Chủ tịch Trung Quốc dự APEC giữa căng thẳng Biển Đông
2 tàu Trung Quốc xâm nhập hải phận Nhật Bản
Thái Lan - Trung Quốc lần đầu tiên tập trận không quân chung
Nhật tiến gần Mỹ trên biển Đông
Trung Quốc: Thêm một con hổ sa lưới
Myanmar trông chờ bầu cử dân chủ
- Cập nhật : 09/11/2015
(The gioi)
Hôm nay, đất nước Myanmar bước vào kỳ tổng tuyển cử trong sự kỳ vọng của người dân và sự quan sát sát sao của thế giới.
Thành viên Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (LND) hướng dẫn hai người sẽ làm quan sát viên của kỳ bầu cử - Ảnh: Reuters
Bởi một lẽ đơn giản, đây là kỳ bầu cử được chính quyền đương nhiệm đảm bảo “tự do và công bằng”.
Kỳ bầu cử được hơn 10.000 quan sát viên trong nước và thế giới giám sát để đảm bảo đúng như những gì được cam kết. Có thể nói thế giới chú ý đến sự kiện này bởi nó được xem là một câu chuyện “kiểu mẫu” của con đường đi đến dân chủ trong lịch sử hiện đại.
Có rất nhiều bình luận, dự đoán, quan ngại... Có những lời kêu gọi từ bên trong, bên ngoài và cũng có những cam kết từ chính quyền của Tổng thống Thein Sein.
“Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng chính phủ và quân đội sẽ tôn trọng và chấp nhận kết quả bầu cử. Tôi sẽ chấp nhận chính phủ mới được lập ra từ kết quả bầu cử.
Tổng thống Thein Sein cam kết vào ngày 6-11
Đoạn phim tuyên truyền của Phủ tổng thống
Và thực tế cũng có những câu chuyện khiến người ta phải lưu tâm. Mới nhất là vào ngày 30-10, trên mạng xã hội của Phủ tổng thống Myanmar công bố một đoạn video dài bốn phút cho thấy những hình ảnh bạo loạn liên quan đến các cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả Rập” ở Trung Đông cách đây vài năm.
Đối lập với những cảnh đàn áp, bạo lực là hình ảnh an bình của thủ đô Naypyidaw của Myanmar trong thời kỳ chuyển tiếp đến dân chủ.
Đoạn phim, sản phẩm của Đài truyền hình quốc gia MTV, được cho là một cách cảnh báo với cử tri trước ngày đi bỏ phiếu về những nguy cơ đòi đổi thay quá mạnh mẽ.
Hôm 4-11, người phát ngôn của chính phủ là ông Zaw Htay đã lên tiếng giải thích về đoạn phim tuyên truyền này: “Năm năm qua đất nước chúng ta an bình và đang đi đúng hướng...
Chúng ta phải kiên nhẫn”. Ông cũng nhắc nhở người dân về những viễn cảnh “máu đổ thành sông và biểu tình bạo lực” trong thời kỳ chuyển sang dân chủ ở các nước khác.
Dù vậy, trong mắt người dân Myanmar, đó là cách đe dọa trước kỳ bầu cử. Anh Zin Thaw Naing, người phụ trách biên tập của trang web Myanmar Post, nhận định: “Đoạn video này cho thấy chính quyền hiện tại đang sợ bị thất bại trong kỳ bầu cử lần này. Nó như thể Tổng thống đe dọa người dân của mình. Người dân Myanmar từng tính làm cách mạng hồi năm 1988 - một giai đoạn có thể so sánh với những cuộc cách mạng ở khối nước Ả Rập. Nhưng giờ đây đất nước tôi đã chuyển sang giai đoạn kế tiếp của quá trình quá độ sang dân chủ”.
Dân chủ có tính toán?
Nhưng quả thật đây là một quá trình quá độ khó đoán và rất nhiều người đang chờ xem những diễn tiến của cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm nay (8-11).
Từ khi chính quyền quân nhân tuyên bố bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp sang dân sự và dân chủ cách đây vài năm, người ta cũng đã nhìn thấy những thay đổi nhanh chóng ở một đất nước mở cửa.
Kinh tế đã tăng trưởng trung bình trong ba năm qua, đạt mức 7,6% mỗi năm, đem lại sự hứng khởi nói chung cho người dân trong cuộc sống hằng ngày.
Người ta cũng có thể nhìn thấy sự bùng nổ của các đảng phái chính trị. 92 đảng phái cử hơn 6.000 ứng cử viên cho 1.171 ghế ở hai viện quốc hội liên bang và nghị viện bang, vùng.
Số quan sát viên quốc tế được phép vào giám sát cũng đến cả ngàn. Thế thì ai có thể nói là bầu cử thiếu “tự do và công bằng”?
Các nhà quan sát dù vậy vẫn cứ nêu ra những bất thường (như đoạn phim nói trên) và những gian lận (có thể xảy ra sắp tới).
Nhưng mối lưu tâm lớn hơn hết vẫn là việc Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi - đảng đối lập lớn nhất và được kỳ vọng nhất hiện nay - có đủ sức lấy được 67% số ghế kỳ này để có được đa số hay không.
Đó là tỉ lệ cần thiết vì theo Hiến pháp Myanmar, phía quân đội đương nhiên có 25% số ghế (không cần bầu) ở Thượng viện và Hạ viện liên bang.
Trả lời câu hỏi trên là cực kỳ khó, bởi lẽ nhiều nhận định cho rằng Đảng LND của “Bà đầm Yangon” giờ đây cũng không còn đủ sức chi phối ở nhiều khu vực nghèo khó do sự trỗi dậy của các đảng phái nhỏ đại diện quyền lợi trực tiếp của các sắc dân.
Các nhà quan sát cho rằng việc thả lỏng cho các đảng phái nhỏ cũng chính là mong muốn của chính quyền đương nhiệm nhằm “phá sức” của đảng đối lập chính của người đang được xem là “niềm hi vọng cho dân chủ Myanmar”.
Chưa kể việc nhiều đảng phái sẽ buộc dẫn đến việc phải liên minh, như thế sẽ khó tìm thấy sự đồng thuận cho những cải cách sau này (nếu thắng cử).
“Người dân Myanmar đang học về tiến trình bầu cử dân chủ. Đó là tin tức tốt lành
Renaud Egreteau (nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Wilson ở Washington, Mỹ)
Người chết cũng là cử tri!
Nhìn vào thực tế diễn biến thì thấy LND của người từng đoạt giải Nobel hòa bình năm 1991 sẽ phải đối mặt với bốn đảng chính trị có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ là Đảng Đoàn kết phát triển liên bang (USDP) của phe quân đội, các đảng SNDP và SNLD của sắc tộc người Shan và ANP của Phật giáo. Đó là một thách thức mà các nhà quan sát quốc tế cũng khó đoán.
Rồi những bất thường khác trước kỳ bầu cử cũng được nêu ra nhưng chưa được kiểm chứng rõ ràng.
Chẳng hạn anh Bo Bo, tổng thư ký phong trào Generation Wave (thành lập tháng 10-2007, đấu tranh cho quyền dân sự và chính trị), kể rằng anh thấy tên mình xuất hiện những hai lần trong danh sách cử tri. “Liệu có ai đó sẽ đi bỏ phiếu lần nữa bằng tên của tôi?
Và tôi biết mình không phải là trường hợp duy nhất bị như thế” - Bo Bo kể. Anh tiết lộ thêm là nghe thấy về những trường hợp người đã chết cũng có tên trong danh sách cử tri!
“Bầu cử phải tự do và minh bạch, điều đó rất quan trọng, nhưng chúng tôi không tin thực tế có được chuyện đó” - anh Bo Bo kết luận.
Những quy định bầu cử ở Myanmar cũng được cho là “gây khó dễ” cho phe đối lập thắng cử. Chẳng hạn khu vực bầu cử nào không đạt 51% số cử tri đi bỏ phiếu thì sẽ hủy kết quả.
Thế nhưng có đến hàng triệu người dân ở tuổi đi bỏ phiếu lại không thể bỏ phiếu vì là “công dân tạm thời” hoặc vì phải di tản do bạo loạn, do thiên tai, do đi làm ở nước ngoài và thậm chí cả do không được thông tin rõ ràng về chuyện bỏ phiếu.
Nếu đảng của bà Aung San Suu Kyi thắng cử vang dội như cách đây 25 năm, liệu chính quyền quân đội có can thiệp thô bạo từ chối kết quả một lần nữa?
Lần này xem ra sẽ khó bởi lẽ “Bà đầm Yangon” hiện được cả sự ủng hộ của phương Tây lẫn của Trung Quốc. Phương Tây luôn giương củ cà rốt tài chính đầu tư nếu bà Aung San Suu Kyi thắng cử.
Và cách đây đúng năm tháng, các lãnh đạo Trung Quốc được cho là đã “trải thảm đỏ” đón bà Aung San Suu Kyi cùng phái đoàn của LND để “thúc đẩy sự thông hiểu và tin tưởng giữa hai đảng, đồng thời tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Myanmar”.
Người ta đã nói rất nhiều về cuộc bầu cử “tự do và dân chủ” tại Myanmar, nhưng kỳ thực nó chỉ mới là bước đầu của con đường tiến lên dân chủ đầy chông gai. Những lá phiếu sẽ được đo đếm. Kết quả sẽ được công bố trong vài ngày nữa.
Rồi cái tên của người lãnh đạo cao nhất sẽ có vào tháng 3 năm sau khi Quốc hội mới nhóm họp lần đầu tiên và công bố tên nhân vật quan trọng mà họ phải trải qua một đợt bỏ phiếu được cho là cũng đầy gian truân với những toan tính, thương thảo chính trị cam go.
Trước mắt, từ hôm nay mọi quan tâm bắt đầu hướng về hai trung tâm thông tin kết quả bầu cử đặt tại Trung tâm Hòa bình Myanmar ở thành phố Yangon và tại Văn phòng Ủy ban bầu cử liên bang (UEC) ở thủ đô Naypyidaw ngay từ ngày bỏ phiếu.
Bầu cử qua các con số
* 32 triệu cử tri trong 52 triệu dân.
* 92 đảng chính trị, trong đó gồm 60 đảng “sắc tộc”.
* 48.000 điểm bỏ phiếu ở 1.163 đơn vị bầu cử, 330 đơn vị sẽ bầu hạ viện liên bang (440 ghế), 168 đơn vị bầu thượng viện liên bang (224 ghế), 636 đơn vị bầu nghị viện bang hoặc cấp vùng và 29 đơn vị bầu nghị viện bang hoặc khu vực của các sắc tộc.
* 10.500 quan sát viên trong nước và quốc tế, gồm 1.118 đại diện các cơ quan giám sát bầu cử, ngoại giao quốc tế và 9.406 quan sát viên địa phương.
* 290 phóng viên đến từ 45 tổ chức truyền thông quốc tế.