Tổng thống Mỹ tuyên bố triển khai 1.000 lính đến Ba Lan
Đội tàu cá Trung Quốc đang vét sạch biển tây Phi
Trung Quốc đang vượt phương Tây tại châu Phi?
Trung Quốc phạt thầy bói bạn thân của Chu Vĩnh Khang 7 năm tù
Trung Quốc giục Mỹ ngừng ủng hộ Đài Loan đòi độc lập
Tin thế giới đọc nhanh trưa 08-07-2016
- Cập nhật : 08/07/2016
ASEAN làm gì sau phán quyết vụ kiện Biển Đông
Một bản tuyên bố yêu cầu các bên tôn trọng luật pháp quốc tế sau phán quyết sẽ mang lại lợi ích lớn cho khối ASEAN.
Ngày 12/7, tòa trọng tài quốc tế do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc. Phán quyết này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của nhiều bên trên thế giới, và giới chuyên gia phân tích cho rằng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng cần phải có phản ứng phù hợp.
Trong một bài viết trên StraitsTimes hôm 7/7, ông Prashanth Parameswaran, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Luật Fletcher thuộc Đại học Tufts, cho rằng dư luận quốc tế sau ngày 12/7 sẽ rất quan tâm đến việc ASEAN với tư cách là một khối có thể ra một tuyên bố đối với phán quyết của tòa trọng tài hay không.
Ngoài việc ra tuyên bố, khối này có thể đưa ra những phản ứng khác, chẳng hạn như đề cập đến phán quyết này trong bản tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) diễn ra vào cuối tháng 7, hoặc để các quốc gia thành viên tự ra các tuyên bố riêng thể hiện quan điểm của mình với phán quyết.
Dù các cách phản ứng trên đều có những ý nghĩa nhất định, ông Parameswaran cho rằng ASEAN vẫn rất cần phải ra một tuyên bố riêng biệt, với tư cách là một hiệp hội của 10 quốc gia Đông Nam Á, đối với phán quyết của tòa.
Về nội dung bản tuyên bố chung, những chuyên gia nghiên cứu về ASEAN nhận định khối này sẽ không đứng về một quốc gia riêng biệt nào, hoặc thậm chí là ủng hộ kết quả của phiên tòa trong bản tuyên bố. Thay vào đó, bản tuyên bố nhiều khả năng sẽ tập trung vào việc ASEAN hoan nghênh nỗ lực của bất cứ bên nào (bao gồm cả Philippines) trong việc giải quyết hòa bình, theo luật pháp quốc tế các tranh chấp và tái khẳng định yêu cầu với tất cả các nước (kể cả Trung Quốc) tôn trọng luật pháp và các quy trình ngoại giao mà không đe dọa sử dụng vũ lực.
Theo ông Parameswaran, việc ASEAN ra một tuyên bố như vậy rõ ràng là có lợi cho cả khối. Dù chỉ có 4 thành viên trong khối có tranh chấp trên Biển Đông, tất cả 10 quốc gia ASEAN đều có lợi ích trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và luật pháp hơn là sử dụng vũ lực. Các nước Đông Nam Á cũng rất cần đảm bảo những nguyên tắc cơ bản trên Biển Đông như quyền tự do hàng hải, hàng không được bảo vệ, bởi Biển Đông là huyết mạch của khu vực, nơi hơn 5 nghìn tỷ USD hàng hóa lưu thông mỗi năm.
Hơn nữa, trật tự quốc tế và trật tự khu vực dựa trên luật pháp, trong đó có tòa trọng tài, là thứ duy nhất có thể bảo vệ quyền lợi cho tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, tạo ra nền tảng hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế.
Bởi vậy, Parameswaran cho rằng việc một vài nước không muốn ủng hộ tuyên bố chung của ASEAN vì họ có quan hệ kinh tế khăng khít với Trung Quốc là nhận thức "buồn cười", bởi họ sẽ thất bại trong việc bảo vệ những nguyên tắc cơ bản nhất có thể giúp nền kinh tế của họ phát triển.
Tinh thần đoàn kết
Với tư cách là một khối, ASEAN có lợi ích trong việc thể hiện tinh thần đoàn kết trước vấn đề mang tính quyết định này. Trong những năm qua, ASEAN đã thể hiện được sự trưởng thành vượt bậc của mình, với vai trò ngày càng lớn hơn trong việc định hình cấu trúc khu vực, thu hút được sự quan tâm của các cường quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, xu thế này cũng khiến các trách nhiệm của ASEAN càng trở nên rõ ràng hơn, tác động ngày càng lớn hơn đến vai trò trung tâm đầy bản sắc của khối, điều mà cựu tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan từng gọi là "thách thức sống còn".Thách thức đó được thể hiện rõ ràng nhất trong vấn đề Biển Đông, nơi sức ép từ các thế lực bên ngoài đã khiến ASEAN bộc lộ một số chia rẽ, dẫn tới những sự cố không mong đợi như lần không ra được tuyên bố chung trong hội nghị ở Phnom Penh, Campuchia năm 2012.
Chuyên gia Parameswaran nhấn mạnh rằng việc ra được một bản tuyên bố sau phán quyết của tòa trọng tài là biểu hiện mạnh mẽ cho khả năng của ASEAN trong việc đối mặt với vấn đề Biển Đông dưới sự dõi theo của dư luận quốc tế hiện nay. Bản tuyên bố đó sẽ phát đi một thông điệp rằng ASEAN có thể giải quyết cả những thách thức khu vực và toàn cầu phức tạp nhất, đồng thời củng cố vị thế điểm tựa của mình trong cấu trúc châu Á.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi ASEAN sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn trong năm nay, đó là tranh luận về phán quyết của tòa trọng tài, quản lý quan hệ ASEAN – Trung Quốc dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại, và được dẫn dắt trong năm nay dưới nhiệm kỳ chủ tịch của Lào, quốc gia có rất ít lợi ích ở Biển Đông nhưng lại có quan hệ hợp tác kinh tế khá khăng khít với Trung Quốc.
ASEAN có một lợi thế lớn trong việc ra tuyên bố chung sau phán quyết của tòa trọng tài, đó là khối này đã từng nhiều lần đưa ra quan điểm về các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới. Chẳng hạn như sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên ngày 6/1, các ngoại trưởng ASEAN đã ra bản tuyên bố ngắn tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với quá trình phi hạt nhân hóa.
Đối với vấn đề Biển Đông, vào tháng 5/2014, các ngoại trưởng ASEAN cũng ra tuyên bố bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các diễn biến trên vùng biển này. Tuyên bố đó được đưa ra dưới nhiệm kỳ chủ tịch của Myanmar, quốc gia cũng giống Lào ở việc có rất ít lợi ích ở Biển Đông.
Sau hội nghị thượng đỉnh Sunnylands giữa ASEAN và Mỹ, bản tuyên bố chung của khối không chỉ đề cập đến những nguyên tắc chung liên quan đến Biển Đông mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tôn trọng đầy đủ các quy trình ngoại giao và pháp lý mà không đe dọa sử dụng vũ lực", một sự ám chỉ rõ ràng tới yêu cầu Trung Quốc và Philippines cùng tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài. Bản tuyên bố báo chí mà ASEAN đưa ra sau hội nghị với Trung Quốc ở Côn Minh hồi tháng trước cũng có những ngôn ngữ tương tự.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, ASEAN cũng có thể không ra một bản tuyên bố về phán quyết của tòa trọng tài, Parameswaran nhận định. Trong trường hợp đó, khối ít nhất cần đảm bảo rằng những ngôn từ trong bản tuyên bố chung sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 tổ chức ở Lào vào cuối tháng 7 không đi ngược lại những gì mà họ đã đưa ra trong các bản tuyên bố trước đó.
"Ngoài nội dung của các bản tuyên bố, các nước ASEAN cũng cần phải chuẩn bị để đảm bảo rằng sự đồng thuận của khối không bị phá vỡ vào phút chót. ASEAN đơn giản là không thể chấp nhận một sự cố như ở Phnom Penh tái diễn ở Vientiane", chuyên gia này nhấn mạnh.(Vnexpress)
Ông Vương Nghị: Mỹ đừng đụng vào Trung Quốc ở biển Đông
Ngày Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines càng tới gần (12-7), Trung Quốc càng tăng cường tuyên truyền hạn chế ảnh hưởng của phán quyết.
Mỹ tốt nhất đừng làm gì hại đến an ninh và chủ quyền Trung Quốc ở biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh cáo Mỹ trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 6-7.
“Trung Quốc hy vọng Mỹ nói và làm một cách thận trọng, không có hành động làm hại đến các quyền lợi an ninh và chủ quyền của Trung Quốc" - hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn lời ông Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Kerry.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp nhau tại Pháp ngày 3-6. (Ảnh: AFP)
Theo Reuters, cuộc điện đàm do Ngoại trưởng Kerry chủ động. Nội dung chính của cuộc điện đàm là bàn về các lợi ích chung hai nước, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gabrielle Price.
Ông Vương Nghị đánh giá quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ nhìn chung đang đi đúng hướng, hai bên nên chú trọng hơn vào hợp tác, giải quyết tốt hơn các bất đồng, đồng thời cảnh cáo Mỹ nên giữ cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp biển Đông.
Trong cuộc điện đàm, ông Vương Nghị lần nữa khẳng định Trung Quốc bác bỏ vụ kiện của Philippines vì PCA không có thẩm quyền xét xử.
Trung Quốc gần đây luôn chỉ trích Mỹ kích động căng thẳng trên biển Đông với các cuộc tuần tra hàng hải. Trong khi đó Mỹ chỉ trích Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa biển Đông.
Trung Quốc lo mất người bạn thân ở EU
Việc Anh chia tay EU khiến Trung Quốc không khỏi đau đầu khi mất đi một tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ trong lòng châu Âu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) uống bia với Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm Anh năm ngoái. Ảnh: Times
Trước sự kiện người Anh bỏ phiếu quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, Trung Quốc khá "im hơi lặng tiếng". Có lẽ nguyên nhân bởi Bắc Kinh mang một tâm lý hoang mang rằng họ đang đối diện với nguy cơ đánh mất đi người bạn tốt nhất tại EU, theo Washington Post.
Tham vọng của Trung Quốc về việc tăng cường các hoạt động thương mại tự do hơn với châu Âu phải chịu một tổn thất, trong khi đó, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Vương quốc Anh bắt đầu trở nên kém hấp dẫn hơn trước.
"Giới lãnh đạo Vương quốc Anh luôn nói họ sẽ là những người thúc đẩy cho lợi ích Trung Quốc ở phương Tây và EU", một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết. "Đây thực sự là một tin xấu cho Trung Quốc".
Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, báo Global Times của Trung Quốc đã có những bình luận châm biếm. Họ không bỏ qua cơ hội chế nhạo ý tưởng tham khảo ý kiến người dân về cách thức điều hành đất nước, cũng như chế nhạo người Anh vì cho thấy "lối suy nghĩ thất bại".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 10 năm ngoái có chuyến thăm cấp nhà nước đến Anh, đề cập tới "kỷ nguyên vàng" trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Ông tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc muốn Anh ở lại EU.
Lý do là vì "những năm gần đây, London thường vào vai người ủng hộ các lợi ích thương mại và kinh tế của Trung Quốc tại Brussels", Jan Gaspers, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Viện Trung Quốc học Mercator ở Berlin, Đức, đánh giá. "Trong khi đó, hai đối tác quan trọng khác của Trung Quốc tại châu Âu là Đức và Pháp hiện chưa có vẻ gì là muốn nghiêng về một bên cụ thể nào".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk dự kiến tới Bắc Kinh vào ngày 13/7 để gặp thượng đỉnh thường niên với Trung Quốc.
Đứng đầu bảng trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh là chiến dịch vận động để được EU công nhận "có nền kinh tế thị trường", một động thái có thể khiến việc kiện Trung Quốc bán phá giá theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Anh lại là quốc gia duy nhất thể hiện sự hậu thuẫn vô điều kiện cho Trung Quốc và việc nước này rời EU cũng có nghĩa tiếng nói đồng thuận ấy mất đi giá trị, giới phân tích bình luận.
Thực tế, châu Âu hiện tồn tại một mối lo ngại không ngừng gia tăng về những gì mà các nhà phê bình gọi là thủ đoạn thương mại không bình đẳng của Trung Quốc. Những công ty nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc nước này được cho là bán phá giá sắt thép cùng các nguyên vật liệu thô khác tại phương Tây cũng gây không ít bất bình.
Một số nhà ngoại giao nhận định những rắc rối tại khu vực đồng tiền chung châu Âu kết hợp với cuộc khủng hoảng di cư và các hệ lũy từ sự ra đi của người Anh sẽ khiến EU chuyển mối quan tâm ra khỏi Trung Quốc.
Sự ra đi của Anh cũng có thể khiến đà phục hồi vốn đã yếu của châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 chậm lại. Dù vậy, đó không nhất thiết là một thảm họa đối với Trung Quốc, cây bút Simon Denyer từWashington Post nhận xét.
Theo hai nhà kinh tế học Tom Orlik và Fielding Chen từ Bloomberg Intelligence, Trung Quốc chỉ xuất khẩu khoảng 2,6% lượng hàng hóa sang Anh. Bên cạnh đó, David Dollar, chuyên gia Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington, cho hay kinh tế Trung Quốc lúc này không còn lệ thuộc nặng nề vào hàng xuất khẩu mà ngày càng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa.
Một số khoản đầu tư của Trung Quốc tại Anh có khả năng bị trì hoãn song các công ty và người dân Trung Quốc có lẽ vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào bất động sản, cơ sở hạ tầng và các thương hiệu của Anh, chuyên gia Gaspers tại Viện Mercator dự đoán. Sự thật là những khoản đầu tư từ Trung Quốc vào châu Âu vẫn đang tăng mạnh, trong đó lượng vốn đầu tư riêng trong quý 1/2016 đã bằng cả năm 2015.
Ông Dollar lại cho rằng Trung Quốc sẽ là bên hưởng lợi địa chiến lược lớn nhất nhờ Brexit.
"Sức ảnh hưởng của châu Âu trên trường quốc tế có khả năng bị suy yếu khi họ đắm chìm trong các vấn đề nội bộ liên quan đến quá trình đàm phán chia tay Anh, kiểm soát người nhập cư hay giữ vững khu vực đồng euro", Dollar viết. "Mỹ cũng dễ bị xao lãng bởi những thách thức ở châu Âu. Điều này giúp Trung Quốc có thêm không gian để theo đuổi các hoạt động bồi đắp trái phép tại Biển Đông và áp dụng chiêu bài chia để trị với các quốc gia châu Âu trên nhiều lĩnh vực khác nhau".
"Một thế giới đa cực đòi hỏi có thêm các cường quốc độc lập với Mỹ tham gia vào quá trình quản trị quốc tế. EU lẽ ra phải là một trong số đó", tờGlobal Times viết. "Nhưng đòn bẩy từ một châu Âu bị chia rẽ sẽ không đủ lớn".
Chuyên gia Gaspers còn vẽ ra một viễn cảnh đáng ngại hơn. "Giới tinh hoa chính trị Trung Quốc lo lắng kết quả trưng cầu dân ý có thể gây hiệu ứng domino, khiến những quốc gia thành viên khác rời EU", Gaspers bình luận đồng thời thêm rằng điều này sẽ dẫn tới thị trường tự do duy nhất đối với hàng hóa Trung Quốc bị thu hẹp và tỷ giá chắc chắn sẽ biến động.
Thủ tướng Anh David Cameron, người từng cùng uống bia với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đánh dấu mối quan hệ vàng giữa hai nước chuẩn bị ra đi. Tương lai của người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Trung Quốc trong chính phủ Anh, Bộ trưởng tài chính George Osborne, cũng không chắc chắn.
Các quan chức Trung Quốc hiện lo ngại Anh thời hậu Brexit, thay vì ngả về phía một châu Á đang trỗi dậy, sẽ dựa vào "mối quan hệ đặc biệt" với Mỹ để duy trì ảnh hưởng toàn cầu. Bắc Kinh đang ở vào thế đối đầu với Mỹ và rõ ràng đây không phải một tin tốt lành, chuyên gia nhận xét.
Philippines muốn gì trong vụ kiện Trung Quốc?
Ngày 12-7 tới, năm thẩm phán Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) vốn là các chuyên gia về luật hàng hải sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Philippines tìm kiếm điều gì trong vụ kiện Trung Quốc?
Theo hãng tin CNN (Mỹ), Philippines muốn làm rõ ba điểm chính.
Thứ nhất, Philippines muốn PCA xác định rõ ràng địa điểm nào trên biển Đông được gọi là đảo, rạn đá ngầm, bãi cạn nửa chìm nửa nổi, hoặc bãi chìm.
Điều này có vẻ không quan trọng, tuy nhiên theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), mỗi một địa điểm với tên gọi khác nhau sẽ gắn liền với những quyền khác nhau ở vùng biển xung quanh nó.
