Khởi tố nguyên chủ tịch, phó chủ tịch TP.Vũng Tàu
Dừng lưu thông 13 sản phẩm Coca Cola: Tiết lộ bất ngờ từ Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
Công nhận hợp pháp ứng dụng Grab, Uber...
Không được tận thu gây khó khăn cho doanh nghiệp
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 03-07-2016
- Cập nhật : 03/07/2016
Campuchia bắt 93 người Việt nghi nhập cư trái phép
Cảnh sát Campuchia hôm qua bố ráp các khu nhà cho thuê ở thủ đô Phnom Penh và bắt giữ 93 người Việt Nam với cáo buộc nhập cư trái phép.
"Họ bị bắt vì sinh sống ở Campuchia mà không có hộ chiếu", Xinhua dẫn lời ông Uk Heisela, quan chức thuộc Tổng cục Xuất nhập cảnh (GDI) Campuchia cho hay.
Theo ông Heisela, những người trên đã "vượt biên trái phép" vào Campuchia. Ông Heisela cho biết những người Việt này sẽ bị trục xuất về nước trong vòng một tuần.
Theo GDI, Campuchia năm ngoái trục xuất hơn 4.400 người nước ngoài, trong đó 90% là công dân Việt Nam.
Theo luật nhập cư nước này, bất kỳ ai sinh sống ở Campuchia mà không có giấy tờ hợp lệ như hộ chiếu, visa hay giấy phép lao động sẽ bị trục xuất.
Cần xác định rõ nguyên nhân GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động, đặc biệt trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai. Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp và toàn dân, KTXH đã tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Lãi suất tương đối ổn định và có xu hướng giảm, thị trường ngoại tệ ổn định.
Tính đến hết tháng 6, cả nước đã có 54.501 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước số DN tăng 20%; số vốn đăng ký tăng 51,5%. Có 14.092 DN trước đây phải tạm ngừng SXKD thì nay đã hoạt động trở lại, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% so với tháng 12/2015, tổng số dư tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 8,23%; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,2%. Việc người dân Vương quốc Anh bỏ phiếu rời bỏ Liên minh châu Âu có tác động đến tỷ giá nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép.
Về thu, chi ngân NSNN, 6 tháng đầu năm tổng thu ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi NSNN ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm đạt 618,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về cổ phần hoá, thoái vốn DNNN, tính đến ngày 28/6 đã cổ phần hoá 38 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá của 63 DN, đang xác định giá trị của 77 DN, đã công bố giá trị của 28 DN. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty lương thực miền Bắc và Hà Nội thực hiện bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại DN, thu về 2.710 tỷ đồng, gấp gần 3,1 giá trị sổ sách là 871,6 tỷ đồng.
Bên cạnh những dấu hiệu khả quan thì kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm cũng còn nhiều thách thức. Nền kinh tế phục hồi chậm, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,52%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Một số ngành như công nghiệp khai khoáng, nông lâm nghiệp thủy sản tăng trưởng âm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm nay đạt 6,7% thì 6 tháng cuối năm kinh tế cần tăng trưởng 7,6%. Đây là mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt trong bối cảnh tình hình hiện nay không còn nhiều dư địa trong việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thảo luận, xác định nguyên nhân GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 5,52%, từ đó đưa ra giải pháp để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương rà soát, đánh giá lại hiệu quả việc thực hiện các chủ trương này trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương, bởi đây là điều kiện quan trọng tạo cơ sở giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Cùng với đó, các địa phương cũng cần tự nhìn nhận hiệu quả từ công tác quản lý điều hành, đánh giá mức độ hiệu quả của bộ máy chính quyền đã thực sự phục vụ người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.
Hải Phòng dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/6/2016 cả nước có 1.145 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,497 tỷ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 535 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,787 tỷ USD.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,284 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Ước tính các dự án FDI trong 6 tháng đã được giải ngân 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 488 dự án đầu tư đăng ký mới và 405 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 8,06 tỷ USD, chiếm 71,4% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút vốn FDI với 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 562,3 triệu USD, chiếm 4,9% tổng vốn đầu tư.
Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,99 tỷ USD, chiếm 35,37% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,229 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,129 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.
Trong 6 tháng, Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 22 dự án cấp mới và 17 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,742 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,63 tỷ USD, chiếm 14,45%. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,07 tỷ USD và 928,9 triệu USD.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, một số dự án lớn được cấp phép trong 6 tháng đầu năm 2016 là: Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng.... Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đầu tư với mục tiêu tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao (CPC851) tại Hà Nội.
Dự án nhà máy điện gió Hàn Quốc Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư đăng ký 247,6 triệu USD với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp vào lưới điện quốc gia; góp phần ổn định việc cung cấp điện cho nền kinh tế. Dự án Midtown, tổng vốn đầu tư 225,62 triệu USD do Cayman Islands với mục tiêu kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống, tổng vốn đầu tư đăng ký 224,3 triệu USD, do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Hà Nội. Dự án Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD với mục tiêu sản xuất các loại giấy Duplex, giấy Kcraf, giấy gia dụng tại Tiền Giang.
Thứ trưởng Tài chính: Không nhân nhượng các tỉnh xin thêm xe công
Dù lãnh đạo Hà Nội, Quảng Nam cùng chê "hạn mức" 2 xe công là quá ít, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai vẫn khẳng định đây là quy định phải thực hiện.
Cho rằng việc mỗi Sở, ban, ngành chỉ được trang bị tối đa 2 xe ôtô theo quy định là quá ít so với khối lượng công việc nên nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành kêu khó với Bộ trưởng Tài chính trong cuộc họp sơ kết 6 tháng diễn ra ngày 2/7. Lãnh đạo Hà Nội - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản còn đề nghị tăng gấp đôi định mức lên 4 xe thay vì chỉ 2 như Quyết định 32 của Thủ tướng vừa được thực hiện. Ông Toản đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để có "cơ chế đặc thù" cho mỗi sở, ban, ngành có thể được trang bị 4 xe, gấp đôi so với quy định hiện tại.Tuy nhiên, đề xuất này của các tỉnh chưa được lãnh đạo ngành tài chính trả lời ngay trong Hội nghị diễn ra buổi sáng. Đến chiều, tại cuộc họp báo thường kỳ, dù được hỏi về quan điểm của Bộ về việc tăng định mức xe công gấp đôi, lãnh đạo Bộ này lại tiếp tục "quên" trả lời.
Trao đổi với VnExpress sau cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết định mức này sẽ vẫn được giữ nguyên theo quy định. "Tăng xe là đề nghị của các tỉnh. Hiện Quyết định 32 vừa được Thủ tướng ban hành nên tất cả các cơ quan đều phải thực hiện. Ý kiến đề xuất của các đơn vị, Bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, những gì hợp lý về chính sách sẽ nghiên cứu, tiếp thu, điều gì chưa hợp lý sẽ điều chỉnh lại", bà Mai nói.
Thống kê từ các bộ ngành, địa phương cho thấy hiện có khoảng 7.000 chiếc xe công dư thừa (nhiều hơn so với hạn mức quy định). Trong khi đó, báo cáo của Cục Quản lý Công sản cho biết năm 2015 vẫn có hơn 600 xe công sắm mới.
Câu chuyện về xe công cũng được các báo "truy" trong phần lớn thời gian của cuộc họp báo chiều 2/7. Một thông báo của Cục Quản lý Công sản gần đây đề cập đến việc thanh lý 264 xe công trong 6 tháng. Số xe công này mua mới với nguyên giá 79 tỷ đồng, sau thời gian dài sử dụng, giá trị còn lại sau khấu hao trên sổ sách kế toán hiện còn 390 triệu đồng. Trả lời báo chí, Phó cục trưởng Cục Quản lý Công sản - bà Tạ Thanh Tú cho biết chưa thể thống kê và công bố con số tiền thanh lý thu về ngân sách bởi việc thanh lý do các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện.
Theo thông báo ban đầu, thời hạn rà soát việc sử dụng xe công trên cả nước sẽ "chốt" vào ngày 21/3. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, đến nay cơ quan Nhà nước vẫn chưa thông báo về kết quả tình trạng thừa, thiếu xe công của các Bộ, ngành, địa phương. Tại cuộc họp báo, bà Tạ Thanh Tú cho biết đến hết tháng 6, vẫn còn 6 Bộ ngành, 14 địa phương chưa báo cáo. "Chúng tôi sẽ khẩn trương phối hợp để rà soát. Đến thời điểm phải báo cáo Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương nào chưa báo cáo chúng tôi sẽ có kiến nghị", bà Tú nói.
Theo quyết định 32/2015 của Thủ tướng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (như Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân, các Sở, Ban, ngành và các tổ chức tương đương); Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy; HĐND và UBND quận, huyện, thị xã, thành phố được trang bị tối đa 2 xe một đơn vị. Riêng Phó Bi thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc được đi xe công trị giá tối đa 920 triệu đồng để phục vụ công tác, đón đưa đi làm.