Tỷ lệ người dân Nhật “không ưa” Trung Quốc tăng cao lên mức kỷ lục trên 80% sau hàng loạt động thái gây hấn của Bắc Kinh ở các vùng biển châu Á.
Tin thế giới đọc nhanh 09-07-2016
- Cập nhật : 09/07/2016
Cảnh sát Mỹ dùng robot tiêu diệt nghi phạm bắn tỉa
Nghi phạm vụ phục kích Dallas bị cảnh sát tiêu diệt bằng bom, chứ không phải tự sát như thông tin ban đầu.
Theo CNN, nghi phạm chết sau cuộc đối đầu với cảnh sát Dallas tại một gara cho biết anh ta muốn giết người da trắng, đặc biệt là cảnh sát da trắng. Nghi phạm còn nói rằng anh ta hành động một mình, cảnh sát trưởng Dallas David Brown hôm nay nói trong cuộc họp báo.
Nghi phạm cuối cùng bị giết bởi một quả bom do giới chức phát nổ, ông Brown nói.
"Chúng tôi thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng robot mang bom. Chúng tôi đặt một thiết bị lên nó để cho nó phát nổ ở nơi nghi phạm cố thủ", ông Brown nói. "Các lựa chọn khác sẽ khiến cảnh sát có nguy cơ gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Nghi phạm chết do quả bom của cảnh sát phát nổ.
Peter W. Singer, chuyên gia về robot tại Trung tâm Mỹ mới nói rằng cảnh sát Dallas dường như là cơ quan hành pháp đầu tiên sử dụng robot để làm nhiệm vụ tiêu diệt.
Thị trưởng Dallas Mike Rawlings cho biết tổng cộng 12 cảnh sát và hai dân thường bị bắn trong vụ phục kích tại Dallas tối hôm 7/7 (theo giờ địa phương). Vụ việc xảy ra khi đám đông biểu tình đang tuần hành để phản đối việc cảnh sát liên tiếp bắn chết dân thường da màu trong hai ngày. Alton Sterling bị cảnh sát bắn chết tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana hôm 5/7. Philando Castile hôm 6/7 bị cảnh sát thành phố St Paul bắn ngay trước mặt bạn gái.
Thị trưởng nói thêm rằng 5 cảnh sát đã thiệt mạng và 7 cảnh sát bị thương trong vụ phục kích Dallas. Cảnh sát đang giữ ba nghi phạm, trong đó có một phụ nữ.
Cảnh sát trưởng Dallas tin rằng ít nhất 4 kẻ bắn tỉa đứng sau vụ tấn công và những tên này đã đứng trên các mái nhà để xả súng xuống đám đông bên dưới.
Ba kịch bản phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc có thể án binh bất động để sự kiện trôi qua nhưng cũng có khả năng gia tăng áp lực ở nhiều điểm nóng tại châu Á.
Tàu quân sự Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 5. Ảnh: AFP
Tòa Trọng tài ở The Hague sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở Biển Đông vào ngày 12/7. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết của tòa sẽ bất lợi cho Trung Quốc.
Theo Asia Times, Harry J. Kazianis, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, Mỹ, vạch ra ba kịch bản về hành động của Trung Quốc sau khi tòa ra phán quyết.
Án binh bất động
Kịch bản thứ nhất là Trung Quốc sẽ không có phản ứng quyết liệt. Bắc Kinh chỉ đơn giản đưa ra tuyên bố nói Biển Đông là vùng biển chủ quyền của mình và để sự kiện trôi qua.
Trong cách nhìn của Trung Quốc, đây không phải là lựa chọn tồi. Bắc Kinh có thể tiếp tục xây các đảo nhân tạo, biến chúng thành những căn cứ quân sự nhỏ với những vũ khí chống hạm mới nhất, điều động các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đến các đường băng ở đây, biến biển Đông thành một khu vực chống tiếp cận (A2/AD). Trong kịch bản này, Bắc Kinh sẽ bày tỏ sự tức giận của họ đối với phán quyết, nhưng chỉ đơn giản là tiếp tục những điều họ đã làm.
Tuy nhiên, phản ứng nhẹ như vậy rất khó xảy ra. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức chính phủ sẽ chịu sức ép từ trong nước là phải đáp trả phán quyết một cách mạnh mẽ và công khai. Chiến lược cũ sẽ không còn được áp dụng. Nhiều người Trung Quốc sẽ yêu cầu phải có phản ứng cứng rắn, phô diễn sức mạnh rằng Bắc Kinh không thể bị các thế lực lượng bên ngoài tác động.
Ông Kazianis cho rằng điều này dẫn đến hai khả năng khác.
Thiết lập ADIZ
Theo ông, Bắc Kinh đã ra tín hiệu về việc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông từ nhiều tháng trước. Khi bình luận về khả năng này, hầu hết quan chức Trung Quốc đều nói rằng họ hiện không lên kế hoạch lập ADIZ, nhưng trong tương lai, việc ra quyết định đó sẽ dựa vào tình hình ở Biển Đông. Ông Kazianis cho rằng phán quyết không có lợi với Bắc Kinh có thể là cơ sở để họ chính thức thay đổi quan điểm.
Trung Quốc sẽ bao biện rằng họ chỉ đơn giản lập ADIZ vì cảm thấy bị đe dọa bởi phán quyết và rằng Bắc Kinh bị "buộc" phải thiết lập ADIZ vì nhận thức sai của các bên khác và sức ép quốc tế.
Do Trung Quốc đã bố trí các hệ thống radar tại khu vực cùng các đường băng có thể tiếp nhận máy bay chiến đấu, việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, hành động đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông có thể gây ra một cuộc khủng hoảng khu vực khiến nhiều bên trên khắp châu Á phải nhập cuộc. Washington sẽ phải phản ứng và có thể không chỉ bằng một hoặc hai chuyến bay của oanh tạc cơ chiến lược B-52.
Tăng sức ép
Một kịch bản khác là Trung Quốc có những hành động theo kiểu "tôi muốn làm gì thì làm". Nếu cho rằng triển khai ADIZ là chưa đủ và muốn đi xa hơn, Trung Quốc có thể quyết định gia tăng sức ép ở tất cả điểm nóng tại châu Á.
Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể tăng cường đáng kể các cuộc tuần tra hải quân và không quân ở biển Hoa Đông, bất chấp sự phản đối của Nhật Bản. Ngoài ra, Trung Quốc có thể bắt đầu các dự án khai thác dầu và khí đốt tại khu vực này.
Trung Quốc có thể gây sức ép lên Đài Loan, cắt giảm đáng kể lượng khách du lịch đến hòn đảo này. Ông Tập cũng có thể cắt giảm thương mại và đầu tư mà Đài Loan đang phụ thuộc vào. Trong thực tế, ông Tập có trong tay nhiều công cụ mà ông có thể sử dụng để làm khó Đài Loan. Ông có thể thấy rằng sẽ hữu ích nếu như hướng những tranh luận ở Biển Đông sang căng thẳng tại eo biển Đài Loan.
Bắc Kinh cũng có thể tiến hành bồi đắp bãi cạn Scarborough, đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, bị Bắc Kinh kiểm soát từ năm 2012. Đây sẽ là bước đi chứa đựng nhiều rủi ro và gây tranh cãi nhất. Mỹ dường như báo hiệu rằng họ sẽ có động thái đáp trả nếu Trung Quốc làm vậy, bằng cách triển khai máy bay A-10 Warthog và các tiêm kích tác chiến điện tử đến Philippines.
Các nhà quan sát châu Á trên toàn thế giới sẽ có những ngày bận rộn trước và sau phán quyết 12/7. Xem xét đến những phương án Trung Quốc có thể thực hiện và những điều họ đã làm trong vài năm qua, có vẻ như Biển Đông sẽ đón một vài tháng tới đầy căng thẳng, Kazianis nhận định.
Đài Loan tìm ra nghi phạm đánh bom tàu chở khách
Cảnh sát Đài Loan cho biết các nạn nhân bị thương trong vụ nổ đã nhận ra nghi phạm khi người này được chuyển vào bệnh viện.
Nghi phạm là Lâm Anh Xương, 55 tuổi, bị thương sau khi thuốc nổ nhồi trong ống thép bị kích hoạt, theo Apple Daily. Các nạn nhân trong vụ nổ tàu chở khách ở ga Tùng Sơn, Đài Bắc, nói với cảnh sát rằng Lâm là hung thủ. Đối chiếu vân tay, ADN và camera an ninh, cảnh sát xác định Lâm Anh Xương là nghi phạm gây ra vụ nổ ở toa số 6 lúc 21h57 hôm qua khi đoàn tàu chở khách đang đỗ tại ga.
Ngoài vết thương ở chân, Lâm được cho là đang bị khó thở sau vụ nổ, nên cảnh sát chưa thể lấy lời khai của Lâm để biết động cơ gây án. Trước đó, thông tấn xã Đài Loan CNA đưa tin cảnh sát tìm thấy thiết bị nổ có kích thước 15-20 cm trên ghế ngồi ở một toa tàu. Vật thể có hình dạng tương tự quả pháo và cảnh sát đã thu giữ để điều tra.
Vụ nổ tại ga Tùng Sơn tối qua làm 24 người bị thương, trong đó có một phụ nữ Việt Nam 38 tuổi bị thương nhẹ.
Philippines muốn 'chia sẻ tài nguyên' biển Đông với Trung Quốc
Hãng tin AFP ngày 8-7 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, chính phủ nước này sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển tranh chấp tại biển Đông với Bắc Kinh.
Chính phủ mới của ông Duterte tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc về chia sẻ tài nguyên trên biển Đông. Ảnh: Reuters
Ông Yasay cho biết chính phủ mới của Tổng thống Rodrigo Duterte hy vọng sẽ nhanh chóng khởi động các đối thoại trực tiếp với Trung Quốc sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện của Philipines về biển Đông và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 12-7.
Theo Ngoại trưởng Philippines, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào nội dung hợp tác khai thác trữ lượng dầu khí và các vùng đánh bắt cá trên biển Đông, bên trong vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines tuyên bố.
Kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã nhiều lần có các tuyên bố có phần mâu thuẫn về lập trường của Manila dưới sự lãnh đạo của ông đối với vấn đề biển Đông.
Chính phủ của ông Duterte đã phát đi nhiều tín hiệu sẵn sàng đối thoại song phương với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông. Trong khi đó, ông Duterte cũng nhiều lần cam kết sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của Philippines trên biển Đông.
Siêu bão Nepartak khiến giao thông cả Đài Loan tê liệt
Trên sóng truyền hình, hình ảnh cơn bão với gió mạnh và mưa xối xả. Đợt bão này đã buộc Đài Loan và Trung Quốc căng mình ráo riết chuẩn bị đương đầu suốt thời gian qua.
Các quan chức cấp cứu cho biết đã sơ tán 15.400 người khỏi nhà để chuẩn bị cho cơn bão, trong khi đó có 187.830 hộ gia đình bị mất điện.
Một cư dân ở phía đông TP Đài Loan, nơi cơn bão ập vào đất liền trước 6 giờ (theo giờ địa phương) cho biết: “Gió rất mạnh”. Cô Chen, một người dân cho hay: “Gió mạnh đã thổi bay nhiều mái nhà và các vật trên đường phố.”
Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan, có hai người chết và 69 người bị thương. Gió mạnh đã thổi bay hai người đàn ông khi họ đang trên bờ biển khiến họ thiệt mạng. Các quan chức bệnh viện cho biết những người bị thương chủ yếu do các mảnh kính vỡ hoặc ngã trên đường.
Hiện cơ quan chức năng đã hủy hơn 300 chuyến bay quốc tế và 254 chuyến bay nội địa. Chính phủ cho biết sẽ đóng cửa các trung tâm tài chính, các trường học và văn phòng vào thứ Sáu.
Cơn bão sẽ yếu dần trước khi tiến đến phía đông nam của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc và sáng thứ Bảy. Trang News Service cho biết Trung Quốc đã sơ tán hơn 4.000 người làm việc tại các trang trại ven biển tỉnh Phúc Kiến và gọi tàu đánh cá về cảng.
Dự kiến cơn bão sẽ làm tình trạng lũ lụt ở các tỉnh phía đông Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán thêm trầm trọng.
Bão thường xảy ra vào thời điểm này trong năm ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Các cơn bão xả ra đã làm chết nhiều người dân Trung Quốc, chính phủ đã cẩn trọng sơ tán người dân trước và bảo vệ được nhiều người thoát chết.
Năm ngoái, siêu bão Dujuan đã giết chết ba người và làm hơn 300 người trên đảo bị thương, để lại một dấu vết của sự hủy diệt. Năm 2009, cơn bão Morakot đã hủy diệt một vùng rộng miền Nam Đài Loan, làm khoảng 700 người chết và thiệt hại lên tới 3 tỉ đôla.