Chẳng hạn, vùng biển 200 hải lý quanh một địa điểm được gọi là đảo sẽ là vùng đặc quyền kinh tế của nước có chủ quyền đảo đó, nước đó có quyền kiểm soát hoàn toàn mọi nguồn tài nguyên trong vùng biển đó chẳng hạn cá, dầu, khí. Chú ý là PCA không có quyền ra quyết định về vấn đề chủ quyền của các đảo, đá… ở biển Đông. UNCLOS chỉ có thể giúp xác định quyền kiểm soát các vùng biển bao quanh các đảo, đá… này.
Quan trọng hơn nữa, theo UNCLOS, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo và xây dựng sẽ không được tính.
Thứ hai, Philippines muốn PCA phán quyết chính xác vùng lãnh hải nào trên biển Đông là thuộc về Philippines theo UNCLOS. Phán quyết này nhiều khả năng sẽ vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Thứ ba, Philippines muốn PCA xác định rõ liệu các hoạt động cải tạo, xây dựng và đánh bắt cá của Trung Quốc ở biển Đông có vi phạm quyền lãnh thổ của Philippines hay không.
Quan điểm của Trung Quốc thế nào?
Trung Quốc ngay từ đầu từ chối tham gia vụ kiện và theo các điều khoản của UNCLOS, Trung Quốc có quyền làm thế. Trước nay Trung Quốc luôn khẳng định vụ việc vượt quá thẩm quyền giải quyết của UNCLOS và nhiều lần lặp đi lặp lại sẽ không công nhận phán quyết của PCA.
Và giờ trong tình hình ngày phán quyết - mà theo nhiều chuyên gia thì sẽ nghiêng về phía Philippines - càng tới gần, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền khẳng định chủ quyền “theo lịch sử” của mình ở biển Đông. Hầu như ngày nào Tân Hoa xã (Trung Quốc) cũng có bài viết thể hiện quan điểm này.
Phán quyết của PCA sẽ là phán quyết đầu tiên của một tòa án quốc tế về tranh chấp biển Đông. Theo CNN, phán quyết sẽ có tác động rất lớn và lâu dài đến tình trạng tranh chấp biển Đông - một trong những điểm tranh chấp có nguy cơ xung đột lớn nhất thế giới, cũng như đến uy tín và sự lớn mạnh của Trung Quốc, thương mại toàn cầu, thậm chí hòa bình thế giới.
Đúng luật mà nói, phán quyết của PCA là có giá trị pháp lý và nếu không tuân thủ thì Trung Quốc sẽ gặp rắc rối về mặt ngoại giao.
Nhà phân tích Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng nếu không tuân thủ phán quyết của PCA, Trung Quốc sẽ tự mâu thuẫn với cam kết của mình duy trì trật tự theo luật pháp, hậu quả là uy tín Trung Quốc sẽ bị tổn hại.
Tình hình biển Đông vốn đã rất căng thẳng khi Trung Quốc phô trương sức mạnh, cải tạo hiện trạng và quân sự hóa biển Đông. Giờ đây nếu Trung Quốc phớt lờ hoặc phản đối mạnh phán quyết của PCA, sự ổn định của khu vực thậm chí hòa bình mong manh trên biển Đông sẽ bị đe dọa, CNN dẫn nhận định của nhiều nhà phân tích.
Biển Đông là một vành đai thương mại lớn của thế giới với tổng trị giá thương mại qua lại vùng biển Đông mỗi năm nằm ở khoảng 5.300 tỉ USD. Một khi biển Đông dậy sóng thì thương mại thế giới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Về nguyên tắc, PCA có quyền ra phán quyết về vụ kiện nhưng lại không có thẩm quyền buộc Trung Quốc thực thi phán quyết. Cũng không có tổ chức nào ép buộc được Trung Quốc phải thực thi phán quyết. PCA thuộc LHQ nhưng LHQ sẽ không triển khai quân buộc Trung Quốc hành xử trên biển Đông theo phán quyết.
Do đó một khi Trung Quốc làm cứng, Philippines dĩ nhiên sẽ rơi vào thế khó nhưng không phải cùng đường. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, trong trường hợp này Philippines có thể tiếp tục nộp đơn yêu cầu PCA ra biện pháp cụ thể để xử lý Trung Quốc.(PLO)