Chuyên gia SIPRI: 'Thị trường vũ khí dành cho Việt Nam sẽ gia tăng cạnh tranh'
Thái Lan hỗ trợ tài chính giúp Việt Nam khắc phục hậu quả xâm nhập mặn
Nước mắt hội nhập của người Việt ở Đức
Đội Hòa bình Mỹ sắp cử đến Việt Nam
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 30-05-2016
- Cập nhật : 30/05/2016
Vị thế của Việt Nam được ghi nhận tại hội nghị G7 mở rộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại đây.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hội nghị thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng là diễn đàn giúp các nước phát triển hàng đầu tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất quan điểm, lập trường về những vấn đề quốc tế và khu vực.
Chuyến thăm Nhật Bản lần này là chuyến đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu chính phủ Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham dự hội nghị G7 mở rộng với tư cách khách mời.
"Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, thể hiện sự ghi nhận của Nhật Bản và các nước G7 đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", ông Sơn nhấn mạnh.
Trong bức thư mời Thủ tướng Việt Nam tham dự cũng như trong các phát biểu tại hội nghị, các cuộc hội đàm hay gặp gỡ báo chí, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nhiều lần khẳng định 10 năm qua, "Việt Nam đã không ngừng nâng cao được vị thế trong cộng đồng quốc tế".
Theo Thứ trưởng Ngoại giao, việc Nhật Bản và các nước G7 lần đầu tiên mời Việt Nam dự hội nghị G7 mở rộng thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao vị thế, vai trò và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế.
Hội nghị không chỉ là dịp để Việt Nam giới thiệu đường lối đối ngoại, hình ảnh đất nước, kêu gọi sự hỗ trợ và thu hút đầu tư nước ngoài mà còn là cơ hội thể hiện tinh thần trách nhiệm, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề quan tâm chung của khu vực và quốc tế.
Sau chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nhật Bản và Việt Nam đã thống nhất duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường gặp gỡ, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế... nhằm nâng cao hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai quốc gia.
Đôi bên đồng thời nhất trí hợp tác chặt chẽ, cùng trao đổi để thống nhất các biện pháp thúc đẩy hơn nữa việc kết nối hai nền kinh tế thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, ODA...
Nhật Bản và Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả trong việc hợp tác ứng phó với vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn. Thủ tướng Abe tuyên bố Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khoản viện trợ khẩn cấp không hoàn lại trị giá khoảng 2,57 triệu USD để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra trầm trọng tại Việt Nam và khẳng định Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp lâu dài và hỗ trợ ODA cho Việt Nam để ứng phó với tình trạng trên.
Hai bên đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, y tế và giao lưu nhân dân.
Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông, nhất trí về lập trường giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình như đã được các nước ủng hộ tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng.
Huy động 8.182 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa huy động thành công 8.182 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho 3 kỳ hạn 5 năm, 15 năm và 30 năm.
Cụ thể, với trái phiếu kỳ hạn 5 năm có 16 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 9.302 tỷ đồng và lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 6,15-7,40%/năm. Kết quả, huy động được 4.050 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu 6,18%/năm.
Trái phiếu kỳ hạn 15 năm có 10 thành viên tham gia dự thầu, kết quả huy động thành công 600 tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 30 năm có 3 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 1.532,3656 tỷ đồng và vùng lãi suất đặt thầu là 8,00%/năm. Kết quả, huy động được 1.532,3656 tỷ đồng trái phiếu 30 năm với lãi suất trúng thầu 8,00%/năm.
Kể từ đầu năm 2016 đến nay, KBNN đã huy động thành công 147.044,2756 tỷ đồng TPCP qua đấu thầu tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Mong muốn thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ châu Âu
Chiều nay, 27-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có buổi tiếp ông Jean Noel Poirier - Đại sứ Cộng hòa Pháp và bà Jehanne Roccas - Đại sứ Vương quốc Bỉ sang nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Đại sứ Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong những năm gần đây, Cộng hòa Pháp là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối các nước EU, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm 2015 đạt hơn 4 tỉ USD.
Trong năm 2016, hai bên kỳ vọng kim ngạch thương mại sẽ giữ vững đà tăng trưởng của năm 2015 và đạt giá trị cao hơn nữa.
Đánh giá cao sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Chính phủ Pháp dành cho Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Các khoản vay đó đã giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đối với một số lĩnh vực quan trọng như: năng lượng, bưu chính viễn thông, cấp nước, y tế, giao thông vận tải, khí tượng thủy văn, viễn thám, thủy đạc, nông nghiệp...
Bộ trưởng cảm ơn Chính phủ Pháp đã hỗ trợ và thực hiện thành công Dự án VNREDSat 1, đối với Dự án VNREDSat 2 Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đàm phán, đảm bảo tính pháp lý đối với các khoản vay cho Dự án.
Bộ trưởng cũng cho rằng, tuy là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của EU vào Việt Nam nhưng đầu tư của Pháp vào Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của hai nước.
Bộ trưởng mong muốn ông Jean Noel Poirier sẽ là cầu nối quan trọng thúc đẩy hơn nữa việc thu hút đầu tư nước ngoài của Pháp vào Việt Nam.
* Tại buổi tiếp bà Jehanne Roccas, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chúc Đại sứ có nhiệm kỳ công tác thành công tại Việt Nam.
Chia sẻ về hợp tác kinh tế giữa hai nước, Bộ trưởng cho biết: Bỉ là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam (là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam vào khu vực châu Âu).
Tính đến tháng 11-2015, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,1 tỉ USD, trong đó trị giá xuất khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,8% trong tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng trong năm 2015, Bỉ có 63 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 551 triệu USD, đứng thứ 26/101 nước và vùng lãnh thổ có FDI vào Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hội nhập giữa Việt Nam và các nước EU ngày càng sâu rộng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong muốn Đại sứ các nước luôn là cầu nối hiệu quả để tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam với các nước EU. Bộ Tài chính luôn sẵn sàng hợp tác, đối thoại với các doanh nghiệp EU nhằm tạo thuận lợi nhất để hợp tác giữa EU và Việt Nam ngày càng phát triển.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo kêu vướng Nghị định 109
Những quy định khắt khe, chưa thực sự hợp lý nêu trong Nghị định 109/2011/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo của Chính phủ đã và đang khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở quy mô vừa và nhỏ phải “chào thua”.
Chỉ còn 80 doanh nghiệp xuất khẩu
Tại phiên họp về “ngành hàng lúa gạo tái cơ cấu và thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: Từ khi ra đời đến nay, nhiều quy định tại Nghị định 109 thực sự trở thành “rào cản” đối với không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Điển hình là những điều kiện đi kèm như, doanh nghiệp xuất khẩu phải có kho đủ khả năng chứa 5.000 tấn gạo, có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ… Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để làm được kho đủ khả năng chứa 5.000 tấn gạo, chi phí rất lớn khoảng 20-25 tỷ đồng.
Với những doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo mà không thể đáp ứng điều kiện, kết quả là phải đóng cửa. Một lựa chọn khác của doanh nghiệp là tìm cách sáp nhập lại với nhau hoặc chấp nhận trở thành nhà thầu phụ, gom hàng và bán lại cho các doanh nghiệp có quyền xuất khẩu. Tư duy quản lý thiên về số lượng như vậy khá lạc hậu, cơ học, không đưa ra lý giải tại sao lại phải có nhà kho tới 5.000 tấn, có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ.
Một trong những bất cập nổi cộm tại Nghị định 109 còn là muốn xuất khẩu, doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Ông Vinh phân tích, xét tới cùng, VFA cũng chỉ là tổ chức do hai doanh nghiệp Nhà nước là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thay nhau lãnh đạo.
Vô hình trung, khi doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp thông tin về hợp đồng cho VFA cũng chính là cung cấp thông tin cho đối thủ cạnh tranh của mình. DN Nhà nước ở đây có thẩm quyền như cơ quan Nhà nước, có quyền từ chối đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác. Đây là điều không bình đẳng.
Cùng với đó việc kiểm soát giá, không bán gạo dưới giá sàn cũng là điều chưa thực sự hợp lý. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, khi giá lúa gạo trong nước thấp, doanh nghiệp mua thấp và có thể bán đi kiếm lời. Tuy nhiên, theo quy định trong Nghị định 109, doanh nghiệp không được bán dưới giá sàn nên khi giá sàn chưa kịp điều chỉnh thay đổi kịp thời với thực tế, doanh nghiệp không thể xuất khẩu gạo. Tình trạng này khiến hàng hóa tồn đọng, ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế trong nước.
“Rõ ràng, nhiều quy định trong Nghị định 109 không có tác động tích cực làm tăng thu nhập cho người nông dân, tăng giá xuất khẩu hay tăng chất lượng gạo, song lại tạo ra rào cản rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trước khi có Nghị định 109, toàn quốc có khoảng 230 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu ở các phạm vi khác nhau. Điều đáng chú ý là, doanh nghiệp xuất khẩu mới tham gia vào thị trường rất ít”, ông Vinh đánh giá.
Nhanh chóng sửa đổi
Đứng từ góc độ của doanh nghiệp, bà Nguyễn Phương Dung, Giám đốc Công ty Thành Phương cho rằng: Nhiều nội dung nêu tại Nghị định 109 còn thiếu bình đẳng, có phần ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước.
“Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT phải có đề nghị kiên quyết với Chính phủ để sửa đổi, đảm bảo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp trong kinh doanh. Để sửa đổi Nghị định 109 cho phù hợp hơn với thực tiễn, phải có sự họp mặt góp ý của nhiều doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ”, bà Dung nói.
Về vấn đề này, ông Vinh kiến nghị, cần loại bỏ hết các điều kiện đặt ra đối với doanh nghiệp trong Nghị định 109. Đặc biệt, cần loại bỏ các thẩm quyền Nhà nước hiện đang trao cho VFA, đưa VFA về đúng vị trí của một hiệp hội doanh nghiệp, đồng thời bỏ các hợp đồng bán gạo tập trung (G2G), Nhà nước không nên đi buôn mà chỉ đứng ở vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Không đồng ý hoàn toàn với quan điểm của ông Ninh, theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Không thể xóa bỏ hoàn toàn các điều kiện đặt ra trong Nghị định 109.
Trên thực tế, đúng là trong Nghị định 109 có nhiều quy định tồn tại bất cập, không phù hợp với xu thế phát triển. Cơ quan quản lý Nhà nước phải nhìn nhận, xem xét dựa trên phản ứng dư luận xã hội, doanh nghiệp để kịp thời bổ sung, sửa những thứ không phù hợp, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.(BHQ)
Hà Nội: Dự án "treo" 45 năm vẫn không nhúc nhích
Dự án “treo”, quy hoạch “treo” công viên Tuổi Trẻ - phường Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội là điển hình về chuyện người dân khổ cực vì bị “treo” quyền xây nhà, cấp sổ đỏ suốt hơn 40 năm qua.
Thậm chí hơn một năm trước, bí thư Thành ủy Hà Nội lúc đó là ông Phạm Quang Nghị đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ, nhưng đến nay người dân phản ảnh việc tháo gỡ vẫn chưa xong.
45 năm không nhúc nhích
Ông Nguyễn Hữu Căn (nhà số 2C, ngõ 98 Kim Ngưu) cho biết câu chuyện gần 600 hộ dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn chịu cảnh sống khổ cực hơn 40 năm qua đã được nhiều tờ báo nêu.
“Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan của thành phố nêu nguyện vọng, nếu tiếp tục làm dự án công viên Tuổi Trẻ giai đoạn 2 thì trả lời cho người dân bao giờ thu hồi đất, bao giờ giải phóng mặt bằng, bao giờ chuyển người dân đi tái định cư để chúng tôi còn ổn định cuộc sống.
Còn nếu không triển khai thì trao quyền xây dựng nhà cửa, cấp sổ đỏ cho người dân. Vậy mà những câu hỏi này suốt bao nhiêu năm qua không cơ quan nào trả lời” - ông Căn bức xúc.
Theo ông Căn, khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn bị đưa vào vùng quy hoạch công viên Tuổi Trẻ từ những năm 1970. Đến năm 2000 Hà Nội có tiếp quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án công viên Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói nhất là từ năm 2000 đến nay dự án này không triển khai làm thêm công trình nào.
“Vì lỡ nằm trong vùng quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất và cũng vì quy hoạch vẫn treo không triển khai nên người dân có đất mà mất các quyền sở hữu, quyền xây dựng đến tận bây giờ” - ông Căn nói.
Ông Căn cho biết ngày 24-4-2015 ông đã mang câu chuyện về cuộc sống khổ cực của gần 600 hộ dân phản ảnh trực tiếp đến ông Phạm Quang Nghị - bí thư Thành ủy Hà Nội, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội - khi tiếp xúc cử tri.
“Khi đó, ông Nghị đã chỉ đạo trực tiếp UBND thành phố, Sở Quy hoạch - kiến trúc phải quyết liệt giải quyết nguyện vọng của người dân về xóa bỏ quy hoạch treo. Vậy mà đến nay đã hơn một năm, việc xây dựng nhà cửa, cấp sổ đỏ cho người dân vẫn tiếp tục... không nhúc nhích” - ông Căn bất bình.
Cơ quan không vội
Gặp lại những hộ dân trong khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn, nhiều hộ dân nói họ không biết các cơ quan của thành phố đã làm gì, nhưng hiệu quả bằng câu trả lời bao giờ người dân được xây nhà, bao giờ người dân được cấp sổ đỏ, hoặc làm tiếp dự án thì bao giờ giải phóng mặt bằng... vẫn không có văn bản nào nhắc đến.
“Ngày 10-9-2015, báo Tuổi Trẻ nói lên nỗi khổ của chúng tôi qua bài viết “45 năm sống treo giữa thủ đô”, nhiều báo sau đó cũng lên tiếng.
Đến ngày 6-12-2015, lãnh đạo Sở Xây dựng báo cáo trước HĐND thành phố về việc các sở đã báo cáo UBND thành phố dừng thực hiện giai đoạn 2 của dự án công viên Tuổi Trẻ.
Lãnh đạo Sở Xây dựng nói rõ là trên cơ sở ý kiến của người dân qua khảo sát, qua phát phiếu điều tra, nguyện vọng của người dân nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 của công viên Tuổi Trẻ, tất cả 100% các hộ dân đều không muốn di chuyển.
Vì vậy, các ngành đã báo cáo UBND thành phố cho phép thực hiện dự án công viên Tuổi Trẻ theo phương án hẹp với diện tích 12ha như hiện nay, không thực hiện tiếp giai đoạn 2 của dự án mở rộng thêm 26ha nữa.
Vậy nhưng từ cuối năm 2015 đến nay không có thêm một tháo gỡ nào trong thực tế cho người dân, cảnh sống “treo” vẫn tiếp diễn” - ông Đinh Xuân Tế, trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn, than vãn.
Theo ông Tế, việc lãnh đạo Sở Xây dựng báo cáo trước HĐND thành phố về việc dừng thực hiện dự án công viên Tuổi Trẻ giai đoạn 2 từ cuối năm 2015 là tin vui với người dân, nhưng gần 600 hộ dân đã mừng hụt, vì thực tế việc tháo gỡ vẫn chỉ là lời nói.
“Họ nói với việc dừng thực hiện giai đoạn 2 thì người dân phường Thanh Nhàn nằm trong quy hoạch sẽ có điều kiện cải tạo, xây mới nhà ở, thành phố cũng nói sẽ giảm được nguồn kinh phí 2.000 tỉ đồng phục vụ tái định cư. Vậy nhưng, mọi việc đến nay vẫn chỉ là nói miệng” - một hộ dân khu dân cư số 4 thất vọng.
Ông Triệu Như Long, phó chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn, cho biết hiện nay các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa quyết định chính thức ra sao nên cũng không có thông tin trả lời người dân. “Mọi việc vẫn đang dừng ở kiến nghị trước đây” - ông Long cho hay.
Trả lời Tuổi Trẻ về việc đã giải quyết ra sao về nguyện vọng của người dân, ông Lâm Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, nói rằng quận đã làm theo đúng yêu cầu của thành phố.
“Quận đã khảo sát và lấy ý kiến toàn bộ dân cư trong vùng quy hoạch, đã trình lên thành phố. Hiện nay Sở Quy hoạch - kiến trúc đang lấy ý kiến thống nhất với liên ngành. Còn quận không có thẩm quyền quyết định việc này mà phải hỏi Sở Quy hoạch - kiến trúc” - ông Tuấn nói.
Ngôi nhà 12m2 là nơi ở hơn 40 năm qua của ba thế hệ gia đình ông Nguyễn Văn Xuân ở ngõ 281 Trần Khát Chân, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội - Ảnh: Nam Trần