Chủ đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị tố gian lận thu phí
Đàn bò mang về hơn 1.200 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai
Lương cán bộ, công chức, viên chức tăng bao nhiêu sau 14 lần điều chỉnh?
Người Việt làm bao lâu mới đủ trả nợ công?
Hà Nội duyệt quy hoạch cải tạo tập thể Ngọc Khánh và khu vực lân cận
Tin trong nước đọc nhanh 08-10-2015
- Cập nhật : 08/10/2015
Từ 2016, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2% lương
Tại Khoản 3, Điều 56 Luật BHXH 2014 sửa đổi có quy định, mức lương hưu tính hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời ông Tú như sau:
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 56 Luật BHXH 2014 sửa đổi có quy định, mức lương hưu tính hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Như vậy quy định này được thực hiện từ khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016.
Xây khu giải trí 8.000 tỉ đồng ở Thủ Thiêm
Khu phức hợp vui chơi giải trí tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm dự kiến có vốn đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng sẽ được khởi công trong tháng 11 tới
Đại diện Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) vừa cho biết UBND TP HCM đã chấp nhận chủ trương phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng khu phức hợp thể dục thể thao, vui chơi, giải trí tại khu chức năng 2C trong khu lõi trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho Tập đoàn Vingroup (VIC).
Việc phát triển khu chức năng này sẽ góp phần tạo động lực, thu hút đầu tư rất lớn vào các khu chức năng khác trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mặc dù chủ đầu tư chưa công bố con số chính thức nhưng thông tin chúng tôi có được thì tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án này vào khoảng 8.000 tỉ đồng và có thể tăng lên sau đó. Dự kiến khi được cấp phép chính thức, chủ đầu tư sẽ động thổ khởi công dự án ngay trong tháng 11-2015.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm mới hiện đại mang tầm cỡ khu vực và quốc tế trong quy hoặc tổng thể TP HCM với tổng diện tích 657 ha, trong đó 215,9 ha đất phát triển dự án; 159,5 ha đất giao thông và 281.6 ha đất cây xanh phục vụ công cộng. Toàn bộ khu Thủ thiêm được chia làm 8 phân khu chức năng.
EVN công bố kết quả lấy ý kiến 3 miền về biểu giá bán lẻ điện
Tại buổi họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung Ương, Bộ Thông tin Truyền thông ngày 6/10, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố kết quả lấy ý kiến về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại ba miền.
Hội thảo lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện do EVN tổ chức tại 3 miền đã có 27 ý kiến tham luận đưa ra. Trong đó có có 9 ý kiến của chuyên gia và 18 ý kiến của đại diện Sở Công Thương, Sở Tài chính, Hội Nông dân, Hội phụ nữ các tỉnh, thành phố và đại diện cơ quan truyền thông báo chí.
Ông Tri cho biết, hầu hết các ý kiến cho rằng, phương án giữ nguyên biểu giá điện 6 bậc như hiện nay sẽ không làm xáo trộn biểu giá điện và biểu giá điện hiện tại thực hiện được chính sách tiết kiệm. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá của một số bậc chưa thật sự hợp lý. Điều này dẫn đến có những khoảng thời gian trong năm, nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao vào mùa nóng, tốc độ tăng tiền điện tăng cao hơn tốc độ tăng sản lượng tiêu thụ điện.
Về phương án đồng giá, EVN cho hay, chỉ có 1 ý kiến đồng ý với biểu giá điện này, tương đương với 3,7% tổng số ý kiến tham gia góp ý. Đại biểu này cho rằng phương án đồng giá dễ áp dụng, dễ kiểm tra và bình đẳng. Người dùng điện ít sẽ trả ít tiền, ai dùng nhiều thì trả nhiều. Tuy phương án có nhiều khuyết điểm, nhưng đại biểu này cho rằng cần cải cách một lần đồng giá như Singapore đã làm.
96,29% số đại biểu tham gia góp ý lựa chọn phương án biểu giá điện rút về 3- 4 bậc. Các đại biểu đồng thuận cho rằng tuy phương án này vẫn còn những nhược điểm nhưng đã khắc phục được phần lớn nhược điểm của 2 phương án trên. Đồng thời, phương án 3 thỏa mãn được các tiêu chí giá điện theo Luật điện lực. Hơn nữa, theo các đại biểu thì đây cũng là phương án tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dùng điện dễ kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, việc lựa chọn 1 trong 5 kịch bản của phương án 3 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo ông Tri, có khá nhiều ý kiến lựa chọn kịch bản 5, tức biểu giá điện 4 bậc thang. Với kịch bản biểu giá điện 4 bậc thang, các đại biểu đề nghị cần xác định rõ khoảng cách giữa các mức giá giữa các bậc thang ở mức hợp lý, không để quá xa.
Một mặt, EVN cần hạn chế đến mức thấp nhất việc dồn bậc làm tác động tăng giá cụ thể ở các bậc đối với các hộ tiêu dùng điện ít, trung bình và giảm giá đối với các hội tiêu dùng nhiều điện. Ngoài ra, các đại biểu kiến nghị tiếp tục nghiên cứu chênh lệch giữa các mức giá của các bậc thang sử dụng điện hợp lý hơn.
Một số ý kiến khác lại đề nghị giãn khoảng cách giữa các bậc thang, trong khi một số ý kiến đề xuất cụ thể thay đổi mức sản lượng bậc thang đầu tiên là 0 - 100kWh/tháng thay vì 0 – 50kWh/tháng như hiện nay.Một điểm đáng chú ý là, một số ý kiến tại hội thảo miền Bắc và tất cả các ý kiến của đại diện các Sở Công Thương và Hội Nông dân khu vực miền Trung đều đề nghị biểu giá điện sinh hoạt phải bảo vệ lợi ích của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ công nhân viên chức có thu nhập trung bình. Bởi vì, số hộ này chiếm đa số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Kế hoạch tiếp theo, EVN sẽ họp với Cục Điều tiết điện lực và Tư vấn tiếp tục lắng nghe ý kiến của công chúng để hoàn thiện cơ cấu biểu giá bán lẻ trong tháng 10/2015. Sau khi tổng hợp toàn bộ các ý kiến, EVN sẽ báo cáo Bộ Công Thương để Bộ tổ chức họp lấy ý kiến các đơn vị liên quan, tổng hợp các dự thảo báo cáo trình Thủ tướng Chính Phủ để cải tiến biểu giá điện bán lẻ. Các thủ tục sẽ được thực hiện theo trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Ông Thiều Kim Quỳnh làm Chủ tịch Tổng công ty Điện lực miền Bắc
Sáng ngày 6/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố bổ nhiệm ông Thiều Kim Quỳnh làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC).
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN ký quyết định số 189 ngày 2/10/2015 bổ nhiệm có thời hạn ông Thiều Kim Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc EVNNPC giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVNNPC. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Được biết chức danh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVNNPC bị khuyết kể từ tháng 1/11/2014 sau khi ông Nguyễn Phúc Vinh nghỉ hưu. Từ đó đến nay ông Thiều Kim Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc được giao nhiệm vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành công việc tại EVN NPC.
Vào tháng 6/2015, tại Đại hội Đảng bộ EVNNPC, ông Thiều Kim Quỳnh được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy.
Biên Hòa loay hoay với dự án chống ngập 8.400 tỷ đồng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trần Văn Vĩnh hôm 6/10 chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp thành phố Biên Hòa gấp rút hoàn thiện, điều chỉnh hồ sơ và làm việc với đối tác Nhật để sớm triển khai dự án chống ngập, quy hoạch hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho toàn thành phố.
Để thực hiện giải pháp chống ngập, theo Sở Xây dựng, cần tổng nguồn vốn lên đến 8.400 tỷ đồng từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Trung tâm thoát nước Đồng Nai (chủ đầu tư dự án) cho biết mặc dù dự án đã được phê duyệt nhiều năm, song hai bên vẫn chưa thống nhất một số điểm trong thiết kế dự án như: vị trí đặt tuyến cống chính, cống bao đi kèm bờ kè dọc sông Cái, công nghệ xử lý nước thải...
Sau khi làm việc với phía JICA vào tháng 8, UBND tỉnh có văn bản thống nhất phương án khoan kích ngầm đặt tuyến ống theo dọc bờ sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai đi qua TP Biên Hòa) kết hợp xây dựng bờ kè. Phía JICA thống nhất phương án khoan kích ngầm nhưng vẫn chưa có ý kiến về việc xây dựng bờ kè kết hợp với tuyến cống chạy dọc sông Cái. "Tháng tới, phía JICA sẽ cử phái đoàn đi thực tế để đánh giá xem việc xây dựng bờ kè có cần thiết cho dự án thoát nước hay không", lãnh đạo Trung tâm thoát nước Đồng Nai cho biết.
Trước vướng mắc này, ông Vĩnh cho rằng cần sớm điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ, linh hoạt tách một số vướng mắc nhỏ chưa thống nhất được thành dự án riêng. "Chúng ta không thể vì một số vướng mắc nhỏ mà để dự án 8.400 tỷ đồng treo từ năm này qua năm khác", ông Vĩnh nhấn mạnh.
Theo Ban quản lý đô thị, Biên Hòa hiện có 25 điểm ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng của thành phố đã quá cũ kỹ nên khi mưa lớn, nước không thoát kịp. Ngoài ra, việc đô thị hóa nhanh như hiện nay cũng khiến các hồ chứa nước, kênh mương bị xâm chiếm nghiêm trọng.