Sự mâu thuẫn trong cách mô tả của giới chức Mỹ về việc tàu khu trục Lassen áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa làm dấy lên nghi ngờ về sự kiên quyết của Washington trong vấn đề Biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 08-11-2015
- Cập nhật : 08/11/2015
Trung Quốc cung cấp tên lửa phòng không cho Campuchia
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc (trái) và Campuchia hôm nay chào cờ khi nghe quốc thiều trước cuộc họp ở Phnom Penh. Ảnh: Reuters
"Chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã đạt kết quả tốt",Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh hôm nay nói sau lễ ký kết với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
Ông Tea Banh cho biết Trung Quốc mới đây chuyển giao các tên lửa vác vai. "Chúng tôi không cần các chiến đấu cơ vì trong tình hình hiện nay, chúng tôi vừa thiết lập hệ thống phòng không để bảo vệ không phận của chúng tôi", ông nói.
Bộ trưởng quốc phòng Campuchia không nói chi tiết tên lửa thuộc loại nào, nhưng cho hay Phnom Penh đang muốn có vũ khí tầm xa. "Chúng tôi cần được trang bị thêm để có thể bắn tầm xa hay kể cả các phi cơ bay nhanh cũng không chạy thoát", ông nói. Ông Banh cũng cho biết Trung Quốc sẽ giúp huấn luyện và sẽ xây dựng các học viện quân sự.
Ông Thường nói với ông Banh rằng Trung Quốc sẽ giúp Campuchia phát triển và hiện đại hoá lực lượng vũ trang, tăng cường hợp tác sâu rộng trên mọi cấp độ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong thông cáo.
"Trung Quốc và Campuchia là các láng giềng thân thiện, với tình hữu nghị truyền thống lâu dài và vững chắc", ông Thường nói.
Campuchia năm 2013 nhận 12 trực thăng Harbin Z-9 bằng khoản vay của Trung Quốc trị giá 195 triệu USD. Một năm sau đó, nước này nhận 26 xe tải và 30.000 bộ đồng phục quân sự Trung Quốc tặng. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia, đồng thời mua một lượng lớn khoáng sản nước này.
Mỹ thắt chặt an ninh hàng không vì sợ khủng bố
Ngày 7-11, chính phủ Mỹ ra lệnh thắt chặt an ninh trên các chuyến bay từ Trung Đông tới Mỹ vì lo ngại nguy cơ khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công.
Theo Reuters, do vụ máy bay Nga gặp nạn ở bán đảo Sinai (Ai Cập) khiến 224 người thiệt mạng, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) công bố các biện pháp an ninh mới, bao gồm khám xét hành lý chặt chẽ hơn trước khi lên máy bay, đối với các chuyến bay từ nhiều sân bay tại Trung Đông tới Mỹ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố các biện pháp của Mỹ là “phản ứng cẩn trọng” để tăng cường an ninh hàng không và ảnh hưởng tới gần 10 sân bay ở Trung Đông. Một quan chức Washington cũng tiết lộ trong hai năm qua, Cục An ninh giao thông Mỹ đã đánh giá an ninh tại nhiều sân bay nước ngoài.
Sân bay Sharm el-Sheikh ở bán đảo Sinai, nơi chiếc máy bay Nga xấu số cất cánh, bị cơ quan này đánh giá là có điều kiện an ninh khá tệ hại. Hiện nguồn tin từ cơ quan điều tra tại Ai Cập thông báo có nhiều bằng chứng từ hộp đen cho thấy chiếc máy bay bị đánh bom, có thể là do nhân viên mặt đất ở sân bay tuồn bom lên khoang hành lý.
Kênh truyền hình NBC dẫn lời các quan chức an ninh Mỹ tiết lộ tình báo Mỹ mới nghe lén được các thủ lĩnh IS ở Raqqa (Syria) và các tay súng IS tại bán đảo Sinai khoe khoang về vụ đánh bom máy bay Nga. “Bọn chúng đang ăn mừng. Chúng có nói về cách đánh bom máy bay” - một quan chức Mỹ khẳng định.
Cùng ngày, trên mạng Internet cũng xuất hiện một đoạn video quay cảnh các thủ lĩnh IS ở Aleppo (Syria) chúc mừng các tay súng tại Sinai vì đã đánh bom máy bay. Còn báo Anh The Times và Daily Telegraph đưa tin Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và cơ quan tình báo Anh GCHQ nghe lén được một số cuộc gọi, thảo luận về một vụ tấn công ngay trước khi máy bay Nga rơi.
Trung Quốc thúc đẩy mở văn phòng đại diện với Đài Loan
Sau cuộc họp kín kéo dài khoảng 1 giờ vào chiều 7-11 ở khách sạn Shangri-La, phía Trung Quốc cho biết chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện ý muốn đầy nhanh tiến trình lập văn phòng đại diện với Đài Loan.
Lãnh đạo lãnh thổ Đài Loan Mã Anh Cửu (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay khi gặp ở khách sạn Singapore - Ảnh:channelnewsasia.com
Theo báo South China Morning Post, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã nêu ra đề xuất năm điểm gồm: củng cố “Nhận thức chung năm 1992 và duy trì hòa bình dọc hai bờ”,” giảm tình trạng thù địch, giải quyết tranh chấp bằng thái bộ hòa bình”, “mở rộng giao lưu hai bờ, phát triển quan hệ theo hướng hai bên cùng có lợi”, “thiết lập đường dây nóng giữa Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan và Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp”, “tiếp tục phối hợp vì nhân dân hai bên”.
Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SCTAO) Trương Chí Quân cho biết ông Tập Cận Bình nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến trình liên quan đến vấn đề Trung Quốc và Đài Loan thiết lập văn phòng đại diện tại mỗi bên.
Ông Mã Anh Cửu nhấn mạnh phía Đài Loan không sử dụng những kiểu biểu đạt như “hai Trung Quốc” hoặc “một Trung Quốc, một Đài Loan” hoặc “Sự độc lập của Đài Loan”. Ông Mã giải thích sở dĩ có điều này là vì hiến pháp của Đài Loan không cho phép như vậy.
“Tôi đã đề cập đến mối quan ngại của công chúng Đài Loan về việc triển khai quân đội của trung Quốc đối với Đài Loan, trong đó có hệ thống tên lửa và các căn cứ quân sự. ông Tập nhấn mạnh rằng những cuộc triển khai này không nhằm vào Đài Loan”- ông Mã Anh Cửu nói trong cuộc họp báo 30 phút sau cuộc gặp với ông Tập.
Ông Tập Cận Bình để ngõ câu trả lời về khả năng thiết lập đường dây nóng để trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng khẩn cấp giữa đôi bên.
Ít nhất 350 ngôn ngữ được sử dụng ở Mỹ
Báo cáo của Cục Điều tra dân số Mỹ thu thập số liệu từ năm 2009 - 2013 cho thấy có ít nhất 350 ngôn ngữ khác nhau được dùng trong các gia đình ở quốc gia này, so với con số 39 ngôn ngữ trước đây.
Theo VOA, ngoài tiếng Anh hay Tây Ban Nha, tiếng Hoa, tiếng Pháp và tiếng Việt cũng khá thông dụng trong các gia đình.
Những thứ tiếng ít phổ biến hơn là tiếng Hà Lan, tiếng Ukraine, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Amharic. Ngoài ra còn có 150 thổ ngữ bản xứ khác nhau được 350.000 người sử dụng gồm Yupik, Dakota, Apache, Keres và Cherokee. Ông Erik Vickstrom, chuyên gia của Cục Điều tra dân số, cho biết Mỹ là quốc gia có “sự đa dạng ngôn ngữ rộng khắp”.
Cuộc khảo sát ngôn ngữ được tiến hành ở 15 khu vực đô thị lớn của Mỹ. Trong đó, Los Angeles (54%) và Miami (51%) trẻ trên 5 tuổi không nói tiếng Anh ở nhà.
Thành phố New York có 192 ngôn ngữ khác nhau được sử dụng. Tính trung bình cứ 5 trẻ trên 5 tuổi thì có 2 trẻ (38%) nói thứ tiếng khác tiếng Anh trong gia đình ở đô thị này. Tiếp đến là Los Angeles (với ít nhất 185 ngôn ngữ), Washington DC (168), Seattle (166) và Phoenix (163).
Thống kê còn ghi nhận số lượng người nói các ngôn ngữ chuyên biệt ở các khu vực cụ thể, chẳng hạn New York có 105.756 người nói tiếng Bengali, Los Angeles có 12.750 người dùng tiếng Indonesia, Chicago có 17.490 cư dân nói tiếng Serbia, và 4.690 người nói tiếng Tamil ở cộng đồng tại Houston.
'Ông Tập Cận Bình khẳng định dàn tên lửa không nhắm Đài Loan'
Ông Mã khẳng định điều quan trọng là lãnh đạo hai bên đã lần đầu tiên gặp gỡ để thảo luận về “sự đồng thuận năm 1992”.
Ông Mã Anh Cửu cho biết thêm ông Tập Cận Bình ủng hộ ý tưởng thiết lập đường dây nóng giữa Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc và Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan. Theo ông Mã Anh Cửu, một vấn đề mà ông đưa ra trong cuộc gặp là những khó khăn mà Đài Loan phải đối mặt khi tham gia các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế.
Nhà lãnh đạo Đài Loan cho biết Trung Quốc sẽ cân nhắc việc Đài Loan tham gia Ngân hàng Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), dù Bắc Kinh trước đó từng bác bỏ đề nghị này.
Khi được hỏi về việc liệu hai bên có đề cập đến việc di dời các tên lửa của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan hay không, ông Mã Anh Cửu cho biết ông Tập Cận Bình khẳng định dàn tên lửa được triển khai không nhắm vào Đài Loan. Theo ông, do đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên, vẫn cần phải có thêm các cuộc thảo luận khác.
Bên cạnh đó, ông Mã Anh Cửu cho biết hai bên không đề cập đến việc mời ông Tập Cận Bình đến Đài Loan và cũng chưa có kế hoạch gặp lại Chủ tịch Trung Quốc.