Từ ngày 1-12, các ngân hàng (NH) sẽ chỉ chấp nhận nộp thuế bằng hình thức điện tử - chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng - theo đề xuất phối hợp của Bộ Tài chính.
Vụ khách hàng Vietcombank mất 500 triệu: Cần hiểu thế nào cho đúng?
- Cập nhật : 14/08/2016
(Ngan hang)
Trong khi khách hàng cho rằng cách giải thích của Vietcombank là chưa rõ ràng khiến cho nhiều người hoang mang lo ngại về vai trò bảo mật của ngân hàng hơn thì phía ngân hàng mong muốn phối hợp với khách hàng để làm việc với cơ quan chức năng nhằm làm rõ các đối tượng chủ mưu đã thực hiện các hành vi lừa đảo này.
Câu chuyện chị Hoàng Thị Na Hương - khách hàng của Vietcombank bỗng dưng bị người khác chuyển 500 triệu đồng từ tài khoản của chị sang tài khoản khác chỉ sau một đêm đã khiến người lo ngại và cảnh giác hơn với những khoản tiền trong tài khoản ngân hàng.
Khách hàng cho rằng ngân hàng giải thích chưa rõ ràng
Phía Vietcombank cho biết, sau khi tiếp nhận thông báo của khách hàng Hoàng Thị Na Hương về việc tài khoản của khách hàng bị mất số tiền 500 triệu đồng vào đêm ngày 03 rạng sáng ngày 04/8/2016, Vietcombank đã có buổi làm việc với khách hàng vào chiều ngày 11/8/2016, cùng tham gia có luật sư.
Trên cơ sở thông tin do khách hàng cung cấp, có cơ sở để xác định khách hàng đã truy cập vào một trang web giả mạo (có địa chỉ http://creatingacreator.com/kob/1/index.htm ) vào ngày 28/7/2016 qua máy điện thoại cá nhân. Từ việc truy cập này, thông tin và mật khẩu của khách hàng đã bị đánh cắp, sau đó tài khoản khách hàng đã bị lợi dụng vào đêm ngày 03 rạng sáng ngày 04/8/2016.
Các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia. Vietcombank đã xử lý các biện pháp khẩn cấp, kịp thời khoanh giữ lại được 300 triệu đồng. Đây là các giao dịch chuyển khoản sang ngân hàng khác, chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank.
Tuy nhiên với cách giải thích này, chị Hương và rất nhiều người cho rằng phía ngân hàng đang giải thích không rõ ràng.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Na Hương cho rằng cách giải thích của Vietcombank như vậy khiến cho khách hàng đã mất niềm tin lại càng thêm hoang mang.
"Tôi chỉ muốn chia sẻ để nhiều người không rơi vào hoàn cảnh như tôi. Ngay từ đầu khi phát hiện bị mất tiền, khâu xử lý của ngân hàng quá chậm trễ, tôi gọi bộ phận 24/7 mà không được. Ngân hàng cũng dửng dưng cho đến khi tôi làm đơn khiếu nại lên các cấp cao hơn mới thấy ngân hàng vào cuộc", chị Hương bày tỏ thái độ bức xúc.
"Tôi không biết mình có click vào link lạ như Vietcombank giải thích hay không nhưng rõ ràng tôi đã không cài app của ngân hàng trên điện thoại của mình”, chị Hương nói thêm.
Chị Hương thắc mắc tại sao chị không hề nhận được tin nhắn chứa mã OTP để xác thực giao dịch khi kẻ gian tiến hành. Tại sao tiền vẫn bị lấy mất? Trong khi muốn thực hiện một giao dịch chuyển tiền thành công cần qua rất nhiều bước như yêu cầu mã Capcha. Sau đó là bước nhập mã OTP qua SMS hoặc Smart OTP, khi đó trong vòng 5 phút khách hàng không nhập vào giao dịch thì mã sẽ tự hủy và giao dịch sẽ hủy.
Sự việc trên hiện đang được dư luận quan tâm và nhiều người tỏ ra lo ngại khi để tiền trong tài khoản ngân hàng.
Lỗi thuộc về ai?
Trong khi đó, phía ngân hàng Vietcombank xác định rõ trong vụ việc này cả ngân hàng và khách hàng đều là người bị hại. Kẻ gian đã dùng thủ đoạn hết sức tinh vi như chọn thời điểm rút tiền vào ban đêm cũng như các thủ thuật ăn cắp thông tin.
Phía ngân hàng cho biết đã hướng dẫn cho khách hàng tự kiểm tra lại máy điện thoại cá nhân và phát hiện ra địa chỉ trang web giả mạo vẫn lưu trên máy của khách hàng. Việc mất tiền trong tài khoản xảy ra bởi khách hàng bị đánh cắp thông tin tài khoản do trước đó đã truy cập và khai báo thông tin trên đường link giả mạo website của ngân hàng như trên.
Đồng thời cũng đã yêu cầu phối hợp với khách hàng để làm việc với cơ quan chức năng nhằm làm rõ các đối tượng chủ mưu đã thực hiện các hành vi lừa đảo này.
Tại buổi làm việc ngày hôm 11/8, khách hàng đã đồng ý sẽ cung cấp máy điện thoại có lưu đường link giả mạo để tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng vào ngày 12/8 tuy nhiên ngày 12/8 khách hàng đã không thực hiện điều này.
Theo một số khuyến nghị, trong trường hợp này, để chứng minh khách hàng truy cập vào trang web lạ ngân hàng phải có bằng chứng, cũng như khách hàng phải chứng minh được mình không hề xóa hay làm mất đi tin nhắn OTP dưới sự tham gia của cơ quan trung gian, đơn vị có thẩm quyền.
Như vậy, vụ việc đến nay vẫn chưa rõ ràng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.