Hệ thống tác chiến biến tiêm kích F-35 thành 'chiến binh sống'
Nhật từ chối 99% người tị nạn trong năm 2015
Thổ Nhĩ Kỳ lo Nga tăng quân gần biên giới
Mỹ chuẩn bị “giải pháp quân sự” chống IS tại Syria
Iran mua 114 máy bay Airbus
Cơn đau đầu của Myanmar trước ngày bầu cử tự do
- Cập nhật : 09/11/2015
(The gioi)
Ngày 8-11, lần đầu tiên cử tri Myanmar bước vào cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên trong 25 năm qua. Đợt bỏ phiếu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc chọn ra tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng 2-2016.
Bầu cử Myanmar nhận được sự quan tâm lớn của thế giới vì nhiều lý do. Phương Tây đặt nhiều kỳ vọng vào sự trở lại của lãnh đạo phong trào đối lập Aung San Suu Kyi, người chiến thắng cuộc bầu cử cách đây 25 năm.
Trong khi đó, tính ổn định chính trị của Myanmar có ảnh hưởng đến các láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ, khối ASEAN… và tất nhiên phải kể đến các nhà đầu tư nước ngoài.
Dù bản thân cuộc bầu cử đã thể hiện ý chí của Myanmar vươn đến sự thay đổi, giới quan sát quốc tế nhận định vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn.
Sự kiện chủ tịch Đảng Đoàn kết và phát triển liên bang (USDP) kiêm chủ tịch quốc hội U Shwe Mann bị bãi nhiệm hồi tháng 8 cho thấy thế lực lớn nhất Myanmar là quân đội vẫn chưa thả lỏng hoàn toàn kiểm soát của mình đối với bộ máy chính quyền.
Tương lai của Myanmar phụ thuộc vào thử thách sắp tới.
Niềm tin vào biểu tượng
Trước những thay đổi lớn này, chúng ta cùng đến với câu chuyện từ Hinthada, một thị trấn nhỏ yên bình nằm trên vùng đất ngập nước giữa lòng Myanmar của phóng viên Jonathan Head (Đài BBC).
Hinthada là một thị trấn nông nghiệp điển hình tại Myanmar. Khác với thủ đô Yangon, cuộc sống của người dân vùng đất này ít có thay đổi kể từ khi Myanmar mở cửa nền kinh tế cách đây năm năm. Dòng Irrawaddy lượn lờ qua các cánh đồng lúa với nhịp độ chậm chạp cũng như cuộc sống tại đây.
Trên con đường dẫn vào Hinthada, lá cờ đỏ của Đảng NLD với hình ảnh chim công vàng và ngôi sao bạc có thể được nhìn thấy khắp nơi. Vào đến thị trấn người ta còn thấy cả những bức chân dung kích thước thật của “quý bà” (bà Aung San Suu Kyi).
Myint Thein, chủ cửa hiệu thời trang ở Hinthada, cùng vợ và nhân viên mặc đồng phục mang màu sắc của NLD một cách tự hào.
Trước cửa hiệu của họ là hai tấm ảnh lớn của bà Suu Kyi. Myint Thein than vãn về chương trình cải cách của chính phủ hiện tại: “Ở những khu vực xa xôi như chỗ này, người dân vẫn phải đối mặt với đói nghèo và thiếu công ăn việc làm”.
Dạo một vòng qua trung tâm thị trấn chỉ có một chủ cửa hàng cho biết sẵn sàng bỏ phiếu cho Đảng USDP. Người dân ủng hộ NLD thậm chí không cần biết người đại diện cho đảng này là ai, chính sách của đảng này là gì, họ đơn giản chỉ ủng hộ bà Suu Kyi.
Cũng như những nơi khác trên đất Myanmar, Đảng NLD vận động tranh cử ở Hinthada chỉ với một khẩu hiệu duy nhất: “Hãy chọn Aung San Suu Kyi”! Một thông điệp đơn giản mang hi vọng vào sự thay đổi nhưng lại khá mơ hồ.
Đường cũ gập ghềnh hay lối mới không quen?
Dù vẫn có một số đảng phái khác hoạt động trong khu vực, cuộc đua vào quốc hội tại Hinthada thực tế chỉ bao gồm hai ứng viên của USDP và NLD. Câu hỏi là cử tri sẽ chọn một USDP có kinh nghiệm, tổ chức bài bản hay một NLD mới mẻ nhưng vẫn còn mơ hồ về đường lối?
“Đúng là Đảng NLD được nhiều người biết đến, nhưng người dân nên chọn USDP vì tất cả ứng viên của đảng đều có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển đất nước”, chính trị gia U Htay Oo lập tức chộp ngay luận điểm này cho chiến dịch vận động của mình.
Thông điệp chính trong các bài diễn văn của U Htay Oo trước cử tri Hinthada là lời cảnh báo họ sẽ đánh đổi tất cả tiến trình cải cách những năm gần đây nếu lựa chọn một đảng chưa từng kinh qua thử thách như NLD.
Nhưng USDP có lẽ sẽ có sức thuyết phục hơn nếu không xảy ra biến cố ngày 12-8 dẫn đến việc cựu chủ tịch U Shwe Mann, một nhân vật có tư tưởng cấp tiến, bị bãi nhiệm.
Cuộc thanh trừng chính trị bất ngờ này cho thấy nội bộ của lực lượng cầm quyền Myanmar đang chia rẽ sâu sắc.
Trở lại Hinthada, hầu như không ai có khái niệm về cuộc chơi chính trị đang diễn ra, họ chỉ quan tâm ai sẽ giúp họ thoát nghèo hay ít nhất là vượt qua mùa lũ sắp tới.
Phần lớn nông dân Myanmar không sở hữu một mẩu đất nào do chính sách cấm sở hữu đất đai trước đây của chính quyền quân sự. Myint Tin và chồng cô đều đi làm thuê. Họ cho biết một ngày dài lao động ngoài đồng chỉ mang về vỏn vẹn 4 USD.
Có thể trách họ không nếu những người nông dân này bầu cho Đảng NLD không có kinh nghiệm?
Thách thức của U Htay Oo
U Htay Oo là cái tên ít được biết đến bên ngoài Myanmar cho đến gần đây. Chính trị gia này hiện đang là chủ tịch Đảng USDP thay cho người tiền nhiệm vừa bị truất phế U Shwe Mann.
Cũng như hầu hết nhân vật cao cấp của USDP, trong kỳ bầu cử sắp tới ông Htay Oo mang trọng trách giữ cho bằng được ghế nghị sĩ để chứng tỏ uy tín của đảng.
Ở vùng châu thổ Irrawaddy, Đảng USDP không có đối thủ. Lần bầu cử năm 2010, ông Htay Oo dễ dàng giành được 80% phiếu bầu.
Tuy nhiên, đó là trước khi bà Aung San Suu Kyi của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) tham gia tranh cử. Một trận chiến khó khăn đang chờ Htay Oo, cựu tướng quân đội và là tri kỷ của nhà cầm quyền quân sự một thời Than Shwe.