Tàu ngầm tấn công tối tân nhất của Mỹ lớp Los Angeles đã tới vịnh Subic, Philippines giữa lúc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) diễn ra tại Kuala Lumpur
Tin thế giới đọc nhanh chiều 09-11-2015
- Cập nhật : 09/11/2015
Quân đội Mỹ thay đổi chiến lược để kiềm chế Nga
"Mỹ đang tự mình và cùng với đồng minh thay đổi tư thế hành động cũng như các kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ nhằm ngăn chặn sự công kích của Nga, đồng thời giúp giảm thiểu các mối hiểm họa đối với đồng minh và đối tác", AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại một diễn đàn quốc phòng ở Thư viện Tổng thống Ronald Reagan, California.
Ông cho hay Mỹ đang hiện đại hóa cả kho vũ khí hạt nhân, đầu tư vào những công nghệ tiên tiến như phi cơ không người lái, máy bay ném bom tầm xa, công nghệ laser, súng máy điện từ hay những hệ thống chiến tranh điện tử mới.
Bộ trưởng Carter nhấn mạnh những vũ khí được bổ sung sẽ "khiến những bên mà tôi không thể nhắc tới ở đây phải bất ngờ". "Chúng tôi cũng làm mới và đẩy mạnh các kế hoạch hoạt động nhằm răn đe và phòng thủ trước sự thay đổi hành vi của Nga", ông Carter cho biết thêm.
Cũng tại sự kiện này, ông Carter còn bày tỏ lo lắng về quy mô, tốc độ của các hoạt động cải tạo đất trên Biển Đông. Theo ông, những động thái này có nguy cơ làm gia tăng khả năng dẫn tới những tính toán sai lầm, khiến bùng phát xung đột giữa các bên liên quan tới tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Mã Anh Cửu kể về bữa tối với Tập Cận Bình
Ngồi cạnh nhau tại một bàn tròn để tránh việc phải chọn một người ngồi ở vị trí "chủ nhà" (vị trí trên cùng của bàn chữ nhật), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã có một bữa tối tương đối đơn giản kéo dài gần hai giờ trong một khách sạn ở Singapore, sau cuộc gặp lịch sử hôm 7/11.
Khi cùng nhau thưởng thức các món tôm hùm đất, măng tây chiên và mì cay, ông Tập và ông Mã đã nói chuyện về chính trị, giáo dục và loại dao làm từ đạn pháo cũ, theo lời kể của ông Mã với các phóng viên trên chuyến bay trở về Đài Bắc tối hôm qua.
"Chúng tôi không uống nhiều rượu", Reuters dẫn lời ông Mã, nói. "Ông Tập nói rằng tửu lượng của ông ấy không tốt và tôi trả lời rằng tửu lượng của tôi cũng vậy".
"Chúng tôi nói chuyện về những con dao nấu ăn ở Kim Môn. Ông ấy biết chúng được làm từ đạn pháo cũ", ông Mã nói, đề cập đến một trong những hòn đảo bị đại lục nã pháo nhiều vào cao điểm của Chiến tranh Lạnh.
Ông Tập cũng thể hiện hiểu biết của ông về loại rượu làm từ cây cao lương - đặc sản của Kim Môn. "Khi chúng tôi nói chuyện về cây cao lương, ông ấy nói rằng thực ra sản lượng cao lương ở Kim Môn không đủ nên người dân ở đây phải nhập hàng từ đại lục. Tôi đáp rằng chúng tôi biết điều này", ông Mã kể.
Ông Mã không cho biết chi phí bữa tối là bao nhiêu, nhưng ông nói rằng hai bên đã cùng nhau trả tiền. "Chúng tôi mang theo đồ uống của riêng mình, vì vậy tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã chi quá nhiều tiền".
Việc ông Mã kể về bữa ăn tối giữa hai lãnh đạo là một điều đáng chú ý, vì phía ông Tập chưa cung cấp thông tin chi tiết về sự kiện này. Không giống như ông Mã, ông Tập không đáp ứng trả lời phóng viên sau cuộc họp. Tuy nhiên, một số báo Trung Quốc đã đưa thông tin chi tiết về đồ ăn trong bữa tối, và truyền hình nhà nước nói rằng mặt ông Mã có vẻ hơi đỏ khi ông rời đi, như thể ông đã uống hơi nhiều rượu.
Nguyên soái quân đội Triều Tiên qua đời
Bình Nhưỡng thông báo sẽ tổ chức tang lễ cấp quốc gia để tưởng nhớ công lao của ông Ri. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng ra đảm nhận vai trò chủ tịch ủy ban chuẩn bị tang lễ, theo Yonhap.
Ông Ri được biết đến như một lính du kích chống Nhật sát cánh cùng cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành trong nửa đầu thế kỷ 20.
"Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng đất nước thiêng liêng bằng việc tham gia các cuộc đấu tranh chống Nhật đầy vinh quang do chủ tịch Kim Nhật Thành lãnh đạo suốt thời kỳ đen tối dưới ách thống trị của đế quốc Nhật", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin. Sau khi Triều Tiên được giải phóng, ông Ri đã "bảo vệ" chủ tịch Kim Nhật Thành, mạo hiểm tính mạng và cống hiến hết mình vì sự phát triển của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Ông Ri từng nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong quân đội và được phong danh hiệu nguyên soái. Tuy nhiên, vai trò cũng như sức ảnh hưởng của ông có phần giảm sút sau khi ông Kim Jong-un lên lãnh đạo Triều Tiên vào cuối năm 2011.
Ủy ban tổ chức tang lễ cho hay thi hài của ông Ri sẽ được đặt tại Hội trường Công nhân Trung ương để mọi người tới viếng đến hết ngày 10/11.
Mỹ tiếp tục tuần tra biển Đông bất chấp tuyên bố của Tập Cận Bình
Cùng ngày với bài diễn văn khiêu khích của Tập Cận Bình tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục thực thi tự do hàng hải trên biển Đông.
Theo Reuters, thông điệp của ông Carter được đưa ra tại một diễn đàn quốc phòng ở bang California ngày 7-11.
“Chúng tôi đã thực hiện điều này trước đây, trên khắp thế giới. Và chúng tôi sẽ tiếp tục”, ông Carter phát biểu trước hội nghị.
Ông Carter vừa hoàn thành chuyến công du châu Á, trong đó có việc thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang hoạt động trên biển Đông đồng thời chỉ trích hành động bồi đắp đảo của Trung Quốc gây căng thẳng khu vực.
Tháng 10 vừa qua, tàu khu trục USS Lassen của Mỹ đã thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông bằng hành động tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
“Cách Trung Quốc hành xử sẽ thử thách những cam kết về hòa bình và an ninh của nước này. Đây là lý do các nước trong khu vực đang quan sát hành động của Trung Quốc trên các lĩnh vực hàng hải và không gian mạng”, Bộ trưởng Carter bình luận.
Ông Carter cho biết Mỹ “quan ngại sâu sắc” về hoạt động bồi đắp đảo và khả năng quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc, hành động có thể dẫn đến nguy cơ va chạm và xung đột.
Mỹ đang phản ứng trước động thái của Trung Quốc bằng việc đưa ra những tài nguyên “tốt và mới nhất” đến châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời đầu tư vào chương trình không gian, chiến tranh mạng, hệ thống phòng thủ tên lửa, chiến tranh điện tử… - ông Carter bổ sung.
Tân Hoa Xã của Trung Quốc ngày 7-11 cũng đăng một bài viết về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Singapore. Dòng tiêu đề nhấn mạnh “Trung Quốc, ASEAN đủ khả năng giữ hòa bình” trên biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc “hoan nghênh những nước không liên quan” tham gia vì mục đích “hòa bình và phát triển của châu Á”.
Dù ông Tập không nói rõ, có thể hiểu thông điệp trên ám chỉ Trung Quốc không hài lòng với sự can dự của Mỹ vào biển Đông.
Mỹ thắt chặt an ninh hàng không vì sợ khủng bố
Ngày 7-11, chính phủ Mỹ ra lệnh thắt chặt an ninh trên các chuyến bay từ Trung Đông tới Mỹ vì lo ngại nguy cơ khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công.
Theo Reuters, do vụ máy bay Nga gặp nạn ở bán đảo Sinai (Ai Cập) khiến 224 người thiệt mạng, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) công bố các biện pháp an ninh mới, bao gồm khám xét hành lý chặt chẽ hơn trước khi lên máy bay, đối với các chuyến bay từ nhiều sân bay tại Trung Đông tới Mỹ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố các biện pháp của Mỹ là “phản ứng cẩn trọng” để tăng cường an ninh hàng không và ảnh hưởng tới gần 10 sân bay ở Trung Đông. Một quan chức Washington cũng tiết lộ trong hai năm qua, Cục An ninh giao thông Mỹ đã đánh giá an ninh tại nhiều sân bay nước ngoài.
Sân bay Sharm el-Sheikh ở bán đảo Sinai, nơi chiếc máy bay Nga xấu số cất cánh, bị cơ quan này đánh giá là có điều kiện an ninh khá tệ hại. Hiện nguồn tin từ cơ quan điều tra tại Ai Cập thông báo có nhiều bằng chứng từ hộp đen cho thấy chiếc máy bay bị đánh bom, có thể là do nhân viên mặt đất ở sân bay tuồn bom lên khoang hành lý.
Kênh truyền hình NBC dẫn lời các quan chức an ninh Mỹ tiết lộ tình báo Mỹ mới nghe lén được các thủ lĩnh IS ở Raqqa (Syria) và các tay súng IS tại bán đảo Sinai khoe khoang về vụ đánh bom máy bay Nga. “Bọn chúng đang ăn mừng. Chúng có nói về cách đánh bom máy bay” - một quan chức Mỹ khẳng định.
Cùng ngày, trên mạng Internet cũng xuất hiện một đoạn video quay cảnh các thủ lĩnh IS ở Aleppo (Syria) chúc mừng các tay súng tại Sinai vì đã đánh bom máy bay. Còn báo Anh The Times và Daily Telegraph đưa tin Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và cơ quan tình báo Anh GCHQ nghe lén được một số cuộc gọi, thảo luận về một vụ tấn công ngay trước khi máy bay Nga rơi.