Nhật Bản sẵn sàng đối phó với tên lửa của Triều Tiên
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày hôm nay (13/4) tuyên bố, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để sẵn sàng ứng phó với vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể xảy ra bất cứ lúc nào của Triều Tiên.
Truyền thông Mỹ đưa tin hôm 12/4 rằng dữ liệu thu thập được từ các vệ tinh của Mỹ cho thấy Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành một vụ phóng tên lửa đạn đạo từ một bệ phóng lưu động.
Phản ứng về thông tin này, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng: “Chính phủ Nhật sẵn sàng bảo vệ mạng sống của người dân và an ninh quốc gia, chúng tôi đã trang bị mọi thứ sẵn sàng để ứng phó với bất kỳ tình huống nào xảy ra. Chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động thăm dò và giám sát”.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản khẳng định Tokyo đã theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời hợp tác cùng Mỹ và Hàn Quốc trong vấn đề này. Các bên dự kiến sẽ họp mặt tại Seoul để đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên vào ngày 19/4 sắp tới. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang sau khi Bình Nhưỡng thử thành công bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom H) hồi đầu tháng 1 và đưa một vệ tinh lên quỹ đạo 1 tháng sau đó.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 3/2 đã ra tuyên bố rằng, cơ quan này đã ban hành lệnh cho phép bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên nếu điều đó đe dọa đến an ninh của Nhật Bản.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã trực tiếp thị sát vụ thử thành công động cơ dùng cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào cuối tuần trước. Vụ thử này diễn ra chỉ 1 tháng sau khi Triều Tiên phóng thành công các tên lửa tầm trung và tầm ngắn của nước này.
Pakistan tố Ấn Độ âm mưu phá hoại Con đường tơ lụa
Tổng tham mưu trưởng liên quân Pakistan, tướng Raheel Sharif tố Ấn Độ gây bất ổn cho Pakistan - Ảnh: Reuters
Một tướng quân đội Pakistan tố Ấn Độ đang cố gắng phá hoại dự án xây dựng hành lang kinh tế của Trung Quốc đi qua cảng nước sâu của Pakistan, dự án này nhằm vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc sang phía Tây.
Dự án trị giá 46 tỉ USD nằm trong kế hoạch tổng thể Con đường tơ lụa mà Bắc Kinh đang muốn xây dựng để kết nối Trung Quốc với châu Âu, đi qua nhiều nước châu Á và khu vực Trung Đông.
Phát biểu trong một hội nghị bàn về những ảnh hưởng của dự án phát triển Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan tổ chức hôm 12.4, Tổng tham mưu trưởng liên quân Pakistan, tướng Raheel Sharif cho biết dự án gây “khó chịu” cho khu vực.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng Ấn Độ, láng giềng bên cạnh chúng ta, đã công khai thách thức sự hợp tác này”, tướng Sharif nói trong hội nghị tổ chức ở Gwadar thuộc tỉnh Balochistan, nơi dự án được triển khai.
“Tôi đặc biệt muốn nói đến sự can thiệp trắng trợn của cơ quan tình báo Ấn Độ (RAW) nhằm gây bất ổn cho Pakistan. Chúng tôi không cho phép bất kỳ ai cản trở hoặc gây khó khăn trên lãnh thổ của chúng tôi”, tướng Sharif cảnh báo.
Hồi tháng 3.2016, Pakistan bắt một người bị cáo buộc là gián điệp của Ấn Độ. New Delhi phủ nhận cáo buộc này, thừa nhận người bị bắt là cựu sĩ quan hải quân nhưng không có liên quan gì đến chính phủ Ấn Độ.
Quân đội Pakistan nhiều lần tố cáo Ấn Độ ủng hộ cho những phần tử đòi ly khai ở Balochistan, tỉnh nghèo và kém phát triển nhất Pakistan, gây bất ổn cho khu vực này nhiều năm nay, theo AFP. Trong khi đó, Ấn Độ cũng cáo buộc Pakistan ủng hộ các tay súng chống lại lực lượng an ninh của Ấn Độ ở vùng Kashmir (nơi New Delhi đang kiểm soát một phần), tổ chức những vụ tấn công bên trong Ấn Độ và cả ủng hộ Taliban ở Afghanistan.
Cả New Delhi và Islamabad đều phủ nhận cáo buộc của nhau.
Phần đông người Ấn Độ theo đạo Hindu, trong khi ở Pakistan người Hồi giáo chiếm đa số. Hai nước từng là thuộc địa của Anh, xung đột với nhau kể từ khi được phân chia, độc lập vào năm 1947, dẫn đến bất hòa và nghi ngờ lẫn nhau trong nhiều thập niên qua.
Đằng sau cuộc đánh đổi chủ quyền của Ai Cập và Ả Rập Xê Út
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (trái) và Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman trong buổi đón tiếp Quốc vương tại Điện Tổng thống Ai Cập ở Cairo - Ảnh: Reuters
Chuyến thăm Ai Cập của Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman đã xác lập quan hệ song phương đặc biệt và 2 nước đã trở thành đối tác chiến lược quan trọng nhất của nhau ở Trung Đông.
Ả Rập Xê Út không chỉ là chỗ dựa đáng tin cậy nhất cho chính thể và cá nhân Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi ở Ai Cập mà còn đã thành công với chủ ý dùng hợp tác kinh tế để ràng buộc nước này. Sau cuộc chính biến năm 2013 ở Ai Cập và ông al-Sisi lên cầm quyền, Ả Rập Xê Út đã đổ rất nhiều tiền của để giúp ông củng cố và bảo toàn quyền lực. Bây giờ, nước này tiếp tục đầu tư thêm nữa để sự ràng buộc giữa 2 nước thêm chắc chắn.
Việc chính phủ Ai Cập chuyển giao chủ quyền đối với 2 hòn đảo khô cằn không người ở vịnh Aqaba cho Ả Rập Xê Út phải được nhìn nhận và đánh giá trong bối cảnh ấy.
Lẽ thường, chủ quyền lãnh thổ luôn là chuyện thiêng liêng nhất đối với mọi quốc gia. Nhưng xem ra hiện tại ở Ai Cập đang có chuyện đánh đổi.
Đành rằng cách đây hơn 60 năm, vì các lý do chiến lược và lịch sử, Ả Rập Xê Út đã tự nguyện giao 2 hòn đảo cho nước láng giềng nhưng về pháp lý quốc tế thì chúng hiện hoàn toàn thuộc về chủ quyền hợp pháp của Ai Cập. Từ đó đến nay, Ả Rập Xê Út không hề đòi lại đảo, có nghĩa là giữa 2 nước không có tranh chấp chủ quyền.
Rõ ràng chính phủ của ông Sisi đã chủ động tranh thủ Ả Rập Xê Út bằng món quà đặc biệt này. Đánh đổi như thế có lợi trước mắt về nhiều mặt nhưng sẽ không tránh khỏi bị dư luận và lịch sử phán xét.
Tổng thống Putin muốn hợp tác vũ trụ với Mỹ
Bất chấp những khó khăn và va chạm trên trái đất, câu chuyện về vũ trụ vẫn là lĩnh vực Nga và Mỹ có thể tìm thấy tiếng nói chung, AP ngày 12.4 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Putin đã nói chuyện qua video với các phi hành gia Nga và Mỹ trên Trạm không gian Quốc tế (ISS) ngày 12.4, cũng là ngày Nga kỷ niệm Ngày hàng không vũ trụ thế giới, 55 năm ngày con người bay vào vũ trụ.
“Điều cần chú trọng là bất chấp những khó khăn chúng ta phải đối diện ở trái đất, con người trong không gian cũng phải gắn kết vai kề vai, tay trong tay, giúp đỡ lẫn nhau và hoàn thành nhiệm vụ rất cần thiết không chỉ cho đất nước chúng ta, mà cho cả loài người”, AP dẫn lời Tổng thống Putin.
Ngày 12.4.1961 là thời điểm nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, trên con tàu Vostok (Phương Đông).
Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin - Ảnh: Reuters
Vào năm 2011, tức tròn 50 năm ông Gagarin bay vào không gian, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đồng thuận sáng kiến của Nga chọn ngày 12.4 làm kỷ niệm Ngày hàng không vũ trụ thế giới.
Hãng Sputnik dẫn lời Tổng thống Nga nói thêm rằng vũ trụ “là một lĩnh vực rất quan trọng trong sự hợp tác của chúng tôi với Mỹ, cũng như với các nước khác”.
Phát biểu của Tổng thống Putin được đưa ra trong bối cảnh Nga và Mỹ đang tồn tại nhiều bất đồng về chính trị. Mối quan hệ giữa hai cường quốc và cũng là hai nước có ngành kỹ thuật không gian tiên tiến bậc nhất thế giới này được cho đang ở mức tệ nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Mỹ - Ấn Độ tiến tới ký thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự
Ấn Độ và Mỹ đã “nhất trí về mặt nguyên tắc” trong việc ký kết thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 12.4 cho biết.
Washington lâu nay kêu gọi New Delhi ký kết Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần (LSA) cho phép quân đội hai nước có thể sử dụng căn cứ không quân, hải quân và bộ binh của nhau để thực hiện tiếp tế, sửa chữa và nghỉ ngơi, theo Reuters. Tuy nhiên sau 12 năm đàm phán, hai bên vẫn chưa thể ký kết LSA.
“Chúng tôi đã nhất trí về mặt nguyên tắc rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết. Hiện chúng tôi cần hoàn tất dự thảo thỏa thuận”, ông Carter nói sau buổi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar ngày 12.4 ở New Delhi.
Ông Carter cho biết thêm Mỹ và Ấn Độ cũng sẽ sớm đạt được thỏa thuận về trao đổi thông tin hàng hải thương mại.
New Delhi nhiều năm chần chừ không muốn ký LSA vì lo ngại thỏa thuận này sẽ ràng buộc Ấn Độ vào cam kết hỗ trợ Mỹ nếu có xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã thể hiện mong muốn sẽ đạt được LSA với quân đội Mỹ, giữa lúc Ấn Độ đối mặt với tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Bắc Kinh trong những năm gần đây nỗ lực đẩy mạnh bành trướng quân sự sang Ấn Độ Dương; và còn định xây căn cứ quân sự trên các đảo quốc trong khu vực vốn được xem là sân sau của Ấn Độ, theo Reuters.
(
Tinkinhte
tổng hợp)