tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 23-12-2015

  • Cập nhật : 23/12/2015

Obama nói ông Trump lợi dụng nỗi lo sợ của công nhân Mỹ

 Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có những nhận xét thẳng thắn nhất từ trước đến nay về ứng cử viên tổng thống đang đình đám của đảng Cộng hòa Donald Trump.

tong thong my nhan xet ve donald trump - anh: reuters

Tổng thống Mỹ nhận xét về Donald Trump - Ảnh: Reuters

CNN cho biết trong buổi phỏng vấn lên sóng truyền hình hôm 21-12, Tổng thống Obama đã cáo buộc tỉ phú Donald Trump lợi dụng sự sợ hãi về kinh tế của các doanh nhân để bơm tiền cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 của mình.

Ông Obama cũng đưa ra nhận xét thẳng thắn đầu tiên về ông Trump sau khi ứng cử viên này kêu gọi một dự luật cấm tất cả người Hồi giáo đặt chân vào nước Mỹ.

Theo ông Obama thì những loại ý kiến như thế nhằm giúp tạo ra sự cân bằng trước những nỗi sợ đang tồn tại trong lòng người dân nước Mỹ.

Ông Obama cho biết loại tư tưởng thù hằn (người nhập cư, đặc biệt là Hồi giáo) đã bám rễ ngay từ khi ông trở thành tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ.

"Giới công nhân gặp rất nhiều vấn đề đối với nền kinh tế mới hiện nay nơi mà họ không còn có cơ hội tốt như họ đã từng có khi đến làm việc cho một nhà máy và có thể hỗ trợ gia đình họ từ tiền lương của mỗi ngày làm việc" - ông Obama nói với Đài National Public Radio.

"Có những sự giận dữ, thất vọng, sợ hãi. Tôi nghĩ một người như ông Trump đang lợi dụng điều đó. Đó là những gì mà ông ấy đang lợi dụng trong suốt chiến dịch tranh cử của ông ấy" - tổng thống Mỹ nhìn nhận.

Ông Obama cũng nhận diện các nhân tố phản kháng đã ăn sâu vào tư tưởng đảng Cộng hòa về việc chống đối một lãnh đạo Mỹ gốc Phi, trích dẫn "các giọng điệu đặc biệt của đảng Cộng hòa vì nhiều lý do từng cho rằng tôi khác biệt, tôi là Hồi giáo, tôi không trung thành với đất nước".

Tổng thống Obama lúc bắt đầu cuộc phỏng vấn cũng thừa nhận rằng chính phủ của ông đang mò mẫm tìm chiến lược chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tuy nhiên ông khẳng định kế hoạch của ông đang triển khai và sự thông tin của truyền thông về các cuộc không kích nhắm đến IS có thể giúp giảm bớt nỗi sợ của người dân nước Mỹ.


Chính phủ và phe đối lập tại Syria sẽ tới thăm Bắc Kinh

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21-12 cho biết Bắc Kinh sẽ mời các thành viên của chính phủ và phe đối lập ở Syria đến thăm nước này để tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Đông.
ngoai truong trung quoc vuong nghi  

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị  

Reuters đưa tin Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cuối tuần trước hôm 18-12 đã nhất trí thông qua một nghị quyết ủng hộ lộ trình quốc tế cho tiến trình hòa bình ở Syria. Đây là một sự thống nhất hiếm thấy giữa các cường quốc về cuộc xung đột đã bùng nổ từ bốn năm trước và cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi - dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị tại Liên Hiệp Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ "sớm" mời các đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria tới Trung Quốc.

"Đây là một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria" - ông Hồng nói thêm nhưng không tiết lộ chi tiết.

Trước đây, Trung Quốc từng đón tiếp cả các đại diện của chính phủ lẫn phe đối lập Syria, mặc dù Trung Quốc vẫn là một quốc gia không mấy tích cực trong việc giải quyết khủng hoảng ở Trung Đông.

Trong khi phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của khu vực này, Trung Quốc có xu hướng tách biệt khỏi vấn đề Trung Đông so với bốn thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp và Nga.


Trung Quốc phóng tên lửa từ tàu lửa “nhắm đến Mỹ”

Cơ quan tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa tầm xa từ bệ phóng nằm trên đường ray xe lửa có khả năng vươn tới các mục tiêu ở Mỹ.

Các quan chức quốc phòng thạo tin nói rằng cuộc thử nghiệm tên lửa DF-41 trên bệ phóng từ đường ray xe lửa được phát hiện hôm 5-12 ở phía Tây Trung Quốc.

Theo tài liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Bắc Kinh đã phát triển các bệ phóng tên lửa từ đường ray từ năm 1982. Vụ thử mới nhất này là cột mốc quan trọng đối với các nhà phát triển vũ khí Trung Quốc, chứng minh Bắc Kinh đang hướng đến việc triển khai DF-41 trên tàu lửa, ngoài các bệ phóng di động trên đường.

mot toa tau lua mang ten lua. anh: asian arms control project

Một toa tàu lửa mang tên lửa. Ảnh: Asian Arms Control Project

Các nhà phân tích quân sự cho rằng các tên lửa có bệ phóng di động nhằm làm phức tạp cuộc tấn công phủ đầu đối với các lực lượng hạt nhân. Tàu lửa mang tên lửa bao gồm toa phóng tên lửa, toa chỉ huy và những toa hỗ trợ hệ thống khác, tất cả được ngụy trang như các toa tàu chở khách.

Ước tính số đầu đạn dự trữ hiện nay của Bắc Kinh vào khoảng 300. Trung Quốc có thể đã có được công nghệ tên lửa di động từ tàu lửa của Ukraine, như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) SS-24 từ tàu lửa trong thời Xô Viết. Theo báo cáo, Trung Quốc sẽ phát triển hệ thống đường sắt và tàu ngầm ở miền Trung dành cho tên lửa tàu lửa .

ten lua df-41 duoc di chuyen bang xe. anh: freebeacon

Tên lửa DF-41 được di chuyển bằng xe. Ảnh: freebeacon

Ông Phillip A. Karber, chuyên gia quốc phòng đứng đầu tổ chức Potomac Foundation, cho biết tổ chức của ông gần đây phát hiện DF-41 tại một địa điểm phóng ở TP Thái Nguyên.

Ông Karber nhận định: “Với sự kết hợp của tính di động tốc độ cao, các toa tàu ngụy trang như xe lửa chở khách, đường hầm bảo vệ, nạp tên lửa, cùng với nhiều đầu đạn, khiến cho hệ thống vô cùng khó khăn để điều chỉnh hoặc kiểm tra”.


Châu Á chạy đua tàu ngầm do căng thẳng trên biển

Các nước châu Á đang đua nhau mua sắm tàu ngầm giữa lúc xảy ra tranh cãi chủ quyền ở biển Đông, biển Hoa Đông và nỗi lo Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự.

Theo báo cáo gần đây của tổ chức Tình báo Phòng vệ Chiến lược (DSI), trụ sở tại London - Anh, châu Á dẫn đầu thế giới về mức tăng chi tiêu quốc phòng, trong đó đứng đầu là khoản chi để mua tàu ngầm.

Các nhà phân tích của DSI cho biết thị trường tàu ngầm châu Á hiện có giá trị khoảng 7 tỉ USD nhưng sẽ tăng lên 11 tỉ USD trước năm 2025. Điều này có nghĩa châu Á sẽ vượt mặt châu Âu, trở thành thị trường tàu ngầm lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

tau ngam tan cong yu gwan-sun cua han quoc. anh: yonhap

Tàu ngầm tấn công Yu Gwan-sun của Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Ông Sravan Kumar Gorantala, nhà phân tích của DSI cho hay Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc là những nước chính mua tàu ngầm giữa lúc có những nỗi lo về nguy cơ xung đột hàng hải ở biển Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh có hành động ngày càng khiêu khích ở biển Đông và hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm cũng khiến một số nước châu Á khác phải tăng cường mua tàu ngầm.

Chẳng hạn như Philippines và Indonesia có động thái mua các tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo. Trong khi đó, Nhật Bản đang tìm kiếm vũ khí của nước ngoài để trang bị cho các tàu ngầm lớp Soryu của mình.

Ông Zhang Baohui, giáo sư bộ môn Khoa học Chính trị ở Trường ĐH Lĩnh Nam (Hồng Kông), đánh giá đang có một "cuộc chạy đua tàu ngầm trong khu vực” và các nước nhỏ sẽ tiếp tục cải thiện khả năng tàu ngầm của mình để đối phó một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Tuy nhiên, ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng hải quân các nước cần vượt qua một số thách thức, như tài chính, kỹ thuật, hậu cần, nhân lực liên quan đến vấn đề mua sắm và vận hành tàu ngầm. “Không phải tất cả các nước bỏ tiền mua tàu ngầm đều nắm vững nghệ thuật chiến tranh dưới nước" - ông Koh nhận định


Úc nghiêng về phía Nhật

 Chuyến công du Nhật cuối tuần qua của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã không được Bắc Kinh hoan nghênh. 

 
thu tuong nhat shinzo abe va thu tuong uc malcolm turnbull tai tokyo ngay 18-12 - anh: reuters

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Tokyo ngày 18-12 - Ảnh: Reuters

 

Thời báo Hoàn Cầu bực dọc trách thủ tướng Úc: “Trong chuyến thăm này, ông ta nghiêng về các quan hệ với Nhật”.

Quả thật là giữa Nhật và Úc tương đồng nhiều hơn là bất đồng. Điều này được thể hiện không chỉ trong bản thông cáo chung.

Cuộc gặp Shinzo Abe - Malcolm Turnbull lần này là trong khuôn khổ các cuộc gặp thượng đỉnh thường niên giữa lãnh đạo hai nước, mà ông Turnbull, mới lên cầm quyền giữa tháng 9 năm nay, đang kế thừa mức độ và hình thức quan hệ như thế.

Bên trong lớp vỏ quan hệ lễ tân đã được ấn định, còn là sự tương đồng của “những giá trị chung và lợi ích chiến lược gồm có nền dân chủ, nhân quyền, chế độ pháp quyền, thị trường mở và tự do thương mại”.

Tuyên bố đầu tiên của thông cáo chung Abe - Turnbull hoàn toàn không phải là sáo ngữ, khi cả hai nước đều là những nền dân chủ lớn trong ý nghĩa các ông Abe và Turnbull được bầu lên làm thủ tướng bởi dân chúng thì phải phục vụ lợi ích dân chúng trên cơ sở luật pháp được xác lập vì lợi ích của dân chúng.

Một sự tương đồng như thế chưa thể có giữa Úc với Trung Quốc, nên việc Thời báo Hoàn Cầu “khiếu nại” là thừa.

Tương đồng giữa Úc và Nhật còn trong cả việc “gánh vác trách nhiệm đối với hòa bình và thịnh vượng của châu Á, Thái Bình Dương và toàn thế giới”, trong “quyết tâm đóng góp cho việc thiết lập và duy trì trật tự quốc tế, tôn trọng các quy tắc đã được rộng rãi thừa nhận cùng mức độ minh bạch cao trong việc thúc đẩy tính lưu thông không bị cản trở người, hàng hóa, tiền tệ và thông tin”.

Nếu phải so với “giấc mộng Trung Hoa” như đã và đang thể hiện hằng ngày trên Biển Đông và biển Hoa Đông, e rằng không có chút tương đồng nào!

Chính vì cùng quan ngại đến “tính lưu thông không bị cản trở” đó, đặc biệt trên Thái Bình Dương, mà ông Turnbull bày tỏ trong thông cáo chung rằng “nước Úc hoan nghênh và ủng hộ việc Nhật Bản gần đây, thông qua quá trình lập pháp vì hòa bình và an ninh, đóng góp tích cực hơn trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới, phù hợp với chính sách “Chủ động góp phần vào hòa bình” của Nhật Bản”.

Rõ ràng nước Úc và ông Turnbull phải nghiêng về phía Nhật Bản vì sự bình yên lưu thông chung và của chính nước Úc.

Điều này được tỏ rõ giấy trắng mực đen trong thông cáo chung: “Các thủ tướng lưu ý rằng sự phát triển kinh tế của các nước trong khu vực, trong đó bao gồm cả của hai nước, chỉ có thể có được cũng như sẽ tiếp tục có được sắp tới là nhờ vào việc tiếp tục duy trì hòa bình của trật tự quốc tế.

Trong quan điểm đó, hai thủ tướng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ của mình đối với bất kỳ hành động cưỡng bức hoặc đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông.

Hai thủ tướng cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ tương tự đối với bất kỳ hành động cưỡng bức hoặc đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, và kêu gọi tất cả các bên tranh chấp phải ngừng bồi đắp hoặc xây dựng quy mô lớn và không được sử dụng cho các mục đích quân sự”.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục