ Cuba lập ra để thu hút đầu tư nước ngoài.
Dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, mỗi năm sẽ lắp ráp khoảng 1.000 máy kéo bán cho nông dân Cuba.
Nông dân Cuba lái máy kéo ở cánh đồng TP Pinar del Río (tỉnh Pinar del Río, Cuba) năm 2011. (Ảnh: AP)
Nhà máy là khoản đầu tư đầu tiên từ phía Mỹ tại Cuba kể từ khi Chủ tịch Fidel Castro nắm quyền năm 1959 và quốc hữu hóa nhiều tài sản của Mỹ tại Cuba trị giá hàng tỉ USD.
Động thái quốc hữu hóa này là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ quyết định cấm vận Cuba, cấm mọi hình thức thương mại với Cuba.
Cho phép công ty Mỹ mở nhà máy ở Cuba là điều không ai có thể tưởng tới trước thời điểm ngày 17-12-2014, khi Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao và bình thường hóa các quan hệ thương mại, du lịch…
Dự kiến Bộ Giao thông hai nước sẽ ký thỏa thuận khôi phục đường bay thương mại sau năm 1959 vào ngày 16-2 (giờ địa phương).
Mới đây nhất, ngày 13-2, Cuba thông báo đã hoàn trả một tên lửa Hellfire cho Mỹ vốn bị vận chuyển nhầm đến Cuba từ Pháp năm 2014.
Nga chiếm ưu thế vượt trội tại Syria
Ngoài ra, ông Lukyanov bày tỏ nghi ngờ thỏa thuận ngừng bắn Syria sẽ được thực hiện trọn vẹn, bởi điều kiện hòa bình được coi là không thực tế vào thời điểm này. Nhưng khu vực có thể tạm thời yên bình nếu các nhà ngoại giao đồng thuận những vấn đề khác nhau trong hiệp định. Kịch bản này đã được chứng minh hoàn toàn có khả thi ở Bosnia và Ukraine, theo các chuyên gia quan sát.
Trung Quốc cảnh báo 'hậu quả nghiêm trọng' nếu Mỹ đặt tên đường Lưu Hiểu Ba
Thượng viện Mỹ ngày 12/2 nhất trí ủng hộ kế hoạch đặt tên đoạn đường phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington là Lưu Hiểu Ba.
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói động thái trên "đi ngược lại với các tiêu chí cơ bản trong quan hệ quốc tế" và Bắc Kinh kiên quyết phản đối.
"Nếu dự luật liên quan được thông qua thành luật, nó sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi yêu cầu Thượng viện Mỹ dừng ủng hộ dự luật và nhà chức trách Mỹ chấm dứt trò hề chính trị này", Reuters dẫn lời ông Hồng phát biểu trong cuộc họp báo thường ngày.
Tờ Global Times của Trung Quốc hôm qua gọi kế hoạch đổi tên chỉ là "chuyện phù phiếm".
"Mỹ đã không còn kế sách để đối phó với Trung Quốc bởi họ không thể đe dọa quân sự hoặc trừng phạt kinh tế, các biện pháp có thể phản tác dụng", một bài xã luận trên tờ báo viết. "Lựa chọn duy nhất cho Washington dường như là quấy rầy Trung Quốc".
Dự luật đổi tên do Thượng nghị sĩ Ted Cruz đề xuất. Ông là ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào vị trí tổng thống Mỹ năm 2016.
Một người phát ngôn Nhà Trắng nói các cố vấn cấp cao của Tổng thống Barack Obama sẽ khuyên ông phản đối dự luật và nó không phải cách hiệu quả để đảm bảo ông Lưu được thả.
Lưu Hiểu Ba từng được Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho nỗ lực đấu tranh vì "một Trung Quốc cởi mở và dân chủ hơn" trong hơn hai thập kỷ. Ông Lưu lĩnh án 11 năm tù vào năm 2009 vì bị khép tội "kích động lật đổ chính phủ" Trung Quốc.
Kền kền đòi nợ thuê thời kinh tế suy thoái ở Nga
Cảnh sát dẹp những người vay thế chấp biểu tình trước Ngân hàng Trung ương Nga, kêu gọi điểu chỉnh các khoản nợ của họ sau khi đồng rúp giảm giá mạnh. Ảnh: Itar-Tass
Tại thành phố Voronezh, miền đông Nga, anh Sergei, 29 tuổi, đang xem tivi với tâm trạng hoang mang bởi các bản tin lúc này tràn ngập tin tức về việc những kẻ đòi nợ thuê tra tấn và đe dọa tinh thần các nạn nhân vì những khoản nợ quá hạn, theo Guardian.
Tháng 12 năm ngoái, Sergei chính thức trở thành một trong 11,5 triệu người Nga không thanh toán nợ đúng hạn. Dù chỉ nợ khoảng 330 USD, Sergei cho hay anh và những người cùng cảnh ngộ vẫn liên tục bị những kẻ đòi nợ hối thúc trả tiền.
Được gán biệt danh "kền kền thời khủng hoảng", những kẻ đòi nợ hung hãn đang trở thành tâm điểm của dư luận Nga thời gian gần đây. Họ là "thành phần" nảy sinh từ tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài do Nga phải hứng chịu hàng loạt khó khăn dồn dập, bao gồm các biện pháp trừng phạt từ phương Tây cũng như tình trạng giá dầu thế giới lao dốc.
Mối lo ngại ngày càng lớn dần khi những kẻ đòi nợ tăng cường sử dụng các ngón nghề đầy tính bạo lực. Hôm 27/1, nhà chức trách thành phố Ulyanovsk, miền đông Nga, cho biết một kẻ đòi nợ đã ném bom xăng qua cửa sổ vào nhà một con nợ, khiến một bé trai hai tuổi bỏng nặng. Vụ việc tạo nên một làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc.
Ông nội của bé trai trên năm 2014 vay 4.000 rúp (52 USD) của công ty tài chính Ros Dengi để mua thuốc chữa bệnh. Ông phải trả nợ và lãi lên đến 24.000 rúp (312 USD) nhưng tên đòi nợ nói ông vẫn còn thiếu đến 40.000 rúp (520 USD) tiền lãi. Sau vụ việc, tên đòi nợ bị bắt giữ. Theo một số nguồn tin, thủ phạm vốn là cảnh sát nhưng bị đuổi khỏi ngành vì phạm tội trộm cắp.
Một người đàn ông ở vùng Siberia trước đó vài ngày sát hại người vợ đang mang bầu và hai đứa con nhỏ của mình rồi nổ súng tự tử. Báo chí địa phương đưa tin anh bị bọn đòi nợ đe dọa quá nhiều nên quẫn trí.
Tháng 12/2015, ở vùng Rostov thuộc miền nam Nga, cơ quan chức năng phải sơ tán một nhà trẻ sau khi một giáo viên ở đây khai báo rằng bọn đòi nợ đe dọa sẽ cho nổ tung nơi này nếu cô không trả nợ.
Những vụ việc kiểu như trên xuất hiện ngày một nhiều, chủ yếu xuất phát từ tình trạng các tổ chức tài chính cho người nghèo vay ngắn hạn các khoản tiền siêu nhỏ nhưng với lãi suất quá cao, khiến họ không thể trả nợ đúng hạn. Những tổ chức này phớt lờ các quy định của ngân hàng về trần lãi suất và "nuôi" hẳn một lực lượng đòi nợ riêng.
Theo Tổng công tố Nga Yury Chaika, cơ quan thực thi pháp luật hiện thiếu các công cụ đủ mạnh để kiểm soát những kẻ đòi nợ thuê hung hãn. Ông cho biết từ năm 2013 đến nay, nhà chức trách tiếp nhận khoảng 21.000 đơn tố cáo về cách hành xử của các công ty đòi nợ nhưng chỉ vài vụ bị truy cứu hình sự.
Sau khi Nga hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, mức vay của người dân đã tăng gấp đôi, lên mức 210 tỷ rúp vào tháng 12/2012. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, mức vay trung bình hàng tháng của người dân năm ngoái đạt 225 tỷ rúp.
Trong thời kỳ kinh tế bùng nổ, các tờ rơi quảng cáo mời gọi vay tiền xuất hiện dày đặc ở khắp mọi ngõ ngách của nước Nga. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp những tờ rơi với hình ảnh một xe cút kít đầy tiền mặt và dòng chữ "hãy lấy bao nhiêu mà bạn muốn". Ngân hàng Trust Bank của Nga còn phát hành hàng loạt tờ rơi quảng cáo in hình nam tài tử Bruce Willis mời gọi khách vay tiền.
Trước tình hình ảm đạm này, nhiều nhóm hỗ trợ các nạn nhân của bọn đòi nợ đã được thành lập trên các trang mạng xã hội. Điển hình trong số này là nhóm với tên gọi "Ngăn chặn bọn đòi nợ" do Aleksandr Naryshkin, lập trình viên 31 tuổi ở St. Petersburg, điều hành. Naryshkin cho biết từ năm 2013 đến nay, anh nhiều lần bị bọn đòi nợ gây áp lực. Chúng có lần còn hăm dọa sẽ bắt anh "phục dịch như một trai bao".
Hàng nghìn người trong cảnh bế tắc đã tìm đến nhóm của Naryshkin để xin lời khuyên. Theo anh, mọi người nên tìm cách kiện bọn đòi nợ ra tòa và đừng tỏ ra sợ sệt trước những cuộc gọi đe dọa.
Mikhail Karpenko, một luật sư ở vùng Urals, đã đứng ra giúp nhóm của Naryshkin tư vấn pháp lý miễn phí cho các con nợ.
"Ở khu vực của chúng tôi, ít nhất là vùng Chelyabinsk, đa số người dân đều lâm vào cảnh nợ nần. Họ rơi xuống vực sâu nợ nần và không thể thoát ra", Karpenko nói. "Theo tôi, chúng ta cần xóa bỏ toàn bộ các tổ chức đòi nợ".
Dù vậy, Sergei không hy vọng tình hình sẽ cải thiện. "Luật pháp hỗ trợ giới tài phiệt được thông qua chỉ trong một tuần, nhưng những điều luật nhằm giúp đỡ người dân phải mất hàng năm trời mới có thể thống nhất", anh nhận xét. "Các dự luật siết chặt hoạt động đòi nợ dường như chỉ là chiêu trò quảng bá".