Philippines kêu gọi ASEAN gây sức ép Trung Quốc về COC trên Biển Đông
Tổng thống Philippines, Benigno Aquino kêu gọi ASEAN gia tăng sức ép lên Trung Quốc để đạt được COC - Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 8.1 kêu gọi các nước ASEAN gây sức ép nhằm buộc Trung Quốc tham gia xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (CoC).
Phát biểu trước báo giới ngày 8.1, Tổng thống Philippines Benigno Aquino kêu gọi các nước láng giềng ASEAN gia tăng sức ép đối với Trung Quốc nhằm thống nhất về một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc giữa các bên trên Biển Đông, theo Reuters.
Theo ông Aquino, Philippines đã nỗ lực hết sức để thúc đẩy các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), gồm tập hợp các quy tắc về cách thức mà các bên có liên quan nên áp dụng, đồng thời áp đặt biện pháp trừng phạt những nước vi phạm. Mục đích của các quy tắc là ngăn những hành vi khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng và xung đột trên Biển Đông.
Ông Aquino cho biết Trung Quốc và ASEAN dự kiến nhóm họp vào tháng tới để soạn thảo các chi tiết của bộ quy tắc ứng xử này.
Từ năm 2010, Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN đã thảo luận về COC nhằm tránh xung đột trên Biển Đông, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn nhiều lần né tránh những bước đi cụ thể để đạt được bộ quy tắc này. Không những thế, trên thực địa Trung Quốc còn đẩy mạnh xây dựng các cơ sở quân sự, cơ sở hạ tầng phi pháp trên các đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Theo Reuters, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đợi hoàn thành hoạt động trái phép trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông rồi mới bàn với ASEAN về bộ quy tắc này.
Phát biểu của ông Aquino đưa ra sau khi tình hình Biển Đông có dấu hiệu gia tăng căng thẳng, đặc biệt sau khi Trung Quốc vừa tiến hành 3 chuyến bay thử nghiệm, đáp trên các đường băng mà Bắc Kinh xây dựng bất hợp pháp ở Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Philippines, Việt Nam cùng nhiều nước khác như Mỹ và Nhật Bản đã chỉ trích hành động này của Trung Quốc, coi đó là động thái đơn phương làm căng thẳng và bất ổn ở Biển Đông.
Triều Tiên bắt đầu phát thanh chống Hàn Quốc dọc biên giới
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) chiều 8.1 đưa tin Triều Tiên đã bắt đầu mở dàn loa phát thanh chống Hàn Quốc ở khu vực dọc biên giới liên Triều. Thông tin được đưa ra chỉ ít giờ sau khi Hàn Quốc mở lại hệ thống loa phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên vào sáng cùng ngày.
Theo Reuters, việc Triều Tiên bắt đầu mở dàn loa phát thanh trên là biện pháp trả đũa đối với chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng mà Seoul vừa tái khởi động.
Hàn Quốc quyết định mở lại hệ thống loa phát thanh sau khi Triều Tiên ngày 6.1 tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Bên cạnh việc mở lại hệ thống loa, Hàn Quốc còn nâng báo động quân sự đến mức cao nhất tại những khu vực gần các loa phát thanh ở biên giới. Trong khi đó, Triều Tiên nhanh chóng tăng cường binh sĩ đến khu vực biên giới với Hàn Quốc.
Hồi tháng 8.2015, Hàn Quốc khởi động lại hệ thống phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên ở dọc biên giới lần đầu tiên trong vòng 11 năm để đáp trả vụ nổ mìn, khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng. Bình Nhưỡng đã dọa sẽ có hành động quân sự mạnh nếu Seoul không dừng chiến dịch đó. Sau khi đàm phán, hai bên đạt thỏa thuận và Hàn Quốc đã tắt hệ thống loa phát thanh nói trên.
Yonhap dẫn lời giới quan sát cho rằng việc Seoul mở lại hệ thống loa phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng có thể đẩy căng thẳng hai bên leo thang như hồi tháng 8.2015, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn vì đợt khởi động lại lần này bắt đầu đúng vào ngày sinh nhật của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Campuchia trong dòng chảy tài chính Trung Quốc
Đập Hạ Sesan 2 đang nhanh chóng tượng hình - Ảnh: Mekong Commons
Nguồn tài chính cuồn cuộn đổ vào cơ sở hạ tầng Campuchia đang là một phần của chiến dịch khuếch trương ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.
Ở vùng đông bắc Campuchia, thủy điện Hạ Sesan 2 với chi phí đầu tư 800 triệu USD đang dần mọc lên một cách hoành tráng.
Theo tờ South China Morning Post, nó trở thành biểu tượng cho các kế hoạch tham vọng của Bắc Kinh nhằm khuếch trương ảnh hưởng xuyên suốt châu Á thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho những nước trong khu vực.
Cho vay không điều kiện
Nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy chính sách đối ngoại theo hướng “tái cân bằng” tại châu Á - Thái Bình Dương, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại đáp trả bằng cách bơm hàng trăm tỉ USD dưới dạng đầu tư mới vào các quốc gia láng giềng, nhằm khôi phục điều mà nhà lãnh đạo này gọi là vị trí trung tâm của châu Á.
Không nơi nào điều này được thể hiện rõ ràng hơn như tại Campuchia, nước đang đi vào quỹ đạo của Bắc Kinh và rời xa tầm ảnh hưởng của phương Tây với lời hứa hẹn trị giá nhiều tỉ USD, mà không cần bất cứ ràng buộc nào kèm theo. Thông thường, loại tiền “dễ kiếm” này xuất hiện dưới dạng đường sá, cầu cống và đập thủy điện.
“Không có cơ sở hạ tầng, nước bạn không thể nào hồi sinh. Ai nấy đều chỉ trích chúng tôi nghiêng về phía Bắc Kinh, nhưng đó là vì chúng tôi cần gấp cơ sở hạ tầng… Trung Quốc không kèm theo điều kiện gì cả”, tờ The Washington Post dẫn lời phân trần của Bộ trưởng Thương mại Campuchia Sun Chanthol.
Campuchia cũng là thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), tổ chức do Trung Quốc đứng đầu, nhằm cấp tiền cho dự án “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” chạy xuyên sa mạc và đồi núi Trung Á, và “Con đường tơ lụa trên biển” qua các vùng biển ở Nam Á. Có thể nói, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội ở châu Á, cũng như Mỹ từng phát hiện và đã nắm bắt tại khu vực Mỹ Latin.
Dù Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia và là nhà nhập khẩu quan trọng trong lĩnh vực may mặc, nhưng Trung Quốc đang trỗi dậy với vị thế là quốc gia cung cấp tiền mạnh tay nhất và bơm nguồn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào đất nước nằm trên bán đảo Đông Dương trong thập niên qua.
Bất chấp những quan ngại về môi trường lẫn ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của hàng trăm ngàn dân, các công trình như đập Hạ Sesan 2 vẫn được xúc tiến. Theo chuyên gia Ian Baird của Đại học Wisconsin (Mỹ), con đập này sẽ làm tăng tình trạng thiếu ăn và nghèo đói trên diện rộng tại Campuchia. “Con đập không nằm ở vị trí lý tưởng nhất, mà lại khá đắt đỏ, và nó sẽ gây ra tác động dữ dội về môi trường lẫn xã hội”, theo chuyên gia Mỹ.
Quan hệ đặc biệt
Mey Kalyan, cố vấn cấp cao của Hội đồng Kinh tế quốc gia tối cao Campuchia, nhận định rằng Trung Quốc đang tận hưởng “một mối quan hệ đặc biệt với Campuchia”, và điều này không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế.
Hồi tháng 11.2015, hai nước đã bắt tay tăng cường quan hệ quân sự, theo sau cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng tại Phnom Penh. Theo Bộ trưởng Campuchia Tea Banh, Bắc Kinh đã đồng ý hỗ trợ về mặt quân sự nhằm tăng cường năng lực của quân đội Campuchia, đồng thời tiếp tục cung cấp huấn luyện và giảng dạy tại các học viện quân đội, đẩy mạnh trao đổi quân sự và tập trận chung.
Ông Tea Banh cũng xác nhận chính quyền Hun Sen đã tiếp nhận hệ thống tên lửa phòng không vác vai từ Trung Quốc, nhưng Phnom Penh vẫn chưa thỏa mãn. Quan chức này úp mở rằng Phnom Penh cần thêm những loại vũ khí tầm xa hơn nữa.
Dù vậy, thỏa thuận trên đã củng cố vị thế của Trung Quốc là nước viện trợ quân sự lớn nhất của Campuchia. Theo tờ The Diplomat, quan hệ quốc phòng giữa hai nước đang trên đà phát triển trong vài năm qua.
Vào năm 2013, Campuchia mua 12 trực thăng Harbin Z-9 bằng khoản vay 195 triệu USD từ Trung Quốc. Đến tháng 2.2014, quốc gia Đông Nam Á này tiếp nhận 26 xe tải quân sự và 30.000 bộ quân phục từ Bắc Kinh.
Viện Bộ binh ở tỉnh Kampong Speu được xây dựng bằng tiền hỗ trợ từ Trung Quốc cũng đánh dấu nỗ lực đầu tiên của chính quyền Bắc Kinh nhằm xây dựng một cơ sở huấn luyện quy mô lớn tại Đông Nam Á. Nhìn xa hơn nữa, nó còn là một minh chứng rõ ràng cho thấy tầm ảnh hưởng bao trùm của Bắc Kinh đối với Campuchia.
Tuy nhiên ông Kung Phoak, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia, cho hay Trung Quốc đang đối mặt với “sự thiếu hụt nghiêm trọng về mặt niềm tin”, không chỉ tại Campuchia mà còn xuyên suốt khu vực. Châu Á trong quá khứ đã hứng chịu quá đủ khi trở thành những con cờ trên bàn cờ giữa các siêu cường, và ông Kung Phoak nhấn mạnh rằng Campuchia không hề muốn bắt buộc phải lựa chọn giữa Mỹ hoặc Trung Quốc.
Thủy điện Hạ Sesan 2 không phải dự án duy nhất của Trung Quốc vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận Campuchia.
Theo tờ The Washington Post, các tổ chức dân sự trong nước đang tập trung chỉ trích công trình nhượng quyền sử dụng 364 km2 đất đai cho Tập đoàn phát triển liên hợp Trung Quốc (UDG) để xây dựng trung tâm du lịch sinh thái và thương mại quốc tế trên bờ biển tây nam nước này.
Một dự án thủy điện khác, nằm trong thung lũng nguyên sinh rừng rậm Areng, cũng thuộc miền tây nam, đã bị hoãn lại hồi tháng 2.2015 sau khi dân địa phương liên tục biểu tình phản đối.
UFO xuất hiện gần máy gia tốc hạt nhân khổng lồ của châu Âu
Một vật thể kỳ bí được cho là UFO đã xuất hiện gần cỗ máy gia tốc hạt lớn nhất thể giới của châu Âu. Vật thể không xác định bị cuốn vào cơn lốc rồi biến mất.
Đốm sáng được cho là UFO xuất hiện gần cơn lốc ở Thụy Sĩ - Ảnh chụp màn hình Mirror
Hiện tượng kỳ bí này xảy ra trên bầu trời Thụy Sĩ, một đoạn video đã ghi lại toàn bộ diễn biến. Cơn lốc xuất hiện giữa không trung, cuốn mây xung quanh vào tâm của nó, theo Mirror.
Một đốm sáng được cho là vật thể bay không xác định (UFO) xuất hiện từ xa rồi dần tiến đến trung tâm cơn lốc. Đốm sáng kỳ lạ bị hút vào, con lốc lúc đó cũng bỗng biến mất như chưa thề tồn tại.
Một số người đã bày tỏ hoài nghi về tính xác thực của video. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có lời giải hợp lý cho hiện tượng trên.
Máy gia tốc hạt lớn còn được biết với tên Large Hadron Collider (LHC), được đặt tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ở Thụy Sĩ, gần biên giới với Pháp.
Cỗ máy cho phép các nhà khoa học tái tạo những gì diễn ra sau vụ nổ Big Bangkhai sinh vũ trụ cách đây 13,7 tỉ năm. LHC hoạt động bằng cách cho bắn phá các chùm hạt ion hoặc proton năng lượng cao với tốc độ gần bằng với tốc độ ánh sáng.
Các hạt sẽ di chuyển trong hệ thống đường hầm dài 27 km, nằm sâu 100 m dưới lòng đất. Các nhà khoa học sẽ dùng các thiết bị hiện đại để quan sát những lần bắn phá.
Máy bay mất tích ở Na Uy
Chiếc máy bay tương tự như trong ảnh đã xuất phát từ sân bay Heathrow của London.
Cất cánh từ sân bay Heathrow, máy bay gửi tín hiệu cấp cứu sau khi ra khỏi biên giới Na Uy khoảng 15 phút và từ đó vẫn chưa liên lạc lại.
Hãng tin Express của Anh đưa tin một chiếc máy bay vừa biến mất sau khi cất cánh từ London và gửi tín hiệu cấp cứu khẩn cấp.
Các đội tìm kiếm đang tìm kiếm chiếc máy bay này. Cất cánh từ sân bay Heathrow, máy bay gửi tín hiệu cấp cứu sau khi ra khỏi biên giới Na Uy khoảng 15 phút và từ đó vẫn chưa liên lạc lại.
Theo thông tin mới nhất, một chiếc trực thăng F16 của Na Uy đã tìm thấy mảnh vỡ đầu tiên. Một số máy bay trực thăng đã lên đường tìm kiếm và đội cứu hộ cũng đang cố gắng tìm ra các mảnh vỡ.
Theo thông tin đăng ký chỉ có 2 người đang ở trên chuyến bay đi tới Tromso (Na Uy). Tín hiệu cấp cứu được phát ra khi máy bay CRJ 200 của hãng hàng không Canadair đang ở khu vực giữa hồ Akkajaure của Na Uy và vùng núi Lapland của Thụy Điển.
Máy bay CRJ 200 được sản xuất bởi Tập đoàn hàng không vũ trụ Bombardier của Canada. Cho tới nay, đã có khoảng gần 1.000 chiếc CRJ được xuất xưởng.
(
Tinkinhte
tổng hợp)