tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 02-06-2016

  • Cập nhật : 02/06/2016

“NATO cần sẵn sàng đối phó với đe dọa từ Nga”

Cuộc họp Nghị viện Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong ba ngày tại Tirana, Albani, đã kết thúc hôm 30/05/2016, với một tuyên bố chung, khẳng định Nga là "mối đe dọa tiềm tàng" đối với phương Tây.
tong thu ky nato jens stoltenberg ( trai ) va bo truong quoc phong ba lan anoni macierewicz ngay 31/05/2016 tai vacxava.in warsaw - afp

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ( trái ) và bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Anoni Macierewicz ngày 31/05/2016 tại Vacxava.in Warsaw - AFP

Cuộc họp Nghị viện Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong ba ngày tại Tirana, Albani, đã kết thúc hôm 30/05/2016, với một tuyên bố chung, khẳng định Nga là "mối đe dọa tiềm tàng" đối với phương Tây, RFI đưa tin.
Bản tuyên bố chung, được toàn thể Nghị Viện NATO nhất trí thông qua, tố cáo "việc Nga sử dụng vũ lực chống lại các nước láng giềng và đe dọa dùng vũ lực chống lại các đồng minh của NATO" .
Phát biểu trước Nghị Viện, chủ tịch Michael Turner nhận định: Đe dọa đến từ Nga là thực sự và nghiêm trọng. Nghị Viện NATO cùng lúc cho biết NATO sẽ xem xét các biện pháp giảm căng thẳng với Nga, đồng thời nhấn mạnh đến việc Nga có những vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được.
Nghị Viện NATO đề nghị có các biện pháp tương ứng và thích hợp với Moscow, tuy nhiên không chỉ rõ nội dung cụ thể. Theo nhiều nghị sĩ, khối NATO cần phải có các bảo đảm về an ninh cho tất cả các quốc gia thành viên nào đang gặp nguy hiểm.
Trên thực tế, NATO đã bắt đầu gia tăng lực lượng triển khai nhanh tại nhiều quốc gia nằm sát biên giới với Nga, để đối phó với khả năng một cuộc khủng hoảng tương tự như xung đột Ukraina tái diễn. Hôm qua, trong chuyến công du Vacxava, tổng thư ký NATO tuyên bố: Nếu tấn công Ba Lan, cũng có nghĩa là Nga tấn công toàn khối.
Quan hệ với Nga sẽ là chủ đề chính của thượng đỉnh NATO, được tổ chức tại Vacxava, Ba Lan, trong hai ngày 08 và 09/07/2016.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, và bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng ly khai miền đông Ukraine, khối NATO đã cắt đứt toàn bộ các hợp tác với Moscow. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hai bên đang có xu hướng nối lại quan hệ. Tháng 4/2016, Hội Đồng NATO - Nga có cuộc họp lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014. Cuộc họp đã kết thúc với nhiều bất đồng nghiêm trọng. Theo NATO, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương dự kiến sẽ có các thảo luận với Moscow trước thượng đỉnh Vacxava.

Tổng thống Philippines: Nhà báo tham nhũng bị ám sát là đích đáng

 Nhà báo sẽ không thể bị hại nếu anh ta không làm gì sai, đó là quan điểm của tân tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte.

ong rodrigo duterte se chinh thuc tuyen the tong thong philippines ngay 30-6 - anh: afp

Ông Rodrigo Duterte sẽ chính thức tuyên thệ tổng thống Philippines ngày 30-6 - Ảnh: AFP

Theo Guardian, tổng thống vừa đắc cử tại Philippines, ông Rodrigo Duterte, cho rằng những nhà báo có hành vi tham nhũng nếu bị ám sát cũng là chuyện hợp lý.

Quan điểm này được ông Duterte đưa ra trong buổi họp báo công bố nội các mới hôm 31-5, cùng với cam kết sẽ triển khai chiến dịch quét sạch tội phạm trên lãnh thổ Philippines trong vòng 6 tháng như trong cương lĩnh tranh cử ông đưa ra trước đó.

Chính trị gia này đã có hàng loạt thông điệp chỉ trích, lên án tội phạm. Ông cam kết sẽ giết hết hàng chục ngàn tội phạm đang hoành hành tại Philippines, nhất là tội phạm buôn bán ma túy, cưỡng hiếp và giết người.

Trong cuộc họp báo ngay tại thành phố quê nhà Davao, ông Duterte cũng nói không chỉ tội phạm, ngay cả những nhà báo nhận hối lộ hoặc có liên đới trong hành vi tham nhũng cũng đáng phải chết.

Khi được hỏi ông sẽ giải quyết như thế nào về các vụ việc phóng viên báo chí bị sát hại khá nhiều tại Philippines, ngay sau vụ việc một phóng viên mới bị bắn chết tại Manila tuần trước, ông Duterte nói: “Nếu anh là một gã chó đẻ thì việc anh là nhà báo chẳng khiến anh thoát được việc bị ám sát”.

Philippines là một trong những nước nguy hiểm nhất với các nhà báo. Trong hơn ba thập kỷ qua đã có 174 trường hợp nhà báo bị sát hại tại quốc gia này.

Ông Duterte nói: “Hầu hết các trường hợp bị giết, nói thẳng ra đều đã làm điều gì đó. Anh sẽ không thể bị giết nếu không làm gì sai”. Ông còn nói thêm nhiều nhà báo ở Philippines đã tham nhũng.

Cũng theo tân tổng thống Philippines, các điều khoản về tự do ngôn luận được quy định trong hiến pháp không thể bảo vệ được ai đó khỏi việc phải đối mặt với những đòn thù do sự phỉ báng, bôi nhọ người khác của họ.

Ông Duterte nói: “Đó không thể gọi là tự do ngôn luận. Hiến pháp không thể giúp gì nếu anh không tôn trọng người khác”.


Thủ lĩnh Donetsk: “Các vùng của Ukraine sắp tới sẽ sáp nhập với Nga”

 Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DNR), ông Denis Pushilin phát biểu rằng, trong thời gian sắp tới các vùng của Ukraine có thể sáp nhập với Nga.
thu linh phe ly khai ukraine o donetsk, ong denis pushilin.

Thủ lĩnh phe ly khai Ukraine ở Donetsk, ông Denis Pushilin.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DNR), ông Denis Pushilin phát biểu rằng, trong thời gian sắp tới các vùng của Ukraine có thể sáp nhập với Nga. Ông đề cập điều này vào thứ Ba, 31/05, trong một cuộc phỏng vấn với Lenta.ru - Sputnik tường thuật.
"Tôi tin chắc rằng, các vùng của Ukraine trong tương lai gần sẽ suy nghĩ cân nhắc những điều quan trọng hơn hết - ý tưởng chủ nghĩa dân tộc điên cuồng hay sự an toàn và phúc lợi của người dân. Tôi nghĩ, trước hết những câu hỏi này sẽ xuất hiện ở Zaporozhye, Kharkov. Hoàn toàn logic là trong trường hợp từ chối chủ nghĩa dân tộc điên cuồng, Ukraine sẽ sáp nhập với Nga", ông Pushilin nói.
Theo ông, Kiev càng chần chừ tuân thủ các thỏa thuận Minsk, sẽ càng có nhiều khả năng cho phương án được nêu.
Trước đó, theo Sputnik, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ không bỏ rơi vùng đông nam Ukrainae, và luôn luôn ủng hộ khu vực này.

Malaysia kêu gọi ASEAN chung tiếng nói về Biển Đông

Bất chấp những thách thức địa chính trị, trong đó có vấn đề Biển Đông, các quốc gia ASEAN phải tiếp tục duy trì sự đoàn kết và nói cùng một tiếng nói.

bang gioi thieu bang tranh sinh dong ve hoi nghi ban tron chau a - thai binh duong lan thu 30 - anh: q.tr.

Bảng giới thiệu bằng tranh sinh động về Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 - Ảnh: Q.TR.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein tại phiên toàn thể thứ nhất Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 - APR@30, khai mạc sáng 31-5 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Trung Quốc trong một thập kỷ qua đã làm mọi cách để củng cố yêu sách đường chín đoạn. Nếu các quốc gia tuyên bố chủ quyền đều làm theo cách của Philippines thì sẽ gây áp lực thực sự lên các yêu sách của Trung Quốc

TS JAMES BOUTILIER

Thực tế nhức nhối

Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề “An ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương: tình trạng hiện tại và hướng đi tương lai”, Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein nhấn mạnh hai thách thức an ninh lớn nhất trong khu vực hiện nay chính là chủ nghĩa khủng bố và tranh chấp chủ quyền ở 
Biển Đông.

“Chúng ta không thể tránh né một thực tế rằng các xung đột lãnh thổ vẫn là một vấn đề nhức nhối giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó chủ yếu vẫn là Biển Đông, nguồn cơn căng thẳng giữa các quốc gia ASEAN và đối tác đối thoại Trung Quốc” - ông Tun Hussein nói.

Bộ trưởng Tun Hussein cho biết quan điểm của Malaysia về vấn đề Biển Đông là mọi tranh chấp nên được các bên liên quan giải quyết một cách thân tình thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tuân theo các quy tắc được công nhận phổ quát của luật pháp quốc tế.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng Malaysia luôn luôn theo dõi các diễn biến gần đây trên Biển Đông, trong đó có lưu ý đến việc có bên sử dụng các phương tiện cưỡng ép và quân sự để giành lợi thế trong các cuộc tranh chấp” - ông Tun Hussein nói.

Trước đó, trong bài diễn văn khai mạc APR, thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Tun Razak kêu gọi các quốc gia ASEAN hướng đến việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhấn mạnh dù phải đối mặt với hàng loạt thách thức, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất và gắn kết để đảm bảo tiếp tục có được sự tín nhiệm và phù hợp với vai trò trung tâm của khu vực trong bối cảnh địa chính trị khu vực đang có những thay đổi cả về không gian mạng, trên đất liền, trên biển và trên không.

Đề cập vấn đề Biển Đông, ông Najib cho rằng các diễn biến trên Biển Đông thời gian qua cho thấy các quốc gia cả trong và ngoài khu vực cần phải xử lý hết sức 
thận trọng.

Chia rẽ cả trên biển 
lẫn đất liền

Tiến sĩ Seiichiro Takagi từ Học viện các vấn đề quốc tế (JIIA) của Nhật Bản cho rằng một trong những thách thức lớn nhất mà ASEAN đang đối mặt chính là tìm cách cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, cụ thể là với hai đối tác đối thoại Mỹ và Trung Quốc.

Theo ông Takagi, Mỹ đang cố gắng kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua chính sách tái cân bằng sang châu Á, trong khi Trung Quốc tự tin cho thấy nước này đủ nguồn lực để thách thức chính sách này của Mỹ.

Trả lời câu hỏi của một học giả người Campuchia “Nhật Bản sẽ làm gì để đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực?”, tiến sĩ Seiichiro Takagi cho rằng quan điểm nhất quán của Nhật vẫn là ủng hộ các nước giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình và thông qua luật pháp quốc tế.

Ông Takagi dẫn ví dụ Nhật ủng hộ sử dụng luật pháp quốc tế trong việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài liên quan đến yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa Nhật Bản ủng hộ các yêu sách chủ quyền của Philippines.

Đại sứ Shivshankar Menon, nguyên cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, cho rằng sự đoàn kết của ASEAN rất quan trọng và ASEAN cần phải cảnh giác những âm mưu gây chia rẽ từ các quốc gia bên ngoài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak - giám đốc Học viện nghiên cứu quốc tế và an ninh (ISIS) ĐH Chulalongkorn, Thái Lan - nhận định rất khó cân bằng quan hệ giữa ASEAN với các siêu cường như Trung Quốc và Mỹ vì mỗi quốc gia ASEAN đều có những lợi ích khác nhau.

“Nếu Trung Quốc hạ giọng thì các nước ASEAN có thể đoàn kết lại, nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục gia tăng các yêu sách chủ quyền, chẳng hạn như xây dựng các đảo nhân tạo, sẽ buộc ASEAN nhìn theo các hướng khác nhau” - TS Thitinan nhận xét.

Vị học giả người Thái nhận xét thêm ASEAN đang bị chia rẽ cả trên biển lẫn đất liền, cụ thể là tranh chấp lãnh thổ căng thẳng ở Biển Đông liên quan đến các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cũng như những quan điểm khác nhau về các đập thủy điện ở sông Mekong.

“Đây là hai chuyện mà tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều căng thẳng trong thời gian tới” - TS Thitinan nói.

Liên quan đến sự kiện tòa trọng tài chuẩn bị ra phán quyết về việc Philippines kiện Trung Quốc trong những ngày tới, tiến sĩ James Boutilier, cố vấn Lực lượng hàng hải Thái Bình Dương (Canada), cho biết hầu hết các chuyên gia quốc tế đều nhận định tòa trọng tài sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines.

Ông Boutilier ủng hộ các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sử dụng các biện pháp pháp lý như Philippines đã làm.(TT)


Hàn Quốc - Nhật lên án Bình Nhưỡng phóng tên lửa

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang khi Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 31-5 đã có phản ứng mạnh mẽ trước việc nước láng giềng CHDCND Triều Tiên lại phóng tên lửa. 

Yonhap dẫn nguồn tin quan chức Hàn Quốc cho biết vụ phóng diễn ra khoảng 5g20 giờ Seoul ngày 31-5 ở bờ biển phía đông của Triều Tiên.

Vụ phóng đã không thành công khi quả tên lửa đạn đạo tầm trung loại Musudan đã phát nổ ngay khi rời bệ phóng di động.

Đây là vụ phóng tên lửa Musudan thứ tư bị thất bại của Bình Nhưỡng trong hai tháng qua, tạo nên chuỗi căng thẳng không ngừng kể từ khi nước này thử hạt nhân vào tháng 1-2016.

“Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đồng nghĩa với việc họ phớt lờ những cảnh báo của cộng đồng quốc tế” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June Hyuck chỉ trích gay gắt ngay sau đó.

Seoul cảnh báo sẽ có những biện pháp đáp trả sau khi thảo luận với các đồng minh, đồng thời duy trì quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida gọi vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là hành động khiêu khích “không thể chấp nhận được”.

Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng, cũng lên tiếng kêu gọi kiềm chế.

“Tình hình trên bán đảo rất nhạy cảm và phức tạp. Chúng tôi nghĩ rằng các bên nên tránh có hành động làm căng thẳng thêm tồi tệ” - Reuters dẫn lời người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Trung Quốc.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục