Quân đội Mỹ thay đổi chiến lược để kiềm chế Nga
Mã Anh Cửu kể về bữa tối với Tập Cận Bình
Nguyên soái quân đội Triều Tiên qua đời
Mỹ tiếp tục tuần tra biển Đông bất chấp tuyên bố của Tập Cận Bình
Mỹ thắt chặt an ninh hàng không vì sợ khủng bố
IS đánh bom máy bay - ác mộng mới của hàng không thế giới
- Cập nhật : 08/11/2015
(The gioi)
Sự kết hợp giữa nguồn lực của IS và kỹ thuật chế bom của al-Qaeda có thể sẽ khiến hàng không thế giới đối mặt với thách thức khủng bố lớn chưa từng có.
Ngày 5/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố "chắc chắn khả năng có bom" trên chiếc máy bay của hãng hàng không Nga Metrojet rơi ở Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng. Tuyên bố này của ông Obama được đưa ra sau khi tình báo Mỹ và các quan chức chính phủ Anh nêu bật nghi vấn về khả năng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thực hiện vụ tấn công khủng bố trên chiếc máy bay xấu số.
Theo các chuyên gia phân tích, nếu nhận định của các quan chức Anh và Mỹ về vụ tấn công bằng bom trên chiếc máy bay là đúng, đây có thể là bước leo thang đáng kể trong khả năng tấn công và mục tiêu chiến lược của IS, đồng thời đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
"Hàng chục thi thể hành khách đã bị bỏng nặng, chứng tỏ có ngọn lửa rất lớn trên máy bay. Ở đâu có lửa, ở đó có khả năng đã xảy ra một vụ nổ bom. Nếu đúng là như vậy, vụ đánh bom này sẽ thay đổi mọi thứ", giáo sư Greg Barton, chuyên gia chống khủng bố thuộc Đại học Deakin, Australia, nói với trang News.
Theo ông Barton, một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa phiến quân IS và nhóm khủng bố al-Qaeda là IS từ trước tới nay chỉ tập trung các nguồn lực của mình vào việc chiếm đóng và kiểm soát lãnh thổ. Còn al-Qaeda với những chuyên gia chế tạo bom chuyên nghiệp của mình lại ưu tiên thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhắm vào mục tiêu phương Tây.
Từ năm 2014, IS chỉ phát đi lời kêu gọi các tín đồ trên toàn thế giới sát hại những người không theo Hồi giáo "bằng bất cứ phương thức nào có thể". Sau lời kêu gọi đó, những "con sói đơn độc" cuồng IS đã thực hiện một số vụ tấn công đơn lẻ trong lòng xã hội phương Tây, giết hại các binh sĩ hoặc cảnh sát để phô trương thanh thế.
"Các vụ tấn công này chủ yếu ở quy mô nhỏ, không sát hại một lúc hàng trăm người. Thế nhưng, việc cho nổ một chiếc máy bay chở 224 người là điều hoàn toàn khác hẳn", ông Barton nói.
Chuyên gia này cho hay trước đây IS không đủ khả năng và tiềm lực để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn như vụ khủng bố 11/9 hay vụ đánh bom Bali do al-Qaeda hoặc chi nhánh thực hiện. Nhưng theo thời gian, có vẻ như phiến quân IS bằng cách nào đó đã tiếp cận được với các kỹ thuật chế tạo bom chuyên nghiệp của al-Qaeda và thay đổi mục tiêu chiến lược của mình.
"Nếu IS giờ đây đã có khả năng chế tạo những thiết bị nổ tinh vi qua mặt được các hệ thống kiểm soát an ninh và máy dò thuốc nổ để tuồn lên máy bay, đó sẽ là một thảm họa cho ngành hàng không thế giới và là một yếu tố làm thay đổi cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu", giáo sư này nhận định.
Tờ Telegraph của Anh dẫn lời các quan chức giấu tên chuyên theo dõi phiến quân ở bán đảo Sinai, cho biết các tổ chức khủng bố thân al-Qaeda ở khu vực này có quan hệ chặt chẽ với IS, và đã đưa nhiều chiến binh sang Syria để huấn luyện kỹ thuật chiến đấu và khủng bố.
"IS đã huấn luyện chúng cách chạy trốn khỏi các cuộc vây bắt, và chúng cũng được đào tạo về bắn súng và chế tạo bom. Chúng đã thực sự trở thành những chuyên gia", quan chức tình báo trên cho hay.
Theo Will McCants, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings, Mỹ, phiến quân Wilayat Sinai thân IS sau khi được huấn luyện ở Syria sẽ trở về Sinai hoạt động, nhưng chúng có thể tự do hành động mà ít chịu sự kiểm soát từ các thủ lĩnh IS ở Syria.
Thay đổi chiến lược đối phó
Ông Aaron David Miller, chuyên gia Trung Đông tại Trung tâm Wilson ở Washington, nhận định nghi vấn IS đặt bom trên máy bay Nga làm dấy lên nỗi lo ngại về việc phiến quân có thể nhắm vào các mục tiêu lớn của Mỹ trong tương lai, đặc biệt là máy bay chở khách.
"Có thể chúng ta vừa chứng kiến một bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố dài hơi. Chúng ta vẫn chưa tìm ra cách đối phó hiệu quả, và tôi nghĩ sẽ rất khó có thể ngăn ngừa được những cuộc tấn công như thế này", ông Miller nói.
Việc tìm cách đối phó với mối đe dọa khủng bố ngày càng lớn từ IS sẽ gây sức ép rất lớn đối với cộng đồng tình báo Mỹ và các nước khác trên thế giới, nhất là khi kỹ thuật chế tạo bom của phiến quân đang ngày càng tinh vi hơn.
Giáo sư Barton cho rằng trong ngắn hạn, các hãng hàng không thế giới sẽ phải chuyển hướng đường bay của mình ra khỏi một số khu vực nguy hiểm nhất định, hạn chế hạ cánh ở những sân bay bị coi là có mức độ an ninh thấp.
Về trung và dài hạn, nhà chức trách các nước sẽ phải xem xét cách thức hiệu quả hơn để có thể phát hiện các thiết bị nổ phi kim loại tại cổng kiểm soát an ninh của các sân bay.
Ông Barton chỉ ra rằng al-Qaeda đã có thể phát triển một loại bom chất dẻo không hề chứa kim loại, có thể qua mặt được tất cả các phương tiện dò tìm ở sân bay. Khi được kích hoạt trên máy bay, nó có thể tạo ra một lỗ thủng trên thân phi cơ, và chênh lệch áp suất quá lớn ở trong và ngoài thân máy bay sẽ khiến nó nổ tung.
Năm 2009, tên khủng bố Umar Farouk Addulmutallab đã thành công trong việc giấu một quả bom như vậy trong quần lót và mang lên một máy bay, nhưng rất may là âm mưu đánh bom không thành.
Một khi nguồn tài chính và nhân lực dồi dào của IS kết hợp được với kỹ thuật chế bom của al Qaeda, ông Barton dự đoán các chuyến bay sẽ ngày càng bị trễ chuyến lâu hơn, hành khách sẽ phải xếp hàng dài hơn và kiên nhẫn hơn tại các cổng kiểm soát an ninh sân bay.