Hơn 2.500 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu
BIDV triển khai gói 2000 tỷ đồng cho vay ưu đãi mua ô tô
SCB hợp tác chiến lược với Công ty Simple SolutionS
Hà Nội: Cho phép thành lập Trường THCS và THPT TH School
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 16-06-2016
- Cập nhật : 16/06/2016
TPHCM sẽ phê duyệt đề xuất phát triển công viên cảng Bạch Đằng
Sau khi được thông qua, TCT Du lịch Sài Gòn sẽ bàn giao toàn bộ tài sản, nhân sự liên quan đến hoạt động của khu công viên cảng Bạch Đằng.
Ủy ban nhân dân TPHCM vừa chỉ đạo UBND quận khẩn trương hoàn chỉnh đề án quản lý công viên cảng Bạch Đằng.
Văn phòng UBND TP cho biết, sau khi đề án được UBND TP thông qua, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài sản, vật kiến trúc, nhân sự liên quan đến hoạt động của khu công viên cảng Bạch Đằng cho UBND quận 1 tiếp nhận, quản lý.
Trên cơ sở quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao đề xuất và báo cáo UBND TP về các địa điểm tàu du lịch, tàu khách cập cảng (đón và trả khách) và neo đậu.
Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu Sở Du lịch sớm hoàn chỉnh Đề án phát triển Du lịch đường thủy của TP nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trên sông. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND quận 1 và các sở-ngành liên quan mời gọi, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào công viên cảng Bạch Đằng.
Được biết mới đây, TPHCM đã kêu gọi tham gia đầu tư dự án quy hoạch khai thác phát triển Khu công viên cảng Bạch Đằng theo hình thức xã hội hóa (đoạn từ công viên phía trước Bảo tàng Tôn Đức Thắng đến trước đường Hàm Nghi).
Theo đó, một doanh nghiệp sẽ nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và đầu tư dự án trên diện tích 17,08 ha (hơn 7 ha mặt đất công viên và diện tích mặt nước khoảng 10 ha). Dự án bao gồm các chức năng như: công viên, trung tâm thương mại ngầm, bãi đậu xe ngầm, hệ thống giao thông kết nối với bến tàu, bến du lịch khu vực sông Sài Gòn… Đơn vị này đề xuất tự bỏ kinh phí nghiên cứu lập báo cáo và dự án đầu tư.
Lãnh đạo TPHCM từng khẳng định khu vực này sẽ được quy hoạch đầu tư nâng cấp, chỉnh trang để trở thành khu vực vui chơi, giải trí cho người dân và phục vụ du lịch. Theo VnExpress, quy hoạch tại đây phải được thiết kế hài hòa, đối xứng với quảng trường trung tâm (thuộc khu đô thị Thủ Thiêm) bên bờ đông sông Sài Gòn và hài hòa với các công trình, cảnh quan trong khu vực trục đường Nguyễn Huệ với điểm nhấn là tượng đài Bác Hồ.
Đến 31/5, VAMC đã thu hồi được 31.000 tỷ đồng
Tại Hội nghị Sơ kết một năm thực hiện “Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương (NCTW) với Ban Cán sự Đảng NHNN cuối tuần qua, ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã chia sẻ một một số thông tin liên quan tới tình hình xử lý nợ xấu (XLNX).
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, sau 3 năm VAMC đi vào hoạt động, tính đến 31/5/2016 công ty đã mua được 24.900 khoản nợ với số dư nợ gốc là 247.000 tỷ đồng, dư nợ giá mua là 212.000 tỷ đồng.
Cũng tính đến 31/5, các TCTD phối hợp VAMC đã thu hồi nợ được 31.000 tỷ đồng. Từ khi bán nợ cho VAMC đến nay các TCTD đã trích dự phòng rủi ro khoảng 20.000 tỷ đồng. Như vậy, kể từ năm 2013 đến nay, đã có 50.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý qua việc thu hồi nợ và các TCTD trích lập dự phòng rủi ro. Với số trái phiếu đặc biệt mà VAMC phát hành so với dư nợ giá mua là 212.000 tỷ đồng thì hiện còn khoảng 160.000 tỷ đồng nợ xấu phải xử lý.
Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, về bản chất TCTD trích lập dự phòng rủi ro thì vẫn còn nguyên tài sản đảm bảo, do đó, việc thu hồi nợ được 31.000 tỷ đồng, thể hiện sự cố gắng của bản thân TCTD, sự hỗ trợ tích cực của VAMC và các cơ quan thi hành án, các địa phương.
Theo kế hoạch năm 2016, VAMC đưa ra mục tiêu thu hồi nợ khoảng 30.000 tỷ đồng từ bán tài sản đảm bảo, bán nợ và VAMC đang nỗ lực thực hiện. Song ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mặc dù được Chính phủ, các cấp, ngành ủng hộ, nhưng khó khăn hiện nay trong XLNX vẫn là vấn đề thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo, mua bán nợ theo giá thị trường.
“Tài sản ngày hôm nay giá một đồng, nhưng ba năm sau giá đã khác, do đó, muốn xử lý nhanh nợ xấu cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý” - ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị.
Tháng 5 nhập siêu gần 180 triệu USD, 5 tháng xuất siêu gần 1,64 tỷ USD
Cụ thể, trong tháng 5 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 14,37 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng trước; lũy kế 5 tháng đạt hơn 67,44 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2015.
Trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước tháng 5 đạt gần 14,55 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng trước; lũy kế 5 tháng đạt gần 65,81 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, trong tháng 5 nền kinh tế chỉ nhập siêu gần 180 triệu USD, thấp hơn nhiều co số ước tính của Tổng cục Thống kê là nhập siêu 400 triệu USD. Nhờ đó tính chung 5 tháng đầu năm, nền kinh tế xuất siêu tới gần 1,64 tỷ USD, cao hơn con số ước tính của Tổng cục Thống kê là 1,36 tỷ USD.
Xét riêng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI), trong tháng 5 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khối này đạt 9,96 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng trước; lũy kế 5 tháng đạt hơn 47,13 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 5 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của khối này đạt gần 8,27 tỷ USD, tăng 2,1% so với tháng trước; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt gần 38,80 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ.
Như vậy trong tháng 5 khối DN FDI tiếp tục xuất siêu 1,69 tỷ USD; lũy kế 5 tháng xuất siêu gần 8,34 tỷ USD. Điều đó có nghĩa khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới gần 9,98 tỷ USD.
Rumani tăng cường hợp tác thương mại với Việt Nam
Nằm trong kỳ họp Liên Chính phủ Việt Nam – Rumani 2016 (diễn ra ngày 16/6/2016 tại Hà Nôi), sáng nay một đoàn doanh nghiệp Rumani đã đến TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu môi trường kinh doanh, hợp tác thương mại và kêu gọi đầu tư vào Rumani.
Theo ông Vlad Vasiliu, Quốc Vụ khanh Chính phủ Rumani, doanh nghiệp Rumani có thế mạnh trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, điện tử, kỹ thuật điện, viễn thông và công nghệ thông tin… đang tìm kiếm đối tác thương mại cùng lĩnh vực để mở rộng thị trường và kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, Rumani là thành viên lớn thứ 7 trong Liên minh Châu Âu, mức sống người dân cao tương đương Đức và Anh. Để kêu gọi đầu tư, Rumani có hạ tầng cơ sở tốt, internet phát triển nhanh, lực lượng lao động có tay nghề, có trình độ công nghệ thông tin tốt. Ngoài ra, chi phí nhân công, nhiên liệu (điện, xăng dầu, gas…), mức thuế Chính phủ dành cho doanh nghiệp hợp lý… nhiều hơn các nước Châu Âu.
Dự kiến trong thời gian tới Bộ Kinh tế Thương mại Rumani sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam để mở một trung tâm kết nối doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại.
Hà Nội đã chốt phương án thiết kế cầu đường sắt vượt sông Hồng
Vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng (Yên Viên - Ngọc Hồi) cách cầu Long Biên về phía thượng lưu 75 m
Cụ thể, thành phố Hà Nội thống nhất phương án kiến trúc 3 (phương án dầm - vòm thép kết hợp) được Bộ GTVT kiến nghị chọn. Các thiết kế phải đảm bảo kết cấu dầm, vòm dạng thanh thoát, nhẹ nhàng, chiều cao thấp để hạn chế che chắn tầm nhìn từ phía thượng lưu đối với cầu Long Biên hiện có.
Định vị mố, trụ cầu đảm bảo tương thích đồng nhất với cầu Long Biên; Chiều cao thông thủy đảm bảo tĩnh không thông thuyền theo quy định đối với sông Hồng và phù hơp với quy hoạch các cầu qua sông (phía thượng lưu là các cầu Thăng Long, Nhật Tân, phía hạ lưu là cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì) để đảm bảo khai thác hiệu quả vận tải thủy. Nghiên cứu các giải pháp về màu sắc, vật liệu, chiếu sáng trang trí cầu.
Về thiết kế kiến trúc cầu cạn đường dẫn 2 đầu cầu, cần nghiên cứu áp dụng kết cấu công nghệ hiện đại, thanh mảnh nhẹ nhàng, hạn chế tối đa chiều cao dầm cầu cạn. Thành phố Hà Nội đặc biệt yêu cầu bổ sung nghiên cứu giải pháp chống ồn khi thi công cầu qua Khu phố cổ đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng đến khu vực dân cư dọc hai bên tuyến.
Ngoài ra, để phương án trở nên tối ưu, thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo sự hài hòa, phù hợp về kiến trúc với cảnh quan của sông Hồng và khu vực phố cổ; đặc biệt là sự hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của cầu Long Biên và các công trình hiện có với thiết kế hiện đại của cây cầu mới.
Cầu đường sắt vượt sông Hồng là công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên địa bàn Thành phố, thuộc tuyến đường sắt Quốc gia và đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1). Vị trí cầu cách cầu Long Biên hiện có 75m về phía thượng lưu đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tại công văn số 100/TTg-KTN ngày 09/11/2015, hiện đã được cập nhật thống nhất vào đồ án Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016.