Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Điều chỉnh quy hoạch KCN tỉnh Long An
Xây dựng Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển quốc gia
Hiệp định EVFTA tạo cú hích thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU
Phạt tới 4 triệu đồng đối với DN không đủ điều kiện vẫn đặt in hóa đơn
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 31-05-2016
- Cập nhật : 31/05/2016
Hà Nội sẽ có thêm 1 sân bay, chi phí xây dựng khoảng 78.000 tỷ đồng
Theo thông tin từ trang điện tử Chính phủ, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết, cảng hàng không Nội Bài vài năm nữa sẽ "vỡ trận" nên kế hoạch mở rộng, nâng công suất là cấp bách.
Sân bay Nội Bài 2 sẽ được xây dựng đối diện với sân bay Nội Bài hiện nay (lật qua đại lộ Võ Nguyên Giáp) với diện tích 720 ha thuộc 3 xã: Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình của huyện Sóc Sơn.
Chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và xây dựng khu tái định cư cho người dân dự kiến khoảng 2 tỷ USD (tính theo thời giá năm 2015). Chi phí xây dựng các hạng mục chính của Nội Bài 2 (đường lăn, sân đỗ, khu nhà ga, đèn chiếu sáng…) khoảng 78.000 tỷ đồng và sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Ông Thanh cho biết, Cục Hàng không Việt Nam đã tiến hành lấy ý kiến các địa phương về việc xây dựng này và đến nay các địa phương đều đồng ý. Ngay sau khi xây dựng xong kế hoạch chi tiết, phối hợp cùng TP. Hà Nội, Cục Hàng không sẽ tiến hành báo cáo lên Chính phủ.
Sân bay Nội Bài hiện nay có công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, với sức tăng trưởng “nóng” như hiện nay (năm 2015 là 22% nhưng 4 tháng đầu năm 2016 đã là 31%) thì trong vòng 3 năm nữa, Nội Bài sẽ rơi vào tình trạng quá tải như Tân Sơn Nhất bây giờ, ông Thanh nói.
Tuy nhiên, để nâng công suất của Nội Bài thêm 25 triệu hành khách/năm nữa thì đây sẽ là dự án Long Thành thứ hai và còn khó khăn hơn dự án xây dựng CHK Long Thành bởi quỹ đất theo quy hoạch phải mở rộng xuống phía nam mới bảo đảm được đường cất-hạ cánh độc lập nhưng hiện nay dân cư dày đặc, việc giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn.
Về sân bay Tân Sơn Nhất, ông Thanh cũng cho biết thêm, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất 4 tháng đầu năm 2016 là 10 triệu hành khách/tháng, chiếm tỉ lệ 40%, trong khi đó những năm trước đây tỉ lệ này đều hơn 50%. Con số này chứng tỏ việc khai thác hàng không giữa các CHK không qua CHK Tân Sơn Nhất tăng mạnh, các CHK địa phương hoạt động nhiều hơn.
Về phương án xử lý, Chính phủ đã thông qua việc di dời hoạt động bay quân sự ra khỏi CHK Tân Sơn Nhất và có chính sách tiếp tục giành quỹ đất của quân sự cho hàng không dân dụng để gỡ “nút thắt” này. TPHCM cũng có kế hoạch mở rộng đường giao thông tiếp cận Tân Sơn Nhất như: Cải tạo nút giao Trường Sơn; phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu mở đường song song với đường Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám.
Bên cạnh đó, việc giải quyết đường lăn độc đạo của Tân Sơn Nhất cũng là việc gấp cần xử lý bởi đây chính là nguyên nhân khiến năng lực của sân bay này thấp. TPHCM đang thực hiện quy hoạch về nhà ga lưỡng dụng với công suất 10 triệu hành khách. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng có kế hoạch mở rộng nhà ga nội địa của Tân Sơn Nhất thêm khoảng 4-5 triệu hành khách nữa.
Như vậy, sau khi mở rộng, Tân Sơn Nhất sẽ đạt công suất khoảng 40 triệu hành khách tương ứng với năng lực thông quan trên bầu trời của sân bay này.
Tin đồn thất thiệt về nông sản bẩn khiến nông dân chồng chất khó khăn
Hiện nay khi vấn đề an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo, thì tin đồn thất thiệt về “nông sản bẩn” càng khiến người nông dân thêm chồng chất khó khăn.
Sản lượng giảm kéo theo giá giảm là tác động tiêu cực đến người nông dân ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) ngay khi có tin đồn vềtrồng rau cần sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật. Nếu như lúc bình thường, "vựa" rau này cung cấp khoảng 10 tấn rau cho thị trường với giá 10.000 đến 15.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi khoảng 40 triệu đồng/sào/năm, thì sau khi có tin đồn giá giảm xuống còn một nửa, người trồng rau thiệt hại đủ đường.
Ông Bùi Minh Huân chia sẻ: “Người dân chúng tôi thiệt hại nhiều, 1 nắng 2 sương đi làm từ lúc 3, 4 giờ sáng soi đèn đi làm thấy cũng bức xúc. Mong sao các cơ quan xác minh lấy rau tại địa phương mang về để đưa vào kiểm tra”.
Ông Nguyễn Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên cho biết, địa phương quy hoạch 50ha trồng rau cần theo chương trình sản xuất rau an toàn (RAT) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, trong đó, tập trung chủ yếu ở thôn Khai Thái với gần 30 ha. Các quy trình kỹ thuật chăm bón được cán bộ bảo vệ thực vật kiểm tra sát sao, ngoài ra, xã cũng yêu cầu Hội nông dân xã phối hợp với Công ty TNHH Thanh niên cung ứng thuốc vi sinh và phân bón lá cho rau đảm bảo quy trình trồng rau an toàn.
“Thời gian vừa qua, tin đồn cũng làm cho nhân dân hoang mang. Sau khi có tin đồn thì sản lượng rau tiêu thụ cũng giảm xuống. Chúng tôi cũng đã tổ chức cho cán bộ cơ sở mời người dân đến họp tuyên truyền phổ biến. Cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ không để tình trạng tin đồn thất thiệt gây thiệt hại cho nông dân”- ông Nguyễn Viết Thắng nhấn mạnh.
Đó chỉ là sự vụ xảy ra cách đây gần 3 tháng tại Khai Thái. Tương tự, ở nhiều địa phương khác, tin đồn thất thiệt khiến nông dân điêu đứng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng nhưng lại chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Đơn cử như tin đồn ác ý: khoai lang ở Tây Nguyên nhiễm chất da cam; đậu tương ở Nam Định có chất gây ung thư, và mới đây nhất là xoài ở Đồng Tháp và Tiền Giang sử dụng túi bao trái của Đài Loan có chứa độc để bọc trái xoài khiến cho nhiều cá nhân, đơn vị, cơ quan liên quan đến các chuỗi sản xuất quản lý cung ứng sản phẩm bị ảnh hưởng….
Làm thế nào để bảo vệ nông dân trước những tin đồn thất thiệt? Theo các chuyên gia, tin đồn thất thiệt gây tác hại với nhiều mức độ khác nhau và lan nhanh, còn việc “giải độc” tin đồn thì rất khó khăn, người nông dân không có phương tiện hoặc cách thức nào khác ngoài sự nương cậy vào chính quyền và truyền thông. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ thì tin đồn cũng theo đó phát triển theo tỷ lệ thuận…
Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng không nên vội vàng lan truyền hoặc tạm ngừng mua các sản phẩm bị tin đồn làm ảnh hưởng và nông dân cần bình tĩnh trước những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc chưa có thông báo chính thức từ cơ quan chức năng. Trước tin đồn thất thiệt, trong lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đăng tải thông tin để nông dân được biết. Sử dụng thông tin chính thống của cơ quan quản lý Nhà nước để phủ định thông tin không đúng sự thật, tiếp đó phát hiện ra đối tượng phao tin đồn thì yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để hạn chế những tin đồn thất thiệt cần có sự tham gia chặt chẽ của các bên liên quan. Trong đó quan trọng nhất là nông dân cần tham gia sản xuất theo chuỗi, qua đó các sản phẩm sẽ được chứng nhận an toàn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của nông dân làm ăn chân chính sản xuất ra đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó cũng phải nhanh chóng có những hành động phản bác lại những nghi ngờ do các thông tin xấu gây thiệt hại đối với những nông sản chất lượng.
La Nina được dự báo làm tăng mưa, nông nghiệp Việt có cơ hội khởi sắc
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD), từ năm 2015 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại nặng cho nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên giai đoạn nửa cuối năm 2016, xuất khẩu nông sản của Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc nhờ La Nina làm tăng lượng mưa.
Sản xuất phục hồi
Tính đến cuối tháng 5/2016 sản lượng lúa Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,13 triệu tấn, nước biển xâm nhập sâu hơn thông thường 10-25km cũng khiến sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14%. Ngoài ra, một số diện tích càphê chết khô, năng suất kém, năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu đều giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Kiên,Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng thuộc IPSARD, sản xuất nông nghiệp được dự đoán phục hồi trong nửa cuối năm 2016 do hiện tương La Nina làm tăng lượng mưa tại Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng rau quả Việt Nam sẽ hưởng lợi từ căng thẳng trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Philippines. Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt lên chuối nhập khẩu từ Philippines và vùng lãnh thổ Hong Kong (cửa ngõ vào Trung Quốc đại lục), nơi nhập khẩu đến 70% khối lượng xoài từ Philippines.
Các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Chile... còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Chuyên gia cao cấp Võ Trí Thành cũng cho rằng, vấn đề tỷ giá cũng đang hỗ trợ giá nông sản, việc đồng euro và yen Nhật tăng giá so với đồng USD dẫn đến tăng sức mua tại các thị trường lớn, truyền thống. Đồng thời, đồng baht Thái Lan, rupee Ấn Độ, real của Brazil, rupiah Indonesia, ringgit Malaysia tăng giá so với USD cũng giúp hỗ trợ giá các mặt hàng gạo, càphê, cao su, thủy sản.
Phát triển thị trường tiềm năng
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo, trong thời gian tới, giá nông sản sẽ tương đối ổn định, không có cú sốc nào về giá. Do đó, Việt Nam nên tập trung vào nâng cao chất lượng, chế biến theo chiều sâu, chú trọng phát triển thị trường tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần phải khắc phục thiên tai, kiểm soát tốt dịch bệnh để thúc đẩy nguồn cung đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng nguồn cầu tốt hơn.
Ông Tuấn cũng đưa ra khuyến nghị tiếp tục phát triển kinh doanh với các đối tác truyền thống có nhu cầu tăng trở lại như thị trường lúa gạo với Philippines, Indonesia; thị trường cao su, rau quả, hạt điều với Trung Quốc; hồ tiêu, hạt điều với EU, Mỹ; thị trường thủy sản với Mỹ… đồng thời mở rộng kinh doanh tại các thị trường tiềm năng
Thủ tướng chủ trì cuộc họp với 4 bộ về kinh tế vĩ mô 5 tháng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiên quyết giữ vững các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra (Ảnh: VGP)
Ngày 30/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan liên quan về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016.
Tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng; Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn và các chuyên gia kinh tế.
Sau khi nghe các ý kiến chuyên gia kinh tế nhận định và đề xuất các giải pháp cho thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, không để bị động trong chỉ đạo điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. “Kiên quyết giữ vững các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế -xã hội đã đề ra”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực, các bộ, ngành phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, “chứ không nói chung chung”.
Về điều hành chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách khác. Thủ tướng lưu ý bảo đảm chất lượng tăng trưởng GDP bên cạnh số lượng.
Thủ tướng nhấn mạnh việc huy động các nguồn lực, cả bên trong và bên ngoài, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng. Trong đó, giải ngân mạnh mẽ các nguồn vốn cho xây dựng cơ bản, để đồng vốn đến các công trình, dự án, phát huy hiệu quả. Không để tình trạng vốn ODA, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn ngân sách còn dư mà không giải ngân được. Bên cạnh đó, phải cổ phần hóa doanh nghiệpnhà nước một cách mạnh mẽ để có nguồn lực cho tăng trưởng. Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ công tác, kiểm tra, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý kịp thời.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành cần quan tâm chăm lo đời sống người dân vùng khó khăn, thiên tai, lũ lụt, hạn hán.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của thông tin truyền thông, Thủ tướng yêu cầu phải củng cố niềm tin của nhân dân, chung sức chung lòng, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Tại cuộc làm việc, các ý kiến phát biểu nhất trí rằng nền kinh tế chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, an ninh trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
Tuy nhiên, nền kinh tế còn không ít khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, lạm phát có xu hướng tăng. Các ý kiến tại cuộc họp cũng đề xuất các giải pháp cho thời gian tới, trong đó, nhấn mạnh vào giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh để kích thích đầu tư, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, có chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tăng cường công tác thông tin truyền thông để hạn chế tình trạng lạm phát tâm lý...
Lao động bất hợp pháp tự nguyện hồi hương có cơ hội làm việc tại Hàn Quốc
Sau gần 4 năm tạm hạn chế việc tiếp nhận lao động Việt Nam thì hàng chục nghìn lao động Việt Nam sẽ lại có cơ hội làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới đây. Vậy cụ thể, bản ghi nhớ sẽ mở ra những cơ hội như thế nào đối với các lao động Việt Nam, thưa ông?
Từ tháng 8/2012 Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại bản ghi nhớ bình thường về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) mà chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn 1 năm với nội dung chỉ cho phép những lao động nào đã thi tiếng Hàn trong năm 2012 hoặc những lao động mẫu mực, trung thành, tuân thủ và chấp hành tốt các nội quy trong hợp đồng vẫn có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
Còn bản ghi nhớ mới được ký đây sẽ cho phép các lao động mới, kể cả các lao động cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn quốc tự nguyện hồi hương cũng sẽ có cơ hội có việc làm tại Hàn Quốc.
Thưa ông, được biết, trong thời gian qua, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc khá là cao. Cuối những năm 2012, 2013 con số này lên tới 50 - 55%. Vậy, tại sao Hàn Quốc lại chấp nhận ký kết lại bản ghi nhớ này?
Đứng trước tình trạng tỷ lệ lao động bất hợp pháp ở lại quá cao nên Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Việc làm - Lao động Hàn Quốc đã thống nhất triển khai các bản ghi nhớ đặc biệt ký hàng năm để hai bên cùng nỗ lực tìm ra các giải pháp đối với những người lao động bất hợp pháp. Cụ thể, áp dụng quy định ký quỹ với người lao động trước khi xuất cảnh; Đề nghị chính quyền tại các địa phương có nhiều lao động ở lại làm việc cư trú bất hợp pháp vận động các gia đình thuyết phục người thân trở về nước; Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp…
Với tất cả những nỗ lực như vậy thì trong vòng 4 năm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp đang từ 55% giảm còn 30% và đang tiếp tục giảm. Trên cơ sở hai bên cùng có lợi và mỗi quan hệ giữa hai nước, hai Bộ đã chính thức ký lại bản thỏa thuận thông thường.
Được biết, trong năm nay sẽ có khoảng 3.500 lao động Việt Nam được sang làm việc tại Hàn Quốc, ông đánh giá như thế nào về con số này?
Tổng cầu lao động ngoài nước mà Hàn Quốc tiếp nhận là khoảng 56.000 lao động. Con số này chia cho 15 nước thì số lao động trung bình mỗi nước là khoảng 3.700 lao động. Nhưng năm nay, số lượng lao động mà Hàn Quốc dành cho chúng ta là 3.500. Con số này thấp hơn so với kỳ vọng của chúng ta.
Bởi lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc đã từng được đánh giá là thông minh, nhanh nhạy, sáng tạo… và các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng mong muốn được tiếp nhận lại lao động Việt Nam nhưng vì tình hình lao động ở lại cư trú bất hợp pháp của Việt Nam khá là cao nên phía Hàn Quốc khó có thể đáp ứng hết các mong muốn từ phía chúng ta.
Vậy xin ông cho biết, làm thế nào để bản ký kết ghi ngày hôm nay giữa 2 nước sẽ không cần phải ký lại nữa trong bối cảnh tình trạng lao động bất hợp pháp vẫn còn khá cao như hiện nay. Ngoài ra, Bộ LĐTBXH sẽ có nhưng biện pháp gì để giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp trong thời gian tới?
Bất kỳ giải pháp hành chính nào cũng sẽ không có tác dụng nếu không có sự tự nguyện, tự giác tích cực từ phía người lao động.
Hiện nay, trong vòng 6 tháng, Hàn Quốc quyết định ân xá cho những lao động làm việc, cư trú bất hợp pháp và khi quay trở về nước như vậy thì trong hồ sơ của họ sẽ không bị cấm nhập cảnh trở lại Hàn Quốc và họ hoàn toàn có thể quay trở về Việt Nam tham gia các chương trình tiếp theo.
Chúng tôi rất mong muốn các địa phương, gia đình có con em mình đang làm việc tại Hàn Quốc hay cư trú bất hợp pháp hãy vận động con em mình hoàn thành đúng theo quy định hợp đồng và quay trở về nước. Bởi chính việc các bạn vừa làm đã làm ảnh hưởng đến nhiều người khác. Tất cả các giải pháp của chúng ta chỉ thành công khi có được sự cộng hưởng nỗ lực từ các phía chính quyền, địa phương, các gia đình và bản thân người lao động.