Hàn Quốc bắn cảnh cáo tàu Trung Quốc
Hiểm họa từ đường băng phi pháp trên Biển Đông
Mỹ thử nghiệm khu trục hạm tàng hình USS Zumwalt
Iran thử tên lửa đạn đạo, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc
Nga đưa tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình tới Syria
Tin thế giới đọc nhanh chiều 09-01-2016
- Cập nhật : 09/01/2016
Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc gây căng thẳng Biển Đông
Ngày 8-1, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc điều máy bay dân sự tới Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành vi leo thang căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực.
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
“Chúng tôi rất lo ngại về các chuyến bay này. Chúng tôi lo ngại về tất cả các hành động Trung Quốc đang thực hiện trên Biển Đông - Reuters dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook nhấn mạnh - Việc gây căng thẳng ở các đảo có tranh chấp, bồi lấn và quân sự hóa các đảo này chỉ khiến Biển Đông thêm bất ổn”.
Kêu gọi Mỹ tăng cường sức mạnh hải quân
Ông Cook cho biết Mỹ kêu gọi tìm biện pháp ngoại giao để giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. “Vấn đề là các chuyến bay của Trung Quốc sẽ chỉ làm xói mòn sự ổn định và thông cảm ở khu vực này” - ông Cook đánh giá.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa các đảo này. Một số quan chức hải quân Mỹ bày tỏ lo ngại hành vi gây hấn của Trung Quốc sẽ thổi bùng cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Trước các động thái gây hấn của Trung Quốc, hàng loạt nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Washington tăng cường sức mạnh hải quân trên Biển Đông.
Ông Ryan cho rằng căng thẳng trên Biển Đông cho thấy nước Mỹ cần tăng cường sức mạnh hải quân ở Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc gây hấn. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, ứng cử viên tổng thống Mỹ, cho rằng chính quyền Washington cần tăng cường đầu tư nguồn lực vào lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương.
Ông Rubio khẳng định nếu trở thành tổng thống, ông sẽ lập tức triển khai máy bay và tàu chiến tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. “Chúng ta cần phải bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông” - ông Rubio khẳng định.
Tam giác quân sự
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế, cảnh báo Trung Quốc đang dọn đường cho việc triển khai các máy bay quân sự tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong thời gian tới.
“Với tam giác là các đảo nhân tạo xây trái phép ở Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa (bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) và đảo Hải Nam, Trung Quốc muốn tạo ra một vùng quân sự trên Biển Đông và trong tương lai có thể thiết lập ở đây vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trái phép bất kỳ lúc nào” - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường lo ngại.
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là lập các căn cứ quân sự trên Biển Đông để hiện thực hóa ý đồ mở rộng lãnh thổ sang phía nam, tăng cường tầm hoạt động ở khu vực hải đảo Đông Nam Á. Với các đảo nhân tạo trái phép, lần đầu tiên máy bay Trung Quốc có thể bao quát một khu vực rộng lớn ở Đông Nam Á.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường dự báo chắc chắn quân đội Mỹ sẽ có phản ứng với động thái của Trung Quốc. “Cuộc đối đầu giữa lực lượng Mỹ và Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa sẽ diễn ra gay gắt và căng thẳng” - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường đánh giá.
Canada biểu tình đòi hủy hợp đồng vũ khí với Saudi Arabia
Hàng trăm người Canada theo đạo Hồi đã xuống đường biểu tình, yêu cầu chính phủ hủy bỏ hợp đồng vũ khí trị giá hơn 10 tỉ USD với Saudi Arabia.
Theo RT ngày 8-1, biểu tình xảy ra trước khu vực của Đại sứ quán Saudi Arabia và Đại sứ quán Mỹ ở Canada. Khoảng 500 người biểu tình đã mang theo các khẩu hiệu và hình ảnh, phản đối việc Saudi Arabia tử hình giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr.
Họ cũng kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau nên hủy bỏ hợp đồng vũ khí trị giá 10,5 tỉ USD và cần tỏ rõ thái độ bất mãn với hành động vi phạm nhân quyền của Saudi Arabia.
Anh Imam Asad Jafr, một người tham gia biểu tình khẳng định: “Chúng tôi yêu cầu chính phủ xem xét lại các chính sách đối với Saudi Arabia. Các hành động đạo đức giả cần phải được dừng lại. Họ giết lãnh tụ của chúng tôi, giáo sĩ al Nimr, không vì bất cứ lý do gì và chính phủ lại im lặng”
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn đài CBC, Ngoại trưởng Canada Stephane Dion tuyên bố sẽ không có chuyện xem xét lại hợp đồng vũ khí với Saudi Arabia.
“Chuyện đã làm thì đã làm rồi, hợp đồng không phải là thứ gì đó mà chúng ta có thể xem xét lại”, ông Dion nhấn mạnh.
