Cảnh sát và các công tố viên Panama tối ngày 12/4 vừa qua đã tiến hành khám xét trụ sở và các chi nhánh của Công ty luật Mossack Fonseca trên khắp đất nước.
Hai cách diễn giải mâu thuẫn của Mỹ về cuộc tuần tra Trường Sa
- Cập nhật : 09/11/2015
(Bien dong)
Sự mâu thuẫn trong cách mô tả của giới chức Mỹ về việc tàu khu trục Lassen áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa làm dấy lên nghi ngờ về sự kiên quyết của Washington trong vấn đề Biển Đông.
Sau nhiều tháng tranh luận nội bộ, chính quyền Obama tuần trước cuối cùng đã quyết định điều tàu chiến để thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, sau khi sứ mệnh diễn ra, các quan chức Mỹ đã đưa ra những phát ngôn mâu thuẫn xung quanh hoạt động này, có khả năng làm xói mòn tính biểu tượng của sứ mệnh và nâng cao nghi ngờ về việc Washington đã sẵn sàng thách thức các yêu sách của Bắc Kinh hay chưa.
Theo Foreign Policy, ban đầu, các quan chức khẳng định Lassen thực hiện "hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải". Điều đó có thể có nghĩa là thiết bị phát hiện vật thể dưới nước trên tàu phải hoạt động, phải có trực thăng cất cánh từ boong tàu hoặc di chuyển trong khu vực. Tuy nhiên, các quan chức khác lại nói rằng họ không thể xác nhận đó thực sự là nhiệm vụ tự do hàng hải và cho biết không có trực thăng nào bay theo tàu, Lassen cũng không thu thập thông tin tình báo. Họ nói rằng khu trục hạm chỉ đơn giản đi qua mà không nấn ná hay đi vòng quanh khu vực.
Càng làm vấn đề này thêm mơ hồ là việc máy bay giám sát P-8 đi kèm theo Lassen dường như đã ở bên ngoài phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo.
Các quan chức Mỹ nói với Defense News cuối tuần trước rằng Lassen chỉ đơn thuần là thực hiện "đi qua vô hại" gần đảo nhân tạo ở đá Subi. Các quan chức cũng lặp lại điều này khi nói với Viện Tin tức Hải quân Mỹ hôm 2/11.
Những phát biểu này làm dấy lên một loạt suy đoán và những lời chỉ trích từ các nhà phân tích và học giả, bởi vì theo luật hàng hải, một chiến hạm chỉ có thể "đi qua vô hại" trong vùng biển thuộc nước khác. Nếu Lassen thực sự đã đi qua vô hại thì điều đó ngụ ý rằng Mỹ đã ngầm công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo. Đây rõ ràng là điều đi ngược lại với lập trường của Washington về vấn đề Biển Đông và mâu thuẫn với mục đích ban đầu của hoạt động. Hoạt động tự do hàng hải phải được thực hiện ở vùng biển quốc tế, nhằm nhấn mạnh quyền toàn cầu của việc tự do đi lại.
Raul Pedrozo, học giả tại Trung tâm Stockton chuyên nghiên cứu luật quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ, gọi đây là một hoạt động được "chỉ đạo kém", trong khi Mira Rapp-Hooper của Trung tâm An ninh Mỹ mới nhấn mạnh trong một bài luận rằng sứ mệnh này "thiếu rõ ràng."
Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, bên theo dõi tiến trình xây đảo ồ ạt của Trung Quốc, gọi đây là một "sai lầm rất lớn". Jeff Smith, chuyên gia châu Á tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, cho biết ông "bối rối" bởi sự mâu thuẫn trong cách chính quyền giải thích hoạt động.
"Nếu chúng ta miêu tả nó là đi qua vô hại, thì thành ra nói rằng chúng ta chấp nhận yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc", James Holmes, giáo sư về chiến lược tại Đại học Hải chiến nói. "Đó là một thông điệp thất sách, không phải là điều hải quân hoặc Lầu Năm Góc muốn gửi đi".
Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết chính quyền cần làm sáng tỏ bất kỳ sự mơ hồ nào, về việc Mỹ đã chính xác tiến hành điều gì gần đá Subi. "Nếu Mỹ không làm rõ những gì nước này thực sự đã làm, thì có khả năng thông điệp của họ sẽ bị xói mòn", Glaser nói.
Các nhà quan sát vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem Mỹ có thật sự kìm hãm tham vọng của họ trong hoạt động tuần tra đã được chờ đợi từ lâu này, hay đã có một số sai sót từ các sĩ quan quân đội hay quan chức Mỹ không thành thạo luật biển quốc tế.
Thực tế, một sĩ quan quân đội Mỹ đã khẳng định Lassen chắc chắn đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải, chứ không phải "đi qua vô hại". Hạm trưởng tàu Lassen Robert Francis hôm qua cũng nói các phóng viên rằng ông đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Các thông tin mâu thuẫn về hoạt động khiến nhiều người trong quốc hội Mỹ khó chịu. "Ý định chiến lược" trong hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông "phải được thể hiện một cách hoàn toàn rõ ràng", một quan chức nói. "Bộ Quốc phòng cần phải làm rõ các câu hỏi đang được đặt ra về hoạt động và thông điệp pháp lý mà nó đưa đến".
Sự rối ren trong chính quyền Obama mâu thuẫn với chuyến thăm cấp cao tới khu vực của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, người đã nhắc lại tuyên bố dứt khoát của Washington rằng họ sẽ đi thuyền qua bất kỳ khu vực nào được coi là vùng biển quốc tế. Carter hôm qua thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Biển Đông, cùng với đối tác Malaysia, Hishammuddin Hussein. "Có rất nhiều lo ngại về hành vi của Trung Quốc ở đây", ông nói với các phóng viên.
'Nghiêm túc'
Các nhà bình luận còn chỉ trích rằng cách Mỹ tiến hành hoạt động không hợp lý. Khu trục hạm Lassen được cho là đã tắt radar kiểm soát hỏa lực khi áp sát đảo nhân tạo. Đó không phải là nỗ lực để biến đổi thành "đi qua vô hại" hay là giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc. Đúng hơn, đó là quy trình chuẩn với các chỉ huy "thận trọng", theo M. Taylor Fravel, chuyên gia về các vấn đề hàng hải Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts.
Cả bản ghi nhớ năm 2013 giữa Washington và Bắc Kinh và quy tắc hàng hải năm 2014 về chạm trán bất ngờ trên biển đều quy định rằng, tàu hai nước có nghĩa vụ phải "tránh" bất cứ điều gì tương tự như một "cuộc tấn công mô phỏng", bao gồm nhắm mục tiêu radar kiểm soát hỏa lực.
Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc vẫn chưa làm rõ liệu Lassen có thực hiện các bước cần thiết để chứng minh họ thực hiện động tự do hàng hải hay không. Những bước này có thể bao gồm đi vòng quanh các thực thể tranh chấp, thu thập thông tin tình báo, nấn ná lâu ở khu vực chứ không đi thẳng qua một cách nhanh chóng.
Sau khi hoạt động diễn ra, mặc dù Mỹ dường như đã nỗ lực xoa dịu thì Trung Quốc lại không hề mềm mỏng. Đô đốc Trung Quốc vừa cảnh báo rằng hành động của Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh nói tại một cuộc họp báo rằng nhiệm vụ của Mỹ là một "hành động khiêu khích trắng trợn".
Phản ứng nóng nảy của Trung Quốc về mặt ngôn từ cho thấy các nhiệm vụ cấp cao được lên kế hoạch rõ ràng có thể tác động đến Bắc Kinh đến mức nào, Glaser nói. "Họ có thể chịu đựng được, miễn là nó không được công khai thường xuyên. Chính sự chú ý của truyền thông mới là điều thực sự tạo ra vấn đề cho các lãnh đạo Trung Quốc", bà nói.
Cuộc tuần tra của tàu Lassen rõ ràng đã chọc tức Trung Quốc, nhưng động thái này chưa thể hiện nhiều tác động trong việc ngăn chặn Bắc Kinh hay trấn an các đồng minh.
"Mỹ phải quyết định xem họ nghiêm túc về việc giữ gìn vị thế ở châu Á đến mức nào, họ sẵn sàng chấp nhận cái giá và rủi ro đến mức nào để làm vậy", Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, nhận xét. "Nếu họ không sẵn sàng làm nhiều hơn là một vài hoạt động tự do hàng hải, triển vọng của Mỹ ở châu Á về mặt dài hạn sẽ chẳng mấy sáng sủa".