Vào lúc 6 giờ 50 phút ngày 14-6, máy bay Su 30MK2 mang số hiệu 8585 của Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân làm nhiệm vụ bay huấn luyện đã bị mất liên lạc.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 13-06-2016
- Cập nhật : 13/06/2016
Hà Nội chi 20.000 tỷ đồng để làm sống lại các dòng sông
Đó là lời khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tại cuộc gặp mặt các đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức hôm 11-6.
Trao đổi tại cuộc gặp mặt, có nhiều ý kiến đề cập tới vấn đề môi trường của Hà Nội. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam khẳng định: “Hà Nội có tính đa dạng sinh học rất cao, có những nguồn gen độc đáo mà thế giới không có. Đây chính là nền tảng để Hà Nội phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Tôi đề nghị thành phố là dứt khoát tất cả các hồ ao phải giữ nguyên vẹn, không được lấp cái nào nữa. Hiện nay Hà Nội đã thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có rừng quốc gia Ba Vì và 6 khu bảo tồn bảo vệ nguồn gen. Những nơi này chúng ta không được đụng đến, dù có nghèo đến đâu.”
KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Hà Nội có quy mô dân số 10 triệu người, nhưng Dự án Thoát nước Hà Nội hiện nay chỉ phù hợp với quy mô đô thị 2 triệu dân, nên thành phố phải tính toán với tầm nhìn rộng hơn, nhất là phải khơi thông các dòng sông vành đai như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích. Đồng tình với định hướng xây dựng đô thị xanh của Hà Nội, ông cho rằng đây là xu thế chung của thế giới. Nhưng để thực hiện chủ trương này, thành phố nên ban hành sớm những chính sách khuyến khích cụ thể đối với các dự án, công trình theo xu hướng này.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định rằng, việc thành phố cho xây dựng các công viên tầm cỡ là rất cần thiết, nhưng cũng cần thiết không kém là phải chăm lo cho những vườn hoa, sân chơi nhỏ phục vụ từng khu dân cư. Một ý kiến rất hay của KTS Đào Ngọc Nghiêm là không lâu nữa nhiều vừng ngoại thành như Chương Mỹ, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thường Tín sẽ phát triển thành đô thị, vậy nên các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở những vùng này cũng nên có tính đặc thù riêng.
Đề cập tới những ý kiến góp ý nói trên, trong phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hoàng Trong Hải cho biết, trong kế hoạch sắp tới, thành phố sẽ khắc phục ô nhiễm của 7 hồ chứa và phát triển thêm 25 hồ chứa mới. Cùng với việc xây dựng các công viên lớn gấp 4-6 lần công viên Thống Nhất (200-300 ha), thành phố xác định tận dụng mọi quỹ đất có thể để phát triển khu vui chơi, khu sinh hoạt của người dân. Bí thư Thành ủy nói: “Chúng ta đều biết là nếu không làm thì vĩnh viễn chúng ta sẽ mất những khoảng không gian đó.”
Đặc biệt, theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội sẽ chủ động làm sống lại 9 dòng sông trên địa bàn với nguồn kinh phí dự kiến cho cho việc này khoảng 20.000 tỷ đồng. “Trung ương đã đầu tư tiến hành khắc phục ô nhiễm sông Nhuệ- sông Đáy. Nhưng quan điểm của lãnh đạo thành phố là Hà Nội phải chủ động làm.” Cũng theo Bí thư Thành ủy, quy hoạch thoát nước của thành phố sắp tới cũng sẽ được tính toán với khả năng đáp ứng cao hơn, đối với với những trận mưa lớn hơn thời gian qua.
Máy bay “made in Việt Nam” sẽ bay thử trong tháng 6
Chính sách nào tiếp tục hỗ trợ nhà ở xã hội
Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp đã kết thúc được hơn 2 tháng và mới đây Chính phủ đã quyết định áp dụng lãi suất vay ưu đãi mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là 4,8%/năm từ nay đến hết năm 2016. Song nhiều người dân, DN vẫn đang nóng lòng chờ đợi thêm các chính sách hỗ trợ khác.
Nhiều người dân và dự án nhà ở xã hội đang trông chờ vào các gói tín dụng ưu đãi mới. Ảnh minh họa: H.Anh.
Nhiều đơn mua nhà bị xếp ngăn bàn
Theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở thành thị; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu đô thị; cán bộ, công chức, viên chức… sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Theo thông tin mới nhất vừa được NHNN công bố, tính đến ngày 10-5-2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 34.826 tỷ đồng đối với 56.240 khách hàng, trong đó có 56.112 khách hàng cá nhân. Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng, đến 20-5-2016, số tiền đã giải ngân là 26.733 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 năm triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ, đã có hơn 56.000 hộ gia đình có nhà ở, đồng thời, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở cũng đã thoát khỏi khó khăn nhờ nguồn tín dụng ưu đãi này. Nhiều người dân, DN đã lỡ nhịp khi gói tín dụng 30.000 tỷ kết thúc, vì thế nhiều người đang kỳ vọng vào gói tín dụng mới thay thế.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát: Hải Phát đã "chậm chân" với gói 30.000 tỷ khi dự án nhà ở xã hội The Vestas của Công ty Hải Phát (quy mô 8 tòa nhà cao 18 tầng với tổng số 1.900 căn hộ) vừa được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh thì gói 30.000 tỷ này khép lại.
“Trước đó chúng tôi đã mở lễ tiếp nhận đơn đăng ký mua nhà và đã nhận được hàng nghìn lá đơn đăng ký mua. Sau khi gói này kết thúc, những lá đơn đó đã phải xếp trong ngăn bàn. Những người sử dụng gói 30.000 tỷ đa số là người thu nhập thấp, do đó khi gói tín dụng 30.000 tỷ khép lại thì nhu cầu của họ gần như trở về con số 0. Hàng ngày, chúng tôi đang phải trả lời rất nhiều khách hàng với những câu hỏi bao giờ có gói tương tự như vậy”, ông Tuấn cho biết.
Chị Nguyễn Thị Lê Nga (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, cuối năm 2015, gia đình chị quyết định tìm mua nhà tại dự án nhà ở xã hội ở Khu đô thị Tứ Hiệp (Thanh Trì), tuy nhiên đến đầu năm 2016 thì gói tín dụng này kết thúc, trong khi gia đình chị chưa hoàn tất được thủ tục mua nhà và vay tiền. Với mức thu nhập của hai vợ chồng trẻ, chị Nga cho biết sẽ không mua được nhà nếu phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại, vì thế chị đang rất mong ngóng gói tín dụng ưu đãi mới của Nhà nước để sớm mua được nhà, ổn định cuộc sống.
Dưới góc độ DN, nhà ở xã hội là rất cấp thiết và cấp bách bởi những người mua nhà ở xã hội là những đối tượng có nhu cầu thật. Ông Phạm Minh Tuấn cho rằng: Chính phủ nên sớm có chính sách cụ thể để tháo gỡ những khó khăn đối với loại hình dự án này.
Vẫn tiếp tục...
Trước đó, khi gói 30.000 tỷ kết thúc, đại diện NHNN cũng cho hay, chương trình 30.000 tỷ đồng là giải pháp tạm thời của Chính phủ trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn. Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/N Đ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và nguồn vốn vay cho lĩnh vực nhà ở xã hội sẽ thực hiện theo Nghị định này. Theo đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội và Công văn số 9496/NHNN-TD chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, theo quy định, 2 nguồn vốn cho DN và người dân để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ giá rẻ là từ nguồn vốn của NHCSXH và nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Trên thực tế, NHNN đã có những bước triển khai ban đầu. Theo đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam, NHNN đã chỉ định 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phải thực hiện công việc này và ban hành Thông tư số 25 hướng dẫn điều kiện, cách thức, đối tượng cho vay, nội dung giống gói 30.000 tỷ đồng. Những ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối sẽ phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay với các điều kiện ưu đãi cho DN, hợp tác xã và người dân trong việc mua bán nhà ở xã hội. 3% này tương đương 300 – 400.000 tỷ đồng.
“Hiện nay, các ngân hàng thương mại chưa triển khai vì họ đang phải giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Còn NHCSXH được cấp 50% vốn từ nguồn vốn chính sách, 50% còn lại là vốn huy động vốn từ thị trường để cho DN và người dân mua nhà ở xã hội vay với lãi suất không quá 5%/năm và ngân hàng này chịu trách nhiệm xây dựng đề án, báo cáo Chính phủ về những điều kiện để vay gói tín dụng này, tương tự như gói 30.000 tỷ đồng đã triển khai. Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng NHCSXH để hoàn thiện gói vay này để trình Chính phủ. Hiệp hội BĐS sẽ thúc đẩy Bộ Xây dựng và NHNN nhanh chóng triển khai các chính sách này”, ông Nguyễn Trần Nam cho biết.
Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại NHCSXH theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi của NHCSXH đối với các đối tượng quy định tại Nghị định sẽ là 4,8%/năm. Như vậy, người dân sẽ có thêm sự lựa chọn vay vốn tại NHCSXH để mua nhà với mức lãi suất thấp hơn gói vay 30 nghìn tỷ đồng là 0,2%/năm. Được biết, từ trước đến nay, việc cho vay nhà ở xã hội của NHCSXH mới thực hiện ở một số loại hình như: Chương trình mua nhà ở trả chậm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhà ở cho người nghèo, cho vay xây nhà phòng, tránh bão, lụt ở khu vực miền Trung cho hộ nghèo. Hiện nay, Chính phủ đã có Quyết định về lãi suất cho vay nhà ở xã hội, NHCSXH đã chuẩn bị về nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ sẵn sàng thực hiện chương trình Nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngay sau khi được Nhà nước bố trí nguồn vốn. Như vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc Chính phủ sẽ cấp vốn như thế nào cho NHCSXH để cho người dân vay, bởi các bộ, ngành liên quan đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ này. Hơn nữa, việc thực thi chính sách cũng sẽ có độ trễ nhất định, vì thế người dân sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian nữa mới có thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Bình luận về gói tín dụng từ các ngân hàng thương mại, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, thực tế nguồn vốn “khủng” sẽ không nhiều và vấn đề là các ngân hàng thương mại bản chất họ cũng là DN, do đó họ sẽ phải họat động theo tính chất thương mại là chủ yếu. Tất nhiên khi thực hiện chính sách của Chính phủ thì khối ngân hàng thương mại Nhà nước chủ lực sẽ có một số tín dụng chính sách nhất định. Nhưng "gánh nặng" không thể quá nhiều và vấn đề này nên để cho các định chế tài chính chuyên biệt như NHCSXH, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các quỹ đầu tư chúng ta đã thành lập trong thời gian vừa qua.
Hiện nay nhiều người dân đang trông chờ và kỳ vọng vào các gói tín dụng mới này, vì vậy, dù ít hay nhiều, chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nếu được thực hiện tốt sẽ phát huy tác dụng lớn đối với đời sống xã hội cũng như góp phần giúp cho thị trường BĐS ổn định. Do đó, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy để chính sách tín dụng ưu đãi mới cho lĩnh vực nhà ở xã hội sớm được triển khai kịp thời .(HQ)
Lại “tắc” hoàn thuế
Thẳng thừng từ chối hoàn thuế