Mỹ phê chuẩn thỏa thuận bán bom trị giá 785 triệu USD cho UAE
Europol cảnh báo tấn công kiểu "con sói đơn độc" gia tăng
Mỹ không rút lại chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương
Sau phán quyết "đường lưỡi bò", công ty Trung Quốc "dọa" sa thải nhân viên nếu dùng iPhone
Brazil bắt nhóm khủng bố liên quan tới IS trước thềm Thế vận hội Olympics
Tin thế giới đọc nhanh tối 14-04-2016
- Cập nhật : 14/04/2016
Mỹ âm thầm tập trung cho các hạm đội tàu ngầm giữa lúc Biển Đông căng thẳng
Những quan ngại về an ninh tại Biển Đông thường tập trung vào các tàu thuyền đi qua khu vực này, bao gồm cả các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải do Hải quân Mỹ tiến hành và những hành động của Trung Quốc mới đây nhằm thực hiện tham vọng bành trướng ở vùng biển này. Tuy nhiên, có một nhân tố về an ninh hàng hải khác ít thu hút sự chú ý hơn. Đó là tàu ngầm.
Đô đốc Scott Swift, quan chức cấp cao của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn đã thừa nhận rằng, tàu ngầm là "tài sản giá trị cực kỳ quan trọng" đối với ông. Các hệ thống tên lửa đất đối không và các loại vũ khí khác trong khu vực được triển khai để phục vụ chiến lược được gọi là các khu vực chống tiếp cận (A2AD), đây là chiến lược nhằm cản trở khả năng di chuyển của đối thủ ở trên biển, song theo Đô đốc Swift, tàu ngầm không bị ảnh hưởng bởi chiến lược này như tàu chiến hay máy bay vì chúng hoạt động dưới mặt biển.
"Tàu ngầm giúp chúng tôi có thêm khả năng tiếp cận các khu vực mà nếu đó là các đơn vị trên mặt biển hay trên không, sẽ gây ra nhiều tranh cãi", Đô đốc Swift nhận xét.
Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Úc đều đang tìm cách nâng cấp các hạm đội tàu ngầm để phục vụ các hoạt động trong thời gian tới. Đô đốc Swift cho biết điều này cho thấy những lo lắng hiện nay ở khu vực. Ông nói: "Rõ ràng, các hoạt động của tàu ngầm thu hút sự quan tâm của các nước ở Biển Đông song chúng tôi nhận thấy vấn đề này cũng xuất hiện tại Biển Hoa Đông và những nơi khác".
Lầu Năm Góc dự kiến chi khoảng 97 tỷ USD trong những năm tới dành riêng cho chương trình thay thế tàu ngầm lớp Ohio. Theo đó, Mỹ sẽ loại bỏ dần 14 tàu ngầm trang bị tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bằng thế hệ tàu ngầm mới, gồm khoảng 12 chiếc trở lên. Ngoài ra, Mỹ cũng đang đầu tư cho thế hệ tàu ngầm tấn công mới có tên gọi là tàu ngầm lớp Virginia từ năm 1998, thay thế dần cho thế hệ tàu ngầm tấn công cũ là lớp Los Angeles và Seawolf, trong khi cũng đang nghiên cứu cách mở rộng hoạt động với loại tàu ngầm không người lái.
Tuần trước, phát biểu trong một hội nghị do Hội đồng An ninh Đối ngoại tổ chức ở thành phố New York, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter cho hay: "Chúng tôi đang đầu tư hơn 8 tỷ USD trong năm tới để bảo đảm Mỹ có lực lượng tàu ngầm hiện đại và mạnh mẽ nhất trên thế giới. Kế hoạch này bao gồm tàu ngầm không người lái với nhiều kích cỡ và khả năng tác chiến ở khu vực nước nông, nơi tàu ngầm có người lái không thể hoạt động".
Nhiều chuyên gia phân tích an ninh quốc gia cho rằng một phần trong tham vọng bành trướng của Trung Quốc là sử dụng Biển Đông như một căn cứ chiến lược cho các hạm đội tàu ngầm của nước này. Đây là vùng biển có những khu vực có địa hình lý tưởng để che giấu hoạt động của các loại tàu ngầm.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai tàu ngầm lớp Jin chạy bằng năng lượng hạt nhân và trang bị tên lửa đạn đạo, đánh dấu lần đầu tiên một tàu ngầm của Trung Quốc mang tên lửa hạt nhân. Ngoài ra, Trung Quốc cũng lần đầu tiên triển khai các tàu ngầm tấn công tới Ấn Độ Dương hồi năm 2014. Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về các hoạt động quân sự của Trung Quốc hồi năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố hoạt động của các tàu ngầm nước này nhằm phục vụ cho những chiến dịch chống cướp biển song có ý kiến cho rằng đây là hoạt động nhằm tăng cường khả năng hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc, cũng như cho thấy một thế lực mới nổi trong khu vực.
Trung tướng Thủy quân lục chiến Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ, hồi tháng trước đã dự đoán rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục triển khai khí tài tới Biển Đông.
Ông Stewart cho rằng quan điểm phản đối các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải mà Hải quân Mỹ tiến hành ở Biển Đông của Trung Quốc cho thấy "Bắc Kinh nhận thấy cần phải tăng cường phòng vệ cho các tiền đồn ngoài vùng biển này và chuẩn bị sẵn sàng đáp trả bất cứ hoạt động quân sự nào gần những khu vực mà nước này chiếm giữ".
Kể từ tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã hai lần tiến hành các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Mỹ đang cân nhắc các hoạt động hợp pháp dựa trên quyền được tự do đi lại của tàu thuyền ở vùng biển quốc tế và được luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về Biển của Liên hợp quốc, quy định rõ ràng.
Vừa từ chức, thủ tướng Ukraine bị điều tra tham nhũng
Văn phòng Tổng công tố Ukraine khẳng định đang điều tra cáo buộc cựu Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk nhận hối lộ 3 triệu USD.
Kênh truyền hình 112 Ukraina hôm 12-4 đã đăng tải trên trang web bản sao của câu trả lời chính thức từ văn phòng tổng công tố về cuộc điều tra ông Yatsenyuk.
Ông Dmitry Dobrodomov, người đứng đầu phong trào xã hội "Nhân dân Kiểm soát”, là nghị sĩ quốc hội không đảng phái, thành viên Ủy ban Quốc hội về phòng chống tham nhũng và cũng người đã gửi đề nghị điều tra ông Yatsenyuk.
Văn phòng tổng công tố cho biết họ đang tiến hành một cuộc điều tra về cáo buộc ông Yatsenyuk nhận hối lộ 3 triệu USD khi bổ nhiệm ông Vladimir Ishchuk làm người đứng đầu Tập đoàn phát thanh và truyền hình RRT .
Theo tài liệu này, vụ việc bị khởi tố hôm 15-3 và cuộc điều tra đang được tiến hành.
Thủ tướng Yatsenyuk tuyên bố từ chức hôm 10-4 và nộp đơn lên quốc hội hai ngày sau đó. Động thái này tạo cơ hội thành lập một liên minh mới trong quốc hội cũng như chính phủ mới tại Ukraine, đồng thời giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đã nổ ra sau khi ông Yatsenyuk vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 2.
Báo Mỹ gợi ý năm bước hạ nhiệt biển Đông
Tình hình biển Đông trở lên căng thẳng khi các nước có liên quan đến lợi ích trên vùng biển hẹp của Thái Bình Dương liên tiếp có những động thái cứng rắn nhằm bảo vệ lợi ích hàng hải của quốc gia...
Ngày 05.04.2016, Indonesia công khai trên truyền thống cảnh phá hủy 23 tàu cá của Malaysia và Việt Nam nhằm ngăn chặn tình huống đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của mình. Sự kiện này xảy ra một ngày sau khi truyền thông Việt Nam thông báo chính quyền bắt giữ một tàu cá Trung Quốc do xâm nhập nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam. Cùng tuần đó, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã dùng sức mạnh giải thoát một tàu cá Trung Quốc từ lực lượng thực thi hải pháp Indonesia.
Những sự cố trên đây cho thấy những tình huống mới, thường xuyên diễn ra trên Biển Đông. Trên vùng nước chiến lược của đại dương này, từ lâu những sự cố hàng hải quốc tế - bảo gồm cả tổn thất sinh mạng – đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Căng thẳng biển Đông tiếp tục tăng nhiệt khi Trung Quốc có những động thái cứng rắn và khiêu khích thường xuyên hơn nhằm khẳng định quyền lực trên vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, các nước láng giềng trong khu vực bắt đầu bị đẩy lùi. Năm 2014, Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu khổng lồ trên vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam, dẫn đến vụ đụng độ giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam. Từ năm 2013 đến năm 2015, Trung Quốc nạo vét cát đá từ đáy biển Đông bồi đắp hơn 2.900 mẫu đất đảo nhân tạo với mục đích rõ ràng là xây dựng căn cứ quân sự. Tàu Trung Quốc và Philippines đã gia tăng cấp bình phương gần bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây và nhiều nơi khác.
Bên cạnh những mâu thuẫn giữa các quốc gia tranh chấp về chủ quyền biển đảo là sự đối đầu căng thẳng mới xuất hiện giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông với những tình huống với các tàu của hai nước ngày càng có những hành động thách thức nhau, như nhà báo Helene Cooper đã miêu tả lại chuyến hành trình gần đây của cô trên tàu USS Chancellorsville, thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông tháng 3.2016.
Khi căng thẳng tiếp tục gia tăng, hoàn toàn có khả năng nảy sinh sự cố leo thang ngoài ý muốn. Với những mâu thuẫn chủ quyền kéo dài nhiều năm và những tranh chấp tài nguyên mà không nơi nào có ngoài đường chân trời, các nước trong khu vực cần phải tìm giải pháp để hạ nhiệt căng thẳng hiện nay.
Để đạt được một kết quả như vậy, Mỹ phải thúc đẩy Trung Quốc và các nước có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông như Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam hình thành một hệ thống các quy tắc phòng ngừa sự cố “xung đột không chủ ý” trên Biển Đông.
Thứ nhất, các nước trong khu vực cần xây dựng một hệ thống nhận biết phạm vi hàng hải (Maritime domain awareness - MDA) nhằm quy định minh bạch các khu vực hoạt động của tàu thuyền. Nguồn thông tin được chia sẻ giữa các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ có thể cung cấp các dữ liệu cần thiết. Hệ thống có thể được theo dõi tại một trung tâm cụ thể, có sự tham gia của đại diện tất cả các nước có tranh chấp trên biển Đông.
Trung tâm thông tin mới, thậm chí có thể được phát triển trên một cơ chế hiện có như Trung tâm Thông tin Hợp nhất của Singapore hoặc Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo.
Thứ hai, các quốc gia tranh chấp phải tiến hành một bước rất khó khăn trong quan hệ đối ngoại, đưa ra cam kết không đáp trả mọi sự xâm nhập vào vùng biển chủ quyền được công nhận bằng vũ lực, mà chỉ dùng các biện pháp ngoại giao.
Các nước ven bờ biển Đông cùng với Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về cách cư xử của các bên trên biển Đông vào tháng 11.2002, Trung tâm mới sẽ giúp thực hiện Tuyên bố này bằng cách cung cấp điều kiện cho các nước liên quan có khả năng giám sát và phản ứng ngay với sự cố trong thời gian thực, có thể tiến hành thương lượng ngay lập tức khi tình huống leo thang.
Thứ ba, các nước phải thoả thuận đưa vào hiện thực Quy định cách ứng xử trong những tình huống va cham ngoài chủ ý đối với tất cả các tàu thuyền. CUES là một bộ văn bản thỏa thuận có 21 bên tham gia ký vào năm 2014 trong có tất cả các bên có liên quan trên Biển Đông, đưa ra các hướng dẫn nhằm ngăn ngừa những sự cố ngoài ý muốn giữa các lực lượng hải quân và tránh leo thang căng thẳng khi sự cố xảy ra. Đó sẽ là một bước tiến xa hơn nếu các hướng dẫn và quy định này được áp dụng cho nhiều sự cố va chạm giữa Cảnh sát biển và các tàu đánh cá.
Thứ tư, các quốc gia phải xây dựng một cơ cấu tổ chức thực hiện sứ mệnh xét xử các sự cố trên biển nhằm quyết định làm thế nào để có thể tiến hành một vụ khởi kiện khi sự cố đã xảy ra. Hiệu quả nhất sẽ là một cơ cấu tổ chức mới bao gồm các thành viên có liên quan đến biển Đông và trong cơ chế quản lý có các đại diện từ năm quốc gia có tranh chấp. Cơ quan quốc tế khu vực này có thể được đặt tại Trung tâm nhận biết phạm vi hàng hải (MDA), nơi có thể nhận được thông tin theo thời gian thực, cho phép quyết định nhanh nhất để xác định hướng giải quyết sự cố trong tương lai.
Thứ năm, để thực hiện các thỏa thuận có thể nêu trên, cần phải thuyết phục Trung Quốc nhận thức được, đó là vì lợi ích của chính quốc gia này nhằm giảm căng thẳng trên biển Đông. Đó là nơi Mỹ phải thực hiện sứ mệnh của mình. Washington cần cung cấp cho Bắc Kinh (và ngược lại từ phía Trung Quốc) một sự hiểu biết rõ ràng, trung thực về thế trận an ninh của Mỹ trên Biển Đông.
Điều Mỹ phải làm rõ là sẽ kiên quyết thực hiện các động thái cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia trong khu vực, bao gồm cả việc tăng cường thế trận quân sự - quốc phòng trên biển Đông.
Mỹ cũng cần gia tăng nguồn tài trợ cho các hoạt động nhận biết phạm vi hàng hải MDA ở Đông Nam Á bằng cách mở rộng những chương trình tài trợ quân sự nước ngoài với các quốc gia như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia. Cùng với khả năng phát triển của Trung Quốc, các quốc gia này cần nâng cao khả năng nhận biết những gì xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của đất nước mình.
Tất nhiên, không một nội dung nào trong những bước đã nêu là đơn giản. Nhưng khi căng thẳng gia tăng, chính quyền các nước ngay lập tức sẽ phải tìm cách thỏa hiệp để bảo vệ hòa bình và ổn định. Một hệ thống phòng ngừa sự cố là bước đi đầu tiên cần thiết và bước này sẽ không thể thực hiện mà không có sự tham gia của Mỹ.
Tác giả Michael H. Fuchs là thành viên cao cấp tại Trung tâm Phát triển Mỹ, Phó trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương
Macedonia: Người biểu tình đập phá văn phòng tổng thống
Một trong những văn phòng của Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov bị người biểu tình đập phá hôm 13-4 để phản đối quyết định gây tranh cãi của nhà lãnh đạo này.
Reuters cho biết hơn 3.000 người biểu tình ủng hộ phe đối lập đã xuống đường, đập vỡ cửa sổ một văn phòng ông Ivanov thỉnh thoảng lui tới, đồng thời ẩu đả với cảnh sát ở thủ đô Skopje. Họ cũng phá vỡ cửa sổ tại tòa nhà Bộ Tư pháp lân cận.
Một số người biểu tình đi vào bên trong văn phòng của ông Ivanov, lôi đồ đạc ra ngoài định châm lửa. Cảnh sát chống bạo động hết sức vất vả để ngăn chặn những kẻ quá khích. Các tòa nhà chính phủ sau đó bị ném đá, trứng và pháo sáng trước khi cảnh sát dùng dùi cui giải tán đám đông.
Một nguồn tin cảnh sát xác nhận với Reuters rằng có vài trường hợp bị thương, bao gồm một phóng viên. Ít nhất 12 người đã bị bắt giữ.
Cuộc biểu tình khởi đầu ôn hòa từ hôm 12-4 (giờ địa phương) nhưng nhanh chóng leo thang thành bạo lực.
Sau khi phá vỡ hàng rào cảnh sát, người biểu tình tiến về phía tòa nhà quốc hội và đốt hình ông Ivanov trên đường đi.
Tranh cãi nổ ra sau khi Tổng thống Ivanov ân xá cho 56 chính trị gia, bao gồm thành viên phe chính phủ và đối lập, liên quan đến một vụ bê bối nghe lén. Ông cũng ra lệnh tạm ngưng tất cả cuộc điều tra liên quan tới vụ việc này, gây bất bình cho phe đối lập.
Mỹ cảnh báo hành động của nhà lãnh đạo Macedonia có thể bảo vệ “những chính trị gia tham nhũng”.
Tình hình ở quốc gia thuộc khu vực Balkan này căng thẳng từ tháng 3 năm nay sau khi tòa án hiến pháp Macedonia cho phép Tổng thống Ivanov tha tội cho các chính trị gia bị cáo buộc gian lận bầu cử.
Một cuộc biểu tình của lực lượng ủng hộ chính phủ cũng diễn ra nhưng kết thúc trong hòa bình.
Nga: "Xoay" sang châu Á để lấy lại cân bằng
Đó là quan điểm của ông Fyodor Lukyanov, Tổng Biên tập Tạp chí Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu trong cuộc phỏng vấn với Le Monde.
>> Nga hỗ trợ quân đội Syria chuẩn bị giải phóng Aleppo
>> Nga lợi trăm đường vì hành xử chính nghĩa ở Syria
Ông Fyodor Lukyanov, Tổng Biên tập Tạp chí Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu và là Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng, một tổ chức nghiên cứu tập hợp nhiều nhân vật nổi tiếng, đã trả lời phỏng vấn báo Le Monde (Pháp), trong đó phân tích kết quả các cuộc can thiệp của Nga trên bình diện thế giới trong thời gian gần đây.
Le Monde: Nước Nga đã được gì sau cuộc can thiệp vào Syria?
Ông Fyodor Lukyanov: Nếu như xem xét tuyên bố của các quan chức Nga từ đầu cuộc can thiệp, cách đây 6 tháng sẽ thấy:
Thứ nhất, một trong những mục tiêu được đưa ra là chiến đấu chống khủng bố. Trên lĩnh vực này, Nga có quan niệm khác với Mỹ: để chặn đứng bước tiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm cực đoan khác, cần phải củng cố Nhà nước Syria, vì đây là nhân tố chính có khả năng làm điều đó. Như vậy, xét từ khía cạnh này, cuộc can thiệp của Nga đã cứu vãn quân đội Syria khỏi sụp đổ, điều làm thay đổi một cách căn bản tình hình trên thực địa.
Thứ hai, thông qua cuộc can thiệp này, Nga cũng có ý tưởng thay đổi khuôn khổ quan hệ với phương Tây – điều này đã thực hiện được. Cách đây 6 tháng, quan hệ Nga-phương Tây tập trung vào Ukraine và tiến trình Minsk (thoả thuận ký tháng 2/2015 nhằm bảo đảm một lối thoát chính trị giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine). Ngày nay, Nga đang có không gian vận động rộng lớn hơn. Ukraine có tầm quan trọng rất lớn với chúng tôi và với một số nước châu Âu, nhưng với thế giới chỉ là một cuộc khủng hoảng bên lề. Còn Syria lại là vấn đề có ý nghĩa trung tâm, do đó, nó giúp cho Nga giành lại vị thế trung tâm trong quan hệ quốc tế.
Thứ ba, Nga đã thử nghiệm và chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình. Ngay tại Nga, không ít người vẫn bị bất ngờ trước màn trình diễn của các lực lượng vũ trang Nga.
Nga có hướng giải quyết thế nào với cuộc khủng hoảng Ukraine?
Kiev đang có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ, do đó ít có khả năng họ theo đuổi đường lối nhất quán đối với thỏa thuận Minsk. Nga vẫn cho rằng Ukraine sẽ không thể tuân thủ lộ trình Minsk, hoặc giả nếu họ tuân thủ, họ sẽ không thể hoàn tất toàn bộ các nghĩa vụ. Theo Moscow, đây quả là vấn đề. Từ trước đến nay phương Tây luôn cho rằng nếu như thỏa thuận Minsk không được thực hiện, đó là do lỗi của Nga, bởi vậy Moscow làm thế nào để chứng tỏ rằng đó không phải lỗi của họ.
Vùng Donbass rồi sẽ ra sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu nó trở thành một cuộc xung đột bị đóng băng?
Điều này sẽ không có lợi cho Nga. Thứ nhất, một cuộc xung đột đóng băng có quy mô lớn như thế sẽ rất khó quản lý, nhất là về mặt hành chính. Tiếp nữa, sẽ rất tốn kém và không ổn định. Phe ly khai chịu sự kiểm soát của Nga, nhưng Kiev là nhân tố rất khó dự đoán. Do vậy, nếu Ukraine không muốn đóng băng cuộc xung đột, nó sẽ không thể bị đóng băng.
Vị trí của Nga trên thế giới đã thay đổi thế nào từ năm 2012, khi ông Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ ba?
Năm 2012, bối cảnh hòa bình và ổn định hơn ngày nay và nước Nga là một bộ phận của liên minh quốc tế, cùng với cả châu Âu, ít nhất về mặt hình thức. Nhưng ngày nay thì mọi thứ đã khác. Không phải là do Ukraine, nước này chỉ đóng vai trò là chất xúc tác. Trên thực tế các vấn đề đã được tích tụ, mâu thuẫn giữa hai bên đã lớn lên kể từ giữa những năm 2000. Nhưng cho tới năm 2013, hai phía, nhất là Liên minh châu Âu và Nga, vẫn cố gắng tỏ ra rằng mối quan hệ vẫn ổn và quan điểm chung vẫn cho rằng Nga là một bộ phận của châu Âu.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm vỡ tan lớp bề mặt này. Đây là điều khó tránh khỏi. Không phải Ukraine thì cũng là một vấn đề khác, bởi mô hình quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Nga đã lỗi thời. Một chương mới đã mở ra, trong đó vị thế của nước Nga trên thế giới không chắc chắn.
Mặc dầu vậy, hiện nay Nga được đánh giá là nhân tố nghiêm túc hơn trước kia. Dù muốn hay không, khả năng sử dụng sức mạnh là một lợi thế lớn của Nga. Điều này phù hợp quan điểm của người Nga, nếu như anh là người dễ mến, không ai coi trọng anh cả. Nhưng nếu anh thể hiện sức mạnh của mình thì sẽ khác.
Đây là quan điểm của Tổng thống Putin hay của dư luận?
Đó là niềm tin truyền thống vào sức mạnh cứng. Ông Putin là sản phẩm của văn hóa này. Tất nhiên, trong lịch sử Nga, anh sẽ thấy những thời điểm khác, nhưng nhìn chung, trong cuộc thảo luận hậu Chiến tranh Lạnh về cái gì quan trọng hơn, sức mạnh cứng hay sức mạnh mềm, Nga luôn luôn bị chỉ trích bởi thiếu vắng sức mạnh mềm. Cuối cùng, do chúng tôi không có sức mạnh mềm, cần phải bù đắp bằng sức mạnh cứng. Đây có thể không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng mang lại hiệu quả nào đó.
Triển vọng cải thiện quan hệ giữa Nga với châu Âu, nhất là với Đức, như thế nào?
Một phần của vấn đề thuộc về Nga, phần khác xuất phát từ tình hình khó khăn, khi Đức đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Từ cuộc khủng hoảng đồng Euro, từ xung đột Ukraine cho đến người di cư, Đức đang phải đóng vai trò lớn mà nước này không hề mong muốn.
Hiện tình hình phức tạp hơn trước. Người ta chưa rõ mô hình đã vận hành từ gần một nửa thế kỷ nay, theo đó lợi ích kinh tế sẽ định hình những gì còn lại, sẽ được thiết lập lại như thế nào.
Phải chăng chính sách xoay trục của Nga sang châu Á có thể là giải pháp thay thế?
Không. Chính sách này cần phải được củng bố nhiều hơn nữa thì mới có thể thành công. Sự thay đổi này, nếu diễn ra, cũng sẽ rất từ từ. Ngay cả trong trường hợp đó – tôi không lạc quan lắm - thì cũng không thể thay thế cho mối quan hệ với phương Tây. Có thể thấy ở đây mong muốn tái lập một thế cân bằng: Nga có ba phần tư lãnh thổ ở châu Á và ba phần tư dân số ở châu Âu. Nước Nga đã quá tập trung vào phương Tây, từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Điều này phải thay đổi, không phải do sự thù địch với phương Tây, mà là một quá trình bình thường, do thế kỷ 21 châu Á sẽ là nhân tố then chốt.