tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 09-11-2015

  • Cập nhật : 09/11/2015

Tàu hải quân Mỹ đã làm gì khi tuần tra gần Trường Sa?

 Tàu khu trục Lassen của Hải quân Mỹ đã cố tránh diễn tập quân sự hay có hành động khiêu khích khi tuần tra ở Biển Đông ngày 27.10 qua, xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp.

chi huy tau uss lassen, robert c. francis (trai) noi chuyen voi bo truong quoc phong my tren tau san bay uss theodore roosevelt cua my o phia nam bien dong ngay 5.11, phia truoc la tau khu truc uss lassen - anh: reuters

Chỉ huy tàu USS Lassen, Robert C. Francis (trái) nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ở phía nam Biển Đông ngày 5.11, phía trước là tàu khu trục USS Lassen - Ảnh: Reuters

Một quan chức của Mỹ cho biết như thế khi kể lại hoạt động của tàu chiến USS Lassen của Hải quân Mỹ tuần tra ngày 27.10 sát khu vực gần đảo Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây đảo nhân tạo phi pháp, Reuters cho hay ngày 6.11.
"Chúng tôi muốn khẳng định quyền của mình theo luật pháp quốc tế, nhưng không đến mức có thể ‘chọc giận’ Trung Quốc hoặc có những hành động không cần thiết đe dọa leo thang mối căng thẳng", quan chức không muốn nêu tên kể lại với Reuters.
Theo quan chức Mỹ, tàu khu trục USS Lassen đã tắt hết radar khi tiến vào khu vực Đá Xu Bi và tránh gây hấn vào thời điểm đó, kể cả trực thăng không cất cánh và ngưng các hoạt động diễn tập.
Nhiều chuyên gia cho rằng hành động quá thận trọng này của Mỹ thực tế có thể tạo cho Trung Quốc cơ hội củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền phi lý của mình ở các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, thay vào đó hải quân Mỹ có thể tuần tra bình thường như quyền tự do hàng hải mà Washington tuyên bố.
Tuy nhiên, quan chức của Mỹ không đồng tình. “Quyền tự do hàng hải không có nghĩa gây căng thẳng thêm tình hình”, ông này phản biện.
Tuy vậy, Chỉ huy tàu USS Lassen, ông Robert C. Francis Jr, nói với các nhà báo hôm 5.11 rằng tàu khu trục của ông đã tiến vào cách đảo nhân tạo chỉ 6 đến 7 hải lý (11 - 13 km).
Khác với quan chức trên, Chỉ huy Francis nói rằng radar của tàu hoạt động bình thường khi vào khu vực gần đảo nhân tạo, nhưng ông không cho trực thăng hoạt động. Ông gọi việc vào khu vực gần đảo nhân tạo là tuần tra và là hoạt động “di chuyển vô hại”, quyền mà theo công ước hàng hải quốc tế tàu nước ngoài được phép đi ngang một cách vô hại qua vùng biển của nước khác.
Chỉ huy tàu cũng cho biết trong vòng 10 ngày trước và sau khi tàu Lassen tiến sát đảo nhân tạo ở Biển Đông, một tàu khu trục lớp Lữ Dương I của Trung Quốc bám theo tàu Lassen như hình với bóng, và 2 bên thường xuyên trao đổi điện đàm. Khi tàu Mỹ vào sát đảo nhân tạo, tàu chiến Trung Quốc phát tín hiệu "Tàu Mỹ đang đi vào vùng nước của Trung Quốc, các anh có ý định gì?" (?) và tàu Lassen trả lời đang di chuyển trong vùng biển quốc tế, và có ý định đi ngang đảo nhân tạo.
Theo hải quân Mỹ, các tàu chiến của Trung Quốc đã tỏ ra chuyên nghiệp khi đi theo tàu USS Lassen nhưng giữ khoảng cách an toàn. Nhưng có những tàu "dân sự" chạy nghênh ngang và còn cắt ngang ngang mũi tàu USS Lassen nhưng ở khoảng cách an toàn.
Khi rời khỏi khu vực đảo nhân tạo, các tàu Trung Quốc còn nhắn tin chúc tàu Mỹ một chuyến đi dễ chịu và hy vọng gặp lại, theo chỉ huy tàu Lassen.
Chỉ huy Francis cũng cho hay tàu Lassen thường tuần tra trên Biển Đông gần Trường Sa nhiều tháng nay, và đều "được" tàu Trung Quốc bám theo.

Hiểm họa chết người từ 'du lịch ghép tạng'

Nhiều quốc gia cấm “du lịch ghép tạng”, nhưng không ít bệnh nhận do phải đợi khá lâu mới đến lượt ghép tạng nên đã ra nước ngoài để mua và ghép nội tạng.
mot ca phau thuat ghep than o my - anh: reuters

Một ca phẫu thuật ghép thận ở Mỹ - Ảnh: Reuters

Các chuyên gia cảnh báo những người “du lịch ghép tạng” sẽ phải đối diện với nguy cơ nghiễm trùng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. 
Các nhà nghiên cứu ở Bahrain phát hiện người nhiều người “du lịch ghép tạng” đến Philippines, Ấn Độ, Pakistan và Iran để mua và ghép tạng từ “thị trường chợ đen” đã bị nhiễm trùng nghiêm trọng sau khi ghép tạng, theo đài CBS (Mỹ) ngày 6.11.
Những người này còn bị nhiễm bệnh viên gam B và C, cũng như vi rút cự bào và có thể đe dọa tính mạng, theo các nhà nghiên cứu.
Bên cạnh đó, những người ra nước ngoài mua thận cũng đối diện nguy cơ gặp nhiều biến chứng trong phẫu thuật và bị đào thải thận mới ghép, hơn những người được phẫu thuật ghép thận hợp pháp tại quốc gia sở tại.
Tiến sĩ Amgad El Agroudy, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Arabian Gulf (Bahrain), trình bày nghiên cứu trên tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội thận học Mỹ (ASN), tại thành phố San Diego.
Tiến sĩ Gabriel Danovitch, Giám đốc khoa ghép thận thuộc Bệnh viện Đại học California ở thành phố Los Angeles (Mỹ), cho biết: “Chúng tôi không thể nắm chính xác con số người Mỹ du lịch ghép tạng. Nhưng mối nguy hiểm từ "du lịch ghép tạng' thì ngày càng quá rõ ràng”.
Những người bán nội tạng có thể không được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng và tạng bán không phù hợp với những người nhận, theo ông Danovitch.
“Trong thị trường chợ đen, mục tiêu chính là kiếm tiền. Những phòng khám nước ngoài sẵn sàng thực hiện ca ghép thận và không hề quan tâm đến chuyện gì sẽ xảy ra với người cho và người nhận sau khi phẫu thuật”, ông Danovitch cho hay.
Hiệp hội Thận học Mỹ ước tính có gần 1 triệu người ở Mỹ bị bệnh thận giai đoạn cuối và có khoảng 102.000 người nằm trong danh sách đợi ghép thận.
Trong kỹ thuật ghép thận, có thể dùng thận người sống hoặc chết nhưng nếu thận từ người còn sống cho thì có tỉ lệ thành công cao hơn, các quan chức y tế Mỹ cho hay.
Ông Danovitch cho biết thường thì người thân sẽ giúp hiến tạng, nhưng nếu không phù hợp thì bệnh nhân phải đợi.
Các con số thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy hiện tại thời gian chờ  để được phẫu thuật ghép tạng có thể kéo dài gần 4 năm do thiếu nguồn tạng hiến, theo CBS.

Trung Quốc lắp đặt hệ thống giám sát hiện đại dọc khu vực biên giới

Trung Quốc đang triển khai hệ thống thiêt bị giám sát hiện đại ở khu vực biên giới để theo dõi và phát hiện những vụ xâm nhập trái phép hoặc buôn lậu qua đường biên giới.
trung quoc lap dat he thong giam sat hien dai o bien gioi- anh minh hoa: reuters

Trung Quốc lắp đặt hệ thống giám sát hiện đại ở biên giới- Ành minh họa: Reuters

Trung Quốc đang triển khai ở khu vực biên giới, đặc biệt ở biên giới phía tây tiếp giáp với Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan hệ thống radar hiện đại và máy bay do thám không người lái, theo Economic Times ngày 6.11.
Viện công nghệ và vật lý Tây Nam ở Thành Đô cho biết, hệ thống giám sát mới tiên tiến hơn rất nhiều và sẽ thay thế hệ thống cũ, giúp Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ khu vực biên giới và xử lý nhanh chóng những vấn đề phát sinh ở khu vực được cho là nhạy cảm đối quốc gia có đường biên giới dài như Trung Quốc.
“Hệ thống của chúng tôi được lực lượng biên phòng triển khai sử dụng ở Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam và nhiều khu vực biên giới khác để phát hiện những vụ vượt biên trái phép và buôn lậu ma túy”,  Economic Times dẫn lại từ China Daily phát biểu của ông Mao Weichen thuộc Viện công nghệ và vật lý Tây Nam Trung Quốc. Viện công nghệ này đã thiết kế hệ thống giám sát biên giới.
Ông Mao cho biết, hệ thống tích hợp các thiết bị quang điện, hệ thống radar, thiết bị thông tin liên lạc, dụng cụ điều khiển bằng lệnh và các công cụ phân tích hình ảnh.
Phối hợp với các đội tuần tra, hệ thống này có khả năng giám sát liên tục và trong mọi thời tiết bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào ở khu vực biên giới. Thông tin thu thập nhanh chóng được báo cho đội tuần tra và lính biên phòng sẽ được cử đến hiện trường để xử lý. Hệ thống này có thể lắp đặt để giám sát biên giới trên biển của Trung Quốc, theo ông Mao.
Theo Tân Hoa Xã, tình trạng vượt biên giới trái phép và các hoạt động buôn lậu, đặc biệt là ma túy gia tăng ở vùng biên giới của Trung Quốc. Bắc Kinh trông đợi hệ thống giám sát mới giúp phát hiện và ngăn chặn các lực lượng chống đối, khủng bố vào đại lục thông qua các ngã biên giới từ Pakistan và Afghanistan.

Tham gia TPP, các nước nới lỏng nhiều quy định về thị thực

Canada và Việt Nam sẽ tăng gấp đôi thời gian hiệu lực của thị thực, cho phép khách du lịch kinh doanh ở lại nước sở tại tối đa 6 tháng thay vì 90 ngày như trước.

Theo các điều khoản quy định trong Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), một số quốc gia sẽ nới lỏng các yêu cầu về thị thực, cho phép các lao động và gia đình của họ đi du lịch hoặc cư trú ở nước ngoài dễ dàng hơn. Mục đích cuối cùng vẫn là đảm bảo tạo môi trường thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh tế.

Canada và Việt Nam sẽ tăng gấp đôi thời gian hiệu lực của thị thực, cho phép khách du lịch kinh doanh ở lại nước sở tại tối đa 6 tháng thay vì 90 ngày như trước. Mexico cũng nâng thời gian từ 30 ngày lên 180 ngày.

Chile sẽ bảo lãnh thị thực cho gia đình của các lao động tới Chile làm việc và sẽ gia hạn theo từng năm. Canada và Việt Nam cũng cam kết cho phép gia đình của lao động được ở lại trong thời gian bằng với thời hạn làm việc của lao động.

TPP cũng sẽ nới lỏng quy định về đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ xóa bỏ một số chính sách phân biệt đối xử giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài trong một số lĩnh vực như bán lẻ, tài chính, quảng cáo, vận tải biển và viễn thông. Theo Nikkei, quy định này sẽ khuyến khích các công ty thuộc ngành dịch vụ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn vì đây là thị trường rất tiềm năng. Brunei cũng mở cửa ngành quảng cáo.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Malaysia cũng sẽ nới lỏng quy định quản lýdòng vốn ngoại chảy vào các ngân hàng trong nước và những giới hạn đối với các ngân hàng ngoại muốn mở chi nhánh ở Việt Nam.

Một số khoản đầu tư nhất định sẽ không cần phải được Chính phủ Australia thông qua không yêu cầu phải được chính phủ phê duyệt. Điều này có nghĩa là các công ty nước ngoài có thể dễ dàng mua lại những mỏ khoáng sản ở Australia.

7 nước Australia, Canada, Singapore và Mỹ sẽ mở cửa cho phép các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu các dự án công.


WEF: Ấn Độ ở vị thế thuận lợi hơn Trung Quốc về tăng trưởng

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định trong những năm tới, Ấn Độ ở vị thế thuận lợi hơn nhiều so với Trung Quốc xét về mặt tăng trưởng.

Tờ Economic Times ngày 7/11 đưa tin Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định trong những năm tới, Ấn Độ ở vị thế thuận lợi hơn nhiều so với Trung Quốc xét về mặt tăng trưởng.

Người đứng đầu khu vực Ấn Độ và Nam Á của WEF Viraj Mehta cho hay có một sự nhất quán giữa các nhà phân tích rằng chỉ có một vài điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu và Ấn Độ là một trong số đó. Dựa trên những quy tắc cơ bản thuần túy, triển vọng của Ấn Độ là có hứa hẹn.

WEF nhận định: “Từ triển vọng kinh tế vĩ mô, Ấn Độ ở vị trí thuận lợi hơn nhiều trong tương lai, thậm chí là khi so sánh với cả Trung Quốc."

Tăng trưởng của Ấn Độ trong năm nay dự kiến đạt khoảng 7,5% và không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ nhảy 16 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh mới nhất của WEF lên đứng thứ 55. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đứng ở vị trí thứ 28 còn Brazil tụt 18 bậc, xuống ở vị trí 75.

Cũng có sự cải thiện đáng kể trong môi trường kinh tế vĩ mô ở Ấn Độ trong 12 tháng vừa qua. WEF nhận xét “sự tăng trưởng của Ấn Độ là nhờ vào những cải cách nhỏ nhưng quan trọng, và hy vọng là nó sẽ bền vững, trong một số lĩnh vực chủ chốt” và những cải cách này cũng đang bắt đầu mang lại sự cải thiện cơ sở hạ tầng đồng nghĩa với việc tháo được nút thắt quan trọng cho tăng trưởng và đầu tư, đồng thời cho phép các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như nông nghiệp và sản xuất trở nên hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông Mehta cho rằng để tiếp tục tiến trình này, New Delhi phải tiếp tục xây dựng lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi mà vấn đề này vẫn có nhiều thay đổi trong những tháng gần đây.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục