tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 09-11-2015

  • Cập nhật : 09/11/2015

Mỹ nói gì về cuộc gặp Trung Quốc - Đài Loan?

Mỹ đã phản ứng được cho là tích cực đối với cuộc tiếp xúc lịch sử của 2 lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan hôm 7.11, kêu gọi duy trì ổn định ở 2 bờ eo biển.
cuoc gap lich su giua 2 nha lanh dao trung - dai - anh: reuters

Cuộc gặp lịch sử giữa 2 nhà lãnh đạo Trung - Đài - Ảnh: Reuters

Ngay sau cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu hôm 7.11 ở Singapore, Washington lên tiếng chúc mừng cuộc gặp này và gọi đó là sự tiến bộ trong quan hệ giữa 2 bờ eo biển Đài Loan.
“Mỹ hoan nghênh cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo ở 2 bên bờ eo biển Đài Loan, đó một sự cải thiện lịch sử đáng chú ý trong những năm gần đây”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kirby nói, theo AFP.
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan lần đầu tiên gặp nhau và bắt tay sau 66 năm kể từ khi Đài Loan tách khỏi Trung Quốc.
“Mỹ quan tâm sâu sắc và bền bĩ sự ổn định và hòa bình trên eo biển Đài Loan và khuyến khích một sự tiến bộ ở 2 bên cùng xây dựng mối quan hệ, giảm căng thẳng và thúc đẩy hòa bình, ổn định”, ông Kirby nói tiếp.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á, ông Daniel Russel cho biết trước cuộc họp của 2 nhà lãnh đạo Trung - Đài rằng Washington không lựa chọn bên nào trong cuộc xung đột ở 2 bờ eo biển Đài Loan nhưng ủng hộ nền dân chủ, sự ổn định và phát triển kinh tế của Đài Loan, theo Reuters.
Reuters cho hay Washington tuyên bố ủng hộ “chính sách một Trung Quốc” và không thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng duy trì quan hệ đồng minh và cam kết sẽ giúp Đài Loan tự vệ trước bất kỳ sự tấn công nào từ bên ngoài.
Cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo kéo dài hơn một giờ vói những lời chia sẻ được cho là nồng ấm. “Chúng ta là một gia đình cùng huyết thống mặn nồng”, ông Tập đã nói với ông Mã với hàm ý xem Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và Bắc Kinh tiếp tục đeo đuổi mục tiêu thống nhất Đài Loan với đại lục.
Đáp lại, ông Mã cho rằng cả 2 bên cần bỏ lại đằng sau quá khứ nặng nề hơn sáu thập niên chia cắt. “Bây giờ trước mắt chúng ta là những hứa hẹn với kết quả tốt từ chính sách thay thế đối đầu bằng đối thoại”, ông Mã Anh Cửu nói với ông Tập, theo AFP.
Cuộc họp giữa ông Tập và ông Mã được giới phân tích chính trị cho rằng được Bắc Kinh sử dụng để gây ảnh hưởng lên Đài Bắc, đặc biệt là cuộc bầu cử sắp tới trên hòn đảo này.
Trung Quốc đang muốn cho thế giới, đặc biệt là giới trẻ chống Trung Quốc ở Đài Loan, thấy rằng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang phát triển tốt đẹp bất kể đảng nào thắng trong cuộc bầu cử, Reuters nhận định.

Mỹ lo ngại về nguy cơ xung đột ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm qua bày tỏ lo lắng trước quy mô cũng như tốc độ của các hoạt động cải tạo đất trên Biển Đông.
bo truong quoc phong my ashton carter. anh : ap

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh : AP

"Mỹ cùng hầu hết các quốc gia khác trong khu vực quan ngại sâu sắc về tốc độ và quy mô của hoạt động cải tạo đất trên Biển Đông", AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại một diễn đàn về quốc phòng ở Thư viện Tổng thống Ronald Reagan, California.

Ông Carter thêm rằng ông rất lo ngại về nguy cơ quân sự hóa trong khu vực cũng như việc các hành động này sẽ làm gia tăng khả năng dẫn tới những tính toán sai lầm hoặc xảy ra xung đột giữa các bên liên quan tới tranh chấp chủ quyền.

Ông Carter hôm 5/11 lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, hơn một tuần sau khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các đảo nước này xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Bắc Kinh chỉ trích Washington về cuộc tuần tra, trong khi tư lệnh hải quân Trung Quốc cảnh báo một sự cố nhỏ có thể kích động chiến tranh ở Biển Đông nếu Mỹ không dừng "các hành động khiêu khích".

Hải quân Mỹ dự định tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo ở Biển Đông khoảng hai lần một quý, để nhắc nhở Trung Quốc và các nước khác về quyền của Mỹ theo luật quốc tế, một quan chức quốc phòng đầu tuần này nói.


Kinh tế Nhật có thể đã rơi vào suy thoái vì Trung Quốc

Các chuyên gia kinh tế đồng loạt hạ thấp mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý 3 vừa qua sau một một dữ liệu kinh tế kém khả quan. Nếu dự báo này là đúng, nền kinh tế Nhật lại một lần nữa rơi vào suy thoái.

Theo hãng tin Bloomberg, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được cho là sẽ nhích lên trong quý 4 này, nhưng sự trở lại của suy thoái chắc chắn sẽ gia tăng áp lực khiến Thủ tướng Shinzo Abe và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) Haruhiko Kuroda bổ sung thêm các biện pháp kích cầu thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia mới nhất do Bloomberg thực hiện cho thấy, các nhà phân tích dự báo GDP Nhật giảm 0,3% trong quý 3 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, kinh tế Nhật đã suy giảm 1,2% trong quý 2.

Trong cuộc khảo sát hồi đầu tháng 10, giới chuyên gia nhận định kinh tế Nhật tăng trưởng 0,6% trong quý 3.

Một tháng trở lại đây, các dữ liệu kinh tế Nhật chuyển xấu hơn. Các chỉ số về lạm phát và chi tiêu của các hộ gia đình bất ngờ sụt giảm, sản lượng xe hơi đi xuống, doanh thu bán lẻ giảm, và nhập khẩu cũng giảm trong khi xuất khẩu trì trệ. Sản lượng công nghiệp Nhật trong tháng 9 chỉ tăng 1% so với tháng 8, không đủ để bù đắp cho sự suy giảm trong tháng 7 và 8.

Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Nhật.

“Cho dù lợi nhuận vững, các công ty Nhật vẫn đang thận trọng về đầu tư cho sản xuất-kinh doanh. Nguyên nhân là nỗi lo kinh tế Trung Quốc giảm tốc và thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc hồi tháng 8 làm gia tăng những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu”, ông Yusukie Shimoda, chuyên gia kinh tế thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản tại Tokyo, đánh giá.

Theo chuyên gia này, Chính phủ Nhật Bản có khả năng sẽ đưa ra một gói chi tiêu bổ sung trong những tháng sắp tới để kích cầu nền kinh tế.

Ông Heizo Takenaka, một cố vấn về cạnh tranh của Chính phủ Nhật, đã đề xuất gói hỗ trợ tăng trưởng mới trị giá khoảng 5 nghìn tỷ Yên, tương đương 41 tỷ USD. Nhiều bài viết trên báo chí Nhật nói rằng có khả năng Tokyo sẽ bổ sung ngân sách khoảng 3-3,5 nghìn tỷ Yên.

Tháng này, Thủ tướng Abe đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Akira Amari vạch ra các biện pháp nhằm đạt mục tiêu đưa GDP danh nghĩa của Nhật tăng 20%, đạt mức 600 nghìn tỷ Yên, trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, chưa rõ BoJ sẽ có động thái hỗ trợ tăng trưởng nào tiếp theo hay không, vì cuộc họp tuần trước, Thống đốc Kuroda đã quyết định giữ nguyên chính sách.

Theo đánh giá của BoJ, rủi ro suy giảm tăng trưởng và lạm phát đối với kinh tế Nhật đang có chiều hướng tăng lên. Mặc dù vậy, Hội đồng Thống đốc BoJ dự báo GDP thực của Nhật sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016.


Cử tri Myanmar đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch sử

Hơn 30 triệu cử tri Myanmar hôm nay đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên sau 25 năm ở quốc gia Đông Nam Á này.
nguoi dan o thanh pho yangon, myanmar, sang som nay xep hang di bau cu. anh:reuters

Người dân ở thành phố Yangon, Myanmar, sáng sớm nay xếp hàng đi bầu cử. Ảnh:Reuters

Các địa điểm bỏ phiếu ở Myanmar đã bắt đầu mở cửa từ 6h sáng nay để đón cử tri và dự kiến đóng cửa vào khoảng 16h. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được thực hiện sau khi chính quyền dân sự thay thế chính quyền quân sự ở Myanmar cách đây 4 năm, theo Reuters. Kết quả sẽ được công bố sau vài ngày.

Khoảng 6.000 ứng viên từ 93 đảng phái chính trị sẽ chạy đua cho 664 ghế quốc hội ở đất nước 52 triệu dân này. Tuy nhiên, theo quy định, các đại biểu từ quân đội sẽ chiếm 25% trong 664 vị trí ở quốc hội.

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi được dự đoán sẽ có được chiến thắng vang dội. Song, để giành quyền bầu cử tổng thống, NLD cần chiến thắng với tỷ lệ nhỏ nhất là 67%.

Theo hiến pháp Myanmar, bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống do có con ruột mang quốc tịch nước ngoài. Nhưng, hôm 5/11, bà khẳng định sẽ "đứng trên cả tổng thống" nếu đảng của bà giành thắng lợi.

Hơn 3.000 cảnh sát đang đặt trong tình trạng báo động cao nhằm tăng cường an ninh cho cuộc bầu cử.


Trùm ma túy Mexico bị nghi trốn sang Argentina

Argentina cảnh giác cao sau khi nhận được thông tin rằng trùm ma túy Mexico Joaquin "El Chapo" Guzman có thể đang ở biên giới phía nam của nước này với Chile.
trum ma tuy joaquin "el chapo" guzman. anh: ap

Trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman. Ảnh: AP

"Chúng tôi nhận được thông tin rằng El Chapo đang cố gắng vượt qua biên giới giữa Chile và Argentina", tại khu vực Patagonia, phía nam Argentina,Reuters dẫn lời quan chức an ninh Sergio Berni, hôm 6/11 cho biết.

"Chúng tôi đã kích hoạt tất cả các cơ chế bảo mật và đặt lực lượng liên bang ở Patagonia trong tình trạng cảnh giác tối đa", ông Berni nói.

Một quan chức giấu tên tại Chile nói rằng kể từ buổi trưa, chính phủ đã tiếp nhận và thu thập thông tin về vấn đề này".

"Nếu đúng là El Chap định vượt biên vào Chile thì cần ngay lập tức bắt giữ ông ta", Jorge Burgos, Bộ trưởng Nội vụ Chile nói. "Ông ta là tội phạm chịu lệnh bắt giữ quốc tế".

Trong khi đó, các quan chức Mexico nói với BBC rằng họ chưa nhận được thông báo về bất kỳ cuộc tìm kiếm Guzman nào ở Argentina.

Guzman, trùm ma túy bị truy nã gắt gao nhất thế giới, hồi tháng 7 trốn thoát khỏi một nhà tù an ninh cẩn mật ở Mexico thông qua một đường hầm dài. Ông ta hồi tháng 10 suýt bị tóm khi bị lực lượng an ninh phát hiện ở tây bắc Mexico. Guzman trốn thoát với thương tích ở mặt và chân.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục