tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 04-07-2016

  • Cập nhật : 04/07/2016

Phải xử lý Formosa đến cùng

Đó là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh việc Formosa gây ra thảm họa môi trường biển ở miền Trung.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Thưa TS, sau sự cố này thì bài học gì cho Việt Nam trong vấn đề quản lý đầu tư, bảo vệ môi trường? Đặc biệt đối với những trường hợp NĐT có nhiều "tai tiếng" như Formosa.
- Nhân loại đang đi theo con đường phát triển bền vững (ít nhất nó bắt đầu từ năm 1992). Một trong những trọng tâm là giải quyết mối quan hệ giữa môi trường và phát triển. Điều này đòi hỏi phải sàng lọc đầu tư từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển. Tức là từ lúc có chủ trương của NĐT, bắt buộc người lãnh đạo, nhà quản lý phải cân nhắc rất kỹ vấn đề môi trường trước khi đưa ra quyết định. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần các quyết định “xanh” và thói quen từ chối các dự án đầu tư “nâu”.
Đất nước ta vốn được thiên nhiên ban tặng các lợi thế tĩnh với nguồn vốn tự nhiên phong phú, đa dạng ở biển và vùng ven biển. Thế hệ hôm nay đang thừa kế nguồn vốn này của cha ông ta để lại, và chúng ta đang “vay” nguồn vốn đó của thế hệ mai sau. Mà đã vay thì phải có trả, “cả gốc lẫn lãi”. Người “chủ nợ” chính là các thế hệ mai sau và họ sẽ tiếp tục phán xử những quyết định sai lầm của thế hệ chúng ta hôm nay. Thiết nghĩ, đó là một thông điệp lịch sử đòi hỏi trách nhiệm chính trị giữa các thế hệ.
Thảm họa môi trường biển ở bắc Trung bộ vừa qua bộc lộ sai lầm trong việc ra quyết định đầu tư thiếu sàng lọc; bộc lộ tính bị động, thiếu chuyên nghiệp trong quản lý, bảo vệ và xử lý các vấn đề môi trường trong phát triển. Đặc biệt, chúng ta đã quá “dễ dãi” đối với NĐT có nhiều “tai tiếng” như Formosa - một tổ chức nằm trong “danh sách đen” quốc tế hiểu theo nghĩa cả hai môi trường và an ninh.
pgs-ts nguyen chu hoi

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi

 

Sau khi Formosa nhận lỗi, bồi thường và cam kết khắc phục sự cố, ở góc độ quản lý, ngành chức năng phải làm gì để tránh những sự việc đáng tiếc trong tương lai?
- Trước hết, cần kiểm tra, nắm lại toàn bộ thực trạng vấn đề quản lý và mức độ tuân thủ pháp luật môi trường của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động ở Việt Nam, đặc biệt ở vùng ven biển và trên các đảo - nơi có mức độ tổn thương cao. Trên cơ sở đó phân loại và xác định các điểm nóng (hot spot) môi trường, lập “danh sách đen” và “danh sách nâu” về môi trường biển - ven biển làm căn cứ xác định cấp độ nghiêm ngặt trong quản lý.
Thứ hai, phải nhanh chóng rà soát hệ thống giám sát - cảnh báo sớm môi trường toàn quốc, trong đó có vùng ven biển và trên hải đảo. Quy hoạch lại, nâng cấp và đầu tư xây dựng một hệ thống giám sát - cảnh báo môi trường tiên tiến, hiện đại ở đẳng cấp quốc tế, bao gồm nguồn nhân lực quản lý, giám sát.
Thứ ba, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước thông qua hoạt động kiểm soát môi trường kịp thời và hiệu quả đối với các doanh nghiệp.
Thứ tư, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ năm, xây dựng “Kế hoạch quốc gia ứng cứu thảm họa môi trường biển”, trong đó có quy trình ra quyết định ứng phó hiệu quả theo các kịch bản để chuyển từ “đối phó thụ động” sang “ứng phó chủ động”.
 
Formosa là một siêu dự án, lại là ngành nghề “đặc biệt”, vậy nên có cơ chế quản lý môi trường riêng “cao hơn” cho dự án này không? Ví dụ thay vì chúng ta hay nói đến nồng độ chất thải thì quản lý bằng tổng lượng chất thải theo xu hướng của thế giới ngày nay. Ý kiến của ông xung quanh chuyện này ra sao?
- Quả thật, hiện nay ở nước ta Formosa đang là một siêu dự án về quy mô và “đặc biệt” về ngành nghề, cho nên cần có cơ chế, chính sách đặc thù để quản lý nghiêm ngặt môi trường đối với dự án này. Hiện tượng Formosa vừa qua sẽ đi vào lịch sử môi trường Việt Nam, vì nó không chỉ là một thảm họa môi trường mà còn trở thành vấn đề chính trị và an ninh quốc gia. Hậu quả do Formosa gây ra vừa qua không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, thậm chí đã chạm vào lợi ích cốt lõi của đất nước và người dân, cho nên không chỉ đơn giản là phát hiện ra Formosa là thủ phạm, mà còn phải xử lý đến cùng. Bên cạnh yêu cầu Formosa giải quyết các hậu quả thông qua đền bù nghiêm túc, cần thắt chặt giám sát, kiểm soát môi trường và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp này theo chuẩn quốc tế.
Xử lý nghiêm Formosa, cũng nên tính đến việc tự xử lý nghiêm túc, dám nhìn vào sự thật của các cơ quan, các nhà ra quyết định phía Việt Nam. Liệu vấn đề Formosa có phải là phép thử bản lĩnh chính trị của Việt Nam?

Formosa vừa có văn bản “xin lỗi” về thảm họa môi trường do họ gây nên. Ông có nhận định gì về động thái cũng như thành ý của họ?
- Họ xin lỗi thì chúng ta ghi nhận, nhưng Chính phủ công bố nguyên nhân và thủ phạm thì họ mới chịu xin lỗi chứ trước đó còn chối quanh. Xin lỗi không có nghĩa là vụ việc kết thúc mà là bắt đầu một vụ việc mới.(TN)

Ông Đinh La Thăng: Mục tiêu TP HCM có 500.000 doanh nghiệp không viển vông

Trước băn khoăn về khả năng tăng gấp đôi, gấp ba số doanh nghiệp trong vòng 4 năm tới, Bí thư TP HCM cho rằng việc này là khả thi với số lượng đơn vị hiện tại, khả năng thúc đẩy khởi nghiệp và chuyển đổi các hộ kinh doanh.

Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và doanh nghiệp về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ diễn ra sáng nay (3/7), Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố có số doanh nghiệp đăng ký là 270.000 nhưng thực chất hoạt động chỉ 170.000. Trong khi ở các quốc gia phát triển, cứ 15-20 dân là có một doanh nghiệp nên với 12 triệu dân hiện tại thì TP HCM phấn đấu đến năm 2020 phải có 500.000 doanh nghiệp.

“Bên cạnh việc mở rộng số lượng doanh nghiệp, thành phố cũng sẽ chú trọng phát triển chất lượng, xây dựng những tập đoàn lớn có sức cạnh tranh trong khu vực”, ông Phong nói.

Cho rằng mục tiêu đặt ra như trên là tốt nhưng phần lớn doanh nghiệp tham dự hội nghị nghi ngờ về tính khả thi. "Bởi thành phố có hơn 10 triệu dân, tức tương đương khoảng hơn 2 triệu gia đình mà cứ 4 gia đình sẽ có một gia đình kinh doanh là điều không hợp lý với thực tế", ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - cao su TP HCM nhận xét.

bi thu tp hcm - dinh la thang phat bieu tai hoi nghi. anh: ngoc hau

Bí thư TP HCM - Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Hậu

Ông Quốc Anh cũng trích dẫn kết quả khảo sát mới đây của VCCI rằng, càng ngày doanh nghiệp Việt càng li ti chứ không còn là vừa và nhỏ nữa (bình quân vốn và doanh thu trên số lượng doanh nghiệp). "Mà theo quy luật kinh doanh thì doanh nghiệp phải ngày càng lớn lên để tăng tính cạnh tranh và tiềm lực tài chính", ông nói.

Do đó, theo ông Quốc Anh, thành phố không cần thiết phải đặt mục tiêu đạt 500.000 doanh nghiệp đến 2020 mà phải làm sao để cho tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động này lớn mạnh lên. 

Ngoài ra, ông cũng mong muốn lãnh đạo làm sao để tạo ra sự liên thông giữa các cơ quan, bộ ngành để giảm thiểu thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Ông dẫn chứng đơn vị mình cần làm một văn bản và theo quy trình thì khoảng 5 ngày là xong. Thế nhưng khi triển khai thì Sở bảo cần có thêm ý kiến quận huyện (quy trình mất 5 ngày nữa nhưng thực tế mất cả tuần). Sau đó, doanh nghiệp lại phải quay về Sở và mất thêm một tuần nữa… Cuối cùng, thay vì 5 ngày xong thì công ty phải mất mấy tuần mới hoàn tất một văn bản chỉ vì không có sự liên thông giữa các cơ quan, bộ ngành. 

Ông Nguyễn Lộc - Giám đốc Công ty Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) cũng bày tỏ sự ủng hộ mục tiêu của thành phố, phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp, nhưng ông lo ngại việc này quá tham vọng vì chỉ còn có 4 năm nữa thôi nên muốn đạt được phải có những giải pháp hết sức quyết liệt. Chẳng hạn như có nhiều chương trình tạo ra làn sóng khởi nghiệp, bên cạnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu.

Ông cho rằng, hiện nay Việt Nam đang ở một quá trình gia nhập sâu, rộng với nền kinh tế quốc tế nhưng các hiệp định có phần gây khó cho doanh nghiệp trong nước trong khi lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn.

Đại diện Tổng công ty Samco bày tỏ thêm, chủ trương này là động lực khuyến khích khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng trước khi doanh nghiệp muốn phát triển thì phải phát triển thị trường. Nhưng năm 2017-2018, Việt Nam bước vào các sân chơi lớn như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN… thì thuế suất sẽ về 0% nên đây là trăn trở lớn của các doanh nghiệp và cần có sự hỗ trợ từ chính quyền. Chẳng hạn như xuất xứ về nguyên vật liệu cũng cần thiết nhưng để doanh nghiệp làm được thì khó, Chính phủ, thành phố phải có sự hỗ trợ thì mới giải quyết được.

Về tiết kiệm nguồn lực, trong đó quan trọng là đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng thì trên địa bàn thành phố, các khu công nghiệp chưa lấp đầy nên có những sự hỗ trợ cho doanh nghiệp về cơ chế để họ thuê. Nếu tập trung các doanh nghiệp vào khu công nghiệp thì sẽ đảm bảo được vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ được môi trường tốt hơn...

Đáp lại những băn khoăn về mục tiêu 500.000 doanh nghiệp trong 4 năm tới, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nhấn mạnh thành phố đưa ra mục tiêu trên là không mơ hồ. Đây là con số được đưa ra dựa trên các yếu tố nền tảng, căn bản, toàn diện của TP HCM.

Theo ông Thăng, hiện nay Thành phố có hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể, và trong môi trường hội nhập thì sắp sẽ tới tạo mọi điều kiện để các hộ cá thể này chuyển thành doanh nghiệp. "Nếu chúng ta có quyết tâm cao thì mục tiêu trên là không viển vông. Đây là con số rất rõ ràng và thành phố có khả năng thực hiện, bên cạnh việc đảm bảo tốt chất lượng doanh nghiệp", ông Thăng chia sẻ.

Ông Thăng cũng nói thêm, nếu không có quyết tâm thì không thể phát triển, nên thành phố phải đưa ra mục tiêu, khát vọng thì mới phấn đấu làm được. Và khát vọng này không chỉ của lãnh đạo thành phố mà còn là khát vọng của doanh nghiệp và của toàn dân.

Tổng kết hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện việc triển khai Nghị quyết 35, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực và sự hỗ trợ nhau, phải thay tư duy "ai thắng ai" thành tư duy "hai bên cùng thắng".

Hoạt động thì phải minh bạch để tiếp cận quốc tế vì chúng ta đã bước vào sân chơi toàn cầu, đào tạo nhân lực cao, thu hút chuyên gia nước ngoài và đặc biệt là phải kết nối doanh nghiệp FDI để chuyển giao công nghệ.

Ông Phong cũng cho biết, thành phố đã đề nghị Sở Kế hoạch & Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM tập hợp và đánh giá để lựa chọn ngành nghề nào thuộc chủ lực nhằm xây dựng những sản phẩm có thương hiệu. "Từ năm 2020, cả nước đề ra mục tiêu xây dựng từ 5-10 tập đoàn kinh tế đứng trong top 300 tập đoàn lớn nhất châu Á. Vậy thì TP HCM cần làm gì? Đó là chúng ta cũng phải tính đến các doanh nghiệp đầu đàn", ông Phong nói.


Người vay gói 30 nghìn tỷ lại đối diện nguy cơ trả lãi cao

Nhiều người vay tiền từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng để mua nhà hiện đang lo lắng phải đối diện với nguy cơ trả lãi cao.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân từ ngày 1/6 với lãi suất ưu đãi cho những người mua nhà đã ký hợp đồng vay vốn trước 31/3/2016.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ về phương án gia hạn chương trình cho vay gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đến cuối năm nay đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở.
 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có thêm văn bản nào về phương án gia hạn giải ngân, khiến nhiều người mua nhà theo gói 30 nghìn tỷ đồng lại phải đối mặt với việc có thể phải chịu mức lãi suất theo thỏa thuận từ các ngân hàng vay vốn.

Nhiều người vay tiền từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng để mua nhà hiện đang lo lắng khi phía ngân hàng thương mại cho hay, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước nên phương án lãi suất trong đợt giải ngân tiếp theo sẽ không phải là 5%.

Chị Hoa, một người vay vốn từ ngân hàng BIDV để mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, hiện ngân hàng đã giải ngân 3 đợt, tương đương hơn 400 triệu đồng. Số tiền hơn 300 triệu đồng còn lại sẽ được giải ngân trong vài tháng nữa. Những tưởng sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi, nhưng chị Hoa lại bất ngờ khi nhận được thông tin phải chịu lãi suất thỏa thuận từ phía ngân hàng.

"Khi tôi liên hệ với BIDV thì họ thông báo chưa có thông báo chính thức của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc sau 1/6 giải ngân với lãi suất ưu đãi, bây giờ họ đang chào với mức lãi suất 7 đến 10%, năm tiếp theo thì có thể cao hơn nữa. Tiến độ là tháng 11 nhận nhà thì giải ngân đợt cuối 25%, ngân hàng thông báo là sẽ phải chịu lãi suất thương mại vì chưa có hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước," chị Hoa nói.

Hàng loạt khách hàng khác tham gia vay gói 30.000 tỷ đồng ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tại những ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, ... cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Phía ngân hàng đưa ra mức lãi suất thỏa thuận từ 7-10% trong năm đầu, nếu không chấp nhận trả mức lãi suất này, họ sẽ đối mặt với việc hoặc phải nộp phí phạt trả chậm hoặc bị chủ đầu tư thanh lý hợp đồng mua nhà, thậm chí còn bị phạt thêm 20% giá trị hợp đồng.

Một người thu nhập thấp đang vay gói 30 nghìn tỷ đồng kiến nghị: "Sau khi Thủ tướng có ý kiến và Ngân hàng Nhà nước có văn bản chính thức thì mới áp dụng được. Như vậy những người giải ngân sau 31/5 và đến trước khi có văn bản trả lời của Ngân hàng Nhà nước, thì phải chịu theo đúng hợp đồng mua bán và theo Thông tư trước đây, tức là sẽ thỏa thuận lãi suất. Tôi mong mỏi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trả lời sớm và Ngân hàng Nhà nước ra văn bản sớm để những người mua nhà được yên tâm."

Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, tính đến 30/4/2016, tổng số tiền đã cam kết cho vay theo gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng là gần 34 nghìn 500 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 24 nghìn tỷ đồng. Khi chưa có quyết định chính thức về phương án gia hạn giải ngân gói 30 nghìn tỷ, thì sẽ không có cơ sở tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi.

Phương án thỏa thuận lãi suất của các ngân hàng thương mại với khách hàng được cho là tạm thời trong thời gian đợi quyết định chính thức, nhưng đã gây hoang mang cho người mua nhà khi phải đối diện với nguy cơ trả lãi suất cao.

Nhìn nhận về thực tế này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, chính sách gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng là đúng, nhưng quá trình triển khai gặp nhiều lúng túng do không được tính toán hợp lý ngay từ đầu. Nếu thời gian chờ hướng dẫn, chờ tái cấp vốn còn dài thì sẽ gây khó khăn cho tất cả các bên.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: "Bây giờ khách hàng có thể rơi vào tình trạng bị rủi ro hoặc không được giải ngân tiếp, sẽ rất dang dở, bị vi phạm hợp đồng, nguy cơ mất nhà. Hoặc là nếu thực hiện thì đương nhiên sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi. Nếu ngân hàng nào bố trí được nguồn vốn, cho vay với lãi suất thấp, thông cảm với khách hàng thì còn đỡ, còn ngân hàng nào họ không mặn mà với việc giải ngân tiếp thì họ có thể đưa ra lãi suất còn cao hơn lãi suất thương mại bình thường. Chính phủ không nhanh chóng có quyết định kịp thời cho hay không cho thì sẽ rất khó cho cả 2 bên, thậm chí 3 bên khách hàng, ngân hàng và chủ đầu tư."

Người mua nhà theo gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng là đối tượng lao động có thu nhập thấp, cần được hỗ trợ về nhà ở, nhất là tại các đô thị lớn. Nhưng việc triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng đến hồi kết vẫn lúng túng, khiến nhiều người thu nhập thấp rơi vào tâm trạng mệt mỏi vì chờ đợi chính sách, liên tục là “thế yếu” khi đối diện với việc phải trả lãi suất theo thỏa thuận, vượt quá khả năng chi trả của họ. Tiến thoái lưỡng nan, người thu nhập thấp chỉ còn biết trông đợi vào những quyết định kịp thời từ phía cơ quan chức năng.(VOV)


Đua nhau xin làm đường sắt cao tốc

Bên cạnh kiểm điểm lại công tác điều hành nửa đầu năm và kế hoạch 6 tháng tới, hội nghị trực tuyến của Chính phủ trong ngày 1/7 cũng ghi nhận hàng chục kiến nghị, đề xuất dự án từ người đứng đầu các địa phương.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Trong số này, ngành giao thông nhận được nhiều kiến nghị hơn cả. Lãnh đạo TP.Hải Phòng đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm xây dựng tuyến đường sắt dài khoảng 100 km nối thành phố cảng với thủ đô bởi thành phố đang trở thành trung tâm du lịch và công nghiệp của khu vực phía bắc; Sóc Trăng kiến nghị hỗ trợ cho dự án cầu Đại Ngãi 3.000 tỉ đồng. Trong khi đó, Bình Dương xin hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ để đầu tư giao thông kết nối với TP.HCM vì “mọi tuyến đường kết nối với đầu tàu kinh tế đang quá tải”. Lãnh đạo Đồng Nai thì mong muốn tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được kéo dài đến ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) để tiện kết nối với TP.HCM…
Đầu tư hạ tầng giao thông mất cân đối
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho hay riêng về đường sắt cao tốc, có ít nhất 3 địa phương đề xuất được làm thí điểm các tuyến cao tốc hoặc tốc độ cao là Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai. “Đây đều là những tỉnh biên giới với Trung Quốc nên nhu cầu kết nối với thủ đô là rất lớn”, ông Nghĩa lý giải. Tư lệnh ngành giao thông thừa nhận, đường sắt VN có tuổi thọ cả trăm năm, từ thời người Pháp xây dựng là chủ yếu, thậm chí chúng ta xây thêm rất ít so với những cung đường đã tháo đi nên đầu tư là cần thiết.
Bên cạnh đó, 5 năm lại đây, đầu tư hạ tầng đang mất cân đối khi tập trung quá nhiều cho đường bộ, nên việc quan tâm cho đường sắt, đường thủy tới đây là điều cần làm. Theo Bộ trưởng, ngành giao thông đang sửa đổi luật Đường sắt để trình Quốc hội thông qua tới đây với nhiều cơ chế chính sách để thu hút xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này.
“Tuy nhiên, địa phương kiến nghị thì nhiều, tỉnh nào cũng chính đáng, cấp bách nhưng ngân sách thì có hạn nên chúng tôi chỉ xin ghi nhận, tổng hợp để báo cáo Chính phủ”, Bộ trưởng Nghĩa phân trần và dẫn chứng, theo thông báo sơ bộ từ ngành tài chính, KH-ĐT thì trong kế hoạch trung hạn trong 5 năm tới, vốn cho giao thông chỉ thu xếp được khoảng 11 - 12% so với nhu cầu. “Nếu không có một gói đặc biệt thì vốn cho giao thông rất khó phát triển”, ông Nghĩa lo ngại.
Dù vậy, lãnh đạo Bộ GTVT hy vọng, việc sửa đổi luật Đường sắt sẽ thúc đẩy xã hội hóa để thu hút đầu tư vào đường sắt, chia sẻ gánh nặng với ngân sách.
Tìm cách huy động tiềm lực trong dân
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh đến việc nhà nước cần cơ chế để huy động tiền trong dân vì tiềm lực còn quá lớn. Ông Lâm dẫn chứng chỉ vài vụ cá độ bóng đá mới đây mà công an triệt phá, thì số tiền đã lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc tín dụng đen, đa cấp len lỏi về đến vùng nghèo, vùng sâu vùng xa cũng cho thấy nguồn lực trong dân còn lớn. “Tại sao lại có lượng tiền lớn thế? Điều này đặt ra cho Chính phủ là cần có biện pháp gì để huy động lượng tiền này vào sản xuất, để người dân có thể đóng góp cho xã hội, nếu không hậu quả xã hội rất phức tạp”, ông Tô Lâm nói.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tỏ rõ sự đồng tình với đề xuất này của người đứng đầu ngành công an. Theo thống đốc, hiện tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông khoảng 12%, đã giảm đáng kể so với mức 20% của khoảng 10 năm trước. Lãnh đạo NHNN cho hay tuần trước, ngành cũng đã có đánh giá để có giải pháp thúc đẩy việc không dùng tiền mặt trong thanh toán, giảm tín dụng đen như 4 ngân hàng thương mại nhà nước lên kế hoạch mở thêm chi nhánh ở các vùng sâu vùng xa, phát triển thêm các công cụ đầu tư tài chính vi mô cho nông thôn... Dù vậy, ông Hưng cho rằng hiện nay luật pháp trong lĩnh vực dân sự không cấm giao dịch tiền mặt, cộng với tập quán này vẫn phổ biến nên làm được điều này ngay không dễ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính và NHNN phải có đề án huy động tài chính trong dân, nhất là vàng để phiên họp thường kỳ tiếp theo Chính phủ sẽ thảo luận (TN)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục