Bộ Công an “đánh úp” các xưởng gỗ khủng ở Gia Lai
Đến chiều 7-10, hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc Tổng cục An ninh II (Bộ Công an), Công an Gia Lai và đoàn công tác Tổng cục Lâm nghiệp vẫn tiếp tục trực chiến tại các xưởng gỗ lậu có quy mô lớn ở tỉnh Gia Lai.
Bên trong xưởng gỗ của Công ty Bảo Hoàng tại làng Nú, xã Ia Nan (Đức Cơ, Gia Lai) bị kiểm tra đột xuất - Ảnh: B.D.
Tại các nơi này, lực lượng điều tra huy động lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường, tiến hành kiểm đếm số gỗ có mặt tại bãi.
Tại các xưởng gỗ lớn như ở làng Nú, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ), huyện Chư Prong, nhiều cảnh sát cơ động sử dụng xe chuyên dụng tấn công các bãi gỗ. Các bãi gỗ được bảo vệ trong tình trạng nghiêm ngặt, không một ai có thể lọt vào bên trong.
Chiều 7-10, PV Tuổi Trẻ đã lọt được vào xưởng gỗ của Công ty Bảo Hoàng - một “trùm gỗ” lớn nhất nhì của tỉnh Gia Lai và ghi nhận công tác bảo vệ hiện trường, tiến hành đo đếm gỗ tại xưởng của đơn vị này tại làng Nú (xã Ia Nan). Một người dân cho biết xưởng gỗ này có quy mô lớn, là nơi tập trung hàng trăm mét khối gỗ được vận chuyển từ giáp biên giới Campuchia về bãi tập kết.
Tại bãi này thời điểm cảnh sát, kiểm lâm có mặt đang có hàng trăm mét khối gỗ tròn chất thành đống, xung quanh xưởng được bịt kín bằng hệ thống tường kiên cố và luôn có người canh giữ. Phía trong xưởng nhiều xưởng cưa cũng được bố trí để cưa xẻ gỗ, chủ yếu là hương, cẩm lai.
Lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết các đơn vị này chỉ được nghe báo cáo về việc tấn công các xưởng gỗ cận kề sau khi Bộ Công an đưa lực lượng vào và đề nghị phối hợp.
“Chúng tôi cũng mới biết được sự việc và phối hợp chặt chẽ để kiểm tra hành chính các xưởng gỗ” - đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai nói.
“Hiện tại chúng tôi vẫn chưa thể nói được thêm gì, đơn vị nào sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm, nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là phối hợp” - một lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai nói.
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, hiện có một loạt xưởng gỗ lớn của Công ty Bảo Hoàng (Gia Lai) bị Bộ Công an, Cục Kiểm lâm yêu cầu mở xưởng kiểm tra. Đây là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh gỗ.
Ban nội chính Tỉnh ủy Gia Lai thông tin chuyên án này có liên quan đến việc một lượng lớn gỗ được đưa từ biên giới Campuchia về Việt Nam sau khi tỉnh Gia Lai cho phép đưa gỗ qua các cửa khẩu phụ dọc biên giới.
Sứ quán Việt Nam tại Algeria gặp chủ bạo hành lao động Việt
Liên quan đến một số lao động Việt Nam tại Algeria bị chủ sử dụng lao động bạo hành, ngày 07-10, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã cử đại diện đến làm việc với chủ sử dụng lao động Việt Nam.
Ngoài ra, đại diện sứ quán cũng đã gặp gỡ công nhân Việt Nam nắm tình hình đồng thời tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, trong tháng 9 năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cũng đã nhiều lần cử cán bộ đến hiện trường để làm rõ các thông tin liên quan, thăm hỏi các lao động Việt Nam đang gặp khó khăn, cũng như phối hợp với đại diện công ty phái cử lao động là SIMCO Sông Đà làm việc cụ thể với đối tác sử dụng lao động yêu cầu phía đối tác giải quyết dứt điểm vụ việc, tôn trọng các cam kết giữa hai bên, đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đối xử nhân đạo với các lao động Việt Nam.
"Nhân đây, chúng tôi yêu cầu các chủ sử dụng lao động tôn trọng và làm đúng theo những ký kết với các công ty phái cử lao động Việt Nam cũng như đối xử bình đẳng, nhân đạo, bảo đảm đầy đủ các điều kiện sinh sống, làm việc đối với các lao động Việt Nam," Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đang tiếp tục theo dõi sát vụ việc, lên các phương án can thiệp phù hợp để đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích chính đáng của lao động Việt Nam.
Khởi tố thêm 4 bị can vụ Công ty Lương thực Vĩnh Long
Quá trình điều tra bước đầu xác định Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa (tổng giám đốc Công ty Thịnh Phát Kon Tum) đã chiếm đoạt gần 60 tỉ đồng của Nhà nước.
Mở rộng điều tra vụ án lừa đảo và cố ý làm trái xảy ra tại Công ty Lương ThựcVĩnh Long, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố thêm 4 bị can.
Bốn bị can gồm: Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa (tổng giám đốc Công ty Thịnh Phát Kon Tum), Nguyễn Ngọc Thạch (phó tổng giám đốc Công ty Thịnh Phát Kon Tum) bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hai bị cáo Phạm Anh Thơ (tổ trưởng tổ nông sản) và Võ Minh Khôi (nhân viên phòng kế hoạch kinh doanh thuộc Công ty Lương thực Vĩnh Long) bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng Võ Minh Khôi được tại ngoại, 3 bị can còn lại đã bị cơ quan điều tra bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Trước đó, trong vụ án này cơ quan điều tra đã khởi tố 3 bị can về tội cố ý làm trái gồm Dương Lê Dũng (giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long), Huỳnh Văn Thức (trưởng phòng kinh doanh) và Trần Thị Diễm Thúy (kế toán trưởng).
Tuy nhiên bị can Dương Lê Dũng đã chết sau đó một thời gian.
Được biết, Công ty Lương thực Vĩnh Long là chi nhánh thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam, có 100% vốn Nhà nước.
Từ tháng 2 đến tháng 6-2012, công ty này đã ký kết 25 hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum, thực chất là đi vay vốn của công ty này với lãi suất từ 6-8%/năm, và hợp thức hóa việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng.
Quá trình thực hiện các hợp đồng, hai bị can Nghĩa và Thạch đã khai khống số lượng sắn lát tồn kho từ 24.000 tấn lên 39.000 tấn nhằm chiếm đoạt tiền của Công ty Lương thực Vĩnh Long.
Các bị can Thơ và Khôi không thực hiện đúng chức trách được giao, ký xác nhận khối lượng sắn lát do Công ty Thịnh Phát Kon Tum mua nhập kho, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Qua đối trừ tài sản thế chấp, cơ quan điều tra xác định các bị can Nghĩa và Thạch chiếm đoạt của Nhà nước số tiền 58 tỉ đồng.
GDP sẽ tăng thêm 1 - 2%
TS Nguyễn Đức Thành (viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR) nói khi TPP có hiệu lực, GDP của VN sẽ tăng, tùy kịch bản nhưng sẽ từ 1,03 - 2,04%.
Bên cạnh một số ngành có lợi thế rất lớn như: dệt may, da giày, dịch vụ công và xây dựng, nhiều ngành của VN sẽ phải chứng kiến sự thu hẹp vì kém lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khối TPP, như: chăn nuôi, ngành sữa, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng và sản xuất công nghiệp...
Cụ thể, theo các kịch bản, chỉ riêng tác động của TPP, sản lượng sữa chưa tiệt trùng của VN có thể sẽ phải giảm từ 1,8 - 7,5%. Đồ gỗ có thể giảm từ 4,4 - 20,9%...
Đặc biệt, phân tích của VEPR cho thấy khi gia nhập TPP, nếu như có hai yếu tố giúp tăng GDP là tiêu dùng và đầu tư tăng thì cũng có yếu tố khiến kéo giảm GDP là xuất khẩu của VN sẽ giảm... Nguyên nhân có thể do sản xuất trong nước giảm ở một loạt các ngành bị cạnh tranh từ nước ngoài...
Đặc biệt với ngành chăn nuôi, các nước trong khối TPP như Mỹ, Úc, New Zealand rất mạnh lĩnh vực này... Theo tính toán, toàn bộ ngành chăn nuôi gà, heo của VN sẽ bị thu hẹp khi tham gia TPP, lao động ngành chăn nuôi sẽ phải giảm rõ rệt, cả lao động phổ thông và có kỹ năng.
Kinh hãi chất dệt nhuộm có trong thức ăn cho gà
Cục Chăn nuôi và Thanh tra vừa phát hiện chất có tên “vàng ô” là chất màu được sử dụng trong công nghiệp dệt nhuộm và xây dựng trong thức ăn cho gia cầm.
Trước đó, cơ quan chức năng cũng bắt được một địa điểm giết mổ gia cầm có gà ngâm trong loại dung dịch “đặc biệt” biến từ màu trắng sang màu vàng bắt mắt - Ảnh: Thăng Long
Qua tin báo của người chăn nuôi và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi và Thanh tra Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn vừa phát hiện chất có tên “vàng ô” là chất màu được sử dụng trong công nghiệp dệt nhuộm và xây dựng trong thức ăn cho gia cầm.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - phó cục trưởng Cục Thú y, đây là lần thứ hai “vàng ô” được phát hiện trong thức ăn chăn nuôi, lần đầu vào năm 2014 tại Hải Phòng.
Ông Dương cho biết các trại chăn nuôi cho “vàng ô” vào thức ăn nhằm mục đích tạo màu cho cả thức ăn chăn nuôi và thực phẩm. Chất này không loại thải sau khi vào cơ thể gia cầm, thực nghiệm trên động vật cho thấy “vàng ô” có thể gây ung thư.
Theo ông Dương, từ tháng 9 đến nay các địa phương đang đồng loạt triển khai kiểm tra phát hiện chất cấm trong chăn nuôi. Bộ NN&PTNT đã đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu sản xuất loại test nhanh phát hiện chất cấm, chỉ trong vòng 5phút kể từ khi nhỏ nước tiểu heo vào test có thể xác định được ngay trại heo có sử dụng chất cấm hay không.
(
Tinkinhte
tổng hợp)