Vốn đầu tư của Trung Quốc đã biến đổi bộ mặt của Campuchia, nhưng đó không phải là sự biến đổi mà đa số người dân nước này mong muốn.
Điều chỉnh tỷ giá: Cần tính khả năng Mỹ 'nhắm thẳng tới Việt Nam'
- Cập nhật : 14/07/2018
Thương mại Trung-Mỹ căng thẳng, Trung Quốc lấy lại vị trí tạo ra nhập siêu lớn nhất với Việt Nam, cảnh báo khả năng Mỹ mở rộng trừng phạt.
Quan ngại về hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tăng cao, trong khi Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 6 tháng đầu năm 2018, đạt 31,1 tỷ USD, tăng 15,6% với các mặt hàng chủ đạo là vải, điện thoại và linh kiện.
Đến nay, doanh nghiệp buộc phải tiếp tục nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc do các ngành sản xuất nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa phát triển.
Điều chỉnh tỷ giá
Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nói chiến thương mại Mỹ-Trung và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ (CNY) thời gian qua, có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Chúng tôi gợi ý một chính sách giảm giá đồng VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng CNY so với USD”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nói hôm 12.7.
Theo quan sát của VEPR, tính tới cuối quý II/2018, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm khoảng 30 tỷ USD so với quý I. Điều này có thể phản ánh thế bị động của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) trong sự kiện đồng CNY mất giá mạnh so với USD.
“Khả năng lớn là khối ngoại đã bắt đầu rút vốn khỏi Trung Quốc khiến PBoC phải giảm dự trữ ngoại hối để giữ giá đồng CNY”, VEPR đưa dự báo.
Hiện nay, theo phân tích của VEPR, đồng VND vẫn đang được neo giá theo đồng USD. Khi đồng CNY mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.
Việc điều chỉnh tỷ giá, Viện trưởng VEPR tin rằng “sẽ khiến các nhà nhập khẩu nguyên phụ liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc và các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Mỹ”. PGS Thành nói trong bối cảnh Trung Quốc đã lấy lại vị trí đối tác tạo ra nhập siêu lớn nhất với Việt Nam.
Kim ngạch nhập khẩu lớn đã giúp Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, thay thế Hàn Quốc trở lại thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam nửa đầu năm nay.
Trước đó, năm 2017, lần đầu tiên Hàn Quốc qua mặt Trung Quốc, trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, với 31,8 tỷ USD, tăng 53,4% so với năm 2016. Sự thay đổi này, chủ yếu đến từ Tập đoàn SamSung mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, đẩy nhu cầu nhập khẩu thiết bị, máy móc tăng cao.
Khả năng Mỹ mở rộng trừng phạt
Thương mại Trung - Mỹ đang ngày một căng thẳng. TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR, đã cảnh báo về khả năng Mỹ mở rộng trừng phạt sang các ngành hàng khác, thậm chí có thể “nhắm thẳng tới Việt Nam”.
Lập trường của Tổng thống Mỹ về nhập siêu với Việt Nam đã được Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo, đề cập trong trong chuyến thăm Việt Nam mới đây. Một điểm Giám đốc VCES lưu ý: “Ông Trump là người nói là làm”.
Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Hiện Trung Quốc, thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, với khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo quan sát của TS Phạm Sỹ Thành, xuất khẩu của Việt Nam ít chịu tác động bởi căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, do các ngành Mỹ trừng phạt Trung Quốc không phải những ngành Việt Nam nhập khẩu đầu vào nhiều từ Trung Quốc. Hơn nữa, trong chuỗi sản xuất toàn cầu, Việt Nam nằm ở phần cuối.
Thực ra, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Việt Nam bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2000. Đến năm 2010, cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thâm hụt 12,7 tỉ USD, gần bằng với giá trị nhập siêu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Thời điểm này, Việt Nam đã xác định, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ có thể giảm nếu như Việt Nam xây dựng được một chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Từ đó đến nay, tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, được Bộ Công Thương xem như giải pháp chủ chốt để cân bằng cán cân thương mại. Tuy nhiên, từ thực tế, giải pháp này là cần, song chưa đủ mạnh để làm chậm lại tốc độ tăng nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc , chưa nói đến viễn cảnh cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Hải Vân
Theo nhipcaudautu.vn