Philippines muốn thúc đẩy Trung Quốc thương thảo Quy tắc Biển Đông
Người gốc Việt nhận tội hỗ trợ al-Qaeda
Phiến quân IS hành quyết mẹ đẻ
Campuchia bắt nghi phạm dọa sát hại Thủ tướng Hun Sen
Triều Tiên muốn có hiệp ước hòa bình với Mỹ - Trung - Hàn
Tin thế giới đọc nhanh trưa 09-01-2016
- Cập nhật : 09/01/2016
Mỹ cần lực lượng hải quân hùng mạnh để "răn đe" Trung Quốc
Trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Paul Ryan hôm 7-1 tuyên bố việc Mỹ duy trì một lực lượng hải quân mạnh để răn đe Trung Quốc là cần thiết.
Phát biểu họp báo ngày 7-1, ông Ryan chỉ trích các đề xuất của chính quyền Tổng thống Barack Obama mà theo ông sẽ làm giảm quy mô hạm đội hải quân đất nước.Chủ tịch Hạ Viện Mỹ cho rằng ông không cần một tổng thống đề xuất giảm số lượng tàu thuyền mà “cần phải có một quân đội, lực lượng hải quân mạnh mẽ và chính sách đối ngoại thực sự”.
Tuyên bố của ông Ryan đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc một lần nữa cho máy bay hạ cánh xuống đường băng nước này xây dựng phi pháp trên Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa (Mỹ) Marco Rubio cũng tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ triển khai tàu Mỹ đến biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở đó, cũng như phối hợp với các đồng minh trong vùng. “Chúng ta cần phải được tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng ở Thái Bình Dương và điều này bắt đầu từ việc Mỹ đầu tư các nguồn lực cần thiết để tái xây dựng lực lượng hải quân” – ông Rubio nói với kênh truyền hình kinh tế Fox Business Network.
Cả Ryan lẫn Rubio cũng không cho biết họ sẽ phân bổ các nguồn lực cho Hải quân Mỹ ra sao. Trước đây, các nhà lập pháp hàng đầu đảng Cộng hòa từng chỉ trích chính quyền ông Obama vì không tiến hành thêm nhiều cuộc tuần tra hơn ở biển Đông.
Các quan chức hải quân Mỹ lo ngại cuộc tranh chấp ở đó có thể dẫn đến một cuộcchạy đua vũ trang trong khu vực.
Về việc máy bay Trung Quốc ngang ngược hạ cánh xuống đảo nhân tạo ở biển Đông gần đây, Lầu Năm Góc hôm 7-1 cảnh báo động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook phát biểu trước báo giới: “Rõ ràng chúng tôi quan ngại về những chuyến bay này cũng như tất cả những hành động của Trung Quốc tại biển Đông. Chúng tôi kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho vấn đề biển Đông”
Tỉ phú Trump: Phải đánh thuế hàng hóa Trung Quốc 45%
Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đề xuất áp dụng mức thuế 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ thời gian tới.
Ông Trump cho biết mức thuế 45% nhằm giải quyết sự mất cân bằng cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. “Tôi sẽ áp đặt một mức thuế… để tôi nói cho các bạn biết, mức thuế nên là 45%” – ông nói với tờ The New York Times.
Đây không phải lần đầu tiên ông trùm truyền thông Mỹ muốn áp dụng thuế suất cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong năm 2011, ông này trả lời phỏng vấn báo The Wall Street Journal và khẳng định cần áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Ông Trump nhấn mạnh Bắc Kinh đang được hưởng lợi thế thương mại không công bằng so với các nước khác trên đất Mỹ. Hàng hóa của quốc gia này đang được Washington đánh thuế ở mức “khá dễ chịu”.
Trung Quốc được xem là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ và dự kiến vượt qua Canada để nắm giữ vị trí đầu tiên vào năm 2016.
Tháng 10 năm ngoái, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được giữa 12 quốc gia trong đó có Mỹ và một số nước châu Á nhưng không bao gồm Trung Quốc. Thỏa thuận thương mại tự do này đặt ra câu hỏi liệu các nhà nhập khẩu Mỹ có chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước nằm trong TPP, như Việt Nam để tránh bị đánh thuế hàng hóa khi gửi về nước hay không.
Trong một diễn biến khác, giá cổ phiếu tại Mỹ đã giảm mạnh hôm 7-1 sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa sớm lần thứ hai trong tuần này. Theo đó, chỉ số Dow Jones và S&P 500 của phố Wall giảm 2,3%. Các ngân hàng lớn như Citigroup và Morgan Stanley cũng ghi nhận mức giảm tới 5%.
Cổ phiếu nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ cũng không tránh khỏi tình trạng lao dốc. Công ty Apple mất 4,2%, Amazon (3,9%), Facebook (4,9%) và Công ty mẹ Alphabet của Google giảm 2,3%. Cổ phiếu Nasdaq đóng cửa ở mức giảm 3%.
Cơ chế “ngắt mạch” nhằm giảm biến động trên thị trường vừa được Bắc Kinh áp dụng vào đầu tuần này. Tuy nhiên, chỉ số CSI 300 giảm ở mức 7% buộc thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa sớm hôm 4-1.
Tình trạng này lập lại hôm 7-1 khi thị trường chỉ mới mở cửa được 30 phút, kéo theo sự biến động trên thị trường toàn cầu. Chỉ số FTSE 100 tại London – Anh đóng cửa ở mức 5,954.08 điểm (giảm 2%). Chỉ số Dax của Đức giảm 2,3% xuống còn 9,979.85 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,7% xuống còn 4,403.58 điểm.
Triều Tiên thách thức Trung Quốc?
Dù còn hoài nghi về tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) của Triều Tiên song Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hôm 7-1 kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng.
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ba nước này nhất trí sẽ đáp trả “một cách thống nhất và mạnh mẽ” trong khi Tổng thống Obama tái khẳng định “cam kết không thể lay chuyển” về việc bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Hôm 6-1 trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng tuyên bố bàn thảo mở rộng trừng phạt Bình Nhưỡng.
Bất chấp việc Bình Nhưỡng chỉ đích danh Mỹ trong thông báo về vụ “thử bom nhiệt hạch”, nhiều chuyên gia tin rằng mục tiêu chính của Triều Tiênchính là Trung Quốc. Ông Bạc Trí Dược, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Trường ĐH Victoria (New Zealand), nhận xét: “Đây là hành động phản đối Bắc Kinh. Họ (Triều Tiên) đang nói: “Chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn. Đây là sự độc lập của chúng tôi và chúng tôi không cần sự chấp thuận của các anh (Trung Quốc)”.
Theo ông Hiên Đông Nhật, Giám đốc Nghiên cứu Đông Bắc Á của Trường ĐH Khoa học Kỹ thuật Diên Biên (Trung Quốc), dư luận có thể nhận thấy qua sự kiện này, quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang khá xấu.
Vấn đề là Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao? Các chuyên gia cho rằng rất có thể Trung Quốc vẫn không từ bỏ “đồng minh rắc rối” nhưng sẽ đưa ra thêm cáclệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng. Theo ông Bạc Trí Dược, Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở trong tình thế khó xử, phải “miễn cưỡng theo Mỹ” trừng phạt Bình Nhưỡng mạnh mẽ hơn nhưng thực ra lại bất lực trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Nhan Mỹ Hiệp, nhà phân tích người Trung Quốc của nhóm phân tích Khủng hoảng quốc tế (ICG), cho rằng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với áp lực kiềm chế nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày một gia tăng cả trong nước lẫn quốc tế. “Tuy nhiên, những gì sắp diễn ra vẫn có thể là những chỉ trích cũ, thắt chặt hơn các lệnh trừng phạt đã có và kêu gọi phục hồi đàm phán 6 bên” - ông Nhan nhận định.
Ở một góc nhìn khác, ông Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie - Thanh Hoa ở Bắc Kinh, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ mạnh tay hơn. “Hành động của Triều Tiên không chỉ làm ảnh hưởng uy tín của Trung Quốc mà còn tạo điều kiện cho Mỹ tăng cường vị thế an ninh trong khu vực và thắt chặt quan hệ với các đồng minh Đông Bắc Á” - ông Haenle nói.
Tuy nhiên, theo hãng tin AP, xe tải chở hàng vẫn chạy ầm ầm qua biên giới Trung - Triều hôm 7-1. Điều này cho thấy quan hệ thương mại song phương không bị ảnh hưởng ngay lập tức. Chuyên gia về Trung Quốc Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) suy đoán Bắc Kinh sẽ không cắt giảm viện trợ năng lượng và lương thực cho Bình Nhưỡng hay áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. “Quan hệ kinh tế và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được Trung Quốc xem như hai chuyện khác nhau” - bà Glaser lý giải.
Thêm vào đó, ông Thời Ân Hoằng, giáo sư Trường ĐH Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đáng lo ngại nhưng sự sụp đổ chế độ ở Bình Nhưỡng sẽ đẩy hàng triệu người di cư tràn vào Trung Quốc trong khi quân đội Mỹ có thể mở rộng ảnh hưởng đến tận cửa nhà Trung Quốc.
Tên lửa Mỹ mất tích, xuất hiện ở Cuba
Ngày 8-1, báo chí Mỹ đưa tin một quả tên lửa Hellfire của quân đội Mỹ bất ngờ mất tích và đã xuất hiện tại Cuba.
Các quan chức Washington lo ngại Havana có thể chia sẻ công nghệ tên lửa Mỹ với Trung Quốc, Nga hoặc Triều Tiên.
Theo báo Wall Street Journal, nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ cuộc hành trình của quả tên lửa không đối đất Hellfire (lửa địa ngục) bắt đầu từ đầu năm 2014. Khi đó nó được hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin vận chuyển từ sân bay quốc tế Orlando International Airport tới Tây Ban Nha.
Một cuộc tập trận của NATO ở Tây Ban Nha đã sử dụng quả tên lửa này. Và từ đây, lẽ ra nó phải được đưa trở lại Mỹ. Tuy nhiên các quan chức khi giám sát việc vận chuyển thiết bị quân sự lên một chiếc máy bay rời Tây Ban Nha phát hiện quả tên lửa Hellfire mất tích.
Sau khi điều tra, quân đội Mỹ xác định quả tên lửa này đã được đưa lên một chiếc xe tải của hãng hàng không Air France. Xe tải chở tên lửa tới sân bay Charles de Gaulle ở Paris (Pháp). Tại đây, quả tên lửa được đưa lên một chuyến bay của Air France tới Cuba.
Nhà chức trách Havana đã thu giữ quả tên lửa này. Hãng Lockheed Martin thông báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ về vụ mất tích hi hữu này vào tháng 6-2014. Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra vụ việc. Chưa rõ việc tên lửa được đưa tới Cuba là hành vi vô tình hay cố ý.
Sự kiện này xảy ra trong thời điểm Washington và Havana nỗ lực bình thường hóa quan hệ song phương. Mỹ và Cuba chính thức nối lại quan hệ hồi tháng 7-2015 và mở lại đại sứ quán ở thủ đô hai nước.
Tuy nhiên Washington vẫn chưa thuyết phục được Havana trả lại quả tên lửa này. Các quan chức Mỹ cho biết họ không lo ngại khả năng quân đội Cuba tháo dỡ quả tên lửa. Mối lo lớn nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ là Cuba có thể chia sẻ công nghệ tên lửa Hellfire với các quốc gia đối thủ của Mỹ như Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên.
Hàn Quốc muốn có vũ khí chiến lược của Mỹ
Một ngày sau khi CHDCND Triều Tiên khẳng định thử thành công bom nhiệt hạch, Hàn Quốc đã quay sang đàm phán với Mỹ để điều động khí tài chiến lược đến bán đảo Triều Tiên.
Hôm qua, Reuters dẫn lời một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết Seoul và Washington đang bàn bạc việc triển khai vũ khí chiến lược đến Hàn Quốc nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết.
Chuyên gia chính sách quốc phòng Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ nhận định Mỹ cũng sẽ giới hạn phản ứng quân sự vì ngại “chọc giận” Bình Nhưỡng vốn không thể đoán trước được sẽ có hành động gì.
“Bất cứ sự leo thang nào ở khu vực này, bất cứ sự phản ứng quá đà nào có thể dễ dàng dẫn tới không chỉ là xung đột giữa Triều Tiên và Hàn Quốc mà còn kéo Trung Quốc, Mỹ và Nhật vào thế đối đầu” - ông Cordesman bình luận.
Vài giờ sau vụ thử hạt nhân hôm 6-1, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ hành động ngay lập tức để đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Các nhà ngoại giao nói điều này có thể là việc mở rộng vòng cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên.
Một cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói Tokyo đã bắt đầu thảo luận về vòng cấm vận với đối với Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc.
Tại Mỹ, các ứng cử viên tổng thống bên Đảng Cộng hòa tranh thủ vụ việc này để cáo buộc Tổng thống Barack Obama vận hành một chính sách ngoại giao không hiệu quả, để CHDCND Triều Tiên tăng cường khả năng vũ khí hạt nhân. Các nguồn tin trong Quốc hội Mỹ nói các lãnh đạo Cộng hòa ở hạ viện đang xem xét tổ chức một cuộc biểu quyết vào tuần tới để áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn đối với các công ty nước ngoài làm ăn với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định các cường quốc có thể sẽ lưỡng lự trong việc đưa ra các biện pháp mạnh mẽ buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Các nhà phân tích châu Á cho rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ vòng cấm vận mới đối với Bình Nhưỡng từ Liên Hiệp Quốc nhưng trong một giới hạn nào đó vì sợ sẽ làm bất ổn quốc gia từ lâu được coi là vùng đệm giữa Bắc Kinh và Hàn Quốc.