Tên cầm đầu vụ đánh bom Bangkok là người Trung Quốc
Nga điều tàu ngầm lớn nhất thế giới với 200 đầu đạn hạt nhân tới Syria
Ukraine cho phép Tòa án hình sự quốc tế thăm dò tội ác chiến tranh
Bạo động bùng phát ở biên giới nhiều nước EU
“Trùm” diệt virút McAfee tranh cử tổng thống Mỹ
Tin thế giới đọc nhanh trưa 10-01-2016
- Cập nhật : 10/01/2016
Philippines muốn thúc đẩy Trung Quốc thương thảo Quy tắc Biển Đông
"Liệu chúng ta có thể gây thêm một chút áp lực lên Trung Quốc để ngồi xuống và nhất trí về bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc hay không?", cổng thông tin InterAskyon dẫn lời ông Aquino hôm nay nói tại thành phố Davao, đề cập đến Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Aquino cho biết Philippines đã làm mọi điều có thể để thúc đẩy thảo luận về bộ quy tắc. Trung Quốc và ASEAN dự kiến gặp mặt tháng tới để chuẩn bị cho các thành phần của bộ quy tắc, ông Aquino nói.
Trung Quốc từ lâu đã nói nước này sẵn sàng thảo luận song phương với các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, và sẽ nhất trí với bộ quy tắc khi "thời điểm chín muồi". Các nhà phân tích nhận định Bắc Kinh có thể đang chờ đến khi hoàn tất cải tạo phi pháp đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rồi mới ngồi xuống đàm phán với ASEAN.
Trung Quốc hôm 6/1 điều hai máy bay dân sự cỡ lớn trái phép ra đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sự kiện diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Bắc Kinh lần đầu tiên cho một máy bay hạ cánh trên đường băng dài 3.000 m cũng tại bãi đá Bắc Kinh xây phi pháp. Việt Nam đã trao công hàm, phản đối mạnh mẽ Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, yêu cầu nước này dừng điều máy bay.
Người gốc Việt nhận tội hỗ trợ al-Qaeda
Minh Quang Pham, 33 tuổi, đã thừa nhận ba cáo buộc gồm hỗ trợ vật chất cho al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP), nhận huấn luyện quân sự từ AQAP và sở hữu, sử dụng một khẩu súng máy, AFP đưa tin.
"Pham hỗ trợ vật chất cho các vị trí cao nhất của AQAP. Tất cả đang chờ đợi bản án đối với anh ta", thẩm phán liên bang Preet Bharara nói.
Pham rời London đến Yemen vào tháng 12/2010. Tại Yemen, Pham được huấn luyện bởi Anwar al-Awlaki, một thủ lĩnh AQAP đã bị tiêu diệt bởi máy bay không người lái năm 2011.
Al-Awlaki dạy Pham cách chế tạo bom sử dụng những hóa chất trong nhà và chỉ đạo Pham cho nổ thiết bị này ở sân bay Heathrow, Anh. Reutersdẫn lời thẩm phán liên bang Sean Buckley cho biết al-Awlaki trả Phạm 10.000 USD để thực hiện âm mưu trên.
Pham bị tạm giữ khi quay trở về Heathrow tháng 7/2011 do nhà chức trách phát hiện một băng đạn xuyên giáp trong hành lý. Anh ta sau đó bị bắt tại Anh vào tháng 6/2012 theo đề nghị từ Washington và được dẫn độ về Mỹ tháng 2/2015.
Bobbi Sternheim, luật sư bào chữa cho Pham, nói thân chủ của bà chịu "đầy đủ trách nhiệm" đối với những cáo buộc đã thừa nhận. Theo bà Sternheim, "không có bằng chứng" cho thấy Pham đã thực hiện kế hoạch để gây ra thiệt hại ở Heathrow.
Pham có thể nhận tối đa là án chung thân hoặc tối thiểu 30 năm tù. Người này dự kiến bị tuyên án vào ngày 14/4.
AQAP được thành lập năm 2009 sau khi các phiến quân ở Yemen và Arab Saudi hợp nhất. Nhóm này có liên quan đến hàng loạt cuộc tấn công khủng bố, trong đó có vụ thảm sát tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, Pháp hồi tháng 1 năm ngoái. AQAP cũng đứng sau âm mưu cho nổ tung một phi cơ chở khách Mỹ trên bầu trời bang Michigan vào ngày Giáng sinh năm 2009.
Phiến quân IS hành quyết mẹ đẻ
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) dẫn nhiều nguồn tin từ Raqqa, thành trì của IS, cho biết vụ hành quyết diễn ra vào ngày 6/1, ngay gần trụ sở bưu điện nơi người mẹ làm việc.
Ali Saqr al-Qasem, 20 tuổi, đã bắn vào đầu mẹ mình là bà Leena bằng một khẩu súng trường trước sự chứng kiến của hàng trăm người,Telegraph đưa tin.
Trước đó, bà Leena, 45 tuổi, được cho là đã khuyên con trai rời bỏ IS và trở về sống với mình tại thị trấn Tabqa, gần Raqqa. Tuy nhiên, thay vì nghe lời mẹ, phiến quân này đã báo cáo sự việc với IS.
"Bà ấy đã bị xử tử với tội danh xúi giục con trai rời bỏ IS để cùng nhau trốn khỏi Raqqa và tung tin rằng liên minh sẽ giết hết thành viên của tổ chức này", SOHR cho biết.
Thông tin về vụ hành quyết hiện vẫn chưa được chứng thực.
Theo số liệu mà SOHR công bố ngày 29/12, IS đã xử tử hơn 2.000 người Syria kể từ khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq, trong đó có những người bị cho là đồng tính, sử dụng tà thuật và phản giáo.
Nhiều báo cáo cho rằng các vụ hành quyết của IS xuất phát từ việc tổ chức này đang bị khủng hoảng tinh thần khi nhiều chiến binh ngoại quốc muốn đào ngũ để trở về nhà.
Campuchia bắt nghi phạm dọa sát hại Thủ tướng Hun Sen
Người đàn ông 25 tuổi bị cáo buộc đứng sau lời dự đoán rằng ngày 7/1, tức kỷ niệm thời điểm Khmer Đỏ bị quân đội Việt Nam lật đổ năm 1979, sẽ là ngày qua đời của ông Hun Sen.
Theo AFP, người này đối mặt với hai năm rưỡi tù nếu bị xác định có tội dọa sát hại cũng như lăng mạ thủ tướng.
Vụ bắt giữ diễn ra chỉ vài ngày sau khi thủ tướng Campuchia mở một ứng dụng điện thoại và một trang web mới nhằm thu hút sự tham gia của công chúng, đặc biệt là các cử tri trẻ.
Dù Thủ tướng Hun Sen nói ông cởi mở với những lời chỉ trích mang tính xây dựng, ông cũng cảnh báo người dùng Facebook lăng mạ ông rằng họ có thể dễ dàng bị lần ra danh tính.
Triều Tiên muốn có hiệp ước hòa bình với Mỹ - Trung - Hàn
"Triều Tiên sẽ làm đến cùng cho tới khi Trung Quốc và Mỹ muốn ký một thỏa thuận hòa bình", Reuters dẫn lời một nguồn tin giấu tên chịu trách nhiệm chuyển thông điệp của Triều Tiên tới Trung Quốc, nói.
Nguồn tin này có các mối liên lạc ở Bình Nhưỡng và từng dự đoán chính xác vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên năm 2006.
"Vụ nổ này chủ yếu là để Mỹ để mắt tới. Mục tiêu chính là thuyết phục Mỹ ngồi vào bàn đàm phán 4 nước nhằm chấm dứt cuộc chiến, thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên", nguồn tin cho hay.
Nguồn tin nói ông đã chuyển thông điệp từ Triều Tiên tới giới lãnh đạo Trung Quốc ngay sau vụ thử bom nhiệt hạch vừa qua, và hối thúc Trung Quốc ủng hộ xúc tiến một hiệp ước hòa bình. "Trung Quốc không nên theo gót Mỹ", nguồn tin nói, đề cập đến yêu cầu của Mỹ đối với Triều Tiên về việc từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi có bất cứ cuộc đàm phán nào. Ông cho rằng không đề cập đến hiệp ước hòa bình sẽ là sai lầm chiến lược.
Triều Tiên hôm 6/1 nói nước này đã thử hạt nhân lần thứ 4 kể từ năm 2006, làm dấy lên những lời đe doạ trừng phạt, tuy Mỹ và các chuyên gia vũ khí nghi ngờ tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng thiết bị là bom nhiệt hạch.
Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, thay vì một hiệp ước hoà bình. Lệnh do Mỹ, đại diện cho lực lượng Liên Hợp Quốc, quân đội Triều Tiên và quân đội Trung Quốc ký. Hiện Triều Tiên được cho là muốn ba bên này cùng Hàn Quốc ký hiệp ước hoà bình.