tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 11-01-2016

  • Cập nhật : 11/01/2016

Nhật Bản thiếu còng trừng phạt Triều Tiên thử hạt nhân

Nhật Bản hầu như không có công cụ về kinh tế và chính trị để tác động lên chính sách hạt nhân mà Triều Tiên đang theo đuổi.
nha lanh dao trieu tien kim jong-un dat but ky sac lenh phe chuan thu hat nhan. anh: afp

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt bút ký sắc lệnh phê chuẩn thử hạt nhân. Ảnh: AFP

Hôm 6/1, Triều Tiên tuyên bố đã lần đầu tiên tiến hành thành công vụ thử bom nhiệt hạch theo sự phê chuẩn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia láng giếng như Hàn Quốc, Nhật Bản, theo Diplomat.

Dù các chuyên gia quốc tế nghi ngờ vụ nổ này chỉ là một vụ thử bom hạt nhân thông thường có trộn thêm một ít đồng vị phóng xạ hydro, nó vẫn là sự vi phạm rõ ràng một loạt các nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên được thông qua sau ba vụ thử hạt nhân trước đó.

Bà Yuki Tasumi, học giả ở Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, Washington D.C, cho rằng Nhật Bản cùng Mỹ và cộng đồng quốc tế đã phản ứng mạnh mẽ sau vụ thử hạt nhân này của Triều Tiên. Trong tuyên bố đưa ra ngay sau khi Triều Tiên công bố thử hạt nhân, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án vụ thử là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và "phản đối mạnh mẽ với Triều Tiên".

Tuy nhiên, khi Hội đồng Bảo an nhóm họp khẩn nhằm áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung chống Triều Tiên, bản thân Nhật Bản tự thấy mình đang ở một vị trí ngoại giao đầy thử thách, theo bà Tasumi.

Trước hết, dù ông Abe đã lên án mạnh mẽ hành động này, Nhật Bản hầu như không có công cụ song phương hiệu quả để tác động lên hành vi của Bình Nhưỡng.

Về kinh tế, quan hệ Nhật – Triều gần như là con số không tròn trĩnh, do đó họ không thể đơn phương gây thiệt hại cho các hoạt động thương mại của Bình Nhưỡng bằng các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Về chính trị, Nhật Bản không có kênh liên lạc hiệu quả đối với Triều Tiên, bởi từ trước tới nay đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của ông Abe không mấy coi trọng phương thức giải quyết khủng hoảng bằng con đường ngoại giao này.

Chính sách của Nhật Bản với Triều Tiên trong hơn 10 năm qua chỉ xoay quanh vấn đề liên quan đến những người Nhật Bản được cho là bị Triều Tiên bắt cóc. Hiện các cuộc đàm phán về vấn đề này đã bị ngưng trệ do thiếu sự hợp tác của Triều Tiên, dù hai nước đã đạt thỏa thuận song phương vào năm 2013 nhằm tiếp tục điều tra về những người mất tích còn sống sót.

Theo bà Tasumi, Tokyo cần hợp tác với Bình Nhưỡng trong vấn đề người Nhật mất tích, nhưng họ lại cảm thấy bị mắc kẹt giữa mong muốn này và sức ép của Mỹ cùng cộng đồng quốc tế nhằm cô lập và trừng phạt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.Hy vọng duy nhất cho Thủ tướng Abe là quan hệ của Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc , hai quốc gia có vai trò quan trọng trong giải quyết mối đe dọa an ninh mà Triều Tiên đặt ra, cuối cùng cũng có chuyển biến tích cực trong năm ngoái.

ngoai truong nhat ban fumio kishida (trai) gap go nguoi dong nhiem han quoc yun byung-se tai bo ngoai giao han quoc o seoul ngay 28/12. anh: afp

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) gặp gỡ người đồng nhiệm Hàn Quốc Yun Byung-Se tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở Seoul ngày 28/12. Ảnh: AFP

Cuối năm 2015, thỏa thuận về giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời kỳ Thế chiến II giữa Tokyo và Seoul đã loại bỏ những trở ngại chính trong quan hệ Nhật - Hàn, giúp hai nước có thể tăng cường quan hệ quốc phòng song phương và đẩy mạnh hợp tác ba bên với Mỹ đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên mới đây là một lời nhắc nhở nữa với Tokyo rằng môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn và có thể đang ngày càng xấu đi.

Theo một số chuyên gia, quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc là một trong những lý do khiến Triều Tiên cảm thấy bị cô lập ở khu vực Đông Bắc Á, và vụ thử hạt nhân có thể là một phản ứng giận dữ của Bình Nhưỡng trước thực tế trên.

"Thế giới có lẽ sẽ không bao giờ biết được động cơ thực sự của Triều Tiên đằng sau vụ thử này, nhưng rõ ràng ông Kim Jong -un đang có những hành động khó đoán hơn so với người cha Kim Jong-il. Điều này không chỉ là mối đe dọa với tình hình an ninh Đông Bắc Á, mà còn là thách thức nghiêm trọng với cơ chế giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế hiện nay", bà Tasumi nhận định.


Arab Saudi dọa triển khai thêm biện pháp đối phó Iran

Ngoại trưởng Arab Saudi hôm qua cảnh báo nước này có thể triển khai thêm biện pháp đối phó Iran trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước vẫn ở mức cao liên quan đến vụ xử tử một giáo sĩ dòng Shiite.
ngoai truong arab saudi adel al-jubeir trong buoi hop bao sau cuoc hop bat thuong cua ngoai truong cac nuoc hoi dong hop tac vung vinh (gcc) o thu do riyadh ngay 9/1. anh: reuters.

Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir trong buổi họp báo sau cuộc họp bất thường của ngoại trưởng các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) ở thủ đô Riyadh ngày 9/1. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi đang xem xét có biện pháp bổ sung nếu họ (Iran) tiếp tục duy trì chính sách như hiện tại", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir nói nhưng không nêu cụ thể.

Ông Jubeir đưa ra bình luận trên trong buổi họp báo sau cuộc họp bất thường của ngoại trưởng các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) ở thủ đô Riyadh. Cuộc họp được triệu tập để thảo luận về căng thẳng với Iran sau khi đại sứ quán Arab Saudi ở Tehran bị tấn công.

Căng thẳng giữa Arab Saudi, theo Hồi giáo dòng Sunni, và Iran, theo dòng Shiite, tăng cao từ lúc Riyadh xử tử giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr ngày 2/1, khiến cộng đồng người Shiite ở Trung Đông tức giận.

"Sự leo thang đến từ Iran, không phải từ Arab Saudi hay GCC... Chúng tôi đang đánh giá các động thái của Iran và có bước đi đối phó... mọi thứ sẽ rõ ràng hơn trong tương lai gần", ông Jubeir nói.

Sau cuộc họp, GCC lên án cái họ gọi là Iran can thiệp vào vấn đề nội bộ Arab Saudi và khu vực. GCC bao gồm Arab Saudi, Bahrain, Qatar, Oman, Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Riyadh còn đề nghị Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Tehran cũng là thành viên, triệu tập họp bất thường để bàn về vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán Arab Saudi tại Iran.

Iran cho rằng chính Arab Saudi mới là bên gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã phàn nàn "sự khiêu khích" của Riyadh nhằm vào Tehran.


Kim Jong-un nói thử bom nhiệt hạch vì mục đích tự vệ

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này thử bom nhiệt hạch là hành động tự vệ và có quyền chủ quyền để thực hiện mà "không ai có thể chỉ trích".
nha lanh dao trieu tien kim jong-un. anh: reuters.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

Triều Tiên ngày 6/1 tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch tự chế tạo. Động thái này bị các nước trong khu vực và Liên Hợp Quốc phản đối mạnh mẽ.

"Cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch của DPRK (Triều Tiên)... là bước tự vệ để bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và an ninh khu vực khỏi nguy cơ chiến tranh hạt nhân do Mỹ gây ra", hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA hôm nay dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết trong một sự kiện chào năm mới tại Bộ Các lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Theo Kim Jong-un, đây là "quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền và công bằng mà không ai có thể chỉ trích".

Giới chuyên gia nhận định vụ nổ từ cuộc thử nghiệm quá yếu để khẳng định nó do bom nhiệt hạch thực sự gây ra. Họ ước tính sức công phá vụ nổ ngày 6/1 là 6 kiloton, tương đương 6.000 tấn thuốc nổ TNT, trong khi bom nhiệt hạch thường tạo ra sức công phá hàng chục, thậm chí hàng trăm kiloton.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm kìm chế Triều Tiên. Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối cuộc thử nghiệm.

Seoul ngày 8/1 tái khởi động chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng bằng loa ở khu vực biên giới sau 4 tháng tạm dừng theo một thỏa thuận hòa bình. Hàn Quốc cảnh báo quân đội nước này đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và nếu Triều Tiên có hành động khiêu khích thì sẽ nhận sự trừng phạt cứng rắn.


Hàn Quốc phong tỏa điểm du lịch gần biên giới liên Triều

Hàn Quốc hôm qua ban bố lệnh cấm công dân nước này tới thăm một địa điểm du lịch nổi tiếng cùng nhiều nơi khác gần biên giới với Triều Tiên sau vụ việc Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch.
dai quan sat dora, dia diem du lich o han quoc bi dong cua tu hom qua. anh:cnn

Đài quan sát Dora, địa điểm du lịch ở Hàn Quốc bị đóng cửa từ hôm qua. Ảnh:CNN

Đài quan sát Dora, hướng về khu phi quân sự (DMZ), cùng một bảo tàng được xây dựng từ một đường hầm cũ của Triều Tiên, bắt đầu bị đóng cửa từ hôm qua, thời điểm Seoul tái khởi động chương trình tuyên truyền bằng loa phóng thanh gần biên giới liên Triều, Reuters dẫn lời một quan chức đến từ thành phố Paju của Hàn Quốc cho biết.

Song, nhà chức trách Hàn Quốc cho hay đến nay vẫn chưa xảy ra bất kỳ gián đoạn nào ở khu công nghiệp chung Kaesong. Theo đó, có 512 công dân Hàn Quốc đã lưu lại qua đêm tại đây. 479 người trong số này dự kiến về lại Hàn Quốc vào chiều nay. Một nhóm khác gồm 269 người vẫn được phép tới Kaesong trong hôm nay.

Phát biểu trước đám đông tại Quảng trường Kim Nhật Thành, một quan chức hàng đầu của Triều Tiên cho rằng việc Hàn Quốc đặt loa phóng thanh, thảo luận cùng Mỹ về khả năng triển khai máy bay chiến đấu tiên tiến mang bom hạt nhân, đã đẩy bán đảo "tới bờ vực chiến tranh".

Bình Nhưỡng nói việc Seoul khôi phục các loa tuyên truyền chống phá sau 5 tháng là "tương đương với hành động chiến tranh".

Triều Tiên hôm 6/1 tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Động thái này vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế.


Mỹ trang bị tên lửa tầm xa cho chiến hạm 'nữ hoàng tốc độ'

Việc lắp đặt tên lửa vượt đường chân trời lên tàu chiến ven biển sẽ khiến tàu chiến mặt nước của Mỹ uy lực hơn trong tác chiến đối kháng bề mặt.
ten lua kongsberg phong tu tau uss coronado (lcs 4) trong buoi ban thu tai ngoai khoi nam california hom 23/9/2014. anh: us navy

Tên lửa Kongsberg phóng từ tàu USS Coronado (LCS 4) trong buổi bắn thử tại ngoài khơi Nam California hôm 23/9/2014. Ảnh: US Navy

Kế hoạch lắp đặt diễn ra vào cuối năm nay, giám đốc phụ trách tác chiến mặt nước hải quân tiết lộ hôm 7/1, theo USNI.

Chuẩn đô đốc Peter Fanta cho biết việc lắp đặt tên lửa vượt đường chân trời lên tàu chiến đấu ven biển (LCS), tàu chiến được mệnh danh là "nữ hoàng tốc độ" trên biển, "hoàn toàn đáp ứng nhu cầu" của hải quân Mỹ. Bất chấp những khó khăn trong giải ngân giữa năm tài khóa, đội ngũ kỹ sư hải quân Mỹ đã dày công nghiên cứu để các tên lửa này có thể vận hành trên boong tàu LCS.

Tên lửa vượt đường chân trời là loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn xa từ hàng trăm đến hàng nghìn km, có thể tiêu diệt các mục tiêu nằm ngoài đường chân trời trên biển nhờ hệ thống radar phát hiện và chỉ thị mục tiêu hiện đại.

"Đội ngũ của chúng tôi cần thời gian để tìm hiểu xem boong tàu cần gia cố như thế nào, và góc độ của bệ phóng ra sao khi bố trí tên lửa trên tàu LCS. Tất cả những gì tôi có thể tiết lộ là họ đang tính toán", ông Fanta cho biết.

Theo ông Fanta, hải quân Mỹ dự tính sẽ lắp đặt tên lửa lên tàu LCS vào cuối 2016, để đảm bảo tên lửa và tàu chiến LCS sẽ có độ kết nối hơn so với lần diễn tập bắn tên lửa tấn công Kongsberg do Na Uy sản xuất từ tàu chiến đấu ven biển USS Coronado (LCS-4).

"Tôi đang xem xét một loạt tên lửa, không chỉ tên lửa Kongsberg của Na Uy mà cả tên lửa Harpoon và một vài loại tên lửa khác để tích hợp vào hệ thống tác chiến", ông Fanta nói.

Ý tưởng lắp đặt tên lửa vượt đường chân trời lên tàu LCS đưa ra theo nghiên cứu khuyến nghị xây dựng một đội tàu khu trục nhỏ được nâng cấp bọc giáp và tăng cường vũ khí trên nền tảng LCS. Hải quân Mỹ đang phát triển hạm đội tàu chiến đấu ven biển hiện đại, tuy nhiên những con tàu có khả năng cơ động cao này lại bị chỉ trích là thiếu hỏa lực cần thiết cho các hoạt động đối kháng trên biển. 

Trong tháng 12/2014, hải quân Mỹ đã tuyên bố sẽ nâng cấp hệ thống vũ khí, bọc giáp và bộ phận cảm biến trên các tàu LCS để biến nó thành một tàu tác chiến mặt nước nhỏ uy lực hơn.

Ý tưởng này cũng phù hợp với tầm nhìn của ông Fanta về việc tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ của hải quân Mỹ cần tham gia tác chiến đối kháng trên biển trong tương lai.

Việc bổ sung tên lửa vượt đường chân trời vào hệ thống vũ khí trên tàu LCS sẽ giúp cho các tàu này phát huy ưu thế nhỏ gọn và chạy với vận tốc tối đa 74 km/h để tấn công đối phương từ nhiều hướng khác nhau.

"Khi tác chiến giữa các hòn đảo, tàu LCS có lợi thế di chuyển nhanh, liên tục và có thể tiếp tế nhiên liệu, vũ khí ở bất kỳ cảng nhỏ nào để nhanh chóng quay trở lại tác chiến và phóng tên lửa vào kẻ thù. Kinh nghiệm trong Thế Chiến II cho thấy các tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ rất hiệu quả trong tác chiến trên biển", chuẩn đô đốc Fanta cho biết.

Tàu LCS được trang bị tên lửa vượt đường chân trời có thể luồn lách giữa các đảo nhỏ, tiến về phía đối phương để thực hiện các đòn đánh bất ngờ từ xa, trong lúc đối phương không thể dự đoán được con tàu này tiếp cận từ hướng nào.

Việc lắp đặt tên lửa vượt đường chân trời mới chỉ là bước khởi đầu trong chiến lược nâng cấp hỏa lực cho các đội tàu chiến LCS của hải quân Mỹ.

"Trong lúc cả thế giới đang nghiên cứu và phát triển tên lửa hành trình chống hạm, chúng tôi đang tính đến phương án lắp ngư lôi chống hạm tầm xa có kích thước tương đương ngư lôi Mk 48. Chúng có thể phóng từ mạn tàu chiến vào mục tiêu đối phương từ khoảng cách xa, tạo nên sức răn đe lớn", chỉ huy hải quân Mỹ nhấn mạnh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục