Việt Nam và Mỹ thống nhất tìm kiếm khả năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Tin trong nước đọc nhanh tối 31-01-2016
- Cập nhật : 31/01/2016
Mỹ điều khu trục hạm áp sát đảo ở Hoàng Sa
ABC News dẫn tin từ Lầu Năm Góc cho hay động thái của tàu chiến USS Curtis Wilbur (DDG 54) nhằm thách thức những hạn chế về quyền và tự do hàng hải của Mỹ cũng như các nước khác trên Biển Đông.
"Tôi có thể xác nhận rằng Bộ Quốc phòng đã tiến hành một hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông hôm 30/1 cụ thể là trong khu vực lân cận đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa", phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông Mark Wright, nói.
Theo ông, không có tàu nào của hải quân Trung Quốc xung quanh khu vực này khi USS Curtis Wilbur đi qua. Hải quân Mỹ cũng không thông báo trước về động thái trên.
"Điều này phù hợp với hoạt động thông thường của chúng tôi và luật pháp quốc tế", ông Wright nói.
Đảo Tri Tôn là một cồn cát có diện tích lớn thứ ba ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.
Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Wright khẳng định Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc "bảo vệ các quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận này đối với tất cả các nước và tất cả những tuyên bố chủ quyền hàng hải phải phù hợp với luật pháp quốc tế".
Hồi tháng 10/2015, khu trục hạm USS Lassen của Mỹ cũng đi vào phạm vi 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái này đã thách thức mạnh mẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và khiến Bắc Kinh tức giận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines.
Trung Quốc đã thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên quần đảo Hoàng Sa từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Trung Quốc liên tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm trường học, sân bay, bến cảng ở Hoàng Sa, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Có nhiều nghi vấn trong vụ lục soát người Việt ở Làng Sen
"Chúng tôi đánh giá có thể có người Việt làm chỉ điểm trong vụ này, vì lực lượng khám xét biết rõ ai có tiền trong nhà, thậm chí để ở đâu", ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam ở tỉnh Odessa, trả lời riêng VnExpress sáng nay.
Theo ông Hải Anh, Hội người Việt đã từng tìm ra một số người liên quan tới các vụ tương tự. Sau đó chính quyền Ukraine cùng Đại sứ quán Việt Nam tại nước này đã phối hợp để trục xuất về Việt Nam. Hiện lãnh đạo Hội đã biết một số cá nhân nhưng chưa có chứng cứ rõ ràng.
Vào lúc 3h sáng ngày 28/1, một nhóm an ninh của Ukraine đến Làng Sen, họ bắt đầu khám xét 10 căn hộ vào khoảng 5h sáng. Thậm chí họ còn phá cửa và két của những người không có ở nhà. Lãnh đạo Hội cũng bị ngăn liên lạc với chính quyền địa phương. Khi bà con phản kháng, lực lượng nói trên đã gọi những người bịt mặt đến và bắn chỉ thiên, nhiều người Việt rất hoảng sợ và hoang mang.
Lệnh khám lực lượng này đưa ra là tìm 5 người nhập cư trái phép, làm giấy tờ giả, tuy nhiên họ lại thu giữ tiền là chính, ông Hải Anh cho hay.
Khi Hội người Việt đề nghị một số cơ quan truyền thông của tỉnh đến đưa tin, các nhân viên trong nhóm khám xét đều cho hay họ là bên an ninh, không được phép trả lời. Thời điểm đại diện của Đại sứ quán Việt Nam đến họ cũng không cho biết cụ thể, nói rằng đang điều tra, những người Việt sống ở Ukraine phải tuân theo luật pháp của nước này.
Ông Hải Anh cho biết các vụ lục soát đột xuất trên thực tế đã xảy ra khoảng 4-5 năm nay, khoảng 2012, từ chỗ lẻ tẻ chuyển thành phổ biến hơn. Ước tính mỗi năm xảy ra khoảng 2-3 lần, chủ yếu tập trung vào những người có tài sản.
Hội người Việt ở Odessa và Đại sứ quán năm ngoái khi biết có 6 lệnh khám xét của tòa án đã làm việc với trưởng công an tỉnh, chánh tòa án và các ban ngành khác. Sau khi có kiến nghị thì chính quyền địa phương đã dừng, không tiến hành lục soát nữa. Tuy nhiên, lực lượng khám xét sau này còn xin lệnh khám từ tận Kiev và phối hợp với an ninh từ thủ đô tới nên chính quyền địa phương không can thiệp được.
Người Việt Nam ở Odessa chủ yếu buôn bán hàng tiêu dùng và làm dịch vụ, kinh doanh ở Chợ Cây số 7, là chợ lớn nhất của Ukraine.
"Chúng tôi chủ yếu khuyên bà con nên chuyển đổi hình thức kinh doanh làm sao an toàn hơn, tránh buôn bán bất hợp pháp để họ lấy cớ gây hại đến mình", ông Hải Anh nói.
Hiện ước tính có hơn 3.000 người Việt ở Odessa, trong đó số kinh doanh ở chợ khoảng 700-800 người.
Khánh thành Cảng hàng không Thọ Xuân
Cảng hàng không Thọ Xuân có một đường cất hạ cánh với kích thước 3.200m x 50 m, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay A320, A321 và tương đương. Tổng diện tích quy hoạch của cảng là 654,8 ha, gồm nhiều dự án thành phần như nhà ga hành khách; sân đậu máy bay; hệ thống đèn tín hiệu hàng không và thiết bị hạ cánh chính xác (ILS); hệ thống quan trắc khí tượng; sân đậu ô tô; hệ thống chiếu sáng; hệ thống thiết bị mặt đất...
Trong đó, nhà ga hành khách công suất thiết kế 1,2 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng lên 2 triệu hành khách/năm. Nhà ga hành khách có tổng diện tích sàn sử dụng 5.000 m2 được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, hệ thống kỹ thuật hàng không hiện đại, công nghệ tiên tiến, cung cấp tiện nghi chất lượng cao phục vụ hành khách.
Tầng một được sử dụng để phục vụ hành khách đi và đến, gồm sảnh chính, khu vực làm thủ tục hàng không, khu phân loại hành lý, quầy vé và khu vực kiểm tra an ninh, phòng VIP, khu băng chuyền hành lý phục vụ hành khách đến. Tầng hai sử dụng bố trí phòng chờ cho hành khách đi, phòng khách hạng thương gia và các khu vực dịch vụ thương mại như ăn uống, giải khát, quầy hàng lưu niệm...
Việc hoàn thành Cảng hàng không Thọ Xuân giúp nâng cao năng lực tiếp nhận tàu bay, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các chuyến bay trong điều kiện thời tiết xấu và tầm nhìn hạn chế. Đồng thời, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, khách du lịch, các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ.
Cảng hàng không Thọ Xuân do ACV làm chủ đầu tư khởi công xây dựng vào ngày 28-12-2014. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỉ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển của ACV.
Cà Mau phạt ba người Trung Quốc lợi dụng du lịch để kinh doanh
Ngày 30-1-2016, nguồn tin từ Cà Mau cho biết từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh này đã ra ba quyết định xử phạt hành chính đối với ba người quốc tịch Trung Quốc.
Đó là các ông Ưu JuSong (SN 1975), Xiang JiCheng (SN 1977) và Zhan XiLin (SN 1975). Mỗi người bị phạt 20 triệu đồng về cùng hành vi lợi dụng việc du lịch để kinh doanh tại Việt Nam. Hành vi này được quy định tại điều 17 Nghị định 167/2013 của Chính Phủ.
Bệnh viện tỉnh Bình Phước bị đề nghị phạt gần 1,8 tỉ đồng
Công an cũng đề nghị BVĐK tỉnh trong sáu tháng phải khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường này.
Theo Đại tá Lê Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an tỉnh Bình Phước, tỉnh BVĐK Bình Phước đã xả nước thải vượt quy chuẩn từ hai đến dưới năm lần và chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại vượt quy định cho phép. Qua làm việc, lãnh đạo BVĐK tỉnh Bình Phước cũng thừa nhận đã thực hiện việc chôn lấp, đổ chất thải nguy hại này từ năm 2010 đến nay.