Phó thủ tướng: 'Tổng thống mới của Mỹ sẽ không thay đổi hợp tác với Việt Nam'
Việt Nam đứng thứ 26 trên bảng xếp hạng về năng lực thống kê
Tái khởi động mỏ vàng dùng công nghệ hiện đại nhất Việt Nam
Khuyến mại “khủng”, ô tô vẫn ế ẩm
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 17-08-2016
- Cập nhật : 17/08/2016
Tài sản của các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng mạnh
Tổng tài sản và vốn tự có của toàn hệ thống vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong tháng 6, tuy nhiên vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm nhẹ 161 tỷ đồng.
Tổng tài sản và vốn tự có của toàn hệ thống vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong tháng 6, tuy nhiên vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm nhẹ 161 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)
Bất chấp những khăn của nền kinh tế và yêu cầu trích lập dự phòng, khối tài sản của các ngân hàng thương mại vẫn tăng mạnh trong hơn 6 tháng đầu năm. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, khối ngân hàng thương mại Nhà nước có tốc độ tăng cao nhất khi trong tháng 6 tổng tài sản của khối này đã tăng thêm 116.798 tỷ đồng lên mức 3.522.520 tỷ đồng.
Tiếp đó là khối ngân hàng thương mại cổ phần khi tổng tài sản của khối này cũng tăng 99.807 tỷ đồng lên mức 3.154.574 tỷ đồng.
Khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài đứng thứ ba với mức tăng 15.450 tỷ đồng lên mức 828.948 tỷ đồng.
Trong tháng 6, tổng tài sản của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tăng 4.182 tỷ đồng lên mức 154.368 tỷ đồng, trong khi Ngân hàng Hợp tác tăng 161 tỷ đồng lên mức 24.056 tỷ đồng…
Như vậy, tính đến ngày 30/6/2016 tổng tài sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt 7.868.261 tỷ đồng, tăng 237.003 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 5 và tăng 548.948 tỷ đồng (tương đương tăng 7,5%) so với cuối năm 2015.
Trong tháng, ngoại trừ vốn tự có của ngân hàng Hợp tác vẫn ổn định ở mức 3,6 nghìn tỷ đồng, vốn tự có của tất cả các khối đều tăng. Trong đó vốn tự có của khối NHTM Nhà nước tăng mạnh tới 5,6 nghìn tỷ đồng lên 212 nghìn tỷ đồng; khối NHTMCP tăng 4,4 nghìn tỷ đồng lên 244 nghìn tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài tăng 395 tỷ đồng lên 126 nghìn tỷ đồng…
Tuy nhiên vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm nhẹ 161 tỷ đồng xuống còn 469,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 6. Mặc dù vậy so với cuối năm 2015, vốn điều lệ của toàn hệ thống vẫn tăng 9,4 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 2,05%.
Sở dĩ vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm trong tháng 6 là do vốn điều lệ của khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài giảm 214 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn điều lệ của khối NHTM Nhà nước tăng 23 tỷ đồng; vốn điều lệ của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tăng 32 tỷ đồng.
Nếu xét về giá trị tuyệt đối, khối NHTMCP cũng đang dẫn đầu về vốn điều lệ với 196 nghìn tỷ đồng; kế đến là khối NHTM Nhà nước với 137 nghìn tỷ đồng; thứ ba là khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài với 100 nghìn tỷ đồng.(DDDN)
Sức ép chính sách tiền tệ đang phải đối mặt là gì?
Bức tranh kinh tế cuối năm đang đặt ra những thử thách cho ngành ngân hàng khi nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2016 khó đạt mục tiêu đề ra.
Không khó để có thể nhận thấy câu chuyện điều hành chính sách tiền tệ lúc này đang phải đối mặt với bài toán làm thế nào để vừa giảm được lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa phải kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm?
Áp lực tăng nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ổn định
Tại Nghị quyết số 71/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với tình hình hiện nay, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang đặt Ngân hàng Nhà nước vào vị trí chịu rất nhiều áp lực khi phải đảm bảo duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp và kiểm soát lạm phát. Vấn đề mấu chốt nhất là giảm mặt bằng lãi suất khi dư địa để giảm không còn nhiều.
Ngân hàng Nhà nước nhận định, trong những tháng đầu năm 2016 mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng nhanh.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Chính phủ đã chủ trương tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, một trong những chủ trương là ổn định lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện mục tiêu này, trong điều hành hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát thị trường và điều tiết đưa tiền ra, hút tiền về để làm sao điều tiết thanh khoản toàn hệ thống có dư thừa hợp lý, duy trì mức lãi suất hợp lý.
“Việc điều tiết này, giúp ngăn chặn xu hướng các ngân hàng quay ra huy động tiết kiệm thị trường 1, đẩy lãi suất huy động tăng”, Phó Thống đốc nói.
Phó Thống đốc cũng cho hay, trên cơ sở diễn biến vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành và thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giữ ổn định lãi suất huy động.
Bà Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, để phấn đầu giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các chỉ thị chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay;
Ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; trong đó điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm. Thực tế có ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, kỳ hạn trung và dài hạn.
Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều
Mục tiêu điều hành những tháng cuối năm của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giữ ổn định mặt bằng lãi suất, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.
Theo Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, dư địa để giảm lãi suất từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Tuy nhiên, giữ mức lãi suất ở mức ổn định là thông điệp mà doanh nghiệp cần.
Vị chuyên gia này phân tích, doanh nghiệp sợ là họ vay hôm nay lãi suất 8% nhưng vay trung dài hạn 5 năm nhưng 2 năm sau lãi suất được điều chỉnh lên 12% thì họ sẽ rất bị động. Miễn sao có sự cam kết giữ ổn định lãi suất trong thòi gian dài, đó mới là điều doanh nghiệp quan tâm.
“Bản thân doanh nghiệp cũng muốn lãi suất huy động xuống và ngân hàng cũng vậy. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp cổ phần, chịu áp lực từ cổ đông. Lãi suất huy động cao hay thấp đều là sự mong muốn của các doanh nghiệp và kể cả ngân hàng. Tôi vẫn giữ quan điểm là làm sao hạ lãi suất thấp hơn, cơ sở là phải ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Trần Hoàng Ngân nói.
Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định, việc giảm lãi suất ở thời điểm này là vô cùng khó.
Chính vì vậy, bằng những nỗ lực như giảm thiểu chi phí quản trị, xử lý nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), rồi bằng một số công cụ khác như tái cấp vốn, nỗ lực để giữ được lãi suất tương đối ổn định, nếu có tăng thì tăng không đáng kể là điều cần thiết. Nếu làm được như vậy thì đấy là thành công của Ngân hàng Nhà nước.
Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, vấn đề là từ nay đến cuối năm chính sách tiền tệ phải tiếp tục bám theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phải phối hợp với chính sách tài khóa để vừa kiểm soát lạm phát vừa kéo giảm được lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong những tháng còn lại của năm 2016, nhà điều hành vẫn kiên định chính sách tiền tệ bám theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động
Vốn ODA sẽ chỉ tập trung cho những dự án thực sự hiệu quả
Trong 5 năm qua, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã giải ngân đạt 23 tỷ USD, cao gấp 1,6 lần so với 5 năm trước. Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ giải ngân vốn ODA hàng đầu đối với các nhà tài trợ như Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nợ công bền vững, thời gian tới việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này phải hết sức chặt chẽ, chỉ tập trung cho những dự án thực sự hiệu quả, đồng thời tăng cường cho các địa phương vay lại.
Điều này được ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TTXVN về giải ngân vốn ODA.
- Thời gian qua, tình hình giải ngân vốn ODA vẫn còn chậm nhiều so với kế hoạch. Xin ông cho biết đâu là những nguyên nhân và tiến độ giải ngân cụ thể như thế nào?
- Ông Lưu Quang Khánh: Những năm vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết liệt trong việc cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn ODA. Thực tiễn cho thấy, tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA đã được cải thiện, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Những công trình đầu tư bằng nguồn ODA, đặc biệt là những công trình mang tầm cỡ quốc gia đã được đưa vào sử dụng, góp phần cho tăng trưởng và cải thiện đời sống của nhân dân như Nhà ga T2 Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai... Tuy vậy vẫn còn một lượng không nhỏ các dự án còn ách tắc, chậm tiến độ. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, mức giải ngân vốn ODA thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu đó là do công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, chất lượng thiết kế chưa cao dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Cùng với đó là ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt đối với các dự án ODAtrong lĩnh vực giao thông; phát triển đô thị ở các thành phố lớn thì công tác giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian so với dự kiến. Việc thiếu vốn đối ứng cho các dự án ODA cũng là một nguyên nhân gây chậm tiến độ thực hiện dự án mặc dù Chính phủ luôn ưu tiên bố trí nguồn vốn này. Cuối cùng là năng lực của các Ban Quản lý dự án còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều ban quản lý dự án không am hiểu quy trình và thủ tục của nhà tài trợ đã dẫn đến vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án.
- Ông có thể đánh giá tình hình quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA tại các địa phương hiện nay?
- Ông Lưu Quang Khánh: Công tác quản lý sử dụng nguồn vốn ODA ở các địa phương trong những năm qua đã được cải thiện và có rất nhiều tiến bộ. Trước đây, các chương trình, dự án ODA thường tập trung quản lý ở cấp Trung ương song với quy mô ngày càng mở rộng và năng lực của các địa phương ngày càng được nâng cao, do vậy Chính phủ đã phân cấp ngày mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong công tác quản lý và thực hiện nguồn vốn này.
Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tiếp tục phân cấp cho các địa phương. Nhiều dự án trước đây các bộ, ngành là đầu mối thực hiện thì bây giờ đã giao cho các địa phương chủ động thực hiện. Điều này cũng đã tạo ra được rất nhiều mặt tốt. Đó là các địa phương sẽ tích cực, chủ động hơn trong công tác vận động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Đồng thời, việc sử dụng vốn ODA sát hơn với nhu cầu phát triển của các địa phương. Từ đó, địa phương cũng xây dựng và triển khai các dự án thực tế hơn. Nguồn ODA do địa phương thực hiện cũng tạo ra một nguồn lực rất quan trọng về vốn để giải quyết bài toán về đầu tư phát triển cho các địa phương.
Mặt khác, khi thực hiện các dự án ODA là những dự án lớn, dự án phức tạp, các địa phương cũng phải "va đập" nhiều, phải trao đổi, thảo luận, đàm phán với các nhà tài trợ, qua đó năng lực của địa phương được nâng cao rất nhiều. Đến nay, nhiều địa phương cũng đã xây dựng được những mô hình quản lý ODA rất chuyên nghiệp, tức là tất cả các dự án ODA đều giao cho một Ban Quản lý dự án thực hiện để tập trung kinh nghiệm và kiến thức về quản lý dự án.
Mặc dù vậy vẫn còn những hạn chế, chẳng hạn như sự phối hợp theo cả chiều ngang và chiều dọc, vì quá trình thực hiện các dự án ODA đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của địa phương, giữa địa phương, Trung ương và với các nhà tài trợ. Các mối quan hệ này được ràng buộc bằng nhiều quy định khác nhau và trên thực tế nhiều địa phương đã không làm tốt điều này. Sự phối hợp không tốt sẽ dẫn đến việc triển khai bị chậm trễ, mất rất nhiều thời gian.
Ngoài ra, một số địa phương không thực hiện đúng theo cam kết về vốn đối ứng cho các dự án ODA sau khi ký hiệp định do ngân sách địa phương eo hẹp cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
- Vậy trong thời gian tới, cơ chế vay và sử dụng vốn ODA sẽ có thay đổi gì không, thưa ông?
- Ông Lưu Quang Khánh: Việc huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong thời gian tới đã được thể hiện rõ trong Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm nay và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, đối với nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại, chúng ta sẽ ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người, hỗ trợ trực tiếp các cải thiện về đời sống văn hóa xã hội, môi trường cho người dân, nhất là khu vực người nghèo ở những vùng nông thôn miền núi, đồng bào dân tộc, phát triển y tế giáo dục...
Đối với nguồn vốn vay ODA ưu đãi, chúng ta sẽ sử dụng cho các chương trình, dự án mà có khả năng thu hồi vốn. Ví dụ: Dự án Metro tàu điện ngầm, dự án đường cao tốc, các nhà máy điện... là những dự án có khả năng tạo nguồn thu và thu hồi vốn trực tiếp.
Chúng ta sẽ không sử dụng vốn vay ưu đãi cho các hoạt động có tính chất sự nghiệp hay những hoạt động có tính chất không tạo được nguồn trong tương lai. Đây là hướng hết sức quan trọng trong việc sử dụng vốn vay trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công, chúng ta sẽ đẩy mạnh cho các địa phương vay lại nguồn vốn ODA và vay ưu đãi. Trước đây, Trung ương đứng ra vay của các nhà tài trợ, sau đó cơ bản cấp phát lại cho các địa phương thực hiện các dự án ODA. Bây giờ, để nâng cao trách nhiệm của các địa phương, Chính phủ sẽ định hướng và yêu cầu các địa phương vay lại theo tỷ lệ căn cứ vào nguồn thu ngân sách của các địa phương để tăng cường trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn này.
Tôi cho rằng, đó là giải pháp hết sức quan trọng trong thời gian tới. Chính phủ hiện đang xem xét ban hành Nghị định để chúng ta có hành lang pháp lý về vấn đề này.
- Xin ông cho biết, để sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả trong giai đoạn 2016-2020, những giải pháp trước mắt và lâu dài là gì?
- Ông Lưu Quang Khánh: Để thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt hiệu quả cao nhất, Chính phủ đã ban hành đồng bộ các nhóm giải pháp và kế hoạch hành động để thực hiện thành công Đề án ODA 2016-2020.
Trong Đề án ODA nêu rõ, cơ quan chủ quản và chủ dự án phải chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án như thiết kế dự án là phải đi đôi với vai trò trách nhiệm, giám sát chất lượng của các cấp có thẩm quyền thông qua việc thẩm định, phê duyệt dự án, đảm bảo quy mô dự án phù hợp; đồng thời, phù hợp với khả năng bố trí vốn của các cơ quan của chúng ta.
Các địa phương phải tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện các dự án này, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết đối ứng của mình.
Đối với công tác đền bù giải phóng mặt bằng, phải bố trí nguồn lực và chuẩn bị kỹ hơn để sau khi dự án được ký kết thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng không bị kéo dài nữa. Các Ban Quản lý dự án phải được tăng cường năng lực theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
Một nhiệm vụ nữa cũng rất quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện là nghiên cứu, xác định ngưỡng an toàn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020. Đây là cơ sở để chúng ta huy động nguồn vốn ODA song vẫn đảm bảo an toàn nợ công.
Để giải quyết kịp thời ngay các ách tắc, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi tổ chức các cuộc họp kiểm điểm những dự án chậm tiến độ đồng thời, tổ chức các đoàn công tác đi thực địa, kiểm tra và đôn đốc các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa.
Với những giải pháp nêu trên, tôi cho rằng chắc chắn việc sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
Nghịch lý vốn FDI vào TP HCM và thách thức dài hạn cho Việt Nam
Với những lý do gây ra sự sụt giảm vốn FDI vào TP HCM trong khi tổng vốn đầu FDI vào nền kinh tế tăng mạnh, đã và đang dấy lên lo ngại đó có thể là tình trạng chung của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần.
Bước lùi của “đầu tàu kinh tế”
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn được xem là “điểm đến” trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đây được xem là kết quả của việc Việt Nam đang ngày càng trở nên thu hút hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do một loạt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang, sắp ký kết.
Theo số liệu của hệ thống thông tin về Đầu tư nước ngoài, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 12,94 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, đang xuất hiện những dấu hiệu của xu hướng dịch chuyển đầu tư quan trọng và rất đáng chú ý, khi dù tổng vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế đang tăng mạnh nhưng vốn vào các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM lại sụt giảm nghiêm trọng. Điều này dường như đang là chỉ dấu quan trọng, có thể sẽ khiến Việt Nam buộc phải xem xét và điều chỉnh lại chiến lược thu hút FDI trong tương lai của mình.
Cụ thể: tổng vốn đầu tư FDI vào TP HCM trong cùng giai đoạn không những không tăng mà còn giảm tới 68%. Trong năm 2015, TP HCM đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng số vốn đăng ký lên tới 4,5 tỷ USD, thì ở thời điểm hiện tại trung tâm kinh tế số một của Việt Nam này lại đang là một trong những tỉnh thành có tỷ lệ thu hút vốn FDI sụt giảm cao nhất cả nước. Điều này cho thấy các lợi thế cạnh tranh để thu hút vốn FDI ở đây đang bị bào mòn nhanh chóng.
Những lý do chính khiến vốn đầu tư FDI vào TP HCM sụt giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm được cho là các ưu thế về thu hút vốn của thành phố đã gần như cạn kiệt. Chẳng hạn như nguồn nhân lực lao động có chất lượng không đồng đều, lao động giá rẻ cũng không còn là lợi thế khi chi phí đang gia tăng khá mạnh.
Đại diện Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài giảm đáng kể còn do lượng đất trống trong các khu công nghiệp tại thành phố không còn nhiều, đặc biệt là tại các khu công nghiệp có vị trí giao thông thuận lợi.
Xem xét lại chiến lược “hút” đầu tư
Câu chuyện về sự nghịch lý trong thu hút vốn FDI của TP HCM đang dấy lên lo ngại đó có thể là tình trạng chung của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần.Và đây được nhận định là xu thế tất yếu khó có thể cưỡng lại khi mà các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư như giá nhân công hay ưu đãi về đất đai và thuế phí cũng sẽ cạn kiệt theo trường hợp của TP HCM. Đã có những dấu hiệu về sự dịch chuyển này, khi các đơn hàng dệt may của các đối tác nước ngoài đang có xu hướng chuyển từ Việt Nam sang các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn như Campuchia, Myanmar, Bangladesh.
Do đó, mặc dù vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tăng mạnh nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ kéo dài mãi như vậy. Vấn đề là từ hiện tượng của thu hút vốn TP HCM, các tỉnh thành khác trong cả nước phải xem xét và có chiến lược phù hợp để thu hút vốn FDI một cách bền vững.
Để thu hút lại nguồn vốn FDI, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đề xuất một số giải pháp tập trung áp dụng triệt để về công nghệ thông tin vào các quy trình xử lý thủ tục hành chính trên địa bàn. Xây dựng nhiều quy trình liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ các thủ tục hành chính; tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, người dân, cũng như cung cấp thông tin quy định quan trọng trong các hiệp định thương mại.
Đại diện chính quyền Thành phố cũng cam kết với nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đẩy nhanh, đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, cải cách thủ tục thuế, thủ tục hải quan… nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư vào các ngành mà thành phố khuyến khích phát triển, như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…(DDDN)