Đến nay vẫn chưa có nhiều NH công bố lợi nhuận năm 2015, nhưng có thể dễ dàng dự đoán lợi nhuận của phần lớn NH đều khả quan.
Chính sách tiền tệ, “đánh chuột” và “ngáo ộp” lạm phát
- Cập nhật : 14/08/2016
(Tai chinh)
Tiền ra, tiền vào đang được đặc biệt chú ý, trong bối cảnh lần lượt xét xử các đại án ngân hàng...
Ngày 11/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin về việc điều hành chính sách tiền tệ. Các xu hướng chính đã định hình nửa đầu năm nay tiếp tục thể hiện.
Trước thềm cuộc họp báo này, thị trường chờ đợi nhà điều hành cập nhật các dữ liệu về tình hình tín dụng, huy động vốn và tổng phương tiện thanh toán. Vì vài tháng gần đây, trong các dòng chảy bình luận, nhiều tổ chức và chuyên gia bắt đầu quan ngại về hướng nới lỏng chính sách tiền tệ đối với lạm phát.
Cùng thời điểm, đại án tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đưa ra xét xử, diễn biến phức tạp và mức độ thiệt hại lớn. Trước đó thị trường cũng từng trải qua các đại án trong ngành ngân hàng như vụ “bầu Kiên”, Huyền Như. Và có thể chưa dừng lại…
“Đánh chuột không vỡ bình”
Bối cảnh trên được TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), xem là… không có gì mới.
“Từ khi triển khai quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đến mua lại bắt buộc ba ngân hàng với giá 0 đồng, đến nay lần lượt xử lý các cá nhân, vụ việc như vậy cũng đều nằm trong tổng thể hướng đi tái cơ cấu, củng cố hệ thống, đánh chuột không vỡ bình”, ông Hưởng nhắc lại quan điểm đã từng chia sẻ cuối năm 2015.
Đó là góc nhìn về giá trị “chiếc bình” của niềm tin vào hệ thống ngân hàng không bị đổ vỡ, khi lần lượt các đại án được đưa ra xét xử. Dẫn chứng mà ông Hưởng nhấn mạnh là giá trị của đồng tiền vẫn được củng cố, vốn vẫn chảy mạnh vào ngân hàng.
“Không có phản ứng tiêu cực, hoang mang trước các đại án, kể cả những tin đồn, dòng tiền gửi đang phản ánh niềm tin của người dân vào hệ thống, vào giá trị đồng tiền họ nắm giữ. Năm nay rõ ràng là có khác biệt lớn khi tiền gửi liên tục tăng cao, bền vững, cao hơn tăng trưởng tín dụng, chứ không thấp hơn kéo dài như năm trước. Giá trị VND cũng rất ổn định, ở diễn biến tỷ giá, trong khi thế giới có nhiều bất ổn”, ông Hưởng nói thêm.
Số liệu công bố tại buổi họp báo nói trên của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 29/7/2016 so với cuối 2015, huy động vốn đã tăng 9,94%, cao hơn mức 8,54% của tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là xu hướng thể hiện bền vững từ đầu năm đến nay.
Với kết quả trên, dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đang đảo ngược diễn biến bất lợi kéo dài trong năm 2015: tăng trưởng huy động vốn luôn thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Sự đảo ngược này, một mặt phản ánh niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống, mặt khác giúp hệ thống khắc phục được tốt hơn vấn đề rủi ro thanh khoản tiềm ẩn.
Ngoài diễn biến dòng tiền gửi nói chung, niềm tin vào VND cũng khẳng định rõ trong bối cảnh lạm phát thấp và tỷ giá ổn định. Tính đến ngày 29/7/2016, lượng vốn huy động bằng VND đã tăng tới 12,28% so với cuối 2015, trong khi bằng ngoại tệ giảm mạnh 6,25%.
Chi tiết dòng chảy trên cũng phản ánh hiện tượng găm giữ ngoại tệ đã giảm bớt trong dân cư, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy được quá trình chống đôla hóa, và tất nhiên vẫn phải nhắc lại một phần tác động của chính sách áp trần lãi suất huy động 0%/năm đối với tiền gửi USD.
“Ngáo ộp” lạm phát?
Cũng tại cuộc họp báo trên của Ngân hàng Nhà nước, hai con số quan trọng khác được công bố: tính đến 29/7/2016, tín dụng đã tăng 8,54% và đặc biệt là tổng phương tiện thanh toán tăng tới 9,45% so với cuối 2015.
Đó là những mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, mà từ vài tháng trước nhiều tổ chức, chuyên gia đã quan ngại về áp lực nới lỏng tiền tệ đối với lạm phát gia tăng. Thậm chí có dự báo lạm phát năm nay sẽ đánh bật mục tiêu 5% của Chính phủ…
Trước mối quan ngại trên, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng: các dự báo, thậm chí cảnh báo về lạm phát hiện nay là bình thường, cũng như diễn biến của tín dụng và cung tiền đến nay là bình thường.
“Thì có nhiều tổ chức, chuyên gia cùng dự báo, rồi cảnh báo. Nhiều, trăm hoa đua nở. Cũng là bình thường. Thời gian sẽ trả lời”, TS. Phước nói khi trao đổi với VnEconomy.
Ông cho rằng, với nền kinh tế Việt Nam, mức tăng trưởng tín dụng 16-18%, hay tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán 15-17% là bình thường, không nên xem lạm phát là “con ngáo ộp” với những diễn biến hiện nay.
Nhắc lại báo cáo mà Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố, với những tính toán và dự báo, ông Phước dự tính lạm phát năm nay sẽ vẫn chỉ ở khoảng 3,5-4%. Điểm mà ông lưu ý là yếu tố giá dầu, vẫn dập dình từ đầu năm đến nay mà không khẳng định được sự gia tăng đột biến và bền vững để trở thành một trong những tác động đáng lo ngại nhất đối với lạm phát.
“Với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, chúng ta cần đưa vốn ra chứ, còn lạm phát năm nay theo tôi không phải là vấn đề quá lo ngại. Tín dụng có tăng cao hơn cùng kỳ những năm trước, nhưng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của chúng ta vẫn còn cao, nền kinh tế đang giằng co giữa các tác động từ bên ngoài nữa, trong khi Chính phủ muốn có một tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Tôi thấy ở đây, trong bối cảnh này, vốn cần được đưa ra”, TS. Trương Văn Phước nói.
Diễn giải cụ thể hơn, chuyên gia này cho rằng kinh tế Việt Nam giống như chiếc xe chất lượng kém hơn các nước phát triển, hệ thống hạ tầng giao thông cũng còn hạn chế, nên mức tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn cũng là dễ hiểu. Theo đó, tín dụng tăng trưởng cao hơn theo yêu cầu cần có lực đẩy mạnh hơn.
Và đặt trong chỉ tiêu chung đề ra từ đầu năm, tín dụng định hướng tăng từ 18-20%, tổng phương tiện thanh toán 16-18%, diễn biến sau 7 tháng đầu năm như trên cũng là bình thường, khớp với mức độ thực hiện chỉ tiêu đã định.