Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế, NHNN cho biết, xu hướng này cũng phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và định hướng điều hành của NHNN khi hoạt động sản xuất - kinh doanh đang được cải thiện và chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 02-07-2016
- Cập nhật : 02/07/2016
Việt Nam mong Tòa trọng tài phán quyết công bằng vụ kiện 'đường lưỡi bò'
Việt Nam mong Toà Trọng tài công bằng, tạo cơ sở giải quyết hoà bình tranh chấp Biển Đông khi ra phán quyết về vụ kiện Philippines - Trung Quốc trong tháng này.
Trung Quốc xây trái phép đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, ở Biển Đông. Ảnh: DigitalGlobe
"Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và là quốc gia thành viên Công ước của Liên Hơp Quốc về Luật Biển năm 1982(UNCLOS), Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện và mong muốn Tòa Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông", ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, hôm nay cho biết trong thông cáo.
Người phát ngôn tuyên bố nhằm trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa Trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA) trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc sẽ ra phán quyết vào ngày 12/7 tới.
Ông Bình cho hay Việt Nam đã được thông báo về ngày ra phán quyết. Người phát ngôn một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của UNCLOS.
Trung Quốc đòi chủ quyền với gần như toàn bộ vùng biển dựa trên "đường lưỡi bò", còn gọi là "đường 9 đoạn", mà nước này tự vẽ ra, đi sát vào vùng biển của các quốc gia láng giềng.
Philippines cho rằng tuyên bố của Trung Quốc vi phạm UNCLOS, khiến Manila bị hạn chế khai thác tài nguyên và đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế. Nước này khởi kiện yêu sách của Trung Quốc tại PCA vào năm 2013. PCA năm 2015 tuyên bố họ có thẩm quyền xử vụ kiện.
Trung Quốc khăng khăng không theo kiện và đòi bác bỏ quyết định của tòa. Trước thềm phán quyết của PCA, Trung Quốc đã phát động chiến dịch lôi kéo sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Bắc Kinh nói rằng có 60 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của họ, trong đó chủ yếu là các nước ở châu Phi, Trung Đông và Trung Á. Tuy nhiên, nhiều quốc gia có tên trong danh sách đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố này của Trung Quốc.(VNEX)
Tháng 7, chờ những thông tin đột biến
Năm 2016 đã đi qua nửa chặng đường và tháng 7 là cơ hội để nhà đầu tư có thể gặt hái thành quả nếu theo sát thông tin doanh nghiệp và dự báo tốt tình hình kinh doanh.
Những ngày này, bất chấp sự kiện Brexit đang nóng lên tại các thị trường quốc tế, TTCK Việt Nam vẫn đang tăng điểm bởi những lý do rất riêng.
Thông tin CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% dường như là liều thuốc kích thích đủ mạnh với thị trường. Tất nhiên, nới room chỉ là cái cớ. Ẩn sau câu chuyện này là kỳ vọng của thị trường về khả năng tăng giá cổ phiếu VNM, khi bản thân Vinamilk là doanh nghiệp đầu ngành sữa của Việt Nam cả về quy mô và hiệu quả kinh doanh. Thị trường kỳ vọng, việc nới room có thể là bước dọn đường cho thoái vốn của SCIC, mà như thường lệ, cổ phiếu thường tăng giá trước và sau mỗi đợt thoái vốn.
Thống kê cho thấy, hầu hết các mã chứng khoán trước và sau khi SCIC thoái vốn thành công, có thể tăng 50%, thậm chí tới gần 100% so với mức giá bình quân của giai đoạn trước đó. Cạnh tranh để mua thâu tóm, có thêm cổ phiếu tự do trên thị trường… là những yếu tố giúp thoái vốn Nhà nước tại các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên UPCoM trở thành hàng “hot” trên thị trường. Trong quý 2-2016, thị trường còn chứng kiến sự tăng giá ấn tượng của nhiều cổ phiếu ngành dược, với lý do tương tự câu chuyện Vinamilk.
Khi các trụ cột thị trường đồng loạt tăng điểm, nhà đầu tư hào hứng, bỏ lại hết những lo âu. Song yếu tố khiến thị trường tháng 7 sẽ sôi động hơn có lẽ lại nằm ở kết quả kinh doanh các doanh nghiệp. Tháng 6 là khoảng thời gian các doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin kết quả kinh doanh quý 2 và sau đó là báo cáo tài chính bán niên soát xét.
Các cổ phiếu họ dầu khí, đặc biệt nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật khai thác, do kết quả kinh doanh thường có độ trễ so với biến động giá dầu, có thể sẽ không đạt được hiệu quả kinh doanh tốt như trong quá khứ, ngoại trừ những doanh nghiệp sử dụng đầu vào là sản phẩm đầu ra của các nhà máy hóa phẩm dầu khí.
Tương tự, câu chuyện khó khăn có thể cũng tiếp tục xảy đến với các doanh nghiệp ngành chế biến thủy, hải sản. Trong khi đó, ngành thép, với diễn biến giá phôi thép tăng mạnh, có thể tiếp tục phản ánh sự thay đổi giá này vào lợi nhuận quý 2. Bất động sản, xây dựng – có thể là sự phân hóa mạnh giữa các doanh nghiệp.
Không có một mô tuýp chung cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành, nhưng tháng 7 sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm, lựa chọn những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh khả quan, đột biến. Trong lúc tìm kiếm cơ hội đầu tư từ kết quả kinh doanh, lựa chọn những doanh nghiệp có phương án chia cổ tức cao cũng là một hướng khả thi và… dễ hơn nhiều đối với cộng đồng nhà đầu tư đại chúng.
Theo quy định, doanh nghiệp phải chia cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ khi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, do đó, tháng 7 cũng là thời kỳ cao điểm cho các đợt chốt chia cổ tức lớn. PVT, DVP, PSL… đều đã tăng giá rất ấn tượng, với sự góp mặt của những thông tin liên quan đến tỷ lệ chia cổ tức cao.
Giá xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục gây áp lực lên CPI
Với nhiều chính sách đồng bộ, nửa đầu năm, mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát khá tốt, song 6 tháng còn lại, những áp lực lên CPI vẫn hiện hữu khi giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giáo dục có xu hướng tăng lên.
Kiểm soát tốt
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): 6 tháng đầu năm, CPI có tốc độ tăng bình quân là 1,72%. Mức tăng này cao hơn nhiều so với 0,86% của 6 tháng đầu năm 2015, song vẫn được nhìn nhận là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ của các năm trước.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) phân tích: Thời gian qua, mức tăng CPI được kiềm chế là bởi, 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó, tốc độ tăng CPI năm 2016 đặt ra dưới 5%. Theo đó, các bộ, ngành đã và đang tích cực triển khai thực hiện. Cụ thể, ngành Công Thương phối hợp với những ngành liên quan chỉ đạo các DN thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ tết Nguyên đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Với cách thức điều hành tỷ giá mới, sau 6 tháng, tỷ giá VND/USD trên thị trường thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015 và khá ổn định. Giá vàng trong nước đã tiệm cận và biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế - xã hội. Hiện nay, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới gần 200.000 đồng/lượng.
Đi sâu phân tích cụ thể, bà Thủy cho biết: Mặc dù trong dịp tết Nguyên đán, nhu cầu của các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng nhưng do giá xăng dầu và giá cước vận tải trong các tháng đầu năm giảm, nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. Bằng chứng là, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống 6 tháng đầu năm (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 11 nhóm hàng chính) chỉ tăng 2,03% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 4,03% của năm 2014 hay mức 14,78% của năm 2012.
Ngoài ra, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới những tháng cuối năm 2015 và hai tháng đầu năm 2016 giảm mạnh, nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 4 đợt trong quý I. Tính chung nửa đầu năm, giá xăng dầu bình quân giảm 21,07% so cùng kỳ năm trước và giảm 8,6% so tháng 12-2015, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “Giao thông” trong 6 tháng đầu năm giảm 9,37%, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,85%....
Tiềm ẩn nguy cơ
Về tình hình từ nay tới hết năm, bà Thủy nhìn nhận vẫn có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu... có chiều hướng gia tăng.
Theo bà Đỗ Bích Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá: Giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã có hiệu lực từ ngày 1-3-2016 khiến giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,12%, góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,86% so cùng kỳ năm trước. Văn bản của Bộ Y tế nêu rõ, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được chia ra theo từng đợt vào tháng 8, tháng 10, tháng 11 và tháng 12 tới với sự điều chỉnh lần lượt theo các tỉnh nêu trong công văn. Việc này sẽ gây áp lực đáng kể lên CPI nửa cuối năm.
Đối với dịch vụ giáo dục, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ, thời gian qua, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm Giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 4,47% so cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,22%. Tháng 9 tới, kỳ học đầu tiên của năm học 2016-2017 bắt đầu, lộ trình tăng học phí sẽ được tiếp tục tiến hành nên dự kiến gây tác động nhất định tới CPI nửa cuối năm. “Ngoài giá dịch vụ y tế, giáo dục, từ giữa tháng 3, giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng trở lại. Dự kiến, xu hướng tăng giá xăng dầu này cũng sẽ gây áp lực không nhỏ lên CPI”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề này, bà Thủy bổ sung: Mức tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm chỉ 1,72% là mức an toàn so với mục tiêu kiềm chế CPI dưới 5% đặt ra trong năm nay. Tuy nhiên, những áp lực lên CPI vẫn hiện hữu rõ ràng, nhất là khi không thể lường trước được các yếu tố tác động bên ngoài lên việc tăng giá trong nước. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cũng cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.(HQ)
TP.HCM: Tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Trong văn bản kết luận về buổi làm việc giữa lãnh đạo thành ủy và lãnh đạo UBND thành phố với Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành trên địa bàn phải tích cực rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS)
TP.HCM kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù cho thành phố trong việc xây dựng lại nhà chung cư cũ, hư hỏng nặng. Ảnh; Nguyễn Huế
Theo đó, lãnh đạo UBND TP.HCM cơ bản đồng ý về chủ trương đối với 27/32 ý kiến của HoREA. Tuy nhiên đề nghị HoREA phân loại các ý kiến đề xuất theo thẩm quyền. Trong đó, đối với các ý kiến đề xuất thuộc thẩm quyền, UBND TP.HCM sẽ giải quyết ngay nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời có ý kiến đề xuất, kiến nghị xem xét giải quyết đối với các đề xuất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành trung ương
UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương công bố về các dự án nhà ở, yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thực hiện công khai đối với các dự án bắt buộc công khai.
Đối với khó khăn của các DN trong hạch toán chi phí đối các dự án nhà ở tại quận 2, quận Bình Tân nằm trong chủ trương thí điểm về huy động mức hỗ trợ tài chính, UBND TP.HCM đề nghị Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trình UBND thành phố điều chỉnh để giải quyết khó khăn cho DN.
Đồng thời, giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc rà soát lại quy hoạch các dự án đến thời điểm hiện nay (chiều cao công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, mật độ giao thông...) không để tình trạng dự án treo, dự án quá lâu không thực hiện để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Đồng thời, thực hiện công bố, công khai việc quy hoạch
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường và các DN BĐS, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, báo cáo, đề xuất UBND thành phố về chất lượng các dự án nhà ở và nhà tái định cư trên địa bàn, biện pháp quản lí tránh trường hợp dự án treo, kém chất lượng dẫn đến hệ quả xấu tho thị trường.
Bên cạnh đó giao Sở Xây dựng tham mưu thành lập tổ công tác liên quan đến thị trường BĐS do giám đốc Sở Xây dựng làm tổ trưởng, các sở ngành liên quan làm thành viên; tham mưu cho UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế đặc thù cho thành phố để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hư hỏng và giải tỏa nhà ở trên kênh rạch, tham mưu cho UBND thành phố phân cấp cho quận – huyện trong lĩnh vực xây dựng; Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu dự thảo văn bản cho UBND thành phố giải quyết các kiến nghị của HoREA trong đó nêu rõ vấn đề nào đã được giải quyết, vấn đề nào chưa được giải quyết và đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho DN.
Đối với các sở, ngành liên quan, lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu quan tâm hơn nữa các vấn đề bất hợp lí khi áp dụng các quy định, xác định rõ vấn đề nào cần kiến nghị sửa Luật, sửa Nghị định, sửa Thông tư, sửa quy định của UBND thành phố. Đồng thời từng sở ngành cần cụ thể mục tiêu cải cách hành chính, công khai để người dân và DN hiểu, và loại bỏ những thủ tục không cần thiết.