tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

'TPP không là mỏ vàng nhưng chúng ta cũng đừng bi quan'

  • Cập nhật : 10/11/2015

(Thuong mai)

Trao đổi với chúng tôi khi công bố nội dung TPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, TPP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước có tổng GDP chiếm 85% khối phê chuẩn.

ong tran quoc khanh cho hay, mot so quy dinh cua viet nam se phai sua de kip co hieu luc cung voi tpp nhung da so se duoc sua sau khi hiep dinh co hieu luc. anh: anh tuan.

Ông Trần Quốc Khánh cho hay, một số quy định của Việt Nam sẽ phải sửa để kịp có hiệu lực cùng với TPP nhưng đa số sẽ được sửa sau khi Hiệp định có hiệu lực. Ảnh: Anh Tuấn.

 

- Bộ Công Thương vừa đăng tải nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông có thể cho biết đây đã là toàn văn của Hiệp định chưa và liệu có phần nào chưa được công bố?

- Theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, chỉ khi nào các nước hoàn tất rà soát pháp lý thì nội dung của hiệp định mới được công bố.

TPP là một hiệp định lớn, riêng phần lời văn chính đã hơn 500 trang, lại kèm theo hàng chục biểu cam kết của 12 nước về thuế, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ. Dù đã hết sức cố gắng nhưng cho tới nay các nước vẫn chưa rà soát xong.

Tuy nhiên, trước nhu cầu thông tin của đông đảo người dân và  doanh nghiệp, các nước thành viên TPP quyết định công bố sớm và toàn văn nội dung. Do việc rà soát vẫn tiếp tục sau khi TPP được công bố nên có thể có chỗ này, chỗ khác sẽ được chỉnh sửa nhưng đó chỉ là chỉnh sửa kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết đã được thống nhất.

Ngoài hiệp định chính, các nước cũng sẽ ký với nhau nhiều thỏa thuận song phương. Do các thỏa thuận song phương này chỉ liên quan tới 2 bên ký kết nên sẽ được các bên công bố riêng.

Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương đã công bố toàn văn TPP, các biểu cam kết và thỏa thuận song phương mà ta là một bên ký kết.

Do thời gian quá gấp, khối lượng cần dịch lại lớn, bản thân hiệp định chưa phải là bản cuối cùng nên chúng tôi mới công bố bản tiếng Anh, chưa thể cung cấp bản dịch tiếng Việt.

Chúng tôi rất mong được người dân và doanh nghiệp thông cảm. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nhanh chóng hoàn tất dịch thuật để công bố bản tiếng Việt trong thời gian sớm nhất.

- Theo ông thì doanh nghiệp nên lưu tâm tới những phần nào của TPP?

- TPP là một hiệp định toàn diện, đề cập nhiều vấn đề. Do được xây dựng dựa trên một triết lý thống nhất là tự do hóa, thuận lợi hóa và thượng tôn quy tắc nên tất cả các phần đều liên hệ với nhau rất chặt chẽ.

Nếu có thời gian, các doanh nghiệp nên đọc toàn văn, kể cả các phần tưởng như không liên quan đến hoạt động kinh doanh như cơ chế giải quyết tranh chấp hay thiết kế bộ máy để thực thi.

Nếu ít thời gian, doanh nghiệp có thể tập trung vào các cam kết mở cửa thị trường như thuế, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của các cơ quan Chính phủ. Các cam kết về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử hay doanh nghiệp nhà nước cũng rất quan trọng.

- Bao giờ thì hiệp định được ký kết và chính thức có hiệu lực?

- Như tôi đã trình bày, các nước sẽ tiếp tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết. Mỗi nước có quy định khác nhau về  thời gian cho công chúng nghiên cứu nội dung Hiệp định nhưng nhìn chung là dao động trong khoảng từ 60 đến 90 ngày.

Như vậy, tính từ thời điểm TPP được công bố, các nước sẽ có khoảng 3 tháng để chuẩn bị cho ký kết. Hiện giờ thì ngày ký kết chưa được ấn định nhưng tôi hy vọng sẽ không muộn hơn quý I/2016.

 

Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho biết, ông nghiêng về luồng ý kiến thứ hai cho rằng không nên "ăn dưa bở" với TPP. Tuy nhiên, ông bày tỏ, với 30 năm kinh nghiệm mở cửa và hội nhập, Việt Nam không nên quá bi quan. Ảnh: Anh Tuấn.

Sau khi ký kết, các nước sẽ khởi động tiến trình phê chuẩn, dự kiến mất khoảng 2 năm. Trong vòng 2 năm đó, bất cứ lúc nào cả 12 nước hoàn tất việc phê chuẩn thì TPP sẽ có hiệu lực.

- Giả sử Mỹ, Canada hay một vài nước nào đó chưa thể phê chuẩn, thậm chí không phê chuẩn thì TPP có thể có hiệu lực được không?

- Nếu vì lý do nào đó mà không đủ 12 nước phê chuẩn thì các nước sẽ chờ cho hết 2 năm. Khi đó, việc tiếp theo là tính xem đã có bao nhiêu nước phê chuẩn.

Nếu có ít nhất 6 nước phê chuẩn và tổng GDP của những nước phê chuẩn chiếm trên 85% GDP của tất cả các nước TPP thì hiệp định sẽ có hiệu lực giữa những nước đó.

- Sẽ có bao nhiêu luật cần sửa đổi để đồng bộ hóa hệ thống luật pháp của Việt Nam với TPP và quá trình này dự kiến sẽ cần bao lâu?

- Một số luật sẽ phải sửa đổi để phù hợp với cam kết TPP. Là những luật nào thì Bộ Tư pháp đang cùng các bộ, ngành rà soát, đối chiếu và sẽ có báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Việc này đã được khởi động từ năm 2012 và bám rất sát quá trình đàm phán. Tuy nhiên, do nhiều cam kết mới chỉ được định hình tại Atlanta, Mỹ vào đầu tháng 10 vừa qua nên các bộ cần có thêm thời gian để cập nhật kết quả rà soát trước đó.

Do nhiều cam kết của ta được thực hiện theo lộ trình nên việc sửa đổi pháp luật sẽ không diễn ra ngay một lúc. Một số quy định sẽ phải sửa để kịp có hiệu lực cùng với TPP nhưng đại đa số sẽ được sửa sau khi hiệp định có hiệu lực, theo đúng lộ trình thực thi mà ta đã cam kết với các nước.

- Các chuyên gia ước tính về hàng chục tỷ USD cho tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam nhờ TPP. Với tư cách là người theo dõi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhiều năm, ông nhận định thế nào về những con số đó?

- Đó chỉ là những con số ước tính, dựa trên nhiều giả định.

Ví dụ như các nước sẽ nghiêm túc thực thi lộ trình giảm thuế và mở cửa thị trường như đã cam kết, tình hình kinh tế thế giới không có các biến động lớn, tiêu cực và quan trọng nhất, Việt Nam có đầy đủ năng lực để nắm bắt cơ hội từ TPP.

Nếu thực tế diễn biến khác với những giả định này thì các số liệu ước tính đó sẽ không còn đúng nữa.

- Khi đánh giá về TPP có người thì mô tả nó như "mỏ vàng", một số người lại nhận định "không nên ăn dưa bở" bởi còn rất nhiều điều kiện. Ông nhận xét gì về 2 luồng ý kiến này?

- Hội nhập kinh tế quốc tế luôn mang đến cả cơ hội và thách thức nên không thể nhìn TPP chỉ từ một phía. Vì vậy, tôi nghiêng về luồng ý kiến thứ hai.

Tuy nhiên, với những thành quả và kinh nghiệm mà chúng ta đã có được trong 30 năm mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua, ta cũng không nên quá bi quan. Cá nhân tôi tin tưởng chúng ta sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội do TPP đem lại.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục