Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến 6 tuyến đường có tổng mức đầu tư 13.000 tỷ đồng ở Hà Nội.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 29-01-2016
- Cập nhật : 29/01/2016
Tàu buồm đầu tiên của Hải quân VN về đến Nha Trang
Chiều 27-1, tàu buồm huấn luyện hải quân đã cập bến Quân cảng Học viện Hải quân, TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Đây là chiếc tàu buồm đầu tiên của Hải quân VN, có chức năng huấn luyện đi biển dài ngày và tham gia giao lưu quốc tế.
Tàu buồm huấn luyện hải quân mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn, có gắn động cơ, bắt đầu được đóng tại Ba Lan ngày 2-7-2014 và hạ thủy ngày 1-6-2015.
Tàu có ba cột buồm với tổng diện tích 1.400m2, lượng giãn nước 857 tấn, dài 67m, rộng 10m, chiều cao cột buồm 40m, mớn nước 3,6-5,75m. Tàu được trang bị hệ thống điện tử, hệ thống hàng hải hiện đại.
Thủy thủ biên chế trên tàu là 30 người và có thể mang thêm tới 80 học viên thực hiện huấn luyện đi biển dài ngày.
Trung úy Nguyễn Trọng Hiếu, phó thuyền trưởng tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn, cho biết sau khi tiếp nhận tàu tại Ba Lan, kíp sĩ quan và thủy thủ cùng các giáo viên của Học viện Hải quân đã thực hiện chuyến hải trình dài nhất lịch sử Hải quân VN với 125 ngày trên biển.
Tàu đã vượt biển Baltic, biển Bắc, đi qua Đại Tây Dương, qua kênh Anh đến vịnh Caribê, qua kênh đào Panama, qua Thái Bình Dương, qua kênh Philippines trước khi về đến VN với tổng chiều dài 3/4 vòng Trái đất.
Dự kiến trong tháng 3-2016, Quân chủng Hải quân sẽ tổ chức lễ thượng cờ, chính thức đưa tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn vào biên chế Học viện Hải quân.
Đà Nẵng phổ biến luật cho vùng biên giới biển
Ngày 27-1, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016”.
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan của TP phối hợp, tăng cường tổ chức tuyên truyền về thực trạng, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nêu rõ quan điểm, chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông của Đảng và Nhà nước ta; công khai một số nội dung quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Ông Trần Quốc Vượng làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, đã được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII gồm 21 thành viên.
Sáng nay 28-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII) họp phiên bế mạc tại Hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Tại phiên họp này, Đại hội XII nghe báo cáo kết quả bầu cử Bộ Chính trị với 19 thành viên và Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XI Nguyễn Phú Trọng đã được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XII; Ban Bí thư với 3 Bí thư Trung ương Đảng; Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương khóa XII diễn ra ngày 27-1.
Theo kết quả được công bố, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, đã được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII gồm 21 thành viên.
Danh sách Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII như sau:
1. Đồng chí Trần Quốc Vượng
2. Đồng chí Mai Trực
3. Đồng chí Nguyễn Đức Hải
4. Đồng chí Sa Như Hòa
5. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài
6. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn
7. Đồng chí Nguyễn Văn Nhân
8. Đồng chí Tô Quang Thu
9. Đồng chí Trần Cẩm Tú
10. Đồng chí Nguyễn Công Học
11. Đồng chí Võ Minh Khương
12. Đồng chí Nguyễn Văn Doanh
13. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngà
14. Đồng chí Hà Quốc Trị
15. Đồng chí Cao Văn Thống
16. Đồng chí Vũ Khắc Hùng
17. Đồng chí Nghiêm Phú Cường
18. Đồng chí Nguyễn Thế Toàn
19. Đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp
20. Đồng chí Huỳnh Thị Xuân Lam
21. Đồng chí Trần Tiến Hưng
10 năm, truy tố gần 5.800 bị can tham nhũng
Đó là con số được công bố tại hội nghị tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tham nhũng do Viện KSND Tối cao tổ chức tại Hà Nội, ngày 27/1.
Theo cơ quan này, dù hoạt động phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, song việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được đòi hỏi của dư luận.
Vụ việc không nhiều nhưng thiệt hại lớn
Thống kê của ngành Kiểm sát cho hay, trong 10 năm, Viện KSND các cấp đã thụ lý, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 3.424 vụ, với 7.700 bị can. Trong số này, cơ quan chức năng đã truy tố 2.584 vụ, với 5.782 bị can và tòa án các cấp đã xử 2.567 vụ, với 5.748 bị cáo.
Theo ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, công tác xử lý tội phạm tham nhũng đã có những bước tiến đáng kể, với việc truy tố nhiều đối tượng có chức vụ trong các ngành, nghề. Tuy vậy, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực, đặc biệt trong mảng tài chính, ngân hàng, thuế và đất đai.
Dù vụ việc không quá nhiều, song số tiền thiệt hại từ những hành vi phạm pháp của nhóm đối tượng này là rất lớn. Đơn cử như vụ tham nhũng xảy ra tại Tổng Cty hàng hải Việt Nam (Vinalines), Bộ Giao thông Vận tải. Trong vụ án này, riêng cựu chủ tịch HĐQT Vinalines – Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 395 tỷ đồng. Hoặc vụ án tham nhũng xảy ra tại Cty Cho thuê tài chính II, Ngân hàngAgribank Việt Nam, các đối tượng vi phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 531 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, ông Dương Văn Hùng, Vụ trưởng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5), Viện KSND Tối cao cho hay, trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi đều tăng hằng năm, nhưng chỉ ở con số hạn chế. Trong năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong cả nước chỉ đạt 11%. Con số này được cải thiện khi năm 2014, đã tăng lên 23% và 55,8% số tài sản được thu hồi trong năm 2015. Theo Viện KSND Tối cao, việc thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn do một số vụ án, các đối tượng vi phạm đã thực hiện hành vi tẩu tán trước khi vụ án được phát hiện, điều tra.
Tội phạm “có đầu óc” gây khó cơ quan điều tra
Nói về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, ông Dương Văn Hùng cho biết, những năm qua, Viện KSND các cấp đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, qua đó góp phần phát hiện kịp thời và đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng hiệu quả. Cụ thể, 100% các vụ án đã được kiểm sát điều tra ngay từ khi khởi tố.
Liên quan đến giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Vụ trưởng Vụ 5 cho rằng, đây là hoạt động còn nhiều khó khăn, hạn chế, trong đó có những vướng mắc về quy định của pháp luật. “Tiến độ điều tra, giải quyết một số vụ án về tham nhũng còn kéo dài, đặc biệt là các vụ án lớn, liên quan đến giám định kế toán, tài chính, ngân hàng để xác định thiệt hại. Từ đó dẫn đến việc chất lượng điều tra, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết một số vụ án về tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Dẫn đến số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chiếm tỷ lệ cao”, ông Hùng nói.
Nói về đặc thù của án tham nhũng, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao – Nguyễn Hải Phong phân tích, các vụ án này thường có tính chất phức tạp, người phạm tội có trình độ chuyên môn cao, có chức vụ, quyền hạn và đặc biệt là có nhiều mối quan hệ xã hội. Theo ghi nhận của Viện KSND Tối cao, trong nhiều vụ án, việc che đậy hành vi phạm tội được thể hiện rất tinh vi, do đó, hành vi phạm tội xảy ra rất lâu mới bị phát hiện, dẫn đến việc xác minh, điều tra gặp nhiều khó khăn.
Đến 2020, cán bộ phải “đủ tiêu chuẩn” trước khi bổ nhiệm
Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao trình độ, năng lực cán bộ và cán bộ quản lý...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025.
Muc tiêu của đề án là nhằm xây dựng hệ thống thể chế thống nhất, đồng bộ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế; hệ thống chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức học tập và tự học để không ngừng nâng cao trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
Tổ chức hệ thống quản lý và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gọn nhẹ, khoa học, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Đề án phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm hàng năm ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.
Đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm.
Đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức người dân tộc Kinh công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sử dụng được ít nhất một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động ít nhất 1 lần trong thời gian 2 năm.
Bảo đảm đến năm 2020, ít nhất 70% và đến năm 2025, 100% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm.
Hàng năm, ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.
Cùng với đó, 100% đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và nhiệm kỳ 2021-2026 được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động...