Pháp muốn bán nhiều tàu chiến hiện đại cho Việt Nam
Việt Nam, Campuchia nhất trí giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực
Hai lao động Việt tố chủ Trung Quốc bóc lột
Thủ tướng: Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn ADB
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 16-06-2016
- Cập nhật : 16/06/2016
Cẩn trọng với dây điện giả, kém chất lượng
Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm dây điện giả, kém chất lượng làm thiệt hại cho các thương hiệu nổi tiếng, người tiêu dùng và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ.
Dây cáp giả không chỉ làm ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp chân chính mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi sử dụng. (Ảnh: Q.tấn)
Để hiểu rõ về chất lượng loại hàng hóa này, phóng viên đã nhờ anh Thắng – một thợ điện thâm niên trong nghề dẫn đến tìm hiểu tại chợ Giời, chợ Phùng Hưng (Hà Nội). Tại đây, dây điện dân dụng được bày bán đa dạng, với nhiều thương hiệu như Trần Phú, Cadivi, Hatichi, Hayoko… cùng các loại dây điện chuyên dụng dành cho ô tô, dây cáp mạ amiang chống cháy. Tuy nhiên, người tiêu dùng dễ bị hoa mắt trong “ma trận” vì xuất hiện nhiều dây cáp điện với đủ mức giá khác nhau. Lý giải về điều này, anh Thắng cho biết: Mức giá của mỗi loại dây cáp điện có mức chênh lệch nhất định, thứ nhất là do mỗi hãng báo giá sản phẩm của mình một khác. Thứ hai là do mỗi loại dây điện có kích cỡ, khả năng truyền tải điện riêng, dây nhỏ sử dụng cho các thiết bị điện có công xuất thấp giá thành thường rẻ hơn dây cáp lớn. Thứ ba là do người mua, nếu khách hàng mua số lượng nhiều hoặc là khách quen thường xuyên sẽ được chiết khấu từ 3-10%.
Tuy nhiên, giá thành sản phẩm còn phụ thuộc đáng kể vào chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Anh Thắng chia sẻ: “Dây điện có nhiều loại như 2x1,5mm; 2x2,5mm hoặc chia ra thành dây đơn, dây đôi. Mỗi loại dây có thông số, số lượng dây đồng bên trong khác nhau, lo nhất là mua phải dây thiếu. Ví dụ, thông số in trên dây điện có thể là 2x2,5mm thì trong dây có 5 sợi đồng nhưng khi mua phải hàng giả, kém chất lượng thì số sợi chỉ còn 2 làm ảnh hưởng đến khả năng truyền tải của dây, sử dụng quá công suất có thể gây chập, cháy. Người tiêu dùng khi mua rất khó phân biệt, chỉ có thợ điện mang dây về lột vỏ, cuốn sợi thì mới biết. Hoặc có loại dây đủ sợi nhưng làm bằng nhựa gia công, khả năng chịu nhiệt kém dễ làm cháy nổ, hỏng thiết bị điện. Theo đó, khi điện chạy qua 2 sợi dây điện sẽ bị nóng, dây sử dụng nhựa gia công sẽ bị chảy làm 2 sợi tiếp xúc trực tiếp vào nhau gây nên hiện tượng chập, cháy rất nguy hiểm”.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề chất lượng nguồn gốc dây điện hiện nay, ông Nguyễn Trung Trưởng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cadivi cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi đã phát hiện ra hiện tượng giả nhãn mác thương hiệu Cadivi. Cụ thể, nhờ sự giúp đỡ của Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo – Cục Hải quan Quảng Trị, chúng tôi phát hiện ra loại dây cáp sử dụng nhãn mác có rất nhiều sự khác biệt về logo, nội dung, hình ảnh, màu sắc và không có dấu hiệu bảo mật riêng như hàng thật. Đồng thời, trên thị trường xuất hiện một số tên gần giống với Cadivi gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, chúng tôi đã gửi văn bản đến Cục Sở hữu trí tuệ để kiến nghị và chờ kết quả điều tra, xử lý.
Đại diện công ty Cadivi cũng cho biết, dây cáp giả không chỉ làm ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp chân chính mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi sử dụng. Bởi trên thực tế, nếu sử dụng dây, cáp điện giả với chất lượng không đảm bảo có thể dẫn đến chập điện, gây cháy nổ. Các loại dây, cáp điện giả, kém chất lượng thường được chế tạo từ kim loại đồng có nhiều tạp chất, đường kính các sợi nhỏ và thiếu số sợi vì vậy tiết diện của ruột dẫn nhỏ hơn so với quy định làm cho điện trở dây dẫn tăng, gây tổn thất điện. Chưa kể, khả năng chịu cường độ dòng điện kém do tiết diện và điện trở lớn gây quá tải và phát nóng. Mặt khác, phần cách điện được làm bằng nhựa tái chế nên xốp, bở, giòn, dễ gãy nứt khi uốn, lắp đặt. Do vậy, trong quá trình sử dụng hay bị nóng, chập cháy, rò điện gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên thị trường còn có nhiều cơ sở thu mua, bày bán các loại dây điện đã qua sử dụng hoặc một số dây mới nhưng không rõ nguồn gốc. Tại một cửa hàng trên phố hàng Cháo (Hà Nội), chủ một cơ sở kinh doanh tiết lộ: “Dây cáp điện cũ thường là dây hỏng, nứt từ các công trình, nhà ở bán lại cho cửa hàng. Dây này chủ yếu chúng tôi mua để lấy lõi đồng bán theo cân chứ không bán cho khách hàng. Còn những loại dây mới là do thợ điện làm thừa ở các công trình dùng không hết bán lại, dây này chất lượng tốt và bảo đảm”.
Có thể thấy, với thực trạng thị trường dây điện hiện nay, người dân rất khó khăn trong việc phân biệt, mua dây điện đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Với kinh nghiệm của bản thân, anh Thắng cho biết: “Người tiêu dùng nên mua dây điện ở các đại lý phân phối chính hãng, tại đây giá thành sản phẩm đã được niêm yết, báo giá rõ ràng. Nếu mua hàng bán lẻ trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng nên tìm hiểu trước thông tin sản phẩm, quan sát kỹ thông tin trên dây điện vì thông thường dây chính hãng các dòng chữ trên dây sắc nét, không bị mờ như dây giả, kém chất lượng. Ngoài ra, dây giả làm bằng nhựa gia công bên ngoài thước rất bóng, dây thật sẽ có độ “lì”, liên kết giữa sợ đồng và nhựa chắc chắn”. Anh Thắng cũng khẳng định: “Thợ điện chúng tôi ít khi quan tâm đến tem chống hàng giả, chủ yếu mua theo kinh nghiệm bản thân vì sản phẩm có tem chưa chắc đã là hàng tốt”.
14 doanh nghiệp bị kiện vì xả thải làm cá chết hàng loạt
Ngày 15-6, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chánh án TAND TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tòa này đã nhận đơn, hồ sơ của 33 hộ dân kiện 14 doanh nghiệp xả thải khiến hàng chục cá nuôi lồng bè chết hàng loạt hồi tháng 9-2015.
Tòa đã ra thông báo thụ lý vụ án, dự kiến ngày 22-6 tới đây sẽ tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật. Tòa cũng phân công 1 vị Phó chánh án chuyên trách phụ trách vụ án.
Có hơn 20 luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh tham gia bào chữa cho bà con ngư dân.
Trước đó, tháng 9-2015, hàng chục tấn cá của bà con ngư dân Long Sơn nuôi tại bè trên sông Chà Và chết bốn đợt. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo các ngành chức năng điều tra nguyên nhân vụ việc, đồng thời thống kê thiệt hại của các hộ dân.
Kết quả điều tra, xác định nguyên nhân cá bè chết hàng loạt là do nước sông Chà Và ô nhiễm nặng. Nguyên nhân ô nhiễm là do các nhà máy chế biến hải sản ở xã Tân Hải xả thải ra sông.
Cơ quan chức năng xác định 76% nguyên nhân khiến cá chết là do doanh nghiệp xả thải nên, buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân gần 14 tỉ đồng.
210 tỷ đồng hỗ trợ DN tham gia chuỗi sản xuất nông, lâm, thủy sản
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa ban hành các chương trình hỗ trợ tài chính đối với DNNVV với hạn mức 210 tỷ đồng.
Ba ngân hàng gồm: Vietcombank, BIDV và HDBank được triển khai hoạt động ủy thác từ quỹ này để giải ngân nguồn vốn cho các DNNVV thuộc các ngành nghề: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; đầu tư dự án phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, doanh nghiệp vay vốn theo chương trình này sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi trung dài hạn 7%/năm từ nguồn vốn của quỹ này thông qua phương thức nhận vốn bồi hoàn hoặc nhận vốn trực tiếp.
Theo đó, hạn mức cho chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm và thủy sản là 210 tỷ đồng. Đối tượng được hỗ trợ là DNNVV hoạt động trên thời gian 3 năm kể từ thời điểm đăng ký kinh doanh, đáp ứng được các tiêu chí bắt buộc quy định tại Điều 6, Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT ngày 28-10-2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Danh mục lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ và tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ Phát triển DNNVV; có dự án/phương án sản xuất - kinh doanh vay vốn để thực hiện đầu tư cơ bản phục vụ sản xuất.
Thực phẩm an toàn vẫn khó đến tay người tiêu dùng
Nhiều doanh nghiệp hiện đang “nản” với sản xuất thực phẩm an toàn do người tiêu dùng hiện còn hồ nghi về tiêu chuẩn an toàn của doanh nghiệp. Đó là thừa nhận của bà Nguyễn Thị Hồng Minh-Trưởng ban Vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (FTA) tại Hội thảo chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn minh bạch tổ chức ngày 15-6.
Thực phẩm không an toàn đang trở thành mối nguy hiểm với sức khỏe con người. Ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh đang là câu hỏi và nỗi lo lắng thường xuyên của tất cả mọi người dân.
Tại Hội thảo, ông Trần Thành Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, hiện tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và chất bảo quản trong chế biến thực phẩm đang rất phổ biến.
Trước yêu cầu lớn về thực phẩm an toàn, trên kệ hàng của các cửa hàng tiện ích và các siêu thị xuất hiện những sản phẩm có gắn nhãn sạch, nhãn VietGap. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm đang cố gắng đầu tư mở rộng chuỗi phân phối, các cửa hàng bán lẻ, tuy nhiên những doanh nghiệp này quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thế nào vẫn là một ẩn số.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh rằng, hiện người tiêu dùng vẫn rất hoang mang về các nhãn hàng này, khi có không ít thông tin trên báo chí và mạng xã hội về việc hình thức, đối phó trong thực hiện cũng như việc cấp chứng nhận VietGap.
Việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap vất vả, tốn kém hơn so với rau thường, vậy nên giá thường đắt hơn 30% so với chợ dân sinh, đắt gấp đôi so với rau ở chợ. Nhưng khi đem ra chợ bán thì rất ít người mua, vì nhiều người chê đắt và băn khoăn không biết rau có thực sự an toàn không. “Do vậy doanh nghiệp hiện cũng “nản” không muốn thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn vì chi phí lớn mà chưa tạo được lòng tin trong nhân dân”, bà Minh nói.
Do vậy Trưởng ban Vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch khẳng định sáng kiến xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn minh bạch nhằm mục tiêu đem tới thực phẩm an toàn cho sức khỏe là yêu cầu của thực tế cuộc sống và hiện đang là yêu cầu bức xúc của người tiêu dùng.
Tuy nhiên minh bạch trong sản xuất thực phẩm vừa liên quan đến vấn đề đạo đức, sự chính trực nhưng nội dung của nó lại liên quan trực tiếp đến các vấn đề kiến thức, kỹ thuật, khoa học.
Được biết theo số liệu thống kê của Bộ Y Tế, năm 2015 tổng số đạt trên 500.000 cơ sở được thanh kiểm tra, trên toàn quốc hoạt động xử phạt hành chính trên 30 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2016, con số cơ sở được thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm là khoảng 200.000 cơ sở, với số tiền xử phạt 19 tỷ đồng.