Nhật chi 41 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2016
Nhật chi số tiền kỉ lục 5,05 nghìn tỉ yên (tương đương 41 tỉ USD) cho ngân sách quốc phòng trong năm 2016 để giám sát các hoạt động gần khu vực tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông.
Binh sĩ thuộc lực lượng tự vệ mặt đất của Nhật - Ảnh: Reuters
Hãng tin RT ngày 22-12 cho biết chính quyền Tokyo đã lên kế hoạch để mua máy bay do thám của Mỹ nhằm nâng cấp các hoạt động giám sát của nước này gần quần đảo tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Việc Nhật tăng ngân sách quốc phòng trong năm tài chính 2016 chủ yếu để mua thiết bị là một động thái để phản ứng trước các hoạt động hải quân của Trung Quốc trên quần đảo mà hai nước đang tranh chấp chủ quyền.
Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu nhiệm kỳ th 2 năm 2012, Nhật đã tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm liên tiếp suốt 4 năm qua.
Đối với việc tăng cường các hoạt động giám sát trên biển Hoa Đông, theo nhật báo Asahi Shimbun, chính quyền Tokyo lên kế hoạch mua một máy bay giám sát không người lái Global Hawk và 4 chiếc máy bay "Chim ưng biển" Osprey của Mỹ.
Việc tăng ngân sách quốc phòng cho 12 tháng tới (bắt đầu từ tháng 4-2016) của Nhật cũng bao gồm việc tái bố trí một căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa, một vị trí chiến lược giúp quân đội Mỹ và các máy bay tại căn cứ này dễ dàng bay đến biển Đông.
Chính quyền Tokyo muốn đóng cửa căn cứ không quân Futenma US Marine Corps tại thành phố Ginowan và mở một căn cứ mới tại Henoko thuộc một đảo miền trung Nhật.
Căn cứ không quân US Marine tại Futenma lo ngại ảnh hưởng đến an ninh của căn cứ khi có nhiều nhà cửa, trường học và các cấu trúc dân sự xung quanh căn cứ này.
Asahi Shimbun cho biết chi tiêu của chính phủ Tokyo trong việc tái bố trí lại các lực lượng của Mỹ đang đóng quân tại Nhật tăng hơn 30 tỉ yên (247 triệu USD) trong năm tài chính 2015.
RT cho biết khoảng 1.000 người biểu tình đã dựng rào phản đối chiến dịch với khẩu hiệu "Bảo vệ người dân Okinawa, không lập căn cứ Mỹ". Họ yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự hiện tại ở Futenma và căn cứ mới nên ở một nơi nào đó khác tại Nhật hoặc ở nước ngoài.
Trung Quốc phát triển vũ khí laser 'chưa từng thấy'
Các nguyên mẫu vũ khí sử dụng năng lượng để gây sát thương như súng bắn laser hay súng điện tử railgun cũng được phát triển ở nhiều quốc gia nhưng chỉ trong các phòng thí nghiệm. Ít quốc gia đưa được nó ra khỏi các phòng thí nghiệm để ứng dụng trong thực tế, vì những loại súng này cồng kềnh và nặng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển công nghệ có thể giải quyết được vấn đề này và nếu được chấp thuận của quân đội, vũ khí "Chiến tranh giữa các vì sao" không còn bao lâu sẽ xuất hiện, theo tờ South China Morning Postngày 23.12.
Vấn đề lớn nhất của vũ khí laser chính là hệ thống chứa để phát năng lượng laser. Từng có “hộp đạn laser” to bằng cả chiếc Boeing 747, nặng đến 400 tấn, nhưng chỉ hạ được một mục tiêu là máy bay điều khiển từ xa loại nhỏ. Dự án này sau đó đã bị hủy bỏ vào năm 2012.
Súng laser của Hải quân Mỹ, đặt trên tàu chiến - Ảnh: Hải quân Mỹ
South China Morning Post cho biết một nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Bắc Kinh và Học viện khoa học Trung Quốc vừa công bố một công trình được xem là đột phá về “hộp đạn laser” nhờ phát triển được siêu tụ điện có thế nén 26 kilowatt/kg, tức nhiều gấp 130 lần pin Li-ion, loại pin đang được sử dụng trong các điện thoại di động.
Nhờ đó, súng laser loại Yal-1 mà Trung Quốc đang phát triển có thể nặng khoảng 40 kg so với 10 tấn của vũ khí laser được chế tạo từ công nghệ thông thường.
“Với khối lượng vũ khí giảm đáng kể như thế, việc ứng dụng vũ khí laser sẽ được mở rộng cho các chiến đấu cơ hoặc cả phi thuyền không gian”, Zhu Heyuan, một chuyên gia về công nghệ laser của trường đại học Phục Đán (Thượng Hải), nhận định. Theo giáo sư này, vũ khí "Chiến tranh giữa các vì sao" sẽ không còn quá xa đối với loài người.
Ấn Độ làm dự án khủng với đường sắt
Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tuần qua, theo IBN Live, giám đốc điều hành của Google là ông Sundar Pichai, một người gốc Ấn, đã đưa ra nhiều kế hoạch “lên mạng” đầy tham vọng cho người dân quê hương.
Trong đó gần nhất là dự án RailWire WiFi lắp đặt các trạm phát WiFi miễn phí cho 100 nhà ga xe lửa ở Ấn Độ trong năm 2016, bắt đầu với nhà ga lớn Mumbai Central từ tháng 1-2016.
Đây là tin vui cho người dân Ấn vốn dùng thường xuyên xe lửa vì chính quyền New Delhi cũng vừa công bố kế hoạch nâng cấp 400 nhà ga xe lửa trên toàn quốc thông qua vốn tư nhân. Đây được xem là dự án hợp tác lớn nhất trên thế giới giữa nhà nước và tư nhân.
Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Suresh Prabhu cho biết đây là dự án có chi phí lớn nhất từ trước tới nay với ước tính sơ bộ chi phí để nâng cấp một nhà ga khoảng 15 triệu USD.
Dự án được đấu thầu trực tuyến và theo đó, các nhà đầu tư tư nhân có thể thu lợi nhuận từ thương mại bất động sản. Phát biểu tại hội nghị hợp tác công - tư, Bộ trưởng Suresh Prabhu giải thích: “Không có ngành đường sắt nào trên thế giới chỉ kiếm lời từ việc bán vé, về lâu dài để tồn tại và cạnh tranh, chúng ta nên nhắm đến mục tiêu tăng 30-40% doanh thu từ thương mại bất động sản”.
Triều Tiên xúc tiến ngoại giao thể thao với Trung Quốc
Thứ trưởng ngành thể thao Triều Tiên Son Kwang-ho vừa đạt được một thỏa thuận với Phó giám đốc Hiệp hội bóng chuyền Trung Quốc Liu Wenbin, theo đó Bình Nhưỡng sẽ gửi một đội bóng chuyền sang thi đấu giao hữu ở Bắc Kinh. Việc giao lưu thi đấu bóng chuyền giữa Trung Quốc và Triều Tiên nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ truyền thống giữa 2 nước, hãng Yonhap dẫn báo chí Trung Quốc hôm 22.12 tường thuật về cuộc gặp giữa giới chức Trung - Triều.
Cuộc gặp nhằm nối lại quan hệ ngoại giao sau khi cuộc biểu diễn của ban nhạc Moranbong không thành vì những bất đồng giữa ban nhạc do nhà lãnh đạo Kim Jong-un lập và giới chức Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 12.2015, lãnh đạo Triều Tiên quyết định gửi một ban nhạc nữ do chính ông Kim Jong-un chỉ đạo thành lập sang Trung Quốc để thực hiện sứ mệnh ngoại giao văn hóa trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, vốn rạn nứt kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ lên nắm quyền Triều Tiên.
Tuy nhiên, chương trình biểu diễn dự kiến kéo dài khoảng 1 tuần lễ do Trung Quốc chính thức mời đã bị hủy vì những cô gái Moranbong không đồng ý thay đổi một số bài hát mà ban nhạc sẽ trình diễn; những bài hát này có một số ca từ chỉ trích Mỹ mà Bắc Kinh không hài lòng. Ban nhạc Moranbong đã xách vali về nước ngay trong ngày chuẩn bị suất diễn đầu tiên khi Bắc Kinh thay đổi thành phần quan chức tham dự vì không thuyết phục được ban nhạc thay đổi chương trình.
Việc hủy bỏ hoạt động ngoại giao văn hóa này khiến có nhiều đồn đoán cho rằng sẽ có những ảnh hưởng xấu đến quan hệ Trung-Triều, dù Bắc Kinh khẳng định vẫn tiếp tục thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Buổi thi đấu bóng chuyền giao hữu dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2016, theo Yonhap.
Công nhân Campuchia biểu tình, 2 cảnh sát bị thương
Một số người biểu tình bị cảnh sát khống chế tại Bavet - Ảnh: The Cambodia Daily
Sáng 22.12, các công nhân tại 2 đặc khu kinh tế (SEZ) Manhattan và Tai Seng ở thị trấn Bavet (tỉnh Svay Rieng, Campuchia) tấn công lực lượng an ninh, khiến 2 cảnh sát bị thương.
Theo tờ The Cambodia Daily, từ ngày 16.12, hàng ngàn công nhân tại 2 SEZ đã tham gia đợt biểu tình lớn nhằm đòi nâng lương tối thiểu từ 140 USD lên 148 USD.
Phó tỉnh trưởng Svay Rieng Hou Rattanak cho biết bạo lực nổ ra vào sáng 22.12 khi cảnh sát chống bạo động và quân cảnh cố ngăn cản đoàn biểu tình tiến đến các nhà xưởng khác để lôi kéo thêm nhiều người. “Họ ném đá vào lực lượng an ninh và các xe chữa cháy làm 2 sĩ quan quân cảnh bị thương, 1 xe cứu hỏa hỏng nặng”, quan chức này nói.
Đến cuối ngày 22.12, đám đông tạm giải tán sau khi lực lượng an ninh dùng vòi rồng trấn áp nhưng không bắt giữ ai. Trước đó, cảnh sát tạm giữ 58 người vào ngày 21.12 nhưng đã thả ra sau khi họ cam kết không dùng bạo lực và phá hoại tài sản.
Theo Tân Hoa xã, chính quyền đang điều tra ai đứng sau đợt biểu tình này trong khi các tổ chức nghiệp đoàn đều tuyên bố không liên quan.
(
Tinkinhte
tổng hợp)