Người Nga coi Mỹ là kẻ thù số 1
Thủ tướng Thái Lan: Sẽ cầm quyền 'cho đến khi có hòa bình'
Mỹ điều “pháo đài bay” B-52 tới châu Âu tập trận
IS dùng 20.000 trẻ em làm lá chắn sống cho sào huyệt Fallujah
Trung Quốc bất ngờ "dịu giọng" với Philippines trước ngày tòa ra phán quyết về Biển Đông
Trung Quốc tung đòn quyến rũ các nước ASEAN
- Cập nhật : 01/06/2016
(Tin kinh te)
Trung Quốc đang ra sức lôi kéo sự ủng hộ từ một số nước Đông Nam Á nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho các tuyên bố về vấn đề Biển Đông mà nước này muốn đưa ra.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay trong chuyến thăm Brunei, Campuchia và Lào của Ngoại trưởng Vương Nghị cuối tháng 4, Bắc Kinh đã "đạt được thỏa thuận 4 điểm về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông" với các quốc gia này. Theo đó Trung Quốc và ba quốc gia trên cho rằng tranh chấp trên Biển Đông "không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN".
Dù Campuchia sau đó phủ nhận thông tin về thỏa thuận Biển Đông riêng mà Trung Quốc công bố, chuyến công du của ông Vương được cho là nhằm lôi kéo các nước đứng về phía mình khi Tòa án Trọng tài ở The Hague sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích.
Theo giáo sư Sampa Kundu, thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng, ở New Delhi, Ấn Độ, chương trình nghị sự được đề cao nhất trong chuyến thăm là các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, hợp tác chính trị và kinh tế cũng là những chủ đề không kém phần quan trọng.
Prashanth Parameswaran, biên tập viên chuyên về Đông Nam Á từ tạp chí The Diplomat, đánh giá Bắc Kinh đang dùng sức mạnh kinh tế như đòn bẩy để thu hút ủng hộ ngoại giao và chia rẽ ASEAN. Tại mỗi điểm dừng chân trong chuyến công du, ông Vương đều đưa ra thông báo về các sáng kiến kinh tế mới hoặc đang tiến hành của Trung Quốc với những nước đó.
Quyến rũ và gây ảnh hưởng
Trong chuyến thăm, việc Ngoại trưởng Trung Quốc dừng chân tại Lào thu hút nhiều sự chú ý tại khu vực, bởi Lào, hiện với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN, được nhìn nhận như một bên trung gian có tiếng nói quan trọng đối với những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.
Ông Vương tập trung nhấn mạnh vào sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường" như một cách để gây chú ý, lôi kéo sự ủng hộ từ Lào. Theo đó, một tuyến đường sắt nối Lào và Trung Quốc trong khuôn khổ dự án được cho là sẽ nâng cao đáng kể cơ hội kết nối và phát triển của quốc gia Đông Nam Á này.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Lào không ngừng gia tăng trong hơn thập niên qua. Ngoài các công trình giao thông, Trung Quốc còn rót tiền vào nhiều lĩnh vực tại Lào như khai khoáng, nông nghiệp, thủy điện... Đến cuối năm 2013, Trung Quốc đầu tư vào Lào hơn 5 tỷ USD,trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Lào.
Chính phủ Lào và Trung Quốc tháng 9 năm ngoái ký thỏa thuận thành lập khu hợp tác kinh tế biên giới Boten - Mohan với mục tiêu thúc đẩy đầu tư, thương mại và du lịchc. Trước những ưu đãi mà chính phủ hai nước đưa ra, hàng trăm doanh nghiệp đã đổ vào đây số tiền lên tới 15,27 tỷ USD. Những người có thẩm quyền kỳ vọng mức đầu tư có thể còn tiếp tục tăng trong tương lai khi mà các vấn đề tồn tại được giải quyết.
Nhà báo Sebastian Strangio tại Phnom Penh nhận xét "trục xoay của Trung Quốc đặc biệt đáng chú ý tại Lào" và thêm rằng "trong ít nhất một thập kỷ qua, đất nước này đã trở thành trở thành mạch dẫn chính cho sự thâm nhập của Trung Quốc ở Đông Nam Á".
Dường như mục tiêu lôi kéo và chia rẽ mà Trung Quốc đặt ra đã thành công phần nào. Tờ Nikkei Asian Review cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith kêu gọi các nước có liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông giải quyết bất đồng thông qua đối thoại song phương.
Đối thoại song phương lâu nay vẫn là biện pháp mà Trung Quốc mong muốn áp dụng trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nước này từ chối các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết căng thẳng. Trong khi đó, quan điểm của nhiều quốc gia vẫn là đàm phán đa phương và các biện pháp hòa bình khác.
Nếu như Trung Quốc ghi dấu ấn ở Lào với các dự án kinh tế, thì tại Campuchia, những mối hợp tác quốc phòng chính là quân bài hữu hiệu để Bắc Kinh gieo ảnh hưởng, giới quan sát nhận định.
Trung Quốc là nguồn hỗ trợ lớn nhất cho lực lượng vũ trang của Campuchia. Tháng 5/ 2012, Campuchia và Trung Quốc ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, trong đó Trung Quốc đồng ý cung cấp 17 triệu USD cho Campuchia để xây dựng bệnh viện, trường huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang Campuchia, và cam kết sẽ tiếp tục đào tạo nhân viên quân sự tại Campuchia.
Năm 2013, Bắc Kinh cấp cho Phnom Penh khoản vay 195 triệu USD để mua 12 máy bay trực thăng quân đội Z-9 của Trung Quốc. Trung Quốc hồi tháng 5 năm ngoái còn cam kết cung cấp xe tải quân sự, phụ tùng, thiết bị và hóa chất cho Campuchia.
Theo Chheang Vannarith, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Leeds, Anh, Trung Quốc lúc này cần Campuchia là một đối tác trong Đông Nam Á."Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ của Campuchia ở Đông Dương và khu vực sông Mekong để củng cố tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông nói.
Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, cho rằng hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Campuchia và Trung Quốc có thể nhằm đối trọng với sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông, việc này "ít có khả năng tiến xa đến mức có thể cơ bản biến đổi tình hình hoặc lĩnh vực quốc phòng của Campuchia".Brunei là nước ít lên tiếng nhất về vấn đề Biển Đông. Nhằm lôi kéo quốc gia giàu dầu mỏ này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết sẽ mở rộng quan hệ kinh tế song phương.
Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng (phải) gặp chỉ huy hải quân Malaysia tại Bắc Kinh hôm 24/5. Ảnh: Xinhua
Về phía Malaysia, Trung Quốc cũng đang có những bước đi cụ thể nhằm thắt chặt mối quan hệ quân sự với nước này. Hồi năm ngoái, Trung Quốc và Malaysia lần đầu tiên tổ chức một cuộc tập trận chung quy mô với sự tham gia của hơn 1.000 quân nhân Trung Quốc.
Hôm 24/5 Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng gặp chỉ huy hải quân Malaysia Ahmad Kamarulzaman ở Bắc Kinh. Tại đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Malaysia nhằm "giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực" cũng như làm sâu sắc "tình hữu nghị Trung Quốc - ASEAN".
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng thông báo sẽ mở rộng hợp tác với lực lượng vũ trang của hai nước Đông Nam Á khác là Thái Lan và Myanmar.
Những động thái của Trung Quốc rõ ràng hướng tới việc "tạo ra vết rạn nứt trong ASEAN, đe dọa tới sự đoàn kết cũng như tính hiệu quả của khối", ông Kundu nhận xét.
Vũ Hoàng
Theo Vnexpress