Quảng Ngãi hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN), nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Vì thế, khi hội nhập kinh tế quốc tế, các DN trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức...
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 15-06-2016
- Cập nhật : 15/06/2016
Nhập nhiều xe sang, Quảng Ninh thu ngân sách tăng vọt
Trong tháng 5, số thu ngân sách ở Hải quan Quảng Ninh tăng 50% so cùng kỳ tháng trước (đạt gần 1.818 tỷ đồng) do tăng lượng thuế từ mặt hàng ô tô nhập khẩu (đa phần là xe hạng sang, trị giá cao, dung tích xilanh lớn) làm thủ tục qua cảng Cái Lân.
Tính đến hết 13-6, Cục Hải quan Quảng Ninh thu ngân sách Nhà nước đạt 6.881,7 tỷ đồng, đạt 57,35% so với dự toán Bộ Tài chính giao (12.000 tỷ đồng).
Riêng trong tháng 5, số thu ngân sách ở đơn vị này tăng 50% so cùng kỳ tháng trước (đạt gần 1.818 tỷ đồng).
Sở dĩ số thu trong tháng 5 tăng mạnh là do tăng lượng thuế từ mặt hàng ô tô nhập khẩu (đa phần là xe hạng sang, trị giá cao, dung tích xilanh lớn) làm thủ tục qua cảng Cái Lân.
Được biết, trong những tháng gần đây, nhu cầu thị trường đối với các dòng xe có dung tích lớn (từ 3.0 trở lên) tăng mạnh do thông tin về thay đổi mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ thay đổi từ đầu tháng 7-2016.
Riêng đối với mặt hàng than xuất khẩu những tháng trước đây không phát sinh làm thủ tục tại Hải quan Quảng Ninh do chính sách hạn chế xuất khẩu than của Chính phủ.
Tuy nhiên, từ ngày 22-4, mặt hàng than cục, than cám chất lượng cao đã được phép xuất khẩu trở lại theo chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, trong tháng 5 tổng số lượng than xuất khẩu qua cảng Cẩm Phả là 103 tấn, tăng 124% so cùng kỳ tháng trước.(HQ)
Hải quan phát hiện 353 vụ vi phạm qua đường hàng không
6 tháng đầu năm 2016, riêng trên tuyến hàng không, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp bắt giữ, xử lý 353 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước trên 14 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến hàng không diễn ra khá đa dạng, với các phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Địa bàn hoạt động của các nhóm đối tượng chủ yếu là khu vực cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh, sân đỗ máy bay, địa điểm làm thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu, kho hàng TCS và địa điểm kiểm tra hàng hóa.
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, mở tở khai theo loại hình quá cảnh để khai báo cho các lô hàng không đúng với thực tế hoặc các lô hàng quá cảnh cần phải có giấy phép chuyên ngành...
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã tập trung chỉ đạo lực lượng kiểm soát triển khai quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Tổng cục Hải quan đã làm tốt công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn; hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động kiểm soát hải quan.
Đồng thời, lực lượng Hải quan đẩy mạnh hiện đại hóa, phục vụ cho công tác đấu tranh chống buôn lậu theo hướng tiếp tục vận hành có hiệu quả Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến kết nối dữ liệu, hình ảnh từ các Chi cục Hải quan cửa khẩu, địa điểm làm thủ tục hải quan, góp phần phòng, chống buôn lậu, chống thất thu ngân sách Nhà nước…
Qua xử lý, lực lượng Hải quan thu giữ 15 khẩu súng quân dụng; 1 khẩu súng săn; 1.000 viên đạn; 1 ống nhòm; 181 món quân trang; 4 dao găm; 2.029 gam heroin; 2,58kg ma túy đá; 3.648 gam cần sa; 1,84 kg cocain; 372,7 kg và 105 khúc ngà voi…
Điển hình là ngày 29-3, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện, bắt giữ 238 kg ngà voi và 248 kg vẩy tê tê từ nước ngoài về Việt Nam qua Sân bay quốc tế Nội Bài.
Trước đó, ngày 4-2, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) kiểm tra lô hàng nhập khẩu được gửi từ Sao Paulo, Braxin, bắt giữ 1,84 kg cocain.
Những tháng cuối năm 2016, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực kiểm soát hải quan; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, chỉ đạo quyết liệt, cảnh báo kịp thời, cũng như hướng dẫn toàn Ngành thực hiện tốt công tác kiểm soát hải quan.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan đôn đốc, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chuyên đề; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng gây mất an ninh an toàn hàng không, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu nhằm chặn đứng các hành vi vi phạm.(HQ)
Xử phạt 4 công ty bán hàng đa cấp
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa mới ban hành quyết định xử phạt 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với tổng số tiền xử phạt là 280 triệu đồng.
Theo đó, phạt tiền Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam 130 triệu đồng về các hành vi: Không làm thủ tục sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận; hoạt động bán hàng đa cấp tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh không có trụ sở chính khi chưa có xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động của Sở Công Thương; thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp.
Ba công ty còn lại là Công ty TNHH Best World Việt Nam, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam, Công ty TNHH MTV Naturally Plus Việt Nam, mỗi công ty bị phạt 50 triệu đồng về hành vi hoạt động bán hàng đa cấp tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh không có trụ sở chính khi chưa có xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động của Sở Công Thương;
Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã triển khai đợt kiểm tra, rà soát hoạt động bán hàng đa cấp tại các tỉnh thành. Hoạt động này được triển khai sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã thu hội nhiều giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp với lỗi chủ yếu là chưa làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận hoạt động với cơ quan có thẩm quyền.
Việc nêu tên các doanh nghiệp phạm lỗi nhằm cảnh báo về hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp này để người dân biết và cảnh giác. Trường hợp phát hiện hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này, đề nghị thông báo với Sở Công Thương, Cơ quan công an địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để có biện pháp xử lý kịp thời.
TP.HCM: Tội phạm vẫn ở mức cao
Ngày 14-6, báo cáo tại hội nghị sơ kết 3 tháng thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa thành phố, Công an TP.HCM cho biết, các vụ phạm pháp hình sự đã được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều thách thức.
Trong 3 tháng (từ 16-2 đến 15-5) trên địa bàn thành phố ghi nhận xảy ra 1.173 vụ pháp pháp hình sự, giảm 86 vụ so với cùng kì năm 2015, làm chết 22 người, bị thương 167 người, tài sản thiệt hại trị giá trên 33 tỷ đồng.
Trong đó, án trộm tài sản chiếm tỉ lệ cao nhất với 622 vụ, chủ yếu vẫn là trộm xe máy 48,07%, , tập trung nhiều tại quận Gò vấp, Thủ Đức, quận 2, quận Bình Thạnh… Đáng chú ý là xảy ra nhiều vụ trộm đột nhập với số tài sản bị chiếm đoạt có giá trị lớn có tính chuyên nghiệp cao. Riêng án trộm xe gắn máy chủ yếu là đối tượng lợi dụng sơ hở của nạn nhân để xe ngoài đường, trước các cửa nhà, cửa hàng không người trông coi…
Tỉ lệ án cướp giật tài sản xảy ra cũng khá cao với 218 vụ, chiếm 18,58%. Hầu hết là cướp giật có phương tiện, phần lớn phát sinh trong số thanh thiếu niên thất nghiệp, nghiện ma túy.
Các băng nhóm tội phạm từ các tỉnh vào thành phố hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giải trí nhạy cảm (vũ trường, quán bar…) tại khu vực trung tâm thành phố và ẩn náu trong các khu dân cư cao cấp hoặc núp bóng doanh nghiệp dịch vụ cầm đồ có chiều hướng co cụm và dịch chuyển sang các địa bàn vùng khác, móc nối với các băng nhóm, đối tượng hình sự tại địa phương để thực hiện các hoạt động đòi nợ thuê, cầm đồ, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc trái phép.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Câu hỏi nhức nhối đặt ra cho chúng ta là tại sao thành phố ra tay trấn áp mạnh mẽ như vậy nhưng tính răn đe còn yếu khiến tỉ lệ gia tăng tội phạm vẫn còn rất cao? Đã có hiện tượng tội phạm di chuyển địa bàn, trốn tránh những nơi bị truy quét, tản ra vùng ngoại ô, đến các tỉnh lân cận hoặc rút vào hoạt động ở nơi hang cùng ngõ hẻm, với các thủ đoạn tinh vi hơn? Trước diễn biến này, các lực lượng Công an TP.HCM đã có giải pháp gì để đối phó?”
Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo, trong thời gian tới, Công an TP.HCM cần nhìn sâu hơn vào gốc rễ của các loại tội phạm dưới khía cạnh kinh tế, xã hội, giáo dục, những bất cập trong quản lý nhà nước để tìm cách hóa giải ngay từ mầm mống. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới thanh thiếu niên, học sinh về ý thức chấp hành luật pháp, tẩy chay tội phạm.
Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp mới trong việc đấu tranh tội phạm. Cụ thể, ngoài việc phối hợp nhiều lực lượng kiểm soát đồng bộ địa bàn, tăng cường vai trò của cảnh sát khu vực, Công an TP HCM sẽ tái lập lực lượngsăn bắt cướp (SBC) huyền thoại (hiện đề án đã trình lên Bộ Công an). Cạnh đó, Công an TP HCM sẽ phối hợp với sở Du lịch, Tư pháp, lực lượng thanh niên xung phong nghiên cứu, đề xuất thành lập lực lượng “bảo vệ du khách” hoạt động bán chuyên trách do công an huấn luyện nghiệp vụ…