Indonesia sẽ tăng cường hệ thống vũ khí trên đảo Natuna nhằm ngăn chặn trước những nguy cơ trong tương lai liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.
Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, Malaysia ngày càng cứng rắn
- Cập nhật : 02/06/2016
(Tin kinh te)
Trước các động thái gây hấn gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Malaysia đang phản ứng lại theo hướng ngày càng quyết đoán.
Sau khi phát hiện một con tàu lớn ở ngoài khơi bờ biển bang Sarawak hồi tháng ba, các sĩ quan trên một con tàu tuần tra của Malaysia đã rất bất ngờ khi thấy nó tăng tốc lao về phía họ, kéo còi xé tai sau đó đổi hướng và để lộ ra dòng chữ "hải cảnh Trung Quốc" ở một bên thân tàu, Reutersđưa tin.
Theo một sĩ quan từ Cơ quan Thực thi Pháp luật Biển Malaysia (MMEA), trước đây, các tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần lảng vảng quanh cụm bãi cạn Nam Luconia, ngoài khơi thị trấn Miri, bang Sarawak, tây bắc Malaysia. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tàu hải cảnh Trung Quốc cố tình chạm trán kiểu gây hấn như vậy."Dường như tàu Trung Quốc toan lao đến tàu chúng tôi, có thể để đe dọa" sĩ quan này nói.
Lần suýt va chạm trên cùng với sự xuất hiện của 100 tàu cá Trung Quốc tại cụm bãi cạn Nam Luconia thời điểm đó khiến một số quan chức Malaysia lên tiếng kêu gọi phản ứng cứng rắn hơn trước động thái gây hấn của láng giềng Trung Quốc thay vì im lặng như bấy lâu.
Một bộ trưởng cấp cao Malaysia nói Kuala Lumpur cần đứng lên chống lại những vụ xâm nhập vùng biển trái phép trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục có những hành động nhằm phô trương sức mạnh ở nhiều bãi đá ngầm và đảo tranh chấp trên Biển Đông.
Cách hành xử hung hăng ngày càng tăng tiến của Trung Quốc khiến Philippines, Việt Nam cùng các bên liên quan đến tranh chấp khác ở Biển Đông cảnh giác, cây bút Joseph Sipalan từ Reuters nhận định. Điều đó cũng làm leo thang căng thẳng Mỹ - Trung khi mà hai nước không ngừng cáo buộc lẫn nhau về việc quân sự hóa ở Biển Đông.
Do xem trọng "quan hệ đặc biệt với Trung Quốc" và phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc về thương mại lẫn đầu tư nên những phản ứng trước đây của Kuala Lumpur đối với hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông được các nhà ngoại giao phương Tây miêu tả là "kiềm chế".
Malaysia từng cố gắng để giảm nhẹ tính nghiêm trọng của hai cuộc tập trận hải quân mà Trung Quốc tiến hành gần bãi cạn James thuộc Biển Đông, cách bờ biển bang Sarawak 93 km vào các năm 2013 và 2014. Trong năm 2015, chính phủ Malaysia hầu như phớt lờ sự việc ngư dân thị trấn Miri cáo buộc những người có vũ trang trên các tàu hải cảnh Trung Quốc đe dọa họ.
Lập căn cứ hải quân tiền phương
Tuy nhiên, sau khi 100 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Malaysia ở khu vực gần cụm bãi cạn Nam Luconia hồi tháng ba, Malaysia đã phản ứng quyết đoán hơn, triển khai hải quân đến giám sát và bất ngờ triệu tập đại sứ Trung Quốc, yêu cầu giải thích vụ việc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tìm cách xoa dịu vấn đề khi nói rằng những tàu cá kể trên đang tiến hành các hoạt động đánh bắt thông thường ở "những vùng biển thích hợp".
Hai tuần sau, Malaysia thông báo kế hoạch thành lập căn cứ hải quân tiền phương gần thị trấn duyên hải Bintulu, phía nam thị trấn Miri.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho hay cơ sở này sẽ là nơi đồn trú cho các trực thăng, máy bay không người lái và một đơn vị phản ứng nhanh. Căn cứ được xây dựng để bảo vệ những tài sản dầu khí của Malaysia trước nguy cơ bị tấn công bởi những kẻ ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền nam Philippines.
Song các quan chức Malaysia cùng một số chuyên gia đánh giá những hoạt động của Bắc Kinh ở ngoài khơi bờ biển bang Sarawak mới là nguyên nhân thực sự khiến Kuala Lumpur phải thành lập căn cứ tiền phương nói trên.
"Khi bạn tăng cường an ninh cho các tài sản dầu khí nghĩa là bạn đang bảo vệ chính mình trước những tổ chức nhà nước hay phi nhà nước. Vậy nên, những gì ông ấy nói có một mức độ tin cậy nhất định. Thế nhưng, liệu lý do sau đó có phải là IS? Tôi không nghĩ vậy", chuyên gia Ian Storey từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á, nhận xét.
Một bộ trưởng Malaysia giấu tên còn nói với Reuters rằng Kuala Lumpur phải hành động quyết đoán trước các vụ xâm nhập biển trái phép nếu không Bắc Kinh sẽ xem chuyện này là bình thường.
Ông lưu ý tới sự đối lập trong cách phản ứng mà Malaysia đưa ra trước hành động xâm phạm lãnh hải của các tàu cá Trung Quốc hồi tháng ba với một biến cố tương tự xảy ra ở nước láng giềng Indonesia cách đây ít ngày.
"Khi tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển Indonesia, họ lập tức bị truy đuổi. Khi tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển của chúng tôi, không ai làm gì cả", ông nói.
Tháng trước, phát biểu tại một phiên điều trần của quốc hội Malaysia, Thứ trưởng Ngoại giao Reezal Merican nhấn mạnh nước này không thừa nhận đường 9 đoạn phi lý mà Trung Quốc vẽ ra để áp đặt tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông.
Chiến lược phù hợp
Khi được hỏi về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc chạm trán với tàu tuần tra Malaysia cách đây gần ba tháng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đôi bên đã đạt "đồng thuận cao" trong việc xử lý các tranh chấp biển thông qua đối thoại và tham vấn.
Theo Reuters, sở dĩ Kuala Lumpur ngần ngại phản ứng mạnh trước Bắc Kinh là do sự phụ thuộc của Malaysia đối với Trung Quốc về thương mại và đầu tư.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Malaysia. Bên cạnh đó, Malaysia còn là nước nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc lớn nhất trong 10 thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc năm ngoái chi hàng tỷ USD để mua tài sản từ 1MDB, quỹ đầu tư nhà nước Malaysia đang phải chịu gánh nặng nợ nần.
Ảnh hưởng từ Trung Quốc với các vấn đề nội bộ của Malaysia luôn là mối lo ngại đối với quốc gia có đa số dân là người Mã Lai này. Người Hoa ở Malaysia chiếm khoảng 25% dân số.
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước từng bị thử thách vào tháng 9 năm ngoái khi đại sứ Trung Quốc Hoàng Huệ Khang đến thăm một khu phố người Hoa ở Kuala Lumpur và cảnh báo Bắc Kinh không ngần ngại đáp trả những hành động gây ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng người Hoa ở Malaysia.
Ông Hoàng Huệ Khang sau đó bị triệu tập để giải thích về phát biểu trên.
Để cân bằng lợi ích an ninh quốc gia và kinh tế, Malaysia đang theo đuổi nhiều chiến lược khác nhau trước Trung Quốc, bao gồm củng cố năng lực quốc phòng và giám sát biển, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002.
Một lựa chọn chiến lược khác nhạy cảm hơn là tìm cách xây dựng quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ. Một quan chức cấp cao Malaysia cho biết nước này đã đề nghị Mỹ hỗ trợ thu thập thông tin tình báo cũng như xây dựng năng lực cho lực lượng cảnh sát biển. Song những động thái trên đều diễn ra lặng lẽ nhằm tránh "chọc giận" Bắc Kinh.
Chuyên gia Storey cho rằng chiến lược hợp tác quân sự gần gũi với Mỹ có thể kết hợp với ngoại giao mềm để thuyết phục Trung Quốc bớt hung hăng trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông thừa nhận bất luận thế nào, giải quyết vấn đề Biển Đông là một tiến trình khó khăn.
"Không chiến lược nào phát huy hiệu quả cao nhưng bạn có thể làm gì bây giờ? Tranh chấp Biển Đông sẽ còn tồn tại trong một quãng thời gian dài nữa", ông nhận định.
Theo Hồng Vân/VNexpress