TP HCM tiếp tục điều động nhân sự
CPI tháng 7 thấp nhất 4 năm
Xây dựng Quy Nhơn thành trung tâm kinh tế biển
Phu nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 02-07-2016
- Cập nhật : 02/07/2016
Hải quan TP.HCM bắt giữ hàng vi phạm tăng gần 6 lần về trị giá
Mặc dù số vụ vi phạm do Cục Hải quan TP.HCM bắt giữ trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm hơn 45%, nhưng trị giá hàng vi phạm lại tăng đến gần 6 lần.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn Cục đã phát hiện và lập biên bản 694 vụ vi phạm hành chính về hải quan, giảm 45,9% vụ so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2015 là 1.282 vụ), trị giá hàng vi phạm: 443,4 tỷ đồng, tăng 570,5% (6 tháng đầu năm 2015 là 66,1 tỷ đồng).
Theo phân tích của Cục Hải quan TP.HCM, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn TP.HCM diễn biến phức tạp do đối tượng lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách, thủ tục thông thoáng. Lãnh đạo Cục đã chủ động chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án trọng điểm, địa bàn trọng điểm, doanh nghiệp và mặt hàng trọng điểm, rà soát hàng tồn đọng từ 30 đến 90 ngày, lập chuyên án chống buôn lậu, xử lý hàng tồn đọng trên 90 ngày. Chủ động thu thập thông tin, phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vi phạm nhập khẩu hàng cấm (đã phát hiện hàng trăm container hàng cấm), hàng kém chất lượng, khai sai số lượng, chủng loại tên hàng để trốn thuế… với nhiều phương thức thủ đoạn cất giấu tinh vi.
Đánh giá về công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại của đơn vị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, phụ trách Cục Hải quan TP.HCM cho biết, trung bình trong vài ba năm gần đây, Cục Hải quan TP.HCM phát hiện khoảng 2.000-2.300 vụ vi phạm/năm, trị giá hàng vi phạm trên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khoảng 6 tháng đầu năm 2016, số vụ vi phạm được phát hiện giảm 50%, nhưng trị giá hàng vi phạm lại tăng lên gần 6 lần so với cùng kì năm 2015.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, qua kết quả này cho thấy, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gia lận thương mại tại các cửa khẩu bước đầu có hiệu quả rất tốt. Các vụ gian lận, buôn lậu hàng hóa có trị giá cao đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời…
500 triệu USD đền bù của Formosa sẽ sử dụng như thế nào
Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung diễn ra chiều 30/6, trả lời VnExpress, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, số tiền 500 triệu USD bồi thường mà Formosa Hà Tĩnh cam kết chi trả cho Việt Nam sẽ được dành ưu tiên cho người dân. Đặc biệt là ngư dân các tỉnh miền trung bị thiệt hại do cá chết.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: "Formosa cam kết sẽ chuyển ngay toàn bộ số tiền 500 triệu USD cho phía Việt Nam".
Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã cam kết và hứa sẽ chi trả ngay số tiền bồi thường 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam. Công việc tiếp theo, Chính phủ sẽ giao cho các bộ, ngành và các địa phương xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại như: hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững ...
“Công việc dài hơi hơn, Chính phủ sẽ rà soát, xem xét lại các thủ tục cấp phép, quy chuẩn về môi trường... đặc biệt là điều kiện cấp phép báo cáo đánh giá tác động môi trường (DMT) đối với các dự án đầu tư”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Để sự cố môi trường không tái diễn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát tiêu chuẩn bảo vệ môi trường áp dụng cho các doanh nghiệp. "Trách nhiệm cán bộ công chức trực tiếp liên quan đến vụ việc, dù ở cấp nào đều chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy mức độ liên quan", Bộ trưởng Tuấn khẳng định.
Hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.
Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, với chứng cứ khoa học khách quan, chính xác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các bộ, ngành, và 4 địa phương nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan, công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh và khẳng định cá chết là do chất thải độc từ nhà máy Formasa Hà Tĩnh.
Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường biển với số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng
Formosa cũng cam kết khắc phục các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường; không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.
Đây là sự cố môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam. Số tiền 500 triệu USD cũng là khoản bồi thường chưa từng có.
Trước đó, Chính phủ cũng đã có một loạt biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân các tỉnh nhằm giảm thiểu khó khăn do thảm họa cá chết gây ra.(VNEX)
Vụ Formosa xả thải: Lời cảnh tỉnh đắt giá trong thu hút đầu tư
Cuối cùng thì nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung đã được làm rõ. Đó là vì những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh mà môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường.
Formosa cũng đã đứng ra chịu trách nhiệm và cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
Họ cũng đã cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam, với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).
Đồng thời, nhà đầu tư của tổ hợp sản xuất thép có vốn đầu tư lên tới 10,5 tỷ USD cũng đã cam kết khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra...
Tất nhiên, vẫn còn những quan điểm khác nhau trong vụ việc này, liên quan đến chuyện đền bù, hỗ trợ thiệt hại như vậy liệu đã thỏa đáng chưa. Cũng vẫn có những dấu hỏi nghi ngờ về việc liệu Formosa có thực hiện đúng cam kết của mình hay không...
Nhưng kể cả tạm chưa bàn luận đến những vấn đề này, thì còn một khía cạnh khác vô cùng quan trọng cần phải quan tâm sau vụ việc của Formosa. Đó là đã đến lúc Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh chính sách, để làm sao vừa thu hút được đầu tư, vừa đảm bảo phát triển bền vững.
Phải khẳng định rằng, Việt Nam đã thành công rất lớn sau gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với gần 21.400 dự án, tổng vốn đăng ký trên 290 tỷ USD. Cũng phải thừa nhận rằng, khu vực FDI đã và đang đóng góp rất lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Và ngày hôm nay, tất cả các quan điểm đều thống nhất, nếu không có FDI, kinh tế - xã hội Việt Nam không thể phát triển mạnh như vậy.
Nhưng tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Mặt trái của tấm huy chương thu hút FDI và tăng trưởng nóng chính là hệ lụy mà chúng ta đang phải gánh chịu. Đó là tác động tới môi trường biển, khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung. Là nguy cơ bị hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Là những bãi rác thải khổng lồ chưa được xử lý ở các địa phương...
Chưa nói tới những câu chuyện xa hơn, chỉ nhìn những thiệt hại nhãn tiền trong sự cố nghiêm trọng ở dọc ven biển miền Trung Việt Nam đã cho thấy đây chính là lời cảnh tỉnh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. Bởi hệ lụy ngày hôm nay xuất phát từ việc có một thời, nhiều địa phương đua nhau thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Vì bằng mọi giá, nên sẵn sàng cho ưu đãi vượt khung, mà cho tới thời điểm này, công tác rà soát để xử lý các ưu đãi vượt khung vẫn đang được nhiều địa phương tiến hành. Vì bằng mọi giá nên công tác thẩm định và giám sát đầu tư phần nào lơ là, thậm chí là dễ dãi.
Thế nên, mới có chuyện Vedan xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải nhiều năm liền, ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh kế của người. Rồi chuyện Hyundai nhập khẩu xỉ đồng độc hại, chuyện Tungkuang gây ô nhiễm nghiêm trọng...
Và hẳn nhiên, “đỉnh điểm” của câu chuyện này chính là vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung - sự cố nghiêm trọng được chỉ đích danh thủ phạm là Formosa và nguy cơ tiếp theo có thể là nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang…
Đó chỉ là một vài ví dụ, nhưng cũng đã đủ để thấy rằng, chúng ta đang phải trả giá và mặt sau của tấm huy chương thực sự đang có những khoảng tối.
Thực tế, khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, Việt Nam đã nhận thấy tồn tại này và đã nhất quán chiến lược thu hút FDI hướng vào công nghệ cao, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà phải đảm bảo môi trường, phát triển bền vững. Song trong khi không ít địa phương dũng cảm nói không với dự án gây ô nhiễm môi trường, thì vẫn có những địa phương vì tư duy nhiệm kỳ, vì thành tích ngắn hạn đã gật đầu, dễ dãi với những dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, bất chấp việc chúng ta có thể phải trả giá bằng môi trường, bằng sinh kế và thậm chí là sinh mạng người dân.
Bản chất của kinh tế học là sự đánh đổi. Nhưng đã đến lúc không thể dễ dãi với những lợi ích kinh tế ngắn hạn thêm nữa, bởi sự đánh đổi ấy là không đáng.
Vụ cá chết ở miền Trung chính là bài học đắt giá để chúng ta nhận ra rằng, phải có thêm những thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư, phải cân nhắc thận trọng hơn nữa trước quyết định chấp thuận một dự án đầu tư. Không thể bất chấp những mất mát của người dân, của đất nước chỉ để làm đẹp một bản báo cáo nào đó, để rồi nhận được tấm huy chương với mặt trái có rất nhiều khoảng tối.
Chính thức thanh tra sản phẩm nước mắm đóng chai
Nhiều sản phẩm nước mắm công nghiệp có độ đạm rất thấp, thấp hơn khoảng 10 lần so với yêu cầu về độ đạm đối với nước mắm thông thường.
Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính vừa có văn bản gửi các sở Y tế, yêu cầu giao Thanh tra sở và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm.
Trong đó tập trung vào các cơ sở có dấu hiệu vi phạm.
Trong đợt thanh tra, yêu cầu chú ý các chất hỗ trợ chế biến đã được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh nước mắm, tiến hành lấy mẫu kiểm tra đánh giá ngay về chất lượng và thông báo rộng rãi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi ký quyết định này, ông Chính cho biết hiện đang phát triển mạnh mẽ nhóm sản phẩm nước mắm công nghiệp, trong đó các cơ sở đã sử dụng phụ gia thực phẩm, bổ sung vi chất vào sản phẩm. Nhiều sản phẩm nước mắm công nghiệp có độ đạm rất thấp, chỉ khoảng 3 độ đạm, thấp hơn khoảng 10 lần so với yêu cầu về độ đạm đối với nước mắm thông thường.
Về tên gọi sản phẩm như vậy là không đúng với định nghĩa về sản phẩm nước mắm theo quy chuẩn kỹ thuật VN năm 2012 về nước mắm.
Theo ông Chính, sau khi các địa phương thanh tra, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành đợt thanh tra lớn với riêng nhóm sản phẩm này.
Đây là đợt thanh tra đầu tiên với nhóm sản phẩm nước mắm, nước chấm trong hơn 10 năm trở lại đây.