Theo chuyên gia, hồ điều tiết ngầm chỉ giải quyết được ngập cục bộ ở khu vực hẹp, lượng mưa nhỏ.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 31-05-2016
- Cập nhật : 31/05/2016
Việt - Nhật sẽ phối hợp chặt chẽ triển khai dự án phát triển cơ sở hạ tầng châu Á trị giá 110 tỷ USD
Thưa Ngài Thủ tướng Shinzo Abe,
Thưa Quý vị và các bạn,
Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình mà Ngài Thủ tướng Shinzo Abe đã dành cho tôi và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam.
Xin chúc mừng Ngài Thủ tướng và Chính phủ Nhật Bản đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng. Những kết quả đạt được tại các Hội nghị G7 có ý nghĩa thiết thực đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tôi đánh giá cao những sáng kiến của Ngài Thủ tướng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 về ổn định tình hình Trung Đông, cải thiện điều kiện y tế và nâng cao vai trò của phụ nữ.
Tôi và Ngài Thủ tướng vừa có cuộc hội đàm rất thành công, đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Tôi xin thông báo với các Bạn một số điểm chính sau:
Một là, hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, đối thoại ở các cấp, đặc biệt là cấp cao. Việt Nam tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam.
Hai là, hai bên đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế và nhất trí một số nội dung hợp tác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không mà chúng ta vừa chứng kiến việc trao đổi các văn kiện ký kết.
Tôi đánh giá cao việc Ngài Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định tiếp tục cung cấp ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD nhằm Phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại Châu Á và triển khai Sáng kiến kết nối Mê Công - Nhật Bản. Chúng tôi cũng khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; nhất trí tăng cường hợp tác vềđầu tư, thương mại, tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, y tế, khắc phục hậu quả chiến tranh và hợp tác giữa địa phương hai nước...
Tại hội đàm, chúng tôi đã đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có nguồn vốn IDA ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB) và có lộ trình phù hợp sau năm 2017.
Ba là, tôi trân trọng cám ơn Ngài Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trị giá 300 triệu Yên để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra trầm trọng tại Việt Nam cũng như cam kết về việc Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp lâu dài và hỗ trợ ODA cho Việt Nam để ứng phó với tình trạng này.
Bốn là, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới.
Chúng tôi cùng chia sẻ quan ngại của ASEAN và cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hoạt động tôn tạo, xây đảo quy mô lớn, nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, các bên liên quan không có những hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông, thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC.
Phú Yên ban hành chương trình hành động hỗ trợ Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô
Trước đó, tỉnh Phú Yên đã bàn giao 134 ha để chủ đầu tư triển khai khu vực cảng nước sâu Bãi Gốc. Bên cạnh đó, với khu vực xây dựng nhà máy trên diện tích hơn 400 ha, dự kiến các ban ngành chức năng của tỉnh Phú Yên sẽ hoàn thành bồi thường và giải phóng mặt bằng trong quý II/2016 để bàn giao cho nhà đầu tư.
Kể từ khi động thổ dự án (tháng 9/2014), đến nay, tỉnh Phú Yên và chủ đầu tư đã cơ bản hoàn tất việc đo đạc địa chính, khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn toàn bộ dự án. Xây dựng giai đoạn 1 bãi thải vật liệu; thỏa thuận thông số quy hoạch khu vực nhà máy, cảng biễn Bãi Gốc và bãi thải vật liệu; khảo sát lựa chọn các mỏ vật liệu phục vụ cho việc thi công xây dựng, ứng kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn; hoàn thiện thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED)…
Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (VRP) là Dự án tổ hợp lọc hóa dầu được đặt tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên với tổng giá trị 4 tỷ đôla Mỹ, bao gồm có Nhà máy lọc dầu, Tổ hợp hóa dầu và Cảng biển. Đây là dự án được đầu tư toàn bộ bởi các nhà đầu tư nước ngoài, quản lý dự án là nhóm các chuyên gia nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dầu khí.
Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô với công suất 8 triệu tấn/năm có đủ tiềm năng để đáp ứng được nhu cầu thị trường năng lượng của Việt Nam trong tương lai.
Để hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án, theo ông Huỳnh Tấn Việt, Phú Yên sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng để đến năm 2020, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bao gồm đường giao thông chính đối nội và đối ngoại, cảng biển, cấp điện, nước và hạ tầng thiết yếu khác, nhất là hạ tầng ngoài hàng rào, hạ tầng dùng chung của nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, tăng cường công tác thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả Khu kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Yên.
Phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô khởi công trong năm 2016 và đưa Nhà máy vào hoạt động cuối nhiệm kỳ, góp phần tạo thế và lực mới cho tỉnh trong thời gian tới, góp phần thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI
Hoàn thành việc chuyển đổi Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô thành Công ty CP để thu hút nhà đầu tư chiến lược nâng cấp cảng Vũng Rô theo quy hoạch được duyệt (mở rộng cầu cảng tiếp nhận tàu đến 5.000 DWT, khu hậu phương, năng lực xếp dỡ hàng hóa lên 1 triệu tấn/năm.(BĐT)
Bộ Tài chính bác đề xuất thành lập Quỹ bảo đảm an toàn cho dự án BOT
Trạm thu phí Sông Phan hoàn vốn cho Dự án BOT QL1 Đồng Nai - Phan Thiết đã thu trở lại sau gần 1 tuần bị dừng do chất lượng mặt đường kém
Trước đó, vào đầu tháng 1/2016, trong Báo cáo gửi Thủ tướng về việc quản lý nhà nước các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện theo hình thức BOT trong thời gian vừa qua, Bộ KH &ĐT đề nghị nghiên cứu thành lập Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn đầu tư, nguồn thu của Quỹ được trích từ phí sử dụng đường bộ để thanh toán cho nhà đầu tư và nguồn vay của những dự án BOT mà Nhà nước cần mua lại hoặc không có khả năng hoàn vốn
Tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, các dự án đường bộ được lựa chọn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT phải đảm bảo phương án thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trường hợp dự án không có khả năng thu hồi vốn Nhà nước sẽ xem xét sử dụng vốn ngân sách để hỗ trợ bảo đảm phương án tài chính. Đồng thời, pháp luật chưa quy định bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư. Vì vậy, khi đề xuất thực hiện dự án giao thông đường bộ theo hình thức BOTdoanh nghiệp phải nghiên cứu cẩn trọng phương án thu hồi vốn và chịu rủi ro về doanh thu.
Cơ quan quản lý ngân sách lưu ý, đến nay Nghị định 15 về dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới chỉ quy định về trưng mua trưng dụng tài sản công trình PPP vì lý do quốc phòng an ninh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai thì Nhà nước sẽ bồi thường, thanh toán theo các quy định về trưng dụng tài sản và theo điều kiện hợp đồng chứ không quy định việc mua lại dự án BOT trong điều kiện không đảm bảo thu hồi vốn.
Về cơ chế hình thành quỹ mà Bộ KH & ĐT đề xuất, dẫn quy định tại Luật phí và lệ phí (sẽ có hiệu lực từ 1.1.2017), Bộ Tài chính lập luận, việc trích quỹ từ nguồn thu phí của tất cả các dự án BOT sau đó lại chi trả đảm bảo an toàn vốn của một số dự án BOT khác trong khi không tham gia lưu thông là “không hợp lý, không đúng nguyên tắc tính giá” (không phản ánh đúng chi phí sản xuất của từng hàng hóa, dịch vụ), sẽ gây kéo dài thu phí của các trạm phí, gây khó khăn cho hoàn vốn của dự án.
Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính khẳng định kiến nghị lập quỹ của Bộ KH – ĐT là thiếu cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn. Do đó, cơ quan quản lý ngân sách đề nghị Thủ tướng không nghiên cứu thành lập quỹ.
Theo ông Mai Thế Vinh, Trung tâm Chính sách giao thông PPP thuộc Đại học George Mason (Hoa Kỳ), có nhiều tấm gương về sự thất bại trong quá trình kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức BOT, PPP trên thế giới mà trường hợp Mehico là ví dụ điển hình.
Cụ thể, chỉ trong vòng 5 năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, 52 dự án đường bộ đã được quốc gia Trung Mỹ này trao cho các nhà đầu tư với tổng số vốn lên tới 13 tỷ USD. Cấu trúc phổ biến tại các dự án PPP ở Mehico trong giai đoạn này là 50% vốn vay ngắn hạn với lãi suất thả nổi từ các ngân hàng thương mại cổ phần (nhà nước chi phối); 29% đến từ các hình thức hỗ trợ khác nhau từ Nhà nước và 31% vốn tự có của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư được lựa chọn không có nhiều kinh nghiệm về quản trị rủi ro, thiếu ý thức kiểm soát chi phí do xuất thân từ các nhà thầu xây lắp; một số dự án có tính khả thi tài chính thấp; các ngân hàng thẩm định sơ sài năng lực tài chính của nhà đầu tư và hiệu quả tài chính, trong đó có một số khoản vay đến từ áp lực chính trị; dự báo tăng trưởng lưu lượng phương tiện lạc quan quá mức… đã biến các dự án PPP đường bộ tại Mehico thành những “trái đắng” cho cả Chính phủ và nhà đầu tư. Tính đến năm 1992, chỉ có 6/12 dự án đã triển khai có khả thi tài chính, 6 dự án còn lại đều có dòng tiền âm dù đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Để tránh đổ vỡ, đến cuối năm 1997, Chính phủ Mehico đã buộc phải mua lại 23 dự án/52 dự án đã đầu tư và gia hạn thời gian hoàn vốn cho 24 dự án khác để đảm bảo tính khả thi.
“Trong công cuộc chuyển giao này, Chính phủ Mehico đã phải bỏ ra 8 tỷ USD để bù đắp các khoản thiếu hụt về dòng tiền, các nhà đầu tư tư nhân thua lỗ 3 tỷ USD và đều không được Nhà nước bồi thường”, ông Vinh cho biết.
Hiện chưa có đủ cơ sở để cho rằng chúng ta đang vấp phải vết xe đổ của Mehico nhưng theo ông Vinh, bài học thất bại PPP kinh điển tại quốc gia này rất cần được các cơ quan nhà nước Việt Nam xem xét thấu đáo.
Được biết, hiện Bộ GTVT đã huy động được khoảng 223.670 tỷ đồng để đầu tư 80 dự án theo hình thức PPP (hợp đồng BOT và BT). Trong đó lĩnh vực đường bộ 76 dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) là 222.080 tỷ đồng; lĩnh vực đường thủy nội địa 1 dự án với TMĐT là 1.303 tỷ đồng; lĩnh vực hàng hải 2 dự án với TMĐT là 230 tỷ đồng; lĩnh vực đào tạo 1 dự án với TMĐT là 57 tỷ đồng.
Bỏ bộ chủ quản: Việc không thể chần chừ
Động thái mới nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn tất dự thảo nghị định quy định mô hình này trình Chính phủ trong tháng 7 tới, để chính thức chấm dứt 20 năm bàn thảo.
Chấm dứt là đúng bởi biết đâu, sau Xơ sợi Đình Vũ, Phân đạm Ninh Bình, Gang Thép Thái Nguyên…, sẽ có thêm đơn xin cứu trợ từ các doanh nghiệp nhà nước cho các khoản đầu tư thua lỗ mà không thấy tên người chịu trách nhiệm. Hơn thế, nếu không có ngay mô hình quản lý, giám sát chuyên nghiệp, độc lập, hiệu quả theo đúng nguyên tắc của kinh tế thị trường; nếu tiếp tục để các bộ, ngành phân thân trong vai quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, thì nỗi lo ẩn chứa những Vinashin, Vinalines... trong 5,4 triệu tỷ đồng tổng tài sản của nhà nước tại những doanh nghiệp mà vốn sở hữu nhà nước chiếm trên 50%, là hiện hữu.
5,4 triệu tỷ đồng là tổng tài sản của nhà nước đang nằm tại những doanh nghiệp mà vốn sở hữu nhà nước chiếm trên 50%
Cũng phải nói rõ, bối cảnh hiện tại rất khác giai đoạn 20 năm vừa qua. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã định hướng rất rõ việc này. Đó là tách bạch chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước với chức năng quản lý nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND các tỉnh đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, các bộ, ngành sẽ không thể chần trừ cho dù sự “giảm sút” quyền lực với các doanh nghiệp nhà nước chắc chắn là có. Nhưng lúc này, lợi ích của nền kinh tế phải được đặt lên trên hết.
Tất nhiên, cũng rất có lý khi xuất hiện những ý kiến hoài nghi, phân vân về mô hình mới.
Thứ nhất, việc tạo lập một cơ quan tập trung quyền lực mới, dồn quá nhiều nguồn lực về một đầu mối có thể phát sinh những rủi ro. Điều dễ nhận thấy trước hết là chưa biết siêu cơ quan này sẽ cần bao nhiều người, bao nhiêu đầu mối… để đảm đương trách nhiệm quản lý khối tài sản đang được tính bằng đơn vị triệu tỷ đồng này.
Thứ hai, số lượng doanh nghiệp nhà nước đang giảm đi theo lộ trình cổ phần hóa. Nghĩa là cơ quan mới sẽ khổng lồ thời gian đầu, rồi teo tóp dần? Hơn nữa, cổ phần hóa đang vào đà, nên việc đưa ra mô hình quản lý mới liệu có phải là “kỳ đà cản mũi” khi phải tiến hành không ít thủ tục chuyển đổi…
Thứ ba, tìm đâu ra người đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn, khi các bộ, ngành đang làm chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước có đủ cả song vẫn không quản lý nổi… Rồi mối lo ngại bình mới, rượu cũ…
Nếu phân tích kỹ, hơn 20 năm trước, những phân vân này đã được đặt ra và cũng đã có lý giải trên cơ sở khoa học. Chìa khóa để giải là cơ chế giám sát chặt chẽ và cách thức sử dụng nguồn nhân lực, tài chính của tổ chức mới. Hiệu quả của mô hình mới là không bắt công chức hành chính thực hiện nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp. Cơ chế lương, thưởng, cũng như quan niệm về biên chế nhà nước sẽ khác với cơ quan quản lý nhà nước.
Đặc biệt, sau khi trả quyền quản lý doanh nghiệp cho tổ chức đại diện chủ sở hữu mới, quyền lực quản lý nhà nước của các bộ, ngành sẽ được hoàn trả một cách nguyên vẹn. Tư duy chính sách của các bộ, ngành sẽ không còn bị chi phối bởi vai trò quản lý doanh nghiệp. Môi trường đầu tư - kinh doanh, vì thế sẽ đạt được nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp…
Điều quan trọng nhất là ngay lập tức, sẽ có tên người chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của doanh nghiệp nhà nước, kể cả thành công hay thất bại. Doanh nghiệp nhà nước sẽ về đúng vị trí với những kỷ luật quen thuộc trong nền kinh tế thị trường.
Tuy vậy, hiện còn rất nhiều vấn đề phải thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả. Đó là chức năng, quyền hạn của tổ chức này trong hệ thống quản lý nhà nước ra sao? Cách thức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan này thế nào? Cần cơ chế gì để khuyến khích đội ngũ nhân sự đóng vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp?...(BĐT)
AB InBev và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam
Những ngày này, chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam đang là sự kiện được rất nhiều tập đoàn đa quốc gia quan tâm theo dõi. Hơn 20 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, nền kinh tế Việt Nam đã trở nên sôi động và đa dạng hơn trước gấp nhiều lần. Làn sóng các công ty đa quốc gia vào Việt Nam có lúc mạnh mẽ, có lúc chững lại theo tình hình kinh tế thế giới, song nhìn chung đều góp phần làm thay đổi thị trường của 93 triệu dân. Ngược lại, mức độ tiêu dùng của đất nước đông dân thứ nhì Đông Nam Á này cũng giúp nhiều tập đoàn tạo được vị thế để vươn ra chiếm lĩnh thị phần của toàn khu vực.
Có thể nói, hầu hết các công ty đa quốc gia đều muốn vào thị trường Việt Nam càng sớm càng tốt, song vẫn có nhiều tập đoàn dành khá nhiều thời gian quan sát, thăm dò nhằm xác định thời điểm thị trường Việt Nam đón nhận tốt nhất sản phẩm của mình. Điển hình trong số các tập đoàn đến Việt Nam “chậm nhưng chắc” là AB InBev, nhà sản xuất bia đứng đầu thế giới với hơn 200 nhãn hàng, trong đó có đến 7 nhãn hàng đứng trong danh sách 10 thương hiệu bia đắt giá nhất toàn cầu (theo BrandZ, bảng xếp hạng uy tín nhất của Mỹ).
Sự kiện khánh thành nhà máy AB InBev vào tháng 5/2015 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược đầu tư lâu dài của Công ty tại thị trường Việt Nam
Dẫn vị trí tiên phong là bia Budweiser, với mức tăng trưởng 16% về giá trị thương hiệu trong năm qua. Con số này quả thật rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn, kinh tế Mỹ - thị trường lớn nhất của Budweiser chưa hồi phục. Trong tình hình đa số các dòng sản phẩm tiêu dùng bị chững lại, thì Budweiser đã có chiến lược đầu tư khu vực phù hợp, liên tục gia tăng số lượng nhà máy sản xuất bia, giúp loại bia thượng hạng này có độ “phủ sóng” ngày càng rộng rãi.
Một trong những bước đầu tư sáng suốt nhất của Budweiser mấy năm vừa qua là việc xây dựng nhà máy tối tân tại Việt Nam - thị trường bia lớn nhất Đông Nam Á. Ông Michel Doukeris, Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của AB InBev, phát biểu tại Lễ khánh thành nhà máy: “Châu Á - Thái Bình Dương là một trong 3 thị trường lớn nhất của Công ty AB InBev trên toàn thế giới về mặt sản lượng và Việt Nam được xem là bước ngoặt tiếp theo của chúng tôi tại Đông Nam Á. Tại đây, có một nền văn hóa bia mạnh mẽ, một môi trường kinh doanh lành mạnh và lực lượng lao động cạnh tranh. Đặc biệt, Việt Nam có một vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, có thể dễ dàng tiếp cận các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. Chúng tôi dự kiến mở rộng các hoạt động tại đây và việc thành lập nhà máy tại Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và cho phép chúng tôi có thể phục vụ tốt hơn cho 93 triệu người tiêu dùng tại đây”.
Được biết, trong số 55 nhà máy sản xuất của Budweiser trên thế giới, nhà máy ở Việt Nam khánh thành tháng 5/2015 nằm trong nhóm 7 nhà máy được đầu tư trang thiết bị tối tân nhất. Theo đó, nhà máy bia này sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm bia Budweiser tươi mới nhất với chất lượng thượng hạng đồng nhất từ 140 năm qua. Một điều đáng chú ý nữa là, được xây dựng trên diện tích 100.000 m2, với công suất 25 triệu lít bia/năm, nhà máy này có khả năng mở rộng năng lực sản xuất lên gấp đôi trong tương lai. Việc đầu tư mạnh tay vào sản xuất này chắc chắn sẽ góp phần giúp Budweiser tiếp tục phát triển tại trường Việt Nam, từ đó hỗ trợ AB InBev giữ được tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu lên đến 16% như năm vừa qua. Song song với việc đáp ứng tốt nhu cầu của Việt Nam, nhà máy AB InBev tại Bình Dương còn có khả năng trở thành bàn đạp để đưa sản phẩm đến các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.
Để việc mở rộng thị phần đi cùng với nâng cao giá trị thương hiệu, hằng năm, Budweiser luôn dành một phần ngân sách đáng kể cho các hoạt động vì cộng đồng trên toàn cầu. Khi vào Việt Nam, Budweiser cũng mang theo những thế mạnh và hiểu biết trong việc xây dựng cho cộng đồng các giá trị tốt đẹp và phù hợp với xu hướng mới. Những năm gần đây, ý thức uống bia có trách nhiệm - một khái niệm do Budweiser nỗ lực quảng bá, đã tạo hiệu ứng tích cực tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Các chương trình thúc đẩy cho Ngày hội uống bia có trách nhiệm toàn cầu là một phần trong cam kết hàng năm của AB InBev tại thị trường địa phương và quốc tế để kêu gọi việc thưởng thức các sản phẩm có cồn có trách nhiệm.
Với giới trẻ yêu thích đời sống giải trí về đêm sôi động, chuỗi hoạt động âm nhạc toàn cầu MADE for Music gắn liền với tên tuổi Budweiser luôn được chờ đón nồng nhiệt. Hàng loạt lễ hội âm nhạc tầm cỡ do AB InBev tổ chức đã giúp xu hướng thư giãn cùng EDM (âm nhạc điện tử) lan rộng trên thế giới. Đầu tháng 10/2015, Budweiser tiếp tục đặt thêm những viên gạch chắc chắn cho cộng đồng yêu nhạc điện tử Việt Nam bằng sự trở lại của Cuộc thi BUDJs, một sân chơi thường niên của Budweiser dành riêng cho những người yêu thích EDM. Đánh dấu dịp đặc biệt này, quy mô của BUDJs đã được Budweiser đẩy lên một tầm cao mới, quy tụ 30 DJ tài năng hàng đầu của Việt Nam.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các tập đoàn sản xuất, có thể nói, thành quả trên đến từ các bước đầu tư thông minh và thấu hiểu cộng đồng từ cấp độ địa phương cho đến quy mô toàn cầu của AB InBev. Việc Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới đã giúp người tiêu dùng trong nước có nhiều trải nghiệm thụ hưởng mới mẻ, đồng thời tạo cơ hội cho nhiều tập đoàn toàn cầu củng cố mạnh mẽ hơn giá trị thương hiệu lâu đời của mình.