Được biết, các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Saudi Arabia và Canada được ký kết trong giai đoạn 2013-2014, trong đó chủ yếu là cung cấp các xe quân sự bọc thép hạng nhẹ với giá trị lên tới 10,5 tỉ USD.
Đây là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất mà Canada có được từ trước đến nay, do đó sẽ khó có chuyện hủy bỏ.
Cái chết của giáo sĩ al-Nimr đã gây ra một loạt những căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, trong đó có cả việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Philippines cảnh báo Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario và người đồng cấp Anh Philip Hammond hôm qua bắt tay tại Manila. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi rất quan ngại về việc Trung Quốc đã điều máy bay ra đá Chữ Thập và chúng tôi cũng quan ngại họ có kế hoạch thực hiện thêm điều đó", Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario hôm qua nói, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Anh Philip Hammond.
Ông cho rằng "nếu điều này xảy ra và không bị thách thức, chúng ta sẽ thấy Trung Quốc đưa ra lập trường về khả năng lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ). Dù được thực hiện trên cơ sở thực tế hay chính thức, điều này sẽ vẫn bị chúng tôi coi là không thể chấp nhận được", Del Rosario nói.
Còn ông Hammond, tuy không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc nhưng nói Anh phản đối bất cứ động thái gây hấn nào nhằm thiết lập kiểm soát quân sự, giới hạn tự do đi lại trên biển và trên không.
Trung Quốc tháng này điều các máy bay ra đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với đá này. Việt Nam đã trao công hàm phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt đưa máy bay. Del Rosario nói Philippines cũng sẽ sớm thảo công hàm tương tự.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố nước này thực hiện trên các chuyến bay thử trên đường băng mới xây nhằm xác định xem nó có phù hợp với tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không.
Đường băng ở đá Chữ Thập do Trung Quốc xây dựng phi pháp có chiều dài 3.000 m. Trung Quốc từ 2014 đã cải tạo và xây dựng ở ít nhất 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hiệp hội súng trường Mỹ - tổ chức quyền lực ngáng đường Obama
Người dân Mỹ tham quan một gian hàng trong cuộc triển lãm vũ khí thường niên của NRA vào tháng 4/2015. Ảnh: AFP
Việc ban hành các quy định thắt chặt quản lý hoạt động mua bán súng đạn của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama mà không cần phê chuẩn từ quốc hội đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA).
Ngay sau động thái của Tổng thống Obama, một thành viên của NRA là cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton đã phát biểu: "Tôi cho rằng mối đe dọa lớn nhất với an ninh quốc gia đang hiện hữu tại phòng Bầu dục".
Với tiềm lực tài chính mạnh, tầm ảnh hưởng rộng, NRA được đánh giá là tổ chức ủng hộ vũ khí quyền lực nhất nước Mỹ, chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho nỗ lực hạn chế sở hữu và sử dụng vũ khí mà ông Obama đang theo đuổi trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, theo La Croix.
NRA là tổ chức tự phát ôn hòa do những thợ săn và người thích súng ở Mỹ lập ra năm 1871. Thời điểm đó, khi việc người dân có thể sở hữu súng chưa gây ra nhiều rắc rối thì hoạt động của NRA chủ yếu là mở các khóa huấn luyện kỹ thuật bắn súng và săn bắn.
Từ thập niên 1960, khi nhiều người Mỹ lên tiếng yêu cầu kiểm soát súng, NRA từ một câu lạc bộ những người yêu súng đã trở thành một đoàn thể chính trị phản đối việc cấm súng và hoạt động rất hiệu quả ở cả cấp độ bang và liên bang.
Hiện NRA có hơn 5 triệu hội viên và là đoàn thể chính trị có thế lực nhất nước Mỹ. Theo các số liệu của La Croix, trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2014, 4/5 ứng viên do NRA ủng hộ đều trúng cử. Vì thế NRA không ngại công kích bất cứ một nhân vật quyền lực nào, và các chính khách cũng không muốn đương đầu với tổ chức này.
Năm 2011, khi từ chối thảo luận với Tổng thống Obama về vấn đề kiểm soát súng, Phó chủ tịch NRA Wayne LaPierre đã phát biểu: "Vì lý do gì mà NRA lại có thể ngồi cùng với nhóm người dành cả đời để tìm cách phá hoại Tu chính án số II của Hiến pháp Mỹ?"
Tu án chính án số II ra đời gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, được coi là vũ khí pháp lý lợi hại nhất của NRA trong việc đấu tranh chống lại các đạo luật cấm súng. Tu chính án này có hai vế: vế đầu cho rằng dân quân được tổ chức tốt là cần thiết cho an ninh của một bang tự do; vế sau khẳng định quyền giữ và mang vũ khí của mọi công dân không thể bị xâm phạm.
Bên cạnh cơ sở pháp lý vững chắc, sức mạnh của NRA còn nằm ở tiềm lực tài chính hùng hậu. Tính riêng trong năm 2013, quỹ hoạt động của NRA lên đến 350 triệu USD. Con số này đến từ đóng góp của các thành viên và các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu vũ khí.
Theo thông tin từ trang web của NRA, có tới 8 tổng thống Mỹ từng là hội viên của tổ chức này bao gồm: Ulysses S. Grant, Theodore Roosevelt, William Howard Taft, Dwight D. Eisenhower, Richard M. Nixon, Ronald Reagan và George H.W. Bush, trong đó cựu Tổng thống Bush "con" được coi là tổng thống thân thiện nhất với súng đạn.
Ảnh hưởng sâu rộng đến chính giới
Quyền lực và giàu có, NRA thường xuyên đóng góp hào phóng cho các chiến dịch vận động bầu cử quốc hội cũng như Tổng thống Mỹ. Đoàn thể này hoạt động dựa trên phương pháp cung cấp tài chính và tiến hành các chiến dịch quảng bá cho những ứng viên mà NRA ủng hộ.
Theo Center for Responsive Politics, một cơ quan giám sát tài chính chính trị tại Washington, NRA đã chi tới 27 triệu USD cho các chiến dịch bầu cử quốc hội năm 2014.
Cũng như các nhóm lợi ích hoặc các tổ chức phi chính phủ khác, NRA tiến hành chấm điểm các chính khách theo thang điểm A-F, trên cơ sở xem xét mức độ ủng hộ của họ đối với việc sở hữu và sử dụng súng đạn, và luôn công khai bảng điểm cho các cử tri bầu cử.
Năm 2012, hai thượng nghị sĩ Ted Cruz và Rand Paul đã nhận được điểm A tuyệt đối, trong khi thượng nghị sĩ Marco Robio nhận được điểm B. Cả ba chính khách này vẫn đang trong cuộc đua trở thành gương mặt đại diện của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.
Bên cạnh đó, hàng năm NRA vẫn chi hàng chục triệu USD cho các hoạt động vận động hành lang thúc đẩy quốc hội hoặc chính quyền các bang ban hành các văn bản và đạo luật có lợi cũng như hạn chế các đạo luật đe dọa đến quyền "công dân cơ bản" của người Mỹ.
Sau vụ xả súng tại trường học ở Newtown, tiểu bang Connecticut năm 2012, chính quyền của Tổng thống Obama đã đề xuất dự luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Đây là một gói đề xuất bao gồm các biện pháp mở rộng phạm vi kiểm tra hồ sơ lý lịch không chỉ với tất cả những người nộp đơn xin mua súng mà sang cả các cuộc triển lãm súng. Tuy nhiên, do sức ép của NRA, văn kiện này bị thượng viện phủ quyết.
Ngoài sự ủng hộ tuyệt đối của các thành viên đảng Cộng hòa, NRA cũng nhận được sự hỗ trợ từ các chính trị gia thuộc phe Dân chủ, đặc biệt tại các bang miền nam và miền tây, nơi văn hóa súng đạn phát triển mạnh mẽ. Đáng chú ý, dân biểu của bang Nevada, Harry Reid, lãnh đạo đảng Dân chủ tại thượng viện từ năm 2007, được NRA chấm điểm B+.
Thổ Nhĩ Kỳ đóng tàu sân bay hơn một tỷ USD
Theo The Daily Beast, tàu sân bay được đặt tên là Anadolu, theo vùng Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ dài khoảng 225 m và dự kiến sẽ đưa vào phục vụ năm 2021. Nó được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ, có thể vận chuyển xe tăng, tàu đổ bộ, trực thăng, binh sĩ, và máy bay.
Trị giá hơn một tỷ USD, con tàu sẽ thay đổi đáng kể khả năng của Ankara trong việc triển khai sức mạnh vượt ra ngoài biên giới. Anadolu sẽ được sử dụng như một tàu đổ bộ, hoặc một bãi đáp trực thăng. Cả hai chức năng sẽ cho phép Ankara triển khai sức mạnh trên khắp Địa Trung Hải, vào Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo như sơ tán.
Theo trang web phân tích Bosphorus Naval News, Anadolu có khả năng chứa tới 10 tiêm kích F-35B. Ngoài ra, nó có thể giữ tới 12 trực thăng, 94 xe tăng chiến đấu, và ít nhất 700 binh sĩ. Con tàu cũng sẽ có một bệnh viện với khoảng 34 giường.
"Khả năng của tàu sẽ làm cho nó trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại, làm nổi bật sức mạnh mềm của Thổ Nhĩ Kỳ", nhà phân tích an ninh Metin Gurcan bình luận.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, là một trong những nước có nền quân sự mạnh nhất trong khu vực. Ankara có hơn 400.000 quân chính quy.