"Lạm phát cả năm có thể tăng cao hơn mục tiêu quốc hội đề ra"
Lạm phát cả năm 2016 có thể vượt mức 5% mà Quốc hội đề ra. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Tại buổi họp Chính phủ tổ chức chiều 30/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra dự báo về mức lạm phát cả năm 2016 có thể tăng cao hơn mục tiêu quốc hội đề ra.
Một trong những nguyên nhân theo Bộ trưởng là khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng âm sau 6 tháng, trong đó nông nghiệp giảm 0,73% đã để lại hậu quả nặng nề cho mùa vụ sau.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách đang ở mức cao do mức chi ngân sách vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Năm 2015 bội chi tăng lên 6,1% GDP, cao hơn mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 là 4,5% và khả năng năm 2016 mức bội chi vẫn vượt trần cho phép.
"Khả năng lạm phát có thể sẽ vượt mức 5% mà nghị quyết của Quốc hội đề ra trong năm 2016," Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo.
Đến thời điểm này, giá dầu thô đã chạm ngưỡng 50 USD/thùng, tăng khoảng 20 USD/ounce so với mức bình quân của năm 2015. Cộng thêm sự sụt giảm về sản lượng của nhóm hàng nông lâm sản đã ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá cả những tháng đầu năm.
Tính trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2015, trong đó chỉ số giá các nhóm dịch vụ y tế tăng 34,02%, dịch vụ giáo dục tăng 2,61% trong khi các chỉ số này 6 tháng đầu năm 2015 chỉ là 0,98% và 0,13%.
Trong tháng, có 10/11 nhóm hàng chính tăng giá trong tháng trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông với mức tăng 2,99% so với tháng trước. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng 2 lần từ ngày 20/5 đến ngày 4/6 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước.
Ngoài ra, chỉ số giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm 6 tháng đầu năm nay cũng đã tăng khá mạnh so với mức tăng của năm 2015. Với những diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, giá của các mặt hàng này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2016.
Cũng do tác động của giá dầu thô thế giới khiến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao thứ 2 với mức tăng 0,55%. Chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng này tăng chủ yếu do các mặt hàng dầu hỏa và giá gas bán lẻ trong nước tăng liên tục trong thời gian qua trong khi giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép ổn định.
Theo dự báo, dư địa tăng giá của dầu thô và ảnh hưởng từ sự sụt giảm của nhóm nông lâm sản sẽ tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng giá và đầu vào của nhiều ngành sản xuất.
Trước thực tế trên, để tạo đà cho tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ cần kiên trì với giải pháp tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm pháp, đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đồng thời cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài qua đó tạo động lực để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Trước đó, tại buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về việc không điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm 2016.
Về giáo dục, Thủ tướng chỉ đạo cần thúc đẩy đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, tính kết cấu chi phí theo giá dịch vụ với lộ trình thích hợp, tránh điều chỉnh học phí cùng thời điểm giá dịch vụ y tế để hạn chế tác động đột biến đến giá cả tiêu dùng. Với giá dịch vụ đầu vào năm học mới, Bộ Giáo dục và đào tạo cần làm tốt công tác chuẩn bị; tránh tình trạng tăng giá.(VN+)
Hà Nội mạnh tay xử lý nạn "cò thuế"
Một số đối tượng xuất hiện tại các chi cục thuế tại Hà Nội để “cò” làm dịch vụ kê khai lệ phí trước bạ ôtô, xe máy… gây bức xúc dư luận.
Theo phản ánh, hiện tượng “cò” thuế đã xuất hiện tại điểm khai thuế của chi cục thuế Quận Cầu Giấy (Hà Nội).Cục Thuế Thành phố Hà Nội, Chi cục Thuế quận Cầu Giấy đã chủ động trao đổi, kiến nghị, phối hợp với Công an quận Cầu Giấy tổ chức điều tra, mật phục theo dõi, qua đó bắt và triệu tập hai đối tượng thường xuyên tổ chức các hoạt động cò mồi làm dịch vụ khai hộ, nộp hộ lệ phí trước bạ ôtô, xe máy.
Hai đối tượng gồm: Nguyễn Trọng Bằng (sinh năm 1976), thường trú tại Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, có 3 tiền án; Nguyễn Phúc Thịnh (sinh năm 1974), thường trú tại ngõ 95 phố Kim Mã, Ba đình Hà Nội. Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện đây là những đối tượng “cò” chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự.
Lãnh đạo chi cục thuế Cầu Giấy cho biết, cơ quan này đã tăng cường phát lo hướng dẫn thủ tục kê khai, nộp thuế, cảnh báo hiện tượng cò lừa gạt thu phí…
Chi cục cũng yêu cầu bộ phận bảo vệ cơ quan nghiêm cấm và ngăn chặn không cho những đối tượng “cò” dịch vụ hoạt động ở đây. Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ trực tiếp tiếp nhận và thụ lý hồ sơ thu lệ phí trước bạ, không được thông đồng hoặc kiên quyết từ chối không tiếp nhận hồ sơ kê khai nộp lệ phí trước bạ của “cò”.
Tình hình tại Quảng Trị sau khi nguyên nhân cá chết được công bố
Thương lái thu mua cá của ngư dân ở Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Sau khi Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại miền Trung, phóng viên TTXVN tại Quảng Trị ghi nhận một số ý kiến của lãnh đạo địa phương cũng như tổ chức tôn giáo và người có uy tín trên địa bàn về những giải pháp khắc phục sự cố môi trường, tập trung ổn định cuộc sống người dân.
Ông Lê Văn Chút, KP9, phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cho biết: Vừa qua, sau sự việc cá chết tại các tỉnh miền Trung, nhân dân bức xúc và lo lắng. Tuy nhiên, bây giờ khi Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử lý, nhân dân địa phương rất hoan nghênh. Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã mời các nhà khoa học nước ngoài cũng như trong nước xác định được nguyên nhân cá chết.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền và các địa phương quan tâm tới người dân bị thiệt hại bằng nhiều hình thức như ủng hộ tiền, gạo...để ngư dân tiếp tục bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ông bày tỏ mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, quyết liệt xử lý, không để tái diễn tình trạng trên.
Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Sau khi xảy ra tình trạng cá chết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ và vận động các hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm về các vùng biển để tặng quà, động viên an ủi một số ngư dân gặp khó khăn; mong bà con nhận thức rõ, không nghe lời xuyên tạc của kẻ xấu...
Theo ông Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Quảng Trị: Sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua là đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn cho vùng biển và người dân. Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, thận trọng, khách quan, khoa học cũng như đưa ra những chính sách phù hợp của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong hơn 2 tháng qua. Trong thời gian đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các tỉnh hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn trước mắt và tạo điều kiện để sản xuất về lâu dài.
Ông Phạm Đức Châu cho biết, trước khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ, tỉnh đã chủ động trích ngân sách hỗ cho ngư dân về gạo, tiền để khắc phục những khó khăn trước mắt. Qua sự việc này, chúng tôi thấy rằng cách giải quyết thận trọng, khách quan, khoa học chính xác của Đảng và Nhà nước ta là một quyết định quan trọng, rất được lòng dân. Điều quan trọng hơn nữa những nội dung trong bản cam kết của cơ sở gây ô nhiễm với Nhà nước Việt Nam được các cơ quan và người dân đồng ý rất cao. Người dân mong muốn những cam kết này được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; xác định rõ trách nhiệm trong việc đền bù, khắc phục ô nhiễm môi trường... Riêng địa bàn Quảng Trị, đây cũng là một bài học trong việc phát triển kinh tế tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Sau khi xảy ra sự cố cá chết, tỉnh Quảng Trị tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được quan điểm, cách giải quyết của Đảng và Nhà nước ta, tin tưởng tuyệt đối vào cách giải quyết đó đảm bảo tính khách quan toàn diện. Mặt khác, tuyên truyền để nhân dân cảnh giác các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng kích động, lôi kéo người dân tham gia vào các hoạt động không phù hợp hoặc đi ngược lại lợi ích của Nhà nước ta.
Tỉnh Quảng Trị đang tập trung mọi nguồn lực để tạo điều kiện cho người dân vùng biển, những người trực tiếp bị thiệt hại chuyển đổi việc làm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội về lâu dài cũng như phù hợp với tay nghề khả năng lao động của người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng cần cố gắng, chủ động tận dụng có hiệu quả các chính sách của Nhà nước sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, ông Phạm Đức Châu nhấn mạnh.(VN+)
Tổng công ty Điện lực miền Nam: Hiện đại hóa hệ thống cung cấp điện
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã tăng cường đầu tư, áp dụng công nghệ mới nhằm đạt mục tiêu hiện đại hóa lưới điện, cải thiện độ ổn định và tin cậy trong cung cấp điện, tăng chất lượng dịch vụ khách hàng, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng...
EVN SPC đã triển khai Dự án xây dựng hệ thống SCADA và trạm biến áp 110kV không người trực. Hệ thống này cho phép điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu toàn bộ các trạm 110kV và các reclose trung thế trên toàn bộ địa bàn của EVN SPC. Hệ thống SCADA cũng phục vụ việc ghép nối các trạm 110kV của tổng công ty với hệ thống SCADA/EMS của Trung tâm điều độ A2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để phục vụ điều độ lưới điện trên toàn hệ thống.
Không ngừng cải tiến các giải pháp kỹ thuật làm giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí nhân công ghi chỉ số công tơ, tăng năng suất lao động; tăng hiệu quả quản lý và kỹ thuật; tăng chất lượng dịch vụ khách hàng; chuẩn bị cơ sở tính giá điện khi tham gia thị trường điện cạnh tranh, EVN SPC đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử và thiết bị đọc công tơ từ xa cho khách hàng sử dụng điện. Đến nay, EVN SPC đã lắp đặt được gần 1,4 triệu công tơ 1 pha và gần 21.000 công tơ 3 pha trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam. Hệ thống đã quản lý được 63% sản lượng điện thương phẩm của EVN SPC.
EVN SPC cũng đang triển khai ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quản lý lưới điện hạ áp. GIS thực hiện các giải pháp kỹ thuật như xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quản lý lưới điện hạ áp ứng dụng công nghệ GIS, tích hợp vào một hệ thống để làm cơ sở hoạt động tư vấn, chăm sóc khách hàng sử dụng điện…
Hệ thống GIS hỗ trợ các điện lực trong công tác quản lý thông tin địa lý lưới điện hạ áp và tạo thuận lợi cho khách hàng thông qua công tác tư vấn chăm sóc khách hàng. Các khách hàng sử dụng điện được đáp ứng nhu cầu trong thời gian sớm nhất về giải quyết các sự cố, cung cấp dịch vụ sửa chữa, gắn mới, tư vấn giải đáp kịp thời mọi thông tin liên quan đến lịch cắt điện và các dịch vụ điện hạ áp. Khi khách hàng mất điện hoặc có các yêu cầu khác gọi điện vào Trung tâm Chăm sóc khách hàng để thông báo sửa chữa điện, nhờ GIS, nhân viên trực dễ dàng xác định vị trí của khách hàng, nhanh chóng tiếp cận và xử hiệu quả.
Bên cạnh đó, EVN SPC triển khai chương trình quản lý độ tin cậy lưới điện (OMS), thanh toán tiền điện qua ngân hàng, chăm sóc khách hàng quan tin nhắn SMS, qua website; đề án nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động năm 2016 - 2020 và 18 đề án như máy ứng dụng máy rửa sứ cao áp, sửa chữa điện nóng…
Năm 2016, EVN SPC thực hiện nhiều dự án đầu tư với tổng giá trị 6.552 tỷ đồng. Đến hết tháng 6, đã thực hiện được trên 1.300 tỷ đồng; trong đó, đã khởi công 12 công trình và hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 25 công trình lưới điện 110kV với tổng khối lượng 66,31 km đường dây và 361MVA tổng công suất trạm. Đóng điện đưa vào vận hành các công trình lưới điện phân phối với tổng khối lượng bao gồm: Xây dựng mới 244,5km và cải tạo 160,4km đường dây 22kV; xây dựng mới 414km và cải tạo 453,6km đường dây hạ áp; dung lượng trạm phân phối tăng thêm là 326,829MVA.
Năm 2016, EVN SPC thực hiện nhiều dự án đầu tư với tổng giá trị 6.552 tỷ đồng.(Vinanet)
(
Tinkinhte
tổng hợp)