Sau phiên tăng khá mạnh hôm qua, đồng USD tiếp tục lên giá so với hầu hết các đồng tiền châu Âu trong sáng nay (15/6/2016 - giờ Việt Nam) do lo ngại Anh sẽ chia tay EU. Hiện 1 USD đổi được 0,8928 EUR; 106,2600 JPY; 0,7075 GBP; 0,9642 CHF…
Chính sách tiền tệ đứng trước hai gọng kìm
- Cập nhật : 15/08/2016
Vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát để kéo giảm lãi suất, nhưng đồng thời CSTT phải hỗ trợ cho việc xuất khẩu nhằm tạo sự cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế để cải thiện cán cân thương mại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng, GS.TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực của NHNN những tháng đầu năm. Song theo ông 6 tháng cuối năm, CSTT đứng trước hai nhiệm vụ nặng nề: vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng GDP theo kế hoạch đề ra…
Dưới góc nhìn của mình, ông đánh giá như thế nào về kết quả mà NHNN đạt được trong 6 tháng qua?
Tôi cho rằng, CSTT 6 tháng đầu năm đã bám sát được mục tiêu của kế hoạch kinh tế-xã hội; đảm bảo cung tiền tăng ở mức nằm trong kế hoạch 8% của 6 tháng đầu năm cũng như mức dư nợ tín dụng phù hợp. Không chỉ vẫn giữ được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà chính sách tỷ giá cũng tiếp tục được hoàn thiện. Sau 6 tháng nó đã chứng minh được sự thay đổi của chính sách điều hành tỷ giá từ đầu năm đến nay là hợp lý.
Đơn cử, ngay sau cú sốc Brexit, thị trường tiền tệ các nước đã biến động rất mạnh trong ngày 24/6, có khu vực biến động 4 - 5%, có nơi biến động 7- 8%... Tôi đã nghĩ rằng thị trường tiền tệ ở Việt Nam cũng sẽ không là ngoại lệ, nhưng thực tế không phải như vậy.
Thị trường tiền tệ Việt Nam biến động rất nhẹ và điều đó cho thấy NHNN đã thay đổi cách thức điều hành tỷ giá phù hợp với tín hiệu thị trường. 6 tháng đầu năm, với tốc độ giải ngân của FDI tăng, vốn FDI đăng ký tăng, kiều hối tăng… tất cả các yếu tố đó đã góp phần giúp cho cung cầu ngoại tệ trên thị trường tiền tệ Việt Nam ổn định. Cung tiền phong phú nên NHNN chẳng những không phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường mà còn mua ngoại tệ để giữ tỷ giá ở mức hỗ trợ tốt cho các DN xuất khẩu. Tôi nghĩ chúng ta đang thực hiện đúng mục tiêu CSTT đã đề ra.
Thưa ông, nhiều DN mong muốn tiếp cận lãi suất thấp hơn để phát triển sản xuất kinh doanh, vậy theo ông CSTT có còn dư địa để giảm lãi suất hay không?
Đúng là mong muốn của các DN là rất chính đáng, vì trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh nhất là cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á hiện nay ngày càng khốc liệt thì một trong những yếu tố tác động đến giá sản phẩm liên quan đến lãi suất. Các sản phẩm của Malaysia, Thái Lan hay tại một số nước Đông Nam Á có giá rất thấp do chi phí lãi suất thấp hơn nhiều so với Việt Nam.
Ở một số nước như Campuchia hay Indonesia mức lãi suất cũng tương đồng với Việt Nam. Nhìn chung mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn còn cao nên mong muốn của DN làm sao được tiếp cận với mức lãi suất thấp hơn là điều hợp lý.
Tôi nghĩ bản thân các ngân hàng cũng rất muốn cho vay với lãi suất thấp. Vì khi cho vay lãi suất thấp, DN có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, khi đó khả năng trả nợ mới tốt, giảm rủi ro cho ngân hàng. Còn cho vay lãi suất cao nhìn tưởng ngân hàng được hưởng lãi nhiều, nhưng khi lãi suất cao, chi phí DN lớn… do đó DN làm ăn có thể thất bại, không xuất khẩu được. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh không thuận lợi, nợ xấu có thể gia tăng.
Do đó ở các nước, người cho vay và người vay đều muốn hướng tới mức lãi suất thấp. Cơ sở để người ta quyết định là vấn đề ổn định tiền tệ, ổn định hệ thống tài chính. Đất nước có mức lãi suất thấp nhất là đất nước có hệ số rủi ro thấp nhất. Điều này được phản ánh rất rõ về an ninh tài chính, về an toàn tín dụng.
Ở Việt Nam, lạm phát năm nay theo kế khoạch khoảng 5% nhưng nếu CPI ở mức khoảng 3 - 4% thì lãi suất mà chúng ta có thể huy động và cho vay có thể nằm ở mức 6 - 7%. Dư địa để giảm lãi suất tuy không nhiều nhưng giữ lãi suất ở mức ổn định lâu dài như hiện nay đó là thông điệp mà DN mong muốn.
Theo ông, những yếu tố nào có thể tác động đến CSTT những tháng cuối năm. Ông có khuyến cáo gì trong việc điều hành CSTT hay không?
Tôi cho rằng, một trong những cái khó là làm sao giữ lạm phát, đây là mục tiêu hàng đầu. Mục tiêu kép là vừa giữ lạm phát, vừa tăng trưởng được GDP đúng theo kế hoạch mà Quốc hội đề ra. Đó là yếu tố căng thẳng nhất đối với điều hành CSTT và chính sách lãi suất trong thời gian tới.
Tuy nhiên có điểm bất lợi là các nước hiện phá giá rất mạnh đồng tiền để cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế sau Brexit. Nhìn sang các quốc gia trong khu vực, đồng tiền của họ cũng đã mất giá so với đồng USD tới 4-5%, trong khi nước mình chưa giảm % nào. Điều này gây áp lực lên chi phí để cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Áp lực thứ nữa là nếu các DN xuất khẩu không đạt mục tiêu sẽ dẫn đến nhập siêu và nó tác động ngược đến tỷ giá và cả đến GDP. Như vậy chính sách lãi suất bị hai gọng kìm này kiềm chế: Vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát để kéo giảm lãi suất, nhưng đồng thời CSTT phải hỗ trợ cho việc xuất khẩu nhằm tạo sự cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế để cải thiện cán cân thương mại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Bài toán của NHNN làm sao phải dung hòa những yếu tố này. Chính vì vậy, trước mắt việc của NHNN là phải giữ ổn định lãi suất. Ý chí phấn đấu là giảm lãi suất nhưng giữ ổn định được lãi suất đã là thành công.
Xin cảm ơn ông!
Dương Công Chiến thực hiện
(Thời báo Ngân hàng)