Nếu không có những nhượng bộ, cũng là sự hỗ trợ của cơ chế thì chắc chắn nhiều ngân hàng và rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản, không thể phục hồi, và nền kinh tế chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nhiều trong những năm qua.
Chính sách tiền tệ và bài toán lạm phát, tăng trưởng
- Cập nhật : 28/07/2016
“Trước sức ép lãi suất trái phiếu, lạm phát… việc duy trì mặt bằng lãi suất hiện nay, giữ ổn định giá trị tiền đồng là một thành công của NHNN”, TS. Võ Trí Thành khẳng định.
Điểm sáng lãi suất, tín dụng
6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng (TTTD) đạt 8,16% cao hơn cùng kỳ năm 2015 (tăng 7,86% - PV). Con số trên có thể hơi bất ngờ bởi ngay từ đầu năm nhiều ý kiến cho rằng TTTD năm 2016 gặp khó khăn hơn do kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục bền vững, nhất là ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán...
Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, ngay từ đầu năm NHNN đã đưa ra định hướng TTTD cả năm 2016 khoảng 18 - 20%
Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm NHNN đã đưa ra định hướng TTTD cả năm 2016 khoảng 18 - 20% và thông báo cho từng TCTD mức TTTD để thực hiện, đồng thời theo dõi sát diễn biến tín dụng của toàn hệ thống và của từng TCTD để có biện pháp xử lý phù hợp.
Có thể thấy, khi tăng trưởng kinh tế quý I/2016 có dấu hiệu chậm lại, NHNN đã linh hoạt thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN như cho phép NH cho vay trở lại bằng ngoại tệ, sửa đổi Thông tư 36 với lộ trình phù hợp hơn…
Hay như đối với cho vay nông nghiệp nông thôn (NNNT) bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, NHNN cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ… Dư nợ cho vay phục vụ phát triển NNNT đến cuối tháng 6/2016 ước đạt 886.000 tỷ đồng, tăng 4,98% so với cuối năm 2015.
Cùng với đó, vốn NH tiếp tục hỗ trợ tích cực cho các lĩnh vực ưu tiên như: cho vay xuất khẩu đạt 183.418 tỷ đồng, tăng 5,53% so với cuối năm 2015; cho vay DNNVV đạt 1.029,792 tỷ đồng, tăng 2,62%…
Để TTTD khả quan như vậy, sẽ là thiếu sót nếu không nói tới việc hệ thống NH duy trì mặt bằng lãi suất khá hợp lý - một chuyên gia bình luận như vậy và đánh giá cao điều hành lãi suất của NHNN. Chính sự điều tiết thanh khoản hệ thống với liều lượng hợp lý giúp thanh khoản NH tốt, qua đó, giảm sức ép tăng lãi suất. Tuy đâu đó một số NHTM tăng lãi suất nhưng là để chuẩn bị vốn cho mùa tín dụng cuối năm, chuẩn bị thực hiện Thông tư 06…
“Trước sức ép lãi suất trái phiếu, lạm phát… việc duy trì mặt bằng lãi suất hiện nay, giữ ổn định giá trị tiền đồng là một thành công của NHNN”, TS. Võ Trí Thành khẳng định.
Tìm điểm cân bằng chính sách
TTTD tích cực là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Nhưng vấn đề đang được đặt ra là thường tốc độ TTTD 6 tháng cuối năm cao hơn. Nhiều ý kiến lo ngại cung tiền cho nền kinh tế tăng mạnh sẽ tạo áp lực lên lạm phát - vốn đang chịu sức ép sau nhiều tháng CPI tăng liên tục.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thời điểm này lạm phát vẫn đang trong vòng kiểm soát (6 tháng tăng 2,35%) nhưng từ nay đến cuối năm nếu cung tiền tăng lên thì lạm phát sẽ tiệm cận mức 5% như mục tiêu đề ra. Nhưng trong điều hành chính sách không thể chủ quan, phải có những phương án dự phòng.
Trong trường hợp nếu tiền vẫn đẩy ra như kế hoạch nhưng thị trường lại có biến động, giá cả các loại hàng hóa tăng tạo áp lực lên lạm phát vượt 5% thì giải pháp kiểm soát cung tiền là hết sức quan trọng. Theo đó, có thể TTTD phải kéo xuống dưới mức mục tiêu đề ra. Và công cụ giảm TTTD nhanh nhất là tăng lãi suất.
Cách này không nhận được sự đồng tình của một lãnh đạo Ủy ban Kinh tế Quốc hội - khi cho rằng, DN mới hồi phục nhẹ, nếu tăng lãi suất sợ họ không chịu được lại “lăn quay” ra thì còn mệt hơn. Thay vì tăng lãi suất, NH kiểm soát dòng vốn đi đến đúng địa chỉ, đảm bảo hiệu quả đồng vốn, giúp NH kinh doanh tốt hơn mà tăng trưởng kinh tế cũng được “nhờ”.
Theo gợi ý của một chuyên gia NH nên duy trì ổn định lãi suất hoặc chỉ tăng nhẹ 0,5%/năm. Nếu lãi suất huy động tăng 0,5%/năm thì lãi suất cho vay khó đứng yên.
Thời gian qua, các NH cố gắng tiết giảm chi phí để không tăng lãi suất. Nay dư địa tiết giảm chi phí còn rất ít, giờ chỉ trông chờ từ đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Chưa kể lãi biên của các NH đang ở mức khá thấp. Vì thế, NH khó giữ được đầu ra nếu đầu vào tiếp tục tăng. Lãi suất huy động tăng thì người gửi tiền mừng, nhưng về phía người cho vay thì lại lo tác động đến chi phí, hiệu quả kinh doanh.
Qua quan sát của TS. Nguyễn Trí Hiếu, các hành động chính sách của NHNN trong những tháng qua có thể thấy, NHNN đặt trọng tâm vấn đề ổn định tiền đồng. Nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại mà Chính phủ vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, có lẽ NHNN phải phần nào đó hy sinh sự ổn định tiền đồng để phát triển kinh tế. Trong trường hợp đó, hệ thống NH sẽ bơm một lượng vốn dồi dào vào nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng nhưng mặt trái của nó là áp lực lên lạm phát.
“Do đó, trước diễn biến kinh tế hiện tại khó có thể đạt được cả hai mục tiêu là tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Chính phủ buộc phải lựa chọn một trong hai mục tiêu. Một là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát hoặc kích thích tăng trưởng. Từ đó, NHNN sẽ có những giải pháp phù hợp. Nếu không rất khó cho điều hành chính sách tiền tệ luôn trong tư thế đứng giữa hai gọng kìm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại.
Đây cũng là điều mà TS. Võ Trí Thành băn khoăn. Theo TS. Thành, vấn đề cân đối mục tiêu chính sách mới là khó, chứ không phải chăm chăm nhìn vào con số các mục tiêu. Và vị chuyên gia này nghiêng về phương án ổn định kinh tế. “Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế vĩ mô chưa thực sự bền vững, vẫn còn đối mặt với khó khăn nên chúng ta phải giữ ổn định. Trong chừng mực nhất định, ổn định là một cách giữ lãi suất, không để lạm phát tăng mạnh”, vị này đưa ra quan điểm.Về phía cơ quan điều hành chính sách, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ không lơ là với lạm phát. “Thời gian tới, song song với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ như hiện nay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Để đảm bảo không chủ quan những diễn biến của lạm phát, NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ hàng ngày. Và đặc biệt là đối với tiến độ giải ngân nguồn vốn từ ngân sách để điều tiết lượng thanh khoản, và cung ứng nguồn vốn tín dụng ra nền kinh tế phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu của chính sách đề ra từ đầu năm”, lãnh đạo NHNN cho biết.
PGS.TS. Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV:
Kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô có sự đóng góp rất lớn từ điều hành CSTT
Lĩnh vực điều hành CSTT của NHNN trong thời gian qua là rất tốt. Mặc dù, trong 6 tháng đầu năm kinh tế tăng trưởng chậm so với mục tiêu nhưng kinh tế vĩ mô ổn định, tác động tốt đến đời sống người dân. Trong thành công về ổn định vĩ mô đó có sự đóng góp rất lớn từ các giải pháp điều hành CSTT của NHNN. Ví dụ, ở một số thời điểm có biến động (sự kiện Brexit) nhưng tỷ giá vẫn giữ ổn định cho thấy giải pháp điều hành CSTT của NHNN là hợp lý.
Đối với lĩnh vực lãi suất tôi thấy, NHNN đã nỗ lực để giữ mặt bằng lãi suất ổn định. Trong bối cảnh mà lãi suất vẫn giữ được mức ổn định hợp lý, nguồn cung cấp tín dụng của các NHTM cũng rất tốt và sẵn sàng đáp ứng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng, các DN đủ điều kiện, có nhu cầu vốn NH vẫn đảm bảo không thiếu vốn.
Đức Nghiêm ghi
Thanh Huyền
(Thời báo Ngân hàng)