tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 01-06-2016

  • Cập nhật : 01/06/2016

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đến năm 2030.

Theo đó, Khu CNC Hòa Lạc được bố trí ở hai phía của Đại lộ Thăng Long trên địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai và các xã Tân Xã, Hạ Bằng, Thạch Hòa, Bình Yên, Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội với diện tích khoảng 1.586 ha.

Khu CNC Hòa Lạc là trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp Quốc gia; là nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.

phoi canh khu cong nghe cao hoa lac

Phối cảnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Trọng tâm phát triển của Khu CNC Hòa Lạc là các ngành công nghệ cao như: Công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử, sinh học, cơ điện từ, chế tạo máy, vật liệu mới, năng lượng mới... và danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Trong đó, khu Giáo dục và đào tạo có diện tích 123,53 ha là nơi tập trung các trường đại học, các cơ sở đào tạo, dạy nghề, là nơi cung cấp đội ngũ nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao.

Khu Nghiên cứu và triển khai có diện tích 263,15 ha, là nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu phát triển, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời là nơi đào tạo và thu hút các chuyên gia trong các ngành công nghệ cao và những người có trình độ cao làm công tác nghiên cứu và ứng dụng. Khu Nghiên cứu và triển khai sẽ là cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn, nơi ươm mầm các phát minh.

Khu Phần mềm có diện tích 55,93 ha là nơi tập trung các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phần mềm, cung cấp các dịch vụ sản xuất kinh doanh liên quan đến công nghệ thông tin.

Ngoài ra Khu CNC Hòa Lạc còn có khu Công nghiệp công nghệ cao; khu Trung tâm, khu Hỗn hợp, khu Nhà ở, khu Giải trí và thể dục thể thao.

Được biết, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt năm 2010, có tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD, trong đó, 400 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Dự án xây dựng Khu CNC Hòa Lạc được đầu tư liên tục đến năm 2030. Trong đó, khuyến khích xã hội hóa các dự án: Xây dựng nhà ở cho người lao động, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các công trình công cộng và cung cấp dịch vụ công; ưu tiên các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.


Điều chỉnh quy hoạch KCN tỉnh Long An

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Long An đến năm 2020.

khu cong nghep vinh loc 2, ben luc, long an

Khu công nghệp Vĩnh Lộc 2, Bên Lức, Long An

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa KCN An Nhựt Tân 2 quy mô 162 ha tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ ra khỏi Quy hoạch và bổ sung KCN Quốc tế Trường Hải tại Ấp 1, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ với diện tích 162ha thay thế KCN An Nhựt Tân 2 vào Quy hoạch.

Các KCN khác nằm trong quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh Long An được phê duyệt tại Công văn số 463/TTg-KTN ngày 28/3/2013 không thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Long An thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Long An cho phù hợp theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Long An tổ chức thực hiện quy hoạch đã được duyệt; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết; thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và thành lập KCN theo quy định; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường tại các KCN.

Triển khai xây dựng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các KCN theo quy định để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.

Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, lũy kế kể từ khi thành lập KCN đến hết ngày 30/4/2016, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 1.118 dự án còn hiệu lực, thuê lại 1.662,50ha đất và 911.762 m2nhà xưởng. Trong đó có 446  dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 2.940,775 triệu USD; 672 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là 47.416,013 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/4/2016, tỷ lệ lấp đầy của 16 KCN đã đi vào hoạt động là 59,34%.


Xây dựng Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển quốc gia

Đó là một trong những mục tiêu cụ thể nằm trong nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu quy hoạch nằm trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên 6050 km2. Gồm 11 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện); phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Đông giáp biển Đông và phía Tây giáp tỉnh Gia Lai.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Quy hoạch nhằm mục tiêu xây dựng mô hình không gian tỉnh Bình Định phát triển linh hoạt và hiệu quả. Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn theo hướng bền vững, giữ gìn sinh thái môi trường và phù hợp với xu thế hội nhập, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật diện rộng, các công trình đầu mối kỹ thuật kết nối đồng bộ với hệ thống đô thị, các khu động lực kinh tế và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia.

Đồng thời, xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển tạo sức lan toả đến hệ thống đô thị toàn tỉnh Bình Định và vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Phát triển khu kinh tế Nhơn Hội làm động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội.

Việc quy hoạch nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về nhân văn, sinh thái, cảnh quan để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với bảo vệ môi trường; Là cơ sở pháp lý triển khai quy hoạch xây dựng đô thị và các khu chức năng đặc thù; lập chương trình kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Bình Định.

Về tính chất, tỉnh Bình Định là vùng kinh tế tổng hợp thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có các ngành kinh tế chủ đạo là các ngành kinh tế biển, công nghiệp lọc hóa dầu, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao; Là trung tâm công nghiệp năng lượng sạch; văn hóa, du lịch biển, du lịch văn hóa và sinh thái cảnh quan, thương mại - dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. 

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định sẽ là đầu mối giao lưu kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan ra biển Đông; Là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Cụ thể, theo nhiệm vụ quy hoạch, về dân số, dự kiến đến năm 2025, dân số toàn tỉnh khoảng 155 - 160 vạn người; Dân số thành thị khoảng 60 - 65 vạn người; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 38 - 40%. Dự kiến đến năm 2035, dân số toàn tỉnh khoảng 165 - 170 vạn người; Dân số thành thị khoảng 80 - 85 vạn người; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45 - 50%.

Về đất đai, dự kiến đến năm 2025 đất xây dựng đô thị khoảng: 10.000 - 1 L700.ha. Dự kiến đến năm 2035 đất xây dựng đô thị khoảng 13.000 - 16.500 ha.

Về định hướng phát triển không gian vùng tỉnh, nhiệm vụ quy hoạch nêu rõ xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn phải phù hợp với chiến lược biển Việt Nam, hành lang kinh tế Đông Tây, định hướng phát triển đô thị toàn quốc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và sự hình thành khu kinh tế Nhơn Hội.

Bên cạnh đó, đề xuất khung phát triển vùng, phân bố các vùng kinh tế động lực đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh về điều kiện tự nhiên và hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật chính; đảm bảo mối liên kết đô thị - nông thôn. Hình thành các khu trọng điểm về công nghiệp, du lịch, vùng sinh thái nông nghiệp, vùng bảo vệ cảnh quan tự nhiên đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, đề xuất tổ chức không gian hệ thống đô thị, phân cấp loại đô thị, lựa chọn hình thái, cấu trúc, tính chất, chức năng và quy mô các đô thị. Xác định vai trò và các nguyên tắc phát triển thành phố Quy Nhom, đô thị động lực tiểu vùng ven biển, tiểu vùng trung du miền núi phía Tây; các đô thị chuyên ngành gắn với vùng công nghiệp, du lịch sinh thái, các hành lang đô thị hoá mật độ cao.

Cùng với đó, xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng kinh tế trọng điểm của vùng và quốc gia, về các lĩnh vực: Đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, dịch vụ thương mại và du lịch, phát triển nhà ở và dịch vụ đô thị..., xác định các chức năng hỗ trợ phát triển tại khu vực phụ cận thành phố Quy Nhơn.

Với khu dân cư nông thôn, xác định mô hình cấu trúc cư trú nông thôn gắn với các vùng sản xuất theo hướng tập trung áp dụng công nghiệp cao. Nghiên cứu mô hình cư trú nông thôn vùng ngập lũ tại hạ lưu các sông Côn, sông Hà Thanh; khu vực xung quanh đầm Thị Nại... Tạo lập động lực phát triển một số khu dân cư nông thôn tập trung theo hướng hình thành đô thị loại V; kết nối với các đô thị đã có, hệ thống hạ tầng vùng tỉnh, các khu vực công nghiệp, du lịch, thương mại tập trung...


Hiệp định EVFTA tạo cú hích thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU

Ngày 31/5, Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA): Cơ hội đối với doanh nghiệp” do Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Dự án Hỗ trợ thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) đã diễn ra tại Hà Nội.

Trong hơn một thập kỷ qua, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU đã có bước phát triển vượt bậc. Giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng gần 7 lần, từ khoảng 6,3 tỷ USD năm 2003 lên 41,2 tỷ USD năm 2015, đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD. Điểm quan trọng trong cơ cấu xuất nhập khẩu của hai bên chính là tính bổ trợ nhiều hơn là cạnh tranh trực tiếp.

Đặc biệt, EU còn là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với 1.809 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và chiếm 8% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam.

Hiện EU là thị trương tương đối đồng nhất đòi hỏi cao hơn thị trường khác về chất lượng từ trung bình trở lên. Do đó, muốn xâm nhập thị trường EU luôn phải đảm bảo chất lượng trong thời gian dài.

Ngoài ra, người tiêu dùng EU luôn quan tâm đến môi trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, nên doanh nghiệp cần lưu ý để xuất khẩu sang EU mới có tốc độ tăng trưởng tốt hơn. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần trực tiếp tiếp cận hệ thống phân phối, tiếp cận khách hàng cũng như lắng nghe phản hồi sản phẩm để có điều kiện cải thiện sản phẩm giúp đẩy mạnh xuất khẩu.

Giới thiệu về EVFTA dưới góc nhìn từ EU, ông Mauro Petricione, Phó tổng Vụ trưởng, Tổng Vụ Thương mại, Ủy ban châu Âu, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định EVFTA của EU chia sẻ, việc Việt Nam và EU kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA vào tháng 12/2015 vừa qua là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư.

Hiệp định còn được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ và đầu tư giữa hai bên. Bên cạnh đó, với tính bổ sung mạnh mẽ trong cơ cấu xuất nhập khẩu, Việt Nam và EU cũng mong muốn sẽ mang lại tác động tích cực cho cả hai bên, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giúp ổn định an sinh xã hội… tại mỗi bên.

Do vậy, để hiện thực hóa lợi ích của Hiệp định này, Việt Nam và EU thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018. 

Tại Hội thảo, Bộ Công thương và Dự án EU-Mutrap đã công bố cuốn sổ tay về Hiệp định EVFTA, giới thiệu những nội dung chi tiết của Hiệp định tới các doanh nghiệp, để doanh nghiệp Việt Nam sớm chủ động chuẩn bị nhằm khai thác hiệu quả nhất các cơ hội kinh doanh, đầu tư ngay khi Hiệp định có hiệu lực.


Phạt tới 4 triệu đồng đối với DN không đủ điều kiện vẫn đặt in hóa đơn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo đó Nghị định 49/2016/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa đơn.

Theo đó, Nghị định 49 đã giảm mức xử phạt đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản xuống còn từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng.

Tuy nhiên bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, DN không đủ điều kiện đặt in hóa đơn, trừ trường hợp cơ quan thuế không có ý kiến bằng văn bản khi nhận được đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in của tổ chức, DN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Mức phạt đối với hành vi này là từ 2 -4 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định 49/2016/NĐ-CP bổ sung quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nộp thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp và hành vi nộp bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan thuế nơi chuyển đến khi doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm sau 10 ngày kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới; sử dụng hóa đơn đã được Thông báo phát hành với cơ quan thuế nhưng chưa đến thời hạn sử dụng (5 ngày kể từ ngày gửi Thông báo phát hành).

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn hoặc hóa đơn đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ; trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền.

Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng), người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hợp đồng, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa và có một tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo.

Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn, trừ liên giao cho khách hàng, trong thời gian lưu trữ thì xử phạt theo pháp luật về kế toán.

Trường hợp người bán tìm lại được hóa đơn đã mất (liên giao cho khách hàng) khi cơ quan thuế chưa ban hành quyết định xử phạt thì người bán không bị phạt tiền.

Nghị định có hiệu lực từ 1/8/2016.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục