Hơn 92% tài sản tham nhũng bị tẩu tán không thu hồi được
Xu thế lớn toàn cầu và các tác động tới Việt Nam
“Túi tiền” Nhà nước 3 năm nay thu không đủ chi
14 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang âm quỹ bình ổn
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 18-08-2016
- Cập nhật : 18/08/2016
Hải quan chưa cấm nhập khẩu sữa Meiji Nhật nội địa
Tổng cục Hải quan cho biết chưa có cơ sở cấm nhập khẩu sữa nội địa từ nhà nhập khẩu trong nước không được Meiji uỷ quyền, vì công ty Nhật này đến nay vẫn chưa làm thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với thương hiệu.
Chia sẻ với VnExpress bên lề cuộc họp báo gần đây, ông Nguyễn Quang Sơn - Trưởng phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại (Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan) cho biết các hoạt động nhập khẩu sữa nội địa Meiji về Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.
Sữa Meiji nội địa (sản xuất và lưu hành tại Nhật) dù được chính nhà sản xuất khuyến cáo có một số hàm lượng không đáp ứng chuẩn Việt Nam nhưng vẫn được các bà mẹ ưa dùng. Ảnh: T.L.
Trước đó, trong một văn bản gửi cơ quan chức năng Việt Nam, Công ty sữa Meiji của Nhật bày tỏ mong muốn chỉ định một nhà nhập khẩu duy nhất tại Hà Nội, được uỷ quyền nhập và bán các dòng sản phẩm của họ ở Việt Nam. Đồng thời, hãng này đề nghị Tổng cục Hải quan ngừng cấp phép với các lô hàng từ nhà nhập khẩu trong nước không được uỷ quyền với lý do sữa Meiji bán ở Nhật có một số hàm lượng không đáp ứng chuẩn Việt Nam.
Sau khi nhận được đề nghị này, Tổng cục Hải quan đã có văn bản trả lời và nhìn nhận, kiến nghị trên của Meiji là chính đáng nhằm thực hiện bảo hộ nhãn hiệu sữa Meiji trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện ngành Hải quan cho biết, mặc dù mong muốn vậy nhưng đến nay, Meiji vẫn chưa thực hiện các thủ tục bảo hộ cần thiết trước cơ quan hải quan theo đúng quy định hiện hành. Do đó, theo đại diện Phòng Giám quản, khi doanh nghiệp chưa có đầy đủ tài liệu chứng minh, đề nghị cấm thông quan các mặt hàng sữa nội địa Nhật của Meiji nhập về Việt Nam chưa thể đáp ứng.
Không chỉ vậy, Tổng cục Hải quan cũng cho biết hiện chưa nhận được phản ánh nào từ Cục Hải quan các tỉnh, thành về việc có hàng giả, hàng nhái trà trộn vào hàng Nhật Bản lưu hành trên thị trường Việt Nam như công ty Meiji phản ánh.
Trước đó, Meiji thừa nhận sữa Meiji nội địa Nhật Bản không đúng với chuẩn ở Việt Nam. Cụ thể là thành phần biotin, choline, mangan i-ốt trong sữa bột công thức Meiji nhãn hiệu Hohoemi (số 0 - cho trẻ dưới 12 tháng) và thành phần biotin, kẽm, i-ốt trong sữa Meiji nhãn hiệu Step (số 9 - cho trẻ từ 1-3 tuổi) đáp ứng các quy định của Nhật nhưng lại không hợp chuẩn của Việt Nam. "Điều này là do sự khác biệt trong tiêu chuẩn về thành phần dinh dưỡng và nhu cầu các chất khác nhau giữa người Nhật và người Việt", hãng Meiji giải thích.
Tuy nhiên, việc sữa nội địa Nhật có hàm lượng i-ốt thấp hơn so với nhu cầu của trẻ em Việt (do thói quen ăn uống và sinh hoạt của người Nhật) đã được cảnh báo nhiều nhưng sữa Meiji nội địa vẫn được ưa dùng và tiêu thụ với số lượng lớn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sở dĩ hàm lượng này thấp so với chuẩn Việt Nam bởi Chính phủ Nhật không cho phép bổ sung i-ốt vào sữa công thức cho trẻ nhỏ.
Bán 20 ký muối chưa mua nổi ly cà phê
Giá muối trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu khá thấp, chỉ từ 200-500 đồng/ký. Với giá này, diêm dân gặp rất nhiều khó khăn, bởi bán 20 ký muối chưa mua nổi một ly cà phê.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, diện tích sản xuất muối toàn tỉnh là 2.314 ha; sản lượng thu hoạch 165.145 tấn, trong đó có 45.000 tấn muối trắng, muối đen chiếm đến 72,2% tổng sản lượng muối.
Giá thành sản xuất muối theo truyền thống là 569 đồng/ký; giá thành sản suất muối theo phương pháp trải bạt là 448 đồng/ký. Giá bán muối trắng từ 400-500 đồng/ký, thấp hơn giá thành sản xuất là 48 đồng/ký. Muối đen giá 200-350 đồng/ký, thấp hơn giá thành sản xuất từ 219-369 đồng/ký.
Theo Sở NN&PTNT, do sản lượng muối đen chất lượng thấp, lại chiếm sản lượng khá lớn nên khó tiêu thụ. Cả tỉnh Bạc Liêu hiện còn tồn 128.930 tấn muối, chủ yếu là muối đen.
Theo một số diêm dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giá muối quá thấp khiến họ gặp nhiều khó khăn, thậm chí lỗ nặng. Hiện giá chỉ từ 200-500 đồng/ký thì hầu như thất mùa. Với giá này thì người dân bán 20 ký muối chưa chắc mua nổi một ly cà phê để uống.
Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho hay, trước thực trạng trên, để giải quyết số lượng muối tồn đọng trên địa bàn tỉnh cũng như chia sẻ với diêm dân, hiện Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đang phối hợp với Sở để tổ chức thu mua tạm trữ muối trong dân.
Được biết, giá thu mua tạm trữ từ 750-850 đồng/ký, gấp đôi giá thị trường, đảm bảo người dân có thể có lãi khoảng 30%.
Ngành, nghề nào phải có phương án bảo đảm an ninh nếu muốn kinh doanh?
Ngày 16/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó, quy định rõ 13 ngành nghề phải có điều kiện về phương án bảo đảm an ninh, trật tự.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó, quy định rõ 13 ngành, nghề phải có điều kiện về phương án bảo đảm an ninh, trật tự.
Cơ sở kinh doanh 13 ngành, nghề sau đây phải có phương án bảo đảm an ninh, trật tự gồm: Kinh doanh cộng cụ hỗ trợ; kinh doanh các loại pháo; kinh doanh súng bắn sơn; kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; kinh doanh casino; kinh doanh dịch vụ đặt cược; kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; kinh doanh tiền chất thuốc nổ; kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kinh doanh dịch vụ nổ mìn; kinh doanh dịch vụ vũ trường; kinh doanh dịch vụ lưu trú (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp); kinh doanh súng quân dụng cầm tay hạng nhỏ.
Nghị định nêu rõ phương án bảo đảm an nhinh, trật tự bao gồm: Xác định khu vực, địa bàn, mục tiêu cụ thể cần phải tăng cường để bảo đảm an ninh, trật tự; Biện pháp thực hiện; Lực lượng phục vụ thường xuyên; Phương tiện phục vụ; Biện pháp tổ chức, chỉ đạo; Biện pháp phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương mà cơ sở kinh doanh hoạt động; Tình huống giả định khi có vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra; công tác huy động lực lượng, phương tiện; biện pháp xử lý.
Nghị định cũng quy định rõ, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự; thực hiện đầy đủ các quy định về an ninh, trật tự trong Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau: Đối với người Việt Nam: Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử; có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 3 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.
Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.(DDDN)
Vitas: Quy hoạch phát triển ngành dệt may đã quá lỗi thời
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì đến năm 2020, ngành dệt may sẽ xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, nhưng đến năm 2015, Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 27,5 tỷ USD và dự kiến năm 2016 này là 31 tỷ USD.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết quy hoạch này đã lỗi thời và hiệp hội đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đối với ngành dệt may.
Thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong 5 năm qua (2010-2015), ngành dệt may đã duy trì đà tăng trưởng vững chắc và ổn định với mức tăng kim ngạch xuất khẩu 15%/năm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng ngành công nghiệp dệt may thế giới đang có xu hướng chuyển dịch nhanh đến các quốc gia có lợi thế về nguồn nhân lực, giá gia công thấp.
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam được dự báo vẫn có lợi thế để phát triển trong vòng 10 năm tới và quan trọng hơn, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... nên ngành cần có những điều chỉnh nhằm đáp ứng tình hình mới. Việc xây dựng điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cần thiết, trên cơ sở kế thừa quy hoạch đã có, đánh giá lại, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết từ thực tế đến quy hoạch hiện đã có một khoảng cách khá xa và đến nay, quy hoạch không còn phù hợp. Bởi vậy, Vitas đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan đánh giá lại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may do quy hoạch đến năm 2020 đã lỗi thời.
“Việt Nam đang ở thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" rất phù hợp với việc mở rộng phát triển ngành dệt may nên Chính phủ nên đưa ra một chiến lược dài hạn hơn, cụ thể hơn và trước mắt là đến năm 2020, trung hạn 2020-2030 và dài hạn từ 2030-2040 để dệt may đi kịp với quá trình hội nhập của đất nước," ông Giang nói.
Để giúp doanh nghiệp dệt may tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, Vitas kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành dệt may đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 30/3/2008 và Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11/4/2014 của Bộ Công Thương, cho phù hợp với tốc độ hội nhập sâu, rộng của Việt Nam theo hướng dài hạn hơn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2040, do nhiều mục tiêu trong các Quyết định trên cho đến nay đã quá lạc hậu.
Hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ xây dựng chiến lược quy hoạch ngành dệt may gắn với quy hoạch các khu công nghiệp tập trung. Bởi các doanh nghiệp dệt may nhỏ lẻ, hiện nằm rải rác khắp các tỉnh, thành phố, do vậy việc tập trung về một khu giúp giải quyết vấn đề xử lý nước, quản lý nước thải. Yếu tố này liên quan đến sự bền vững của ngành dệt may và đảm bảo môi trường.
Ngành dệt may hiện cũng cần có các khu công nghiệp lớn để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất sợi, vải, nhuộm. Hiện nay, ngành dệt may cũng chỉ có vài khu công nghiệp nghiệp nằm rải rác tại các tỉnh như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Đồng Nai, Bình Dương... nhưng hầu hết có diện tích hạn chế vài ba trăm hécta.
Chẳng hạn, Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B (tại Hưng Yên) là khu công nghiệp đặc thù của miền Bắc dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ nhưng diện tích mới chỉ trên 121,8 ha. Tương tự, Khu công nghiệp dệt may Nguyễn Đức Cảnh (tỉnh Thái Bình) diện tích đất quy hoạch cũng có 102 ha, diện tích đất cho sản xuất 70ha.
Với yêu cầu mở rộng ngành công nghiệp dệt may, Vitas đề nghị Chính phủ thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500-1.000 ha nhằm kêu gọi và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực của ngành. Đồng thời, hiệp hội đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào các trung tâm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo.
Bên cạnh đó, cần phát triển, nâng cấp các cơ sở hạ tầng kết nối giao thông thủy, bộ giữa các khu công nghiệp dệt may lớn với các cảng, trung tâm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo điều kiện giảm chi phí vận chuyển, Hiệp hội kiến nghị.
Theo ông Vũ Đức Giang, có 5 yếu tố tạo nền tảng để tạo sự phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam là quy hoạch khu công nghiệp; hạ tầng giao thông; vấn đề về môi trường, xử lý nước thải; ổn định về chính sách thuế, phí, thủ tục và quan trọng hơn là chính sách tiền lương.
Trên thực tế, việc xử lý nước thải đối với ngành dệt may đang là vấn đề nan giải bởi đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn rất tốn kém, thời gian thu hồi vốn lâu nên chủ các khu công nghiệp thường không làm được. Ông Giang đề nghị Chính phủ nên xem xét điều chỉnh quy định về yếu tố môi trường trong ngành dệt may.
Cụ thể, một doanh nghiệp chuyên may gia công chỉ có khoảng 400 lao động, nhưng phải xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải với giá trị hàng chục tỷ đồng, trong khi nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này không có nước thải có hóa chất nhưng lại bị áp dụng như doanh nghiệp dệt. Đây là quy định “quá nặng nề” đối với doanh nghiệp may.
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng Nhà nước cần có sự hỗ trợ trong việc xây dựng khu công nghiệp dệt, đầu tư trạm xử lý nước thải, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu, bởi các doanh nghiệp trong ngành dệt may phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính còn hạn chế.
Tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, nơi có ngành sản xuất dệt may phát triển, doanh nghiệp không phải bỏ tiền xây dựng trạm xử lý nước thải mà các trạm này do Chính phủ xây dựng, sau đó doanh nghiệp đến sản xuất và đóng góp chi phí. Việc này sẽ dễ dàng hơn cho doanh nghiệp thay vì phải tự đầu tư trạm xử lý nước thải có giá trị từ 2-5 triệu USD. Việc có các hệ thống xử lý nước thải sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, vào xây dựng các nhà máy sản xuất sơ, sợi và dệt, nhuộm, hoàn tất bổ sung vào nguồn cung thiếu hụt của ngành dệt